Dự án thay đổi diện mạo phía Đông của tỉnh: Cuộc "cách mạng" trong SXNN

Đăng lúc: Thứ hai - 20/07/2015 08:37
Bài 1: Đòi hỏi từ thực tiễn Bài 2: Từ ý tưởng đến hiện thực

Việc tăng vụ, tăng năng suất, đa dạng hóa cây trồng song hành với việc xây dựng các công trình thủy lợi. Không chỉ trong canh tác, dự án còn cấp nước sinh hoạt, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân. Và Dự án Ngọt hóa Gò Công (NHGC) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những dự án thủy lợi thành công nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp.
Hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp.

Tăng vụ, tăng năng suất

Có dịp về vùng NHGC, chúng ta sẽ được tận mắt nhìn thấy những cánh đồng lúa trĩu hạt vàng óng ánh trải dài từ huyện Chợ Gạo đến ven biển Gò Công. Những vùng rau xen canh, chuyên canh xanh tốt chạy dài ngút tầm nhìn.

Trong cái nắng gay gắt, anh Nguyễn Minh Hùng, xã Bình Ân (huyện Gò Công Đông) nhuễ nhại mồ hôi tưới vườn rau xà lách xen bầu đang xanh tươi. Anh Hùng cho biết: “Tôi và nhiều bà con ở đây trồng rau quanh năm. Có điều mùa khô trồng rau khó hơn mùa mưa do phải lấy nước xa ở tận kinh lớn. Mỗi lần thu hoạch rau, tôi có lời khoảng 2 triệu đồng/công”.

Khi hỏi về hiệu quả từ Dự án NHGC mang lại, người dân ở đây đều bày tỏ phấn khởi về những thay đổi đến không ngờ ở vùng đất này. Họ cho biết, trước khi có dự án, vùng này chỉ sản xuất được 1 vụ lúa. Ngày nay, nông dân nơi đây có thể sản xuất từ 2 - 3 vụ. Nhiều nơi, cây rau màu có thể bám trụ và góp phần tole hóa, ngói hóa nhà dân ở nhiều xóm làng. Tất cả những điều có được hôm nay là nhờ Dự án NHGC mang lại.

Những người cao niên ở vùng ngọt hóa nhớ lại: Ngày trước, người dân nơi đây rất nghèo do mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, rau màu càng không thể trồng được; mùa khô lo thiếu nước ngọt sinh hoạt. Bây giờ sản xuất nông nghiệp tăng lên 2 vụ, rồi 3 vụ lúa trong năm. Kéo theo đó, giao thông nông thôn cũng phát triển, không còn phải lo cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Trên cơ sở đó, những năm gần đây, các huyện, thị phía Đông của tỉnh đi vào thâm canh lúa đặc sản xuất khẩu. Không chỉ lúa, cây màu cũng đang tăng dần diện tích theo hướng luân canh lúa - màu, chuyên canh và hiệu quả mang lại rất lớn. Số liệu thống kê cho thấy, trước khi có dự án, sản xuất cây lúa là chủ yếu nhưng chỉ 1 vụ mùa, năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha…

“Bây giờ đã khác. Sản xuất lúa 3 vụ, không sợ thiếu nước ngọt. Năng suất lúa lên đến 6 - 7 tấn/ha, có khi lên đến 8 - 9 tấn/ha. Với 3 ha canh tác lúa, mỗi năm tôi thu hoạch trên 50 tấn lúa, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 60 triệu đồng” - ông Trịnh Văn Chót, ngụ ấp Bà Lẫy 1, xã Tân Hòa, huyện Gò Công Đông cho biết.

Dự án đi vào khai thác, điều kiện sản xuất được cải thiện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. “Năng suất lúa hiện nay dường như đụng trần. Ngay cả khu vực Bình Xuân, đất nhiễm phèn khá nặng nhưng có vụ đã đạt năng suất 10 tấn lúa tươi/ha nên rất khó có thể tăng thêm nữa.

Vấn đề quan tâm hiện nay là chuyển sản xuất lúa theo hướng giống chất lượng cao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho người dân” - ông Trần Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết.

Dưa hấu Gò Công rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Tư liệu
Dưa hấu Gò Công rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Tư liệu

Đến xây dựng vùng chuyên canh tập trung

Sản lượng lúa gia tăng nhờ được đầu tư thâm canh và tăng vụ, cùng với đó nông dân chuyển đổi giống lúa mùa địa phương bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như IR64, VND 95-20, AS 996... vùng NHGC đã trở thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh và đang chuyển hướng vào sản xuất lúa đặc sản xuất khẩu.

Giờ đây, nói đến Gò Công, người ta nghĩ ngay vùng thâm canh lúa đặc sản, chủ yếu là giống VD 20. Được du nhập vào những năm 1995 - 2000, hiện nay VD 20 đã trở thành giống lúa phổ biến ở đây, giúp cho nhiều nông dân vươn lên khá giàu. Nói đến địa phương trọng điểm về trồng lúa đặc sản phải kể đến huyện Gò Công Tây.

Theo đánh giá của Phòng NN và PTNT huyện Gò Công Tây, những năm qua người dân đã chuyển sang trồng lúa thơm xuất khẩu, ước tính mỗi mùa vụ diện tích lúa thơm ở huyện chiếm từ 60% - 70%; tỷ lệ diện tích sản xuất giống lúa đặc sản cũng rất cao.

Sản lượng lúa tăng gần 5 lần

Tại hội nghị đánh giá hiệu quả Dự án NHGC gần đây, lãnh đạo Sở NN và PTNT cho biết: Khi chưa có dự án, năng suất lúa chỉ đạt 2,2 tấn/ha, sản lượng lúa trong vùng năm 1976 là 91.605 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 200 kg.

Đến những năm gần đây, tổng sản lượng lúa mỗi năm đạt 420.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 976 kg/người. Ngoài ra, từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại thu nhập cao hơn lúa từ 2 - 2,5 lần, cá biệt có mô hình cao gấp 5 - 8 lần trồng lúa.

Trên cơ sở cải thiện nguồn nước tưới, các phong trào chuyển đổi cây trồng theo hướng luân canh, xen canh lúa - màu nhằm hạn chế sâu bệnh, nâng cao độ phì nhiêu của đất và để da dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, khai thác hết tiềm năng của đất, tăng thu nhập nông dân.

Từ đây nổi lên những vùng xen canh lúa - màu như 2 vụ lúa - 1 vụ dưa hấu ở các xã: Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Bình Phú (huyện Gò Công Tây); các mô hình luân canh lúa - đậu phộng - bắp công nghiệp, lúa - rau, đậu - bắp của nông dân huyện Chợ Gạo cho lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/năm.

Hay những hộ nông dân trồng ngò gai, rau thơm các loại cho thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng ở TX. Gò Công. Hiện nay, diện tích rau màu trong vùng NHGC khoảng 13.000 ha, sản lượng trên 100.000 tấn mỗi năm.

Thương hiệu dưa hấu Gò Công cũng được nhiều người biết đến từ vùng đất từng nổi tiếng khắc nghiệt. Giờ đây, ngoài lúa, rau, cây ăn trái cũng có điều kiện phát triển, hình thành nên thương hiệu trái cây đặc sản của tỉnh như sơ ri Gò Công.

Đến nay, các huyện, thị trong vùng ngọt hóa đã phát triển hơn 1.000 ha vườn xoài, nhãn, sa pô, mận, cây có múi, sơ ri, sản lượng hàng năm trên 100.000 tấn. “Thành công lớn nhất của Dự án NHGC là làm nên cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa từ 1 vụ nâng lên 2 - 3 vụ/năm với năng suất khoảng 2 tấn/ha, nâng lên 6 - 10 tấn/ha.

Ngoài ra, trong vùng còn hình thành các vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái” - bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông đánh giá.

Thế Anh - Ngô Văn (còn tiếp)
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 257
  • Khách viếng thăm: 255
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1218
  • Tháng hiện tại: 2282875
  • Tổng lượt truy cập: 48657002