Ngành Nông nghiệp Tiền Giang cần phát huy lợi thế cây trồng và vật nuôi

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/11/2013 09:52
Ngày 28-11, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT về tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2013 và lắng nghe kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Ngày 28-11, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT về tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2013 và lắng nghe kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Báo cáo với đoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Hóa cho biết, năm 2013, toàn tỉnh xuống giống 235.625ha lúa, năng suất đạt 57,24 tạ/ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn; 70.925ha diện tích cây ăn trái, sản lượng thu hoạch trên 1,2 triệu tấn; diện tích nuôi thủy sản 11,9 ngàn ha, sản lượng thủy sản khai thác 92,2 ngàn tấn; 974ha/1.160 hộ trồng lúa tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn; tập trung chỉ đạo địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới…

Theo ông Hóa, Tiền Giang tiếp tục triển khai trên diện rộng các tiến bộ kỹ thuật như: Chương trình “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, sản xuất theo hướng GAP… Những mô hình này được nông dân tiếp thu và áp dụng vào sản xuất đạt kết quả tốt. Các chính sách hỗ trợ nông dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, thu mua tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch… đã giúp nông dân ổn định sản xuất trong những lúc khó khăn.

Các công trình thủy lợi phát huy tác dụng, tổ chức vận hành hợp lý, đảm bảo nước cung cấp đủ cho sản xuất và dân sinh, đem lại hiểu quả thiết thực. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang gặp không ít khó khăn do mặn trên các cửa sông xuất hiện sớm, nồng độ cao và xâm nhập nhanh vào nội đồng, gây khó khăn cho sản xuất.

Tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh vẫn còn xảy ra. Các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản hàng hóa tiêu thụ khó khăn, tồn kho và nợ đọng kéo dài, giá thấp nên người nuôi bị lỗ. Hiện tượng suy thoái và xói lở rừng phòng hộ đê biển Gò Công, gây xâm thực bờ biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê biển và giảm diện tích rừng…

Sở NN&PTNT cũng kiến nghị với Chính phủ và bộ, ngành Trung ương cần công bố hỗ trợ mỗi xã kinh phí hàng năm và 5 năm để địa phương chủ động huy động và cân đối các nguồn lực để thực hiện các chương trình hiệu quả hơn; xem xét, ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức khác để thực hiện các chương trình.

Đề nghị Chính phủ điều chỉnh nội dung điểm b, điều 1 Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 8-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho các công trình như: xây dựng trường học đạt chuẩn, xây dựng trạm y tế xã, xây dựng nhà văn hóa xã, ấp.

Đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành hướng dẫn thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra NN&PTNT, xem xét, chấp thuận đưa Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tiền Giang vào quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước; đề nghị cho địa phương cơ chế sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết hàng năm để đầu tư các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh...

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực phát triển cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi, lúa gạo. Bên cạnh những mặt đạt được thì cũng còn gặp không ít khó khăn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được một số mặt đáng kể nhưng địa phương vẫn còn lúng túng trong một số tiêu chí; đồng thời ông kiến nghị Bộ NN&PTNT cho phép chuyển tiền đầu tư mở rộng Cảng cá Mỹ Tho sang mở rộng và nâng cấp Cảng cá Vàm Láng…

Đoàn công tác đã phân tích, giải thích về những kiến nghị của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang và đề nghị Tiền Giang cần xây dựng, củng cố các mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất trái cây rải vụ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, mục đích là nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tiền Giang đã có mô hình HTX gà ta Gò Công và mô hình nuôi gà tre ở Chợ Gạo rất có hiệu quả. Đây là những mô hình rất hay nhưng cần liên kết lại với nhau theo hướng bền vững.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thế mạnh của Tiền Giang là cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản và lúa gạo. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản cũng diễn biến phức tạp.

“Sở NN&PTNT tích cực tham mưu UBND tỉnh về việc tái cơ cấu ngành theo hướng xác định cây gì, con gì là thế mạnh của tỉnh, từ đó tập trung phát triển. Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản trả lời về khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Tiền Giang. Việc liên kết thì phải tìm ra người “chủ xị” để kết nối với nhau. Khắc phục những hạn chế để đẩy mạnh phát triển các mô hình GAP; tập trung công tác xúc tiến thương mại; chú ý nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường chỉ đạo xây dựng nông thôn mới bằng những biện pháp cụ thể; quy hoạch đầu tư vào vùng sản xuất trọng điểm…”- ông Trần Thanh Nam yêu cầu.

Sĩ Nguyên
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 379
  • Khách viếng thăm: 376
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 22025
  • Tháng hiện tại: 119757
  • Tổng lượt truy cập: 49266234