Dự án thay đổi diện mạo phía Đông của tỉnh: Đòi hỏi từ thực tiễn

Đăng lúc: Thứ tư - 15/07/2015 10:04
Trong thành tựu 40 năm qua của ngành Nông nghiệp có sự đóng góp rất lớn của các dự án, chương trình trọng điểm. Dự án Ngọt hóa Gò Công (NHGC) là một trong những dự án trọng điểm được đánh giá thành công nhất. Sau gần 40 năm vận hành, Dự án NHGC đã góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo của các huyện, thị phía Đông của tỉnh. Thiếu lương thực thường xuyên xảy ra, kèm theo tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi khiến đời sống nhân dân hết sức khó khăn là thực tế được đặt ra ở khu vực phía Đông của tỉnh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Những ngày đầu thực hiện Dự án NHGC (ảnh tư liệu).
Những ngày đầu thực hiện Dự án NHGC (ảnh tư liệu).

1. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của người dân. Sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát một số vùng trong tỉnh để nắm tình hình sản xuất và thu nhập của người dân.

Trên cơ sở khảo sát thực tế, Tỉnh ủy đã đề ra các chương trình và tập trung vào các “điểm nóng” nhằm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp: Phân công ngành Thủy lợi và Nông nghiệp tranh thủ Bộ Thủy lợi và Bộ Nông nghiệp đầu tư thiết bị và lắp đặt cống thủy lợi Bình Phan (huyện Chợ Gạo); địa phương vận động nhân dân đào, nạo vét kinh cặp lộ 24 từ xã Bình Phan đến sát TX. Gò Công để phục vụ cho nhân dân sản xuất 2 vụ, từng bước ngọt hóa Gò Công (NHGC); đồng thời chuẩn bị xây cống, đập Bình Phan nhằm giải quyết bài toán sản xuất nông nghiệp.

Thực tiễn đã đặt ra trong giai đoạn này là nguồn sinh sống của người dân khu vực phía Đông của tỉnh là sản xuất nông nghiệp nhưng lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt là phụ thuộc vào điều kiện nguồn nước ngọt ở cửa sông, rạch. Tình hình nhiễm mặn chi phối cả thời vụ lẫn năng suất cây trồng khiến cho sản xuất nông nghiệp cả khu vực gặp rất nhiều khó khăn.

Lão nông Trịnh Văn Chót, ấp Bà Lẫy I, xã Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông) nói với chúng tôi rằng, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình ông chỉ làm được 1 vụ lúa nhưng năng suất rất thấp, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. “Nhiều khu vực phải bỏ hoang do đất bị nhiễm mặn, nhiều người phải đi nơi khác để làm ăn kiếm sống vì đời sống rất khó khăn” - ông Trịnh Văn Chót nhớ lại.

Đặc thù của khu vực phía Đông giai đoạn này là đất bị nhiễm mặn trầm trọng vào đầu và giữa vụ, do hệ thống kinh dẫn tạo nguồn không đủ về quy mô, số lượng và do bị ngập úng khi gặp lũ và triều cường (diện tích mặn ước tính 28.500 ha; diện tích ngập úng do mưa, lũ, triều cường khoảng 36.818 ha) nên vụ đông xuân hầu như không trồng cấy được, vụ hè thu chỉ làm được cục bộ một vài nơi nhưng bấp bênh, vụ mùa năng suất thấp, không ổn định. Còn những cây trồng khác trong vùng cũng cho năng suất rất thấp, chi phí sản xuất lại cao.

Chính điều kiện như thế nên tình trạng thiếu lương thực thường xuyên xảy ra, kèm theo thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi khó tránh khỏi. Với diện tích tự nhiên khoảng 54.400 ha, trong đó diện tích canh tác 38.280 ha nhưng tổng sản lượng lúa cả năm chỉ đạt trên 90.000 tấn (năng suất bình quân 2,207 tấn/ha).

2. Khu vực phía Đông của tỉnh được chia làm 3 vùng sản xuất nông nghiệp chính dựa vào đặc điểm tự nhiên của từng tiểu vùng. Vùng 1 nằm phía Đông kinh Chợ Gạo có diện tích canh tác khoảng 9.200 ha, dùng nước ngọt của kinh Chợ Gạo và sông Mỹ Tho, thời gian nước ngọt từ 7 - 10 tháng, có khả năng phát triển 3 vụ lúa/năm, nhưng vì chưa có công trình thủy lợi nên chỉ cấy 1 vụ, cục bộ một số nơi cấy 2 vụ.

Vùng 2 nằm phía Nam lộ 862 thuộc huyện Gò Công Tây và một phần phía Đông TX. Gò Công, có diện tích canh tác 19.600 ha, dùng nước ngọt của kinh Xuân Hòa - Cầu Ngang, Vàm Giồng, có nước ngọt từ 7 - 8 tháng/năm, có khả năng cấy 2 - 3 vụ lúa nhưng hầu hết diện tích chỉ cấy được 1 vụ, có vài nơi tranh thủ gieo sạ thêm vụ hè thu nhưng bấp bênh, năng suất thấp.

Vùng 3 nằm phía Đông Bắc của vùng, phía Bắc TX. Gò Công, có diện tích canh tác 8.500 ha, được chia làm 2 khu: Khu phía Tây rạch Gò Công 2.030 ha, khu phía Đông rạch Gò Công 6.470 ha, mặn từ 6 - 12 tháng/năm. Khu vực này chưa có công trình thủy lợi đưa nước từ các nơi có nước ngọt xuống nên chủ yếu sản xuất 1 vụ vào mùa mưa.

Những ngày đầu thực hiện Dự án NHGC (ảnh tư liệu).
Những ngày đầu thực hiện Dự án NHGC (ảnh tư liệu).

Do không đủ nước tưới nên diện tích trồng rau màu cũng không đáng kể, một số nơi tranh thủ nguồn nước mưa để trồng một số loại rau chủ yếu là để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cây ăn trái ở vùng này là những loại cây có thể chịu nước mặn, nước lợ như dừa, sơ ri, mãng cầu nhưng hiệu quả cũng không cao. Thủy sản chủ yếu khai thác từ đánh bắt tự nhiên, chưa phát triển nghề nuôi.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có một số hộ nuôi vài con heo, 5 - 7 con gà phục vụ nhu cầu thực phẩm trong gia đình. “Cơ cấu kinh tế nông thôn lạc hậu do xuất phát điểm thấp, trong đó khu vực I chiếm tỷ trọng lớn (90%), sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự túc, tự cấp; khu vực II và III chưa được quan tâm đầu tư nên kém phát triển” - lãnh đạo Sở NN&PTNT đánh giá.

Khi tìm hiểu về tình hình sản xuất nông nghiệp giai đoạn này cũng như những điểm khởi đầu cho Dự án NHGC, ông Phan Văn Nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, người đã gắn bó hàng chục năm với ngành Nông nghiệp và gắn bó suốt quá trình xây dựng Dự án NHGC nhớ lại:

“Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực phía Đông do chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nên chỉ sản xuất được một vụ lúa trong năm, mang tính tự cấp, tự túc.

Nhìn chung, tình hình sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn (năng suất thấp, chi phí sản xuất lớn…) nên giá trị thặng dư mà người nông dân được hưởng rất thấp, chưa kể tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi trong mùa khô.

Nhu cầu về lương thực và nâng cao đời sống của người dân trở nên rất cấp bách. Thời điểm này, một dự án có quy mô tương đối lớn nhằm cải thiện tình hình sản xuất nông nghiệp ở khu vực phía Đông đã manh nha hình thành”.

Thế Anh - Ngô Văn (Còn tiếp
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Hôm nay: 43935
  • Tháng hiện tại: 2276485
  • Tổng lượt truy cập: 46243718