Doanh nghiệp chờ cơ hội mới

Đăng lúc: Thứ ba - 12/11/2013 08:31
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2013 có khả năng đạt 1 tỷ USD. Thế nhưng điều này chưa nói lên được tất cả, bởi kế hoạch về lợi nhuận của nhiều DN vẫn phải chờ đợi ở những cơ hội mới.
Không ít DN khó đạt chỉ tiêu về lợi nhuận trong năm 2013.

Không ít DN khó đạt chỉ tiêu về lợi nhuận trong năm 2013.

1. Trên bình diện chung, tình hình SXKD của các DN cả nước và trên địa bàn tỉnh gần đây có những dấu hiệu sáng hơn. Điều này thể hiện qua những con số cơ bản là giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và số lượng DN đầu tư mới. Đánh giá của Sở Công thương cho thấy, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do suy giảm kinh tế nhưng các DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, thu hút ngoại tệ, qua đó bảo đảm được việc làm và thu nhập cho đội ngũ lao động.

Trong 9 tháng qua, Tiền Giang đã đạt KNXK hàng hóa 757 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước và đạt 76% chỉ tiêu cả năm 2013. Kế đến là nhờ sự chủ động của các DN trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng, đối tác. Hiện nay DN đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang khắp các châu lục, trong đó mạnh nhất là khu vực châu Á, EU, châu Mỹ. Một số thị trường mới như châu Đại Dương, châu Phi, Trung Đông đang được khai thác, mở ra tương lai mới cho các mặt hàng xuất khẩu của địa phương.

Nhưng trên thực tế, cũng không ít câu hỏi được đặt ra là vì sao KNXK chung của tỉnh thời gian qua vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng hoạt động của các DN lại khó khăn? Nếu xem xét một cách cặn kẽ, nghịch lý này cũng không khó trả lời. Nếu phân tích sâu về kết quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thời gian qua mới thấy rằng, mặc dù số lượng, giá trị xuất khẩu tăng nhưng chưa chắc các DN có lợi nhuận tăng vì do giá thành sản xuất tăng cao.

Thứ nữa, nhìn vào cơ cấu xuất khẩu mới thấy giá trị xuất khẩu gia tăng chủ yếu tập trung vào những DN mới đầu tư thời gian gần đây hoặc những DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi chỉ riêng xuất khẩu ống đồng (chủ yếu là của Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng - KCN Long Giang, Tân Phước) đã chiếm 102 triệu USD; ngành may mặc cũng đạt 153 triệu USD nhưng chủ yếu là hàng gia công, giá trị tăng thêm rất thấp.

Trong khi các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Thủy sản, gạo… đều gặp rất nhiều khó khăn, tình hình tồn kho của các DN tương đối lớn. Nhìn vào kết quả xuất khẩu cũng có thể thấy thêm rằng, KNXK của các DN có vốn đầu tư trong nước chiếm đến 51%, còn lại thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Xét trên bình diện chung có thể thấy rằng KNXK của tỉnh đang tăng về số lượng nhưng giá trị gia tăng mang lại thực chất cũng chưa tương xứng.

Ghi nhận từ phía các DN thấy rằng, 2013 là năm mà các DN rất kỳ vọng nhưng thật sự khó khăn vẫn còn đó, mặc dù chính sách tiền tệ đã được nới ra và các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các DN được triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Các chính sách chung là rất tốt, việc triển khai thực hiện cũng được các sở, ngành quan tâm hỗ trợ nhưng thực sự là chính các DN phải nỗ lực bởi các chính sách chủ yếu vẫn là khuyến khích, động viên, vấn đề lớn nhất vẫn là nhu cầu của xã hội. Cái chính là nhu cầu tiêu thụ trên thị trường vẫn còn ít, niềm tin giữa các DN với nhau cũng giảm dần. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến dòng tiền, đầu tư sản xuất.

Nếu mỗi DN không có thay đổi về cách quản lý, mục tiêu chiến lược chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Nhận định tình hình kinh tế trong cả nước nói chung và của tỉnh hiện nay thấy rằng, chỉ ngoại trừ nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu có mức tăng trưởng tương đối, lợi ích mang lại không cao nhưng vẫn là nhóm ngành khả quan nhất. Khó khăn nhất hiện nay là ngành xây dựng cơ bản do phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, kéo theo là nhóm ngành vật liệu xây dựng do không có đầu tư của Nhà nước.
2. Chính bản thân các đơn vị xuất khẩu mới thấu hiểu hết những con số về KNXK và cũng chính DN mới đánh giá được hiệu quả đạt được ở mức độ nào. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO phân tích rằng, với “cú” dội mạnh của giá điện thời gian gần đây làm cho giá thành sản phẩm tiếp tục tăng thêm 5%, trong khi khả năng xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng chưa tăng “Duy trì được hoạt động ở mức hiện nay là tốt rồi, còn kế hoạch về lợi nhuận của năm 2013 chắc là phải buông thôi!”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

GODACO là một trong những DN có quy mô tương đối lớn, hoạt động trong nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu. Ngay từ đầu năm 2013, GODACO đã đưa ra mục tiêu là phấn đấu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, xuất khẩu 20.000 tấn sản phẩm các loại, KNXK đạt 40 triệu USD, lợi nhuận dự kiến đạt 100 tỷ đồng. Thế nhưng, đã gần hết năm 2013 tất cả các chỉ tiêu mà GODACO đưa ra đều rất khó đạt được.

Ở nhóm ngành kinh doanh lương thực xuất khẩu cũng không ngoại lệ. Giám đốc một công ty xuất khẩu lương thực có quy mô nhất nhì của tỉnh cũng tâm tư rằng, năm 2013 sẽ không đạt chỉ tiêu về lợi nhuận, cố gắng lắm cũng chỉ đạt chỉ tiêu doanh thu. Điều này có nghĩa là số lượng kinh doanh thì đạt nhưng hiệu quả không nhiều, do chịu tác động của rất nhiều khó khăn cả trong nước và thị trường nước ngoài, đặc biệt là giá xuất khẩu xuống rất thấp.

Cùng chung với nhận định này, ông Lâm Thọ Hải, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần May Tiền Tiến cho rằng, tình trạng chung của ngành may mặc thời gian qua là giá nguyên liệu tăng nhưng giá gia công không tăng, buộc lòng các DN trong ngành phải tập trung đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động; đồng thời công ty phải tăng cường tìm kiếm nguồn hàng, khách hàng mới. “Ngành dệt may cũng đang trông chờ vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào hoạt động nhằm tìm kiếm những cơ hội SXKD mới”- ông Lâm Thọ Hải cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia, các DN nhìn chung đang khó khăn để tập trung giải quyết những hệ quả của giai đoạn tăng trưởng nóng và những biến động mang tính đột ngột trên thị trường thời gian gần đây. Trong khi đó khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn đang tồn tại.

Hiện tại, tuy khó khăn đã vượt qua một phần nhưng khả năng năm 2014 tình hình kinh tế vẫn duy trì trạng thái như năm nay. Chính vì vậy, DN chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn cần phải xử lý. Tuy nhiên đây cũng là dịp để DN soi rọi lại chính mình. Đó là kiểm tra, đánh giá lại tình hình của nội bộ DN, chẳng hạn về nhân sự, tổ chức, chất lượng sản phẩm, tình hình công nợ… cái gì còn yếu cần nhanh chóng điều chỉnh, xử lý kịp thời. Trong giai đoạn này, DN muốn đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận cần phải được xem xét phương án một cách kỹ lưỡng và biết chờ thời cơ khi có cơ hội tốt hơn.

Thế Anh
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Hôm nay: 37625
  • Tháng hiện tại: 2482515
  • Tổng lượt truy cập: 48856642