Mỗi tác phẩm dự thi là món quà quý thể hiện tình cảm yêu kính đối với Bác

Đăng lúc: Thứ hai - 27/05/2013 13:30
Qua 01 năm phát động (ngày 19/5/2012 - 19/5/2013), Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ chí Minh” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình và tâm huyết của cả những người hoạt động chuyên nghiệp trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí và đông đảo lực lượng sáng tác, những cây bút không chuyên ở các ngành, địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (đứng giữa) trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhất

Ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (đứng giữa) trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhất

>> Kết quả cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần thứ III

Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 1.532 tác phẩm dự thi các thể loại, trong đó báo chí có 150 tác phẩm (của 127 tác giả) bao gồm báo in 118, truyền hình 12, phát thanh 19, ảnh 1; văn học - nghệ thuật 1.382 tác phẩm, bao gồm ca khúc 30, ca cổ 40, kịch - chập cải lương 12, thơ 500, văn xuôi 800. Căn cứ vào kết quả chấm thi của Hội đồng chung khảo, Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn và đề nghị trao thưởng cho 74 tác phẩm tiêu biểu. Trong đó, tác phẩm văn học, nghệ thuật có 45 giải (3 giải nhất, 8 giải nhì, 11 giải ba và 23 giải khuyến khích); tác phẩm báo chí có 29 giải (3 giải nhất, 4 giải nhì, 5 giải ba và 17 giải khuyến khích). Hội đồng sơ khảo của tỉnh đã chọn 5 tác phẩm (3 báo chí, 2 văn học - nghệ thuật) gởi dự thi ở cấp Trung ương, kết quả tác phẩm ca cổ Ngày Bác vô thăm của tác giả Thanh Hải, Trưởng phòng nghiệp vụ - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đạt giải C toàn quốc.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, các tác phẩm tham gia dự thi đã phản ánh khá toàn diện các hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nội dung bám sát chủ đề theo thể lệ quy định; nhiều tác giả đã cố gắng thâm nhập thực tế tìm tòi, khai thác những khía cạnh sinh động của cuộc sống hàng ngày thể hiện qua việc làm cụ thể của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh học tập và làm theo Bác. Nhiều gương điển hình, nhân tố mới được phát hiện, biểu dương như: tấm gương trọn đời cống hiến hy sinh cho lý tưởng cách mạng; về ý chí nghị lực và tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách; tấm gương phấn đấu, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; tấm gương về lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...

Bằng nhiều thể loại thích hợp, sự trau chuốt văn phong, từ ngữ, các tác phẩm dự thi đã tương đối thành công trong việc ca ngợi tấm gương trong sáng, cao cả về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản ánh khá thuyết phục việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức của Người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, giá trị to lớn về tấm gương đạo đức Bác Hồ trong đời sống tinh thần của xã hội; tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh.

Về chất lượng tác phẩm dự thi, theo ông Nguyễn Huỳnh Anh - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, Phó Ban Giám khảo cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật nhận xét là rất tốt; những năm trước các bộ môn văn, thơ, ca khúc không chọn được tác phẩm đạt giải I, nhưng năm nay thể loại nào cũng có tác phẩm xứng đáng để trao giải I. Tuỳ theo mỗi thể loại như văn xuôi, thơ, ca khúc, ca cổ, kịch… các tác giả đã khai thác đề tài ở những góc độ khác nhau và thể hiện bằng chính ngôn ngữ riêng của từng thể loại khá nhuần nhuyễn, hiệu quả. Cách khai thác sự kiện, khắc họa nhân vật trong các tác phẩm rất rõ nét, mang tính điển hình, chân thực, giàu sức thuyết phục.

Cuộc thi lần này đã huy động sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau cả những tác giả chuyên và không chuyên, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Trên lĩnh vực văn xuôi có Hải Uyên (Phường 1 - TP. Mỹ Tho), Thảo Chi (Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh); thơ có Thuý Cải (Chợ Gạo), Kim Loan (Châu Thành); ca khúc có Thuý Huỳnh (Cai Lậy), Văn Hà (Chợ Gạo); ca cổ có Ngô Văn Dũng (Tân Phước), Lê Ngọc Tấn (Châu Thành); kịch ngắn có Văn Ba, Nguyễn Khánh Thư (TP. Mỹ Tho)… Đây là những cây bút mới, kỹ thuật sáng tác tuy còn hạn chế nhưng bằng tấm lòng kính mến và niềm xúc động thực sự trước tấm gương đạo đức của Bác nên đã thể hiện tác phẩm khá thành công.

Đối với thể loại báo chí, ông Nguyễn Văn Phước Cường - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo cuộc thi báo chí cho biết, chất lượng tác phẩm và số lượng tác phẩm tham gia có tăng cao hơn cuộc thi lần trước ở từng loại hình báo chí: báo viết, báo phát thanh, báo hình. Cũng như lĩnh vực văn học - nghệ thuật, lĩnh vực báo chí ngoài số lượng đông đảo các nhà báo chuyên nghiệp, đông đảo cộng tác viên của báo, đài, còn có sự tham gia tích cực của các nhà báo không chuyên, trong cán bộ và nhân dân đang công tác ở các ngành nghề khác nhau. Điều này chứng tỏ việc học tập và làm theo lời Bác đã lan tỏa trong khắp xã hội với ý thức tự giác rất cao và đã trở thành nề nếp, công việc thường ngày trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của mọi người. Từ đó đã toát lên nhiều tấm gương điển hình học tập và làm theo lời Bác và là những đề tài sinh động cho việc sáng tác của giới báo chí tỉnh nhà.

 Tuy đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng cuộc thi cũng còn có những hạn chế nhất định: Việc phát động, kiểm tra, đôn đốc cuộc thi của các ngành có liên quan, của các địa phương chưa được tập trung thường xuyên. Ở thể loại văn học - nghệ thuật, một số tác phẩm còn ca ngợi lãnh tụ chung chung, chưa đi vào khía cạnh “làm theo” cụ thể; một số tác phẩm chưa đi vào cuộc sống thực tiễn, thiếu sức thuyết phục; một số hình tượng chi tiết cũ, đã được thể hiện ở các tác phẩm dự thi của kỳ thi trước; ngôn ngữ hình ảnh có lúc bị sáo mòn; giai điệu một số ca khúc chưa phù hợp với nội dung, ca từ tân, cổ nhạc còn nặng về chính luận, khẩu hiệu làm hạn chế cảm xúc thẩm mỹ. Nhiều bài viết sai thể loại, còn sử dụng ngôn ngữ báo chí nhiều hơn là văn học - nghệ thuật; nhiều tác phẩm của học sinh cấp 2, cấp 3 từ các trường gởi đến na ná giống nhau và cách viết không đạt yêu cầu cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Đối với thể loại báo chí, việc phát động, động viên người viết tham gia dự thi ở các đơn vị cơ sở còn chưa đều, dẫn đến việc tham gia dự thi ở một số loại hình báo chí còn hạn chế. Các tác phẩm phát thanh, phát hình tham gia dự thi chất lượng có tăng lên nhiều nhưng số lượng tham gia dự thi còn ít. Không có tác phẩm ảnh báo chí đạt giải. Một số tác giả hạn chế nghiên cứu, nắm chắc chủ đề chung theo quy định của giải để đầu tư khai thác đề tài vừa có chiều sâu, vừa phát hiện, phản ánh được nhân tố mới có sức thuyết phục cao. Nhiều tác phẩm về văn phong, kỹ thuật thể hiện rất hay nhưng rất tiếc là không bám sát chủ đề cuộc thi nên không đạt giải. Nhiều tác phẩm còn thể hiện viết về cuộc vận động là chưa chính xác vì hiện nay chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương Bác, xem đó là việc làm thường xuyên. Có tác phẩm còn nặng văn phong báo cáo, thiếu vận dụng kỹ năng nghiệp vụ; có tác phẩm tham gia dự thi với danh nghĩa là loạt bài nhưng thực chất lại là tập hợp của nhiều bài nên chất lượng chưa cao. Có tác phẩm “tít” rất hay, gây sự chú ý nhưng nội dung diễn đạt không rõ, kỹ thuật thể hiện còn hạn chế... Một số ít tác phẩm truyền hình và phát thanh còn đơn điệu, sức thuyết phục chưa cao, chưa thể hiện rõ đặc thù của phát thanh, phát hình, âm thanh, hình ảnh chưa hài hòa…

Mặc dù còn có một số hạn chế nhất định, nhưng phải thấy rằng qua cuộc thi đã thể hiện khá rõ tình cảm, lòng kính trọng vô bờ bến của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo và các tác giả có tác phẩm dự thi đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc; biểu hiện quyết tâm làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Mỗi tác phẩm tham gia dự thi dù đạt giải hay không đạt giải đều là những món quà quý giá mà mỗi tác giả muốn dâng tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân sinh nhật lần thứ 123 của Người. Kết quả cuộc thi cũng đã góp phần phát huy hiệu quả giáo dục tư tưởng, nâng cao chất lượng thông tin của báo chí; đề cao vai trò trách nhiệm, tình cảm của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ, cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ và nhân dân trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Phạm Phong
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 237
  • Khách viếng thăm: 231
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 26240
  • Tháng hiện tại: 2582683
  • Tổng lượt truy cập: 48956810