Dạy trẻ khuyết tật hòa nhập bằng cả tấm lòng yêu thương, tận tụy

Đăng lúc: Thứ hai - 27/05/2013 08:29
Qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Từ đó, mỗi cán bộ, giáo viên kiên nhẫn hơn, tận tụy hơn để hoàn thành nhiệm vụ, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. 
Những hình ảnh tận tụy thường ngày của các cô giáo tại trung tâm

Những hình ảnh tận tụy thường ngày của các cô giáo tại trung tâm

Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (trước kia là trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật) hiện đang nhận giáo dục hòa nhập cho 47 trẻ khuyết tật. Do đội ngũ giáo viên của trung tâm chỉ có 9 người, nên mỗi giáo viên phải nhận dạy từ 5 đến 6 trẻ. Khi chúng tôi đến, bé Trần Hoàng Long nằm xoải người dưới sàn nhà, cô Nguyễn Thị Phụng cố thuyết phục em tự chống tay ngồi dậy để ngồi vào bàn học, nhưng Long vẫn cứ hồn nhiên nằm lăn dưới sàn nhà, không quan tâm gì đến lời thuyết phục của cô giáo. Phụng vẫn kiên nhẫn và dịu dàng: “Long của cô ngoan lên nào, ngồi dậy đi con!”. Long vẫn nằm thườn ra, ánh mắt xa xăm, vô hồn. Phụng lấy hộp đồ chơi mô hình lắp ráp đổ ra sàn nhà, nhẹ nhàng: “Long ngoan nào, ngồi dậy đi, cô có rất nhiều đồ chơi đẹp nè!”. Long vẫn nằm dài bất động, môi chỉ mấp máy những điều mà chỉ có em mới hiểu. Với nụ cười nhân hậu, Phụng quay sang nhìn tôi chia sẻ: “Long bị chậm phát triển trí tuệ anh à. Long 7 tuổi rồi mà nhận thức của em chỉ khoảng bằng trẻ 13 tháng tuổi thôi, vì vậy phải hết sức kiên nhẫn mới có thể dạy được.

Thuyết phục mãi không được, Phụng nhẹ nhàng đỡ Long ngồi dậy. Em ngùng ngoằng, cố vung khỏi tay cô giáo để nằm xuống. Khi Long đã chịu ngồi dậy thì em bắt đầu vụt chạy lòng vòng trong phòng, không chịu ngồi yên. Phụng phải đuổi theo Long và nhỏ nhẹ thuyết phục Long ngồi yên. Khi Long đã chịu ngồi yên cùng rổ đồ chơi thì Phụng cũng thở hổn hển vì mệt. Phụng kiên nhẫn dạy cho bé tương tác với các món đồ chơi thông dụng, mà lẽ ra ở tuổi của Long (7 tuổi), các bé đã tự chơi, không cần người lớn hướng dẫn. Hồi mới vào học, Long gần như không có nhận thức. Phụng đã tận tụy, kiên trì suốt 3 năm qua để dạy cậu bé 7 tuổi biết chào người lớn, tự mang giày dép, đội nón, cởi áo khoác, tiếp xúc đồ chơi, nhận biết con vật, một số đồ vật thông dụng như bàn, ghế… Nói thì nghe đơn giản, nhưng để giúp Long biết cởi chiếc áo khoác ra, hay biết cúi đầu chào người lớn, biết bập bẹ gọi “ba”, “mẹ”… là cả một quá trình suốt hơn ngàn ngày. Để giúp bé có thể nhận biết được mô hình hình vuông, hay hình tròn, đôi khi phải dạy đi dạy lại hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần. Tôi hỏi, vậy có khi nào Phụng nản không? Gạt mồ hôi rịn trên trán, Phụng chia sẻ: “Dạy trẻ khuyết tật mà nản thì không được đâu anh! Các em chậm phát triển trí tuệ nên nhận thức kém lắm, vì vậy mình phải bền bỉ và kiên trì”.  

Phòng bên cạnh, cô Bùi Thị Diện đang kiên nhẫn dạy bé Nguyễn Châu Ngọc Nhi (10 tuổi) mắc chứng tự kỷ nhận biết các con số và làm các phép tính cộng, trừ đơn giản thông qua các mô hình nhiều màu sắc bắt mắt. Chỉ bài toán đơn giản 1+1 mà cô phải dạy đi dạy lại hàng chục lần, vì Nhi không tập trung và không chịu làm theo sự hướng dẫn của giáo viên. Dù vậy, cô vẫn không hề tỏ ra nóng giận hay bực tức. Cô Diện kiên trì: “Con nhìn xem đây là số mấy? Số 1 phải không? Vậy con lấy 1 mô hình để vào ô số 1 đi… Rồi, con nhìn xem, ở đây 1 hình tròn, bên đây 1 hình tròn nữa, vậy có phải là 2 hình tròn không? Vậy 1+1 bằng mấy?”. Cứ thế, chỉ với một phép tính 1+1 đơn giản mà cô Diện phải kiên trì hướng dẫn đi, hướng dẫn lại, dù bé Nhi năm nay đã 10 tuổi - cái tuổi mà nhiều bé gái có thể giúp mẹ rửa chén, nấu cơm. Thấy cô Diện kiên trì hướng dẫn mà bé Nhi cứ lơ ngơ, ánh mắt vô hồn, hai bàn tay cứ lóng nga lóng ngóng, tôi buột miệng: “Nóng tính chắc là không thể dạy được!”. Cô Diện cười hiền: “Nóng làm sao dạy được em! Ở nhà dạy con đôi khi cũng nóng, la rầy vì con chậm hiểu. Nhưng đối với trẻ tự kỷ mà nóng tính thì coi như thất bại, không dạy được đâu”. Hiện nay, cô Diện đang dạy cho 5 trẻ bị tự kỷ, trong đó có 4 bé 6 tuổi.

Ở phòng kế bên, cô Ngô Thị Phương Linh đặt bé Võ Thanh Thúy ngồi đối diện mình, chính giữa là chiếc bàn được thiết kế dành cho trẻ ngồi học. Linh đang cố gợi ý cho bé Thúy (khiếm thị bẩm sinh) nhận dạng các hình khối. Bé Thúy năm nay đã 5 tuổi mà cứ ngây ngô và nhút nhát như trẻ mới lên 2. Linh đưa cho bé Thúy mô hình bằng gỗ hình vuông rồi dịu dàng: “Nào, con còn nhớ đây là hình gì không?”. Im lặng. Linh nhẹ nhàng gợi ý tiếp: “Hình gì mà có 4 cạnh bằng nhau? Cô đã dạy con rồi, con còn nhớ không, nhắc lại cho cô nghe xem!”. Thúy cặm cụi mân mê mô hình. Và im lặng. Linh rướn người sang nắm tay Thúy và hướng dẫn bé cảm nhận qua cách sờ vào các cạnh hình vuông: “Con xem này, hình này nó có 4 cạnh bằng nhau với 4 góc và không lăn được. Con cố nhớ xem, đây là hình gì?”. Trả lời Linh vẫn là sự im lặng. Với trẻ 5 tuổi bình thường, việc nhận dạng hình vuông, hình tròn là việc rất đơn giản, nhưng với Thúy, Linh phải gợi ý đi gợi ý lại nhiều lần, nhưng bé vẫn cứ… vô tư, không trả lời.

Thầy Võ Văn Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật chia sẻ: Giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập (dạy can thiệp sớm) thực ra là những giáo viên dạy một nhóm trẻ thuộc một hoặc hai dạng tật. Những giáo viên này phải bò, trườn, ngồi, chạy… để dạy trẻ. Công tác này như giáo viên ở một lớp mầm non, nhưng vô cùng vất vả và khó khăn hơn nhiều. Chính vì vậy, dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi giáo viên phải có cái tâm yêu thương trẻ như chính con của mình, phải thật kiên nhẫn, tận tụy thì mới gắn bó với nghề được. Có bé rất hiếu động, đôi khi giáo viên chưa hiểu được nhu cầu, bé lập tức nổi nóng xô ngã giáo viên. Vì vậy, có người khi về công tác ở trung tâm một thời gian thì xin chuyển công tác sang các trường phổ thông. Thầy Lê tâm tư: 1 giáo viên phải phụ trách dạy 5 đến 6 trẻ khuyết tật như hiện nay là quá tải trầm trọng, nhưng do biên chế của trung tâm ít, trong khi nhu cầu của phụ huynh lại cao, nên thầy cô giáo của trung tâm động viên với nhau phải cố gắng.

Khi mới về nhận công tác “đặc thù” này, giáo viên ai cũng lo lắng, vì dạy trẻ khuyết tật là điều không phải dễ dàng. Mỗi loại khuyết tật lại có những đặc thù riêng, phải có phương pháp giảng dạy riêng cho phù hợp với từng loại khuyết tật. Dù kiến thức, kỹ năng sư phạm đã được trang bị ở trường, nhưng khi về trung tâm thì giáo viên gần như phải học lại từ đầu. Cô Diện chia sẻ: Lúc trước, cô dạy phổ thông, từ năm 2001 mới chuyển qua công tác giáo dục trẻ hòa nhập. Khi về trung tâm, cô được phân công dạy trẻ tự kỷ. Lúc đầu cô còn chưa biết bệnh tự kỷ là gì, nhưng rồi qua nghiên cứu, cô thấy các em thật đáng thương. Trẻ tự kỷ thường bị mất ngôn ngữ, mất tập trung và chỉ thích làm theo ý của mình. Nếu người lớn không hiểu được nhu cầu, các bé sẽ tự hủy hoại mình như đập đầu, cắn tay… Vì vậy, người giáo viên dạy trẻ tự kỷ không chỉ có cái tâm thương yêu trẻ, mà còn đòi hỏi phải có kiến thức về căn bệnh tự kỷ để có thể “đọc” được suy nghĩ của trẻ, từ đó có cách dạy phù hợp. Để cập nhật kiến thức, ngoài tham dự các lớp tập huấn, cô Diện còn phải tìm sách, báo rồi lên mạng internet để đọc, nghiên cứu về bệnh tự kỷ. Hỏi cô Diện bây giờ có muốn chuyển sang dạy phổ thông không? Không cần suy nghĩ, cô bảo: “Các em khuyết tật đã chịu nhiều thiệt thòi rồi nên cô muốn chia sẻ để giúp các em vơi đi phần nào những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu”. Chính vì vậy, một tiến bộ nhỏ của các em cũng khiến cho người giáo viên gắn bó với trẻ khuyết tật suốt 12 năm qua cảm thấy vui sướng vô cùng.

Còn cô Phụng thì trước kia cũng dạy phổ thông, đến năm 2007 mới chuyển công tác về trung tâm. Khi mới về trung tâm, ngoài tham dự các lớp tập huấn về phương pháp dạy trẻ khuyết tật, Phụng tự mày mò học ngôn ngữ ký hiệu từ sách để có thể dạy trẻ khiếm thính. Rồi Phụng xin được dự giờ các giáo viên đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Lúc đầu mới tiếp cận với trẻ khuyết tật, Phụng hoang mang lắm, sợ mình không thể làm tròn trách nhiệm, sợ mình không đủ kiên nhẫn, sợ mình không đủ khả năng để giúp các em hòa nhập cộng đồng… Nhưng rồi càng gắn bó với các trẻ khuyết tật, tình yêu thương các em cứ lớn dần lên. Và khi tình yêu thương đủ lớn thì chúng ta có thể vượt qua tất cả khó khăn, trở ngại để được ở bên nhau. Phụng cũng vậy, tình yêu thương các trẻ kém may mắn đã giữ chân Phụng ở lại với nơi mà nhiều người không muốn đến. Từ năm 2007 đến nay, Phụng dạy hòa nhập cho nhiều trẻ, trong đó có trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… Phụng chia sẻ lý do mình ở lại với trung tâm: “Khi trẻ mất ngôn ngữ bập bẹ gọi được tiếng cha, mẹ…, hay trẻ tự kỷ biết xếp gọn đồ chơi sau khi chơi, biết cầm viết dù chỉ vẽ những đường nét nguệch ngoạc cũng khiến mình vui và hạnh phúc vô cùng. Đó chính là lý do mà em ở lại với trung tâm này”.

Và sự cần mẫn, tận tụy của đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập đã được phụ huynh học sinh luôn trân trọng và tri ân. Chị Trần Thị Thu Tuyết, phụ huynh của bé Trần Thị Bình An chia sẻ: Cháu Bình An chậm phát triển, hơn 4 tuổi mà chưa thể đi được. Niềm hy vọng về một đứa con khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác cứ tắt lịm dần. Tuy nhiên, khi đưa bé vào trung tâm, bằng tấm lòng yêu thương trẻ, sự tận tâm, nhẫn nại của thầy cô giáo, cháu Bình An đã tiến bộ rất nhiều, biết nhờ cha mẹ, thầy cô khi có những nhu cầu cá nhân, biết tỏ thái độ với những gì mình quan tâm, biết vâng lời và lễ phép với người lớn… Niềm hy vọng của gia đình lại được nhen nhóm lên. Chị Tuyết cảm kích: “Xin chân thành cảm ơn tất cả thầy cô ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đã đem cả tấm lòng nhân ái, yêu thương của mình đến với con tôi cũng như các trẻ kém may mắn khác”. 

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Trần Văn Đáng cho biết: Ngoài giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại trung tâm, đội ngũ giáo viên của trung tâm còn thực hiện nhiều hoạt động khác như tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho phụ huynh có trẻ khuyết tật, hỗ trợ can thiệp sớm tại gia đình trẻ, tổ chức cho trẻ khuyết tật vui chơi nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam, ngày Quốc tế người khuyết tật, Tết Trung thu… Ngoài ra, đội ngũ giáo viên của trung tâm còn hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại địa bàn, nhằm giúp cho giáo viên nắm các phương pháp, kỹ năng giảng dạy từng dạng tật. Đồng thời, giáo viên của trung tâm còn hướng dẫn các trường tiểu học và mầm non trong tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục hòa nhập cho phù hợp với khả năng, nhu cầu của trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, giáo viên của trung tâm còn đến các trường mầm non, tiểu học trong tỉnh để dự giờ, trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm về tiết dạy, nhằm giúp giáo viên phổ thông nâng cao kỹ năng giáo dục hòa nhập.

Dù đội ngũ giáo viên chỉ có 9 người, nhưng với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”, nên trong năm 2012, thầy cô giáo đã tích cực giúp 1.926 lượt trẻ đến trung tâm để can thiệp sớm và hỗ trợ hòa nhập tại địa bàn 172 lượt, với 169 trẻ được trực tiếp hỗ trợ. Thầy Võ Văn Lê tâm tư: Hiện nay, trẻ được giáo dục hòa nhập tại trung tâm chủ yếu đều sống trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Trẻ khuyết tật ở các huyện, thị vì nhiều lý do nên chưa được can thiệp giáo dục hòa nhập sớm, vì vậy các em chịu rất nhiều thiệt thòi. Đó không chỉ là tâm tư của thầy Lê, mà còn là niềm trăn trở của tất cả thầy cô giáo ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. 

Hỏi cô Diện, cô Phương Linh, cô Phụng… vì sao lại tận tụy với trẻ khuyết tật như vậy (trong khi dạy phổ thông thì nhẹ nhàng hơn nhiều), có phải các cô đã và đang làm theo Bác? Không hẹn mà gặp nhau, các cô đều không dám nhận là mình đang học tập và làm theo Bác, vì các cô bảo việc làm của mình rất nhỏ nhoi, không có gì to tát để gọi là học tập và làm theo Bác. Tuy các cô không dám nhận mình đang học tập và làm theo Bác, nhưng những suy nghĩ, hành động, việc làm của các cô là những tấm gương sinh động trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi ra về, hình ảnh của những nhà giáo dạy trẻ khuyết tật hòa nhập cứ làm chúng tôi suy nghĩ mãi về tinh thần trách nhiệm, tình người, sự tận tụy, nhẫn nại của những trái tim nhà giáo. Học tập và làm theo Bác đã giúp cho cái tâm nhà giáo dạy trẻ khuyết tật thêm lung linh, ngời sáng…

Trọng Nguyễn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 57)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 436
  • Khách viếng thăm: 430
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 31977
  • Tháng hiện tại: 1780877
  • Tổng lượt truy cập: 48155004