Trong tác phẩm, Bác dạy: “Nhân” là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Theo Bác “nhân” là kiên quyết chống lại những người, những việc có hại cho Đảng, có hại với dân, sẵn lòng khổ trước mọi người, vui sau thiên hạ, không ham giàu sang, quyền quý, chức vị, không sợ gian khổ, hy sinh. "Nhân" còn bao hàm “Tận trung với nước, tận hiếu với dân” nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân, giải phóng con người…
Bác dạy: “Nghĩa” là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng, vì theo Bác ngoài lợi ích của Đảng, không có gì lợi ích cho riêng tư, việc gì Đảng giao phải hết sức cẩn thận, không sợ phê bình và phê bình người khác phải đúng đắn.
Bác dạy: “Trí” vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng…Theo Bác, “trí” là phải có trình độ giác ngộ chính trị, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận vào thực tiễn để tìm ra phương hướng thực hiện đúng đắn…
Bác dạy: “Dũng” là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại vinh hoa, phú quý không chính đáng. Theo Bác, “dũng” là dũng cảm, anh dũng, dũng khí, là thể hiện ý chí cách mạng, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, quyết tâm thực hiện mục tiêu của cách mạng. "Dũng" còn là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn đổi mới. Bên cạnh đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu lỗi thời, dũng còn là dũng cảm đấu tranh để bảo vệ cái tốt, cái thiện, cái đúng, bảo vệ chân lý, cái mới đang lên…
Bác dạy: “Liêm” là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình… Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Theo Bác “liêm” là sự trong sạch, không ham ăn ngon, sống yên, không cậy quyền, cậy thế đục khoét, đút lót, ăn của dân hoặc lấy của công thành của tư…
Bác Hồ không chỉ nêu ra những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức cách mạng về "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm mà điều rất quan trọng, rất thuyết phục là chính Người là hiện thân của những phẩm chất đó để chúng ta học tập.
Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên và nhân dân: “Tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội”, trong đó bao hàm 5 đức tính “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” của Bác Hồ dạy khi xưa.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phải quán triệt và thực hành 5 đức tính trên để góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.
tác phẩm, sửa đổi, làm việc, giá trị, đức tính, nhân nghĩa, trí dũng, phẩm chất, không thể, cán bộ, hoàn cảnh
Ý kiến bạn đọc