Nuôi tôm "trong nhà" hiệu quả nhân đôi

Đăng lúc: Thứ tư - 04/12/2013 15:36
Vốn là nông dân thành công với nghề sản xuất nghêu giống, nhưng do gần 2 năm nay giá nghêu giống quá thấp nên ông Trần Văn Vinh (ngụ ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) có ý tưởng tận dụng trang thiết bị có sẵn ở trại sản xuất nghêu giống của mình để nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Với đức tính cần cù, đam mê nghiên cứu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông lại tiếp tục thành công với mô hình nuôi tôm trong nhà có mái che kín.

Nuôi tôm trong “nhà mái tôn”

Ở vùng nước mặn ven biển Gò Công, hầu như người dân có đất đai nơi đây nếu không gắn bó với nghề nuôi nghêu thì cũng chọn nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng để làm ăn sinh sống. Ông Vinh cũng vậy, nghề sản xuất nghêu giống đã từng đem lại cho ông lợi nhuận hàng tỷ đồng vào những năm trước đây và được tặng danh hiệu “Vua nghêu ở xứ nghêu”, nhưng nay không còn mang lại hiệu quả nữa nên ông nghĩ ngay đến việc nuôi tôm trong chính trại sản xuất nghêu giống diện tích 10.000 m2 của mình, với suy nghĩ tận dụng những trang thiết bị, dụng cụ sẵn có để tiết giảm chi phí.

Toàn bộ hệ thống ao nuôi theo 3 giai đoạn của ông Vinh.
Toàn bộ hệ thống ao nuôi theo 3 giai đoạn của ông Vinh.

Tuy nhiên, nuôi tôm những năm gần đây là một nghề rủi ro rất cao do dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm ở địa phương phải “mất trắng”, lâm vào cảnh nợ nần. Do đó, để bắt đầu vào nghề nuôi tôm, ông đã phải tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều về đặc điểm sinh học, sinh trưởng của con tôm và ông đã rút ra kết luận: “Với quy trình nuôi tôm hiện nay thì mọi yếu tố ảnh hưởng đến tôm nuôi đều có thể kiểm soát tốt, duy chỉ có điều kiện thời tiết như: nhiệt độ, mưa bão, nắng hạn… và dịch hại (do chim, cò là tác nhân mang lại) là chưa chủ động phòng, chống được. Đây là nguyên nhân khiến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh, mức độ rủi ro cao”.

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, tôm nuôi 1 tháng tuổi có tỷ lệ hao hụt rất cao, dịch bệnh xảy ra phổ biến nhất trong giai đoạn này. Chưa hết, với điều kiện diện tích đất không lớn (chỉ 1 ha) nên việc sử dụng ao nuôi hợp lý là yêu cầu đặt ra để đạt năng suất tôm nuôi cao nhất. Hơn nữa, muốn thả tôm với mật độ cao để nâng cao năng suất tôm thì điều trở ngại là hàm lượng oxy khi sử dụng bằng quạt nước thông thường kết hợp với sử dụng máy sục khí cũng không đáp ứng được yêu cầu oxy của tôm nuôi.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Vinh đã xây dựng quy trình nuôi tôm qua 2 giai đoạn nuôi. Giai đoạn 1 (khoảng 1 tháng) tôm được bố trí nuôi trong hệ thống bể xi măng bố trí trong nhà có mái che kín bằng tôn để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thời tiết lên tôm nuôi. Bên cạnh đó, máy thổi nước phối trộn với khí theo công nghệ châu Âu được sử dụng thay cho cánh quạt nước thông thường để đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước đáp ứng nhu cầu của tôm.

Lúc này, hệ thống nuôi tôm giai đoạn 1 của ông gồm 2 bể xi măng trong nhà có mái che kín, diện tích 100m2/bể, mực nước được duy trì khi nuôi là 1 m; hệ thống ao nuôi giai đoạn 2 gồm 4 ao nổi lót bạt hoàn toàn ngoài trời, trong đó có 2 ao diện tích 500m2/ao và 2 ao diện tích 1.000m2/ao. Ngoài ra, trại nuôi tôm còn được trang bị 8 máy đẩy nước phối trộn với khí và 4 máy cho tôm ăn tự động.

Hiệu quả bất ngờ

Trong mô hình nuôi tôm của ông Vinh, tất cả các khâu cải tạo ao, lấy nước, xử lý nước ao, gây màu… đều tương tự đối với các mô hình nuôi tôm thông thường. Tuy nhiên, việc hạn chế đến mức thấp nhất liều lượng dùng các loại hóa chất xử lý nước được đặc biệt chú ý.

Ông Vinh cho biết, để tận dụng triệt để mặt nước ao nuôi tôm, trong giai đoạn 1 (1 tháng đầu tiên sau khi thả giống), tôm thẻ chân trắng giống được thả nuôi với mật độ 1.000 con/m2. Kết thúc giai đoạn 1, tôm đạt cỡ 900 - 1.000 con/kg, sau đó tôm được kéo lưới chuyển qua hệ thống ao nuôi giai đoạn 2, với ba mật độ khác nhau và tất cả các đợt nuôi này đều thành công. Cụ thể:

- Đối với mật độ nuôi 60 con/m2, sau 65 - 67 ngày nuôi, bình quân các ao tôm đạt năng suất 1 tấn/công (10 tấn/ha), cỡ tôm thu hoạch 55 con/kg. Với giá bán 140 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất khoảng 80 ngàn đồng/kg, lợi nhuận vụ tôm này đạt 70 triệu đồng/1.000 m2.

Đối với mật độ thả nuôi 150 con/m2, sau thời gian nuôi khoảng 60-65 ngày, tôm nuôi đạt cỡ bình quân 50-55 con/kg, năng suất tôm đạt 1,5 tấn/1.000 m2 (15 tấn/ha). Giá thành sản xuất cho vụ này bình quân 75 ngàn đồng/kg, tôm bán được với giá 145 ngàn đồng/kg, lợi nhuận 100 triệu đồng/1.000m2.

Ở mật độ 200 con/m2, tôm nuôi cũng phát triển bình thường đến 45 ngày tuổi, nhưng do sản lượng tôm quá lớn, trong khi hệ thống đẩy nước phối trộn với khí không đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho tôm nên vụ tôm này chỉ thu hoạch sau 45 ngày thả giống. Tuy nhiên, tôm nuôi vẫn đạt cỡ 100 con/kg, năng suất tôm thu hoạch đạt 2 tấn/1.000m2 (20 tấn/ha), cao gấp đôi so với nuôi thông thường, với tỷ lệ sống gần 100%, giá thành sản xuất 65 ngàn đồng/kg. Với giá bán 110 ngàn đồng/kg, vụ tôm này sau khi trừ chi phí vẫn còn lời 90 triệu đồng/1.000m2. Tính ra, tổng lợi nhuận qua 3 vụ nuôi của ông Vinh trong năm 2013 hơn 1 tỷ đồng trên diện tích mặt nước ao nuôi 3.000 m2, với tỷ lệ rủi ro thấp.

Mới đây, ông Vinh đã thử nghiệm nuôi đối chứng ao tôm nuôi 2 giai đoạn trong nhà kín, với ao tôm hoàn toàn nằm ngoài trời với cùng một lô giống, cùng kỹ thuật xử lý và quản lý môi trường nước. Kết quả, tôm trong ao ngoài trời đã bị bệnh chết ở 20 ngày tuổi, trong khi tôm nuôi trong mô hình nuôi theo 2 giai đoạn trong nhà kín đến nay vẫn phát triển bình thường. Điều này cho thấy, nuôi tôm theo mô hình của ông Vinh có rủi ro thấp hơn rất nhiều so với cách nuôi thông thường.

Tiếp tục hoàn thiện

Theo ông Vinh, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng mô hình nuôi tôm theo hai giai đoạn đã thực hiện vẫn chưa hoàn chỉnh, rủi ro trong nuôi tôm vẫn có thể xảy ra, bởi hiện nay tôm nuôi phải trên 40 ngày tuổi mới đảm bảo có lãi, trong khi giai đoạn 1 của mô hình chỉ có thể nuôi trong 30 ngày.

Do đó, hiện ông đang hoàn chỉnh hệ thống nuôi theo 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn cách nhau 20-25 ngày), trong đó hệ thống nuôi giai đoạn 1 gồm 2 bể xi măng trong nhà có mái che kín bằng tôn, diện tích 100m2/bể; hệ thống nuôi giai đoạn 2 gồm 2 ao nổi lót bạt hoàn toàn trong nhà có mái che kín bằng tôn, diện tích 250m2/bể và hệ thống ao nuôi giai đoạn 3 gồm có 2 ao lót bạt hoàn toàn ngoài trời, diện tích 1.000m2/ao. Bên cạnh đó, ông cũng đang nghiên cứu, thiết kế hệ thống vận chuyển tôm giữa các ao tự động theo đường ống để tôm không bị mất sức và tiết giảm chi phí.

Theo ông Vinh, tổng vốn đầu tư cho hệ thống nuôi gồm nhà tôn, bể xi măng, bể bạt, máy phối trộn nước với khí… của hệ thống nuôi 3 giai đoạn là hơn 1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, có thể ông sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà lưới cho 2 ao nuôi tôm giai đoạn 3 để hệ thống nuôi hoàn thiện hơn.

Qua những kết quả đạt được từ mô hình nuôi tôm của ông Vinh, nhiều hộ sản xuất, ương nghêu giống, nuôi tôm ở địa phương đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và sản xuất bước đầu mang lại kết quả khả quan. Với những thành tích đạt được trong quá trình sản xuất, ông Vinh được công nhận là gương điển hình lao động giỏi của ngành Thủy sản và mô hình nuôi tôm theo 2 giai đoạn của ông được ngành Nông nghiệp tỉnh chọn là mô hình nuôi hiệu quả được báo cáo điển hình trong Hội nghị tổng kết vụ nuôi tôm nước lợ năm 2013, do Tổng cục Thủy sản tổ chức.

Thành Công
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

nuôi tôm trong nhà

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 205
  • Khách viếng thăm: 204
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 24172
  • Tháng hiện tại: 2469062
  • Tổng lượt truy cập: 48843189