Những bước tiến của ngành Thuế

Đăng lúc: Thứ hai - 20/07/2015 08:34
Ngày 10-9-1945, Chính phủ đã có sắc lệnh số 27 về việc “lập ra một số thuế quan và thuế gián thu” để thực hiện các công việc: “thu các quan thuế nhập cảng và xuất cảng; thu các thuế gián thu có biên vào tổng số dự toán; thu các món tiền do sự kinh doanh các độc quyền mà có; thu hộ các thuế lặt vặt cho quỹ địa phương, quỹ thành phố hay quỹ các phòng thương mại” đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển của ngành Thuế Việt Nam.

NHỮNG DẤU MỐC QUAN TRỌNG

Ngành Thuế ra đời cùng với ngành Tài chính, là một bộ phận cực kỳ quan trọng của hệ thống tài chính. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước, mà trực tiếp ở Trung ương là của Bộ Tài Chính, ở địa phương của hệ thống chính quyền các cấp, công tác thuế nói chung, ngành Thuế nói riêng đã có sự trưởng thành vượt bậc và đã đạt được các thành tựu quan trọng trong các giai đoạn lịch sử.

Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước, đặc biệt từ sau thời điểm xóa cơ chế tập trung bao cấp, nguồn thu của ngân sách chủ yếu là từ thuế. Nhà nước điều tiết thu nhập xã hội thông qua chính sách thuế để hình thành quỹ tiền tệ tập trung, qua đó cân đối chi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Giao dịch tại Cục Thuế tỉnh.
Giao dịch tại Cục Thuế tỉnh.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), cả nước áp dụng Điều lệ Thuế Nông nghiệp; sau đó ban hành Pháp lệnh Thuế Nông nghiệp, Thuế Công thương nhiệp tạm thời áp dụng 2 chính sách thuế khác nhau ở 2 miền. Đến năm 1980, thống nhất chế độ thu trong cả nước. Trong xí nghiệp quốc doanh thì áp dụng chế độ thu quốc doanh và trích nộp lợi nhuận…

Đến năm 1990, Quốc hội thông qua 3 Luật thuế (Thuế doanh thu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế lợi tức) tạo ra sự bình đẳng nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế. Đến nay Nhà nước tiếp tục ban hành các sắc thuế phù hợp, thật sự đi vào cuộc sống, kịp thời đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên, ngay từ sau ngày giải phóng, lực lượng thuế ở tỉnh hình thành các bộ phận: Thuế Nông nghiệp, Thuế Công thương nghiệp, thu quốc doanh nằm trong tài chính. Cùng với nhịp độ phát triển của nền kinh tế, đến cuối năm 1980 đã tách bộ phận Thuế Công thương nghiệp thành Chi cục thuế Công thương nghiệp tỉnh, Phòng thuế Công thương nghiệp các huyện trực thuộc Cục thuế Trung ương (thuộc Bộ Tài chính).

Sau thời gian ngắn, tiếp tục tách bộ phận thuế nông nghiệp của ngành Tài chính nhập vào Chi cục thuế Công thương nghiệp, hình thành Chi cục thuế Công thương nghiệp và Nông nghiệp tỉnh, Phòng thuế Công thương nghiệp và Nông nghiệp huyện độc lập đảm nhận 2 nguồn thu lúc bấy giờ.

Qua thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế không ngừng phát triển, vào cuối năm 1990, Nhà nưóc quyết định thành lập tổ chức bộ máy ngành thuế: ở Trung ương là Tổng cục Thuế, ở địa phương tách bộ phận thu quốc doanh nhập vào Thuế Công thương nghiệp và Nông nghiệp gọi là Cục thuế tỉnh và Chi cục thuế các huyện, chịu sự song trùng lãnh đạo (vừa trực thuộc UBND cùng cấp, vừa trực thuộc hệ thống ngành dọc thuộc Tổng cục Thuế) nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý thu tốt các nguồn thu trên địa bàn theo các chính sách thuế hiện hành.

DẤU ẤN CỦA NGÀNH THUẾ TIỀN GIANG

Với chính sách thuế từng bước được xây dựng và hoàn thiện, mức điều tiết thu nhập hợp lý và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đã thúc đẩy sản xuất phát triển, hàng hóa lưu thông được thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa càng được đẩy mạnh, thu hút càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư vào địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Với tổ chức bộ máy, ngành Thuế được kiện toàn ngày càng vững mạnh, thực thi tốt nhiệm vụ thu thuế, kết quả thu thuế ngày càng nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu chi ngân sách ngày càng lớn, phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại địa phương.

Những năm đầu mới giải phóng 1975, nguồn thu ngân sách về thuế không đáng kể (thuế Nông nghiệp chủ yếu thu bằng hiện vật, thuế Công thương nghiệp còn nhỏ bé, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chế độ thu quốc doanh và trích nộp lợi nhuận)… đến năm 1985 số thu tăng lên gấp 10 lần so với năm 1977; đến năm 2004 số thu đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, năm 2010 là 1.392 tỷ và năm 2015 sẽ là 3.440 tỷ đồng.

Đi đôi với công tác tuyên truyền để mọi đối tượng nộp thuế thông suốt chính sách thuế hiện hành của Nhà nước, từ năm 2005 ngành Thuế phát huy kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo cơ chế “một cửa” từ tháng 7-2004; đăng ký quản lý chất lượng theo TCN ISO 9001-2000 trong năm 2006. Từng bước cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý theo mô hình chức năng cùng cả nước thực hiện từ năm 2007.

Triển khai thực hiện chủ trương cải cách và hiện đại hoá ngành Thuế theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 theo kế hoạch của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Ra sức củng cố tổ chức bộ máy, quan tâm đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho lực lượng trong ngành đủ sức đảm đương nhiệm vụ theo yêu cầu của tình hình mới.

Ngành Thuế Tiền Giang cũng tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ như: Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện chế độ mở sổ sách kế toán, mua bán hàng hóa có chứng từ hóa đơn, kê khai thuế điện tử, tổ chức tốt 4 bộ phận chức năng; mở rộng diện thu thuế qua hệ thống kho bạc Nhà nước, ngân hàng…

Ngành Thuế cũng xây dựng tốt tổ chức đội thuế liên xã, phường và hướng dẫn các đối tượng nộp thuế trở thành thói quen tập quán… Thực hiện phương châm: Cơ quan thuế và doanh nghiệp là bạn đồng hành, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đồng thời nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp “tự khai - tự tính - tự nộp thuế” đúng kỳ, đủ số và cộng đồng trách nhiệm trong thực thi chính sách pháp luật thuế hiện hành.

40 năm qua, ngành Thuế Tiền Giang được khen thưởng: 21 Huân chương Lao động các loại, 43 Bằng khen của Chính phủ, 146 Bằng khen của Bộ Tài chính, 313 Bằng khen của UBND tỉnh, 945 Giấy khen của Tổng cục Thuế. Đặc biệt toàn ngành được tặng 16 Cờ thi đua đơn vị xuất sắc.

Hiện nay, ngành Thuế Tiền Giang cùng ngành Thuế cả nước ra sức thực hiện tốt Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam; coi trọng, xây dựng và gìn giữ các giá trị: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.

Khánh Linh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 335
  • Khách viếng thăm: 258
  • Máy chủ tìm kiếm: 77
  • Hôm nay: 38826
  • Tháng hiện tại: 2407251
  • Tổng lượt truy cập: 48781378