Mỹ Tho - Hương vị bánh mì

Đăng lúc: Thứ năm - 10/11/2016 14:13
“Bánh mì nóng giòn đê..ê..” là tiếng rao quen thuộc từng vang lên khắp đường lớn, hẻm sâu ở Mỹ Tho mấy mươi năm trước. Hình ảnh đi kèm là một cậu nhỏ vai lưng mang bao bánh ba-ghết rảo nhanh, hoặc một chú, chàng đạp xe đòn vông, trên  ba-ga đặt giỏ cần xé bánh phủ tấm vải bồng bột để  ủ nóng. Bây giờ thì thứ bánh nướng đó không còn lêu têu “giang hồ” mà đa số đã an cư nơi cửa tiệm, hàng quán ở  Thành phố Mỹ Tho.
Bánh mì được bán ở các bến xe

Bánh mì được bán ở các bến xe

NHẬN DIỆN BÁNH MÌ

Trong các thức từng theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp du nhập vào nước ta thời thuộc địa xa lắc thì đến nay có lẽ chỉ cà phê (café) là thức uống đã có tư cách Việt hoàn toàn và phía thức ăn thì bánh mì (pain) có vai trò tương tự.

Ai đó chắc còn nhớ bài hát chế vui vui này: “Cà phê, bánh mì. Một ly và một bánh. Nào cố ăn hết. Ăn hết xong ta đi…”; bài vè lập lại, nâng số từ “một” thành “hai”, “ba”...  và câu kết cuối cùng là “…đi nhà thương” ...vì bội thực ?!

Như vậy là ta sẽ không thể lầm lẫn với các thức khác có tên hoặc xuất xứ giống giống nhưng không phổ biến bằng chẳng hạn Bánh mì đen, bánh mì ngọt, bánh mì săng-uých, bánh mì cuộn (bột mì trộn sữa tráng bánh, nướng bánh tráng ấy rồi gói với thịt, rau, khoai..), hăm-bơ-gơ. v.v... Pain theo thời gian đã lột xác thành bánh mì Việt Nam và gần đây đã vang danh thế giới là một trong các thức ăn đường phố ngon nhất hành tinh; công dân này cũng đã quen thuộc, thân thiết biết bao với nhiều lớp cư dân đô thị Mỹ Tho.

CHÂN PHƯƠNG VÀ BIẾN TẤU

Bánh mì ba-ghết Mỹ Tho xưa dân gian hay gọi là bánh mì lạt (do không ngọt, không mặn chăng?) và thường “ăn không” độc vị, khá thì chấm, chế sữa; sang hơn thì kẹp phô mai, kẹp lạp xưởng; trong các bữa tiệc tại gia như giỗ quảy thì dùng chung với bò kho, cà ri cũng đã là món sang, còn ra tiệm nước Kỳ Hương, Nam Sơn, Phánh Ký... có thể ăn với xíu mại, chấm cà phê sữa; bánh mì kẹp thịt còn ít phổ biến, lớp học trò có tuổi trên dưới 60 hẳn còn nhớ món bánh mì chan tương “ngon, bổ, rẻ” rất hấp dẫn con nhà nghèo trước các cổng trường tiểu học ngày ấy. Lò bánh mì xưa ít hơn bây giờ, nướng trong lò gạch khi chưa có lò điện và chủ lò chỉ làm bánh suông, bỏ mối là chính chứ không kiêm chủ tiệm như bây giờ. Một vài lò có tiếng thời đó là Hoàng Thái, Hải Thái, Vĩnh Xương Thái…

Bánh mì thông dụng hiện nay ngắn và to hơn xưa đôi chút, khoảng hơn gang tay, thường được kẹp nhân mặn. Người bán rạch một đường trên thân bánh và đặt vào đó thịt thà, rau dưa, nước sốt, mắm muối… để khách ăn nhanh buổi sáng, “thổi kèn” bất cứ buổi nào trong ngày hoặc “take away” (mang đi) làm của “tùy thân” trên các nẻo hành trình; nhân được kẹp vào là loại thịt gì thì bánh được “định danh” theo đó và giá hiện nay từ 8 tới khoảng 20 nghìn một ổ, thông thường nhất là 10 nghìn.

XEM MẶT ANH HÀO

Bánh mì thịt lâu năm bậc nhất ở Mỹ Tho có thể kể tiệm Chín Ngón ở khu chợ Hàng Bông cũ với thâm niên khoảng 50 năm, tên tiệm hơi “bị sợ” đối với khách xa, nhưng chỉ là đặc điểm riêng của người khai mở tiệm thời “trốn quân dịch” xưa; bánh mì ở đây là loại bánh mì thịt với chả lụa, thịt nguội… nhưng có lẽ nước sốt đã làm nên hương vị riêng của “bổn tiệm” chăng?... Tiệm này luôn đông khách…

Đa số tiệm, xe bánh mì ở Mỹ Tho bán bánh mì thịt truyền thống như vậy, khách cũng có thể gọi nhân kẹp là cá mòi, trứng  ốp-la hay xúc-xích tại các xe đẩy, một số quán cà phê.

Cũng như hủ tíu có món nước, khô, xào… Bánh mì ngày nay cũng đa dạng với thịt gà, vịt, heo quay ở mấy tiệm góc bùng binh khu vực chợ phường 4, bánh mì bì chan nước mắm ở điểm bán gần cổng sau trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, bánh mì chả cá nóng ở gần Thất Cao Đài đường Lý Thường Kiệt, bánh mì que (gần bánh mì cuộn Vân) đường Lê Đại Hành, bánh mì cút chiên, bánh mì sa tế muối ớt… Đây là những điểm bán, những loại bánh mì được khá nhiều người biết; trong đó bánh mì que, bánh mì sa tế mới xuất hiện gần đây với bánh que là loại bánh nhỏ chỉ bằng 1/3 bánh thông thường được kẹp chà bông; sa tế thì thoa trên ổ bánh thường đã ép dẹp, nướng lại và rắc chà bông, phụ liệu lên trên chứ không kẹp bên trong; chả nóng thì có máy ép chả cá chiên tại chỗ… Thật là muôn mặt bánh mì… 

TIẾP NỐI

Ngoài các cách ăn, các loại, nơi bán bánh mì kể trên; có thể có “sản phẩm” chưa được nêu hoặc bạn không còn thấy bán (thí dụ như món bánh mì hấp chan nước dừa) nhưng nó vẫn còn xuất hiện trong gia đình đây đó; cũng có thể trong một ngày chay bạn chợt

“vô tình phát hiện” một chi khác như dòng bánh mì chay trong các quán chay, trong chùa chiền; cũng có thể bạn sẽ có dịp tiếp xúc với một món mới mẻ - như bánh mì tùng xẻo kiểu Thổ Nhĩ Kì chẳng hạn (thịt- mỡ  được quấn vào trụ rỗng rồi nướng, xẻo từng lát kẹp vào làm nhân bánh)… Sự thiếu sót sẽ là hiển nhiên. Bây giờ lò bánh mì có mặt từ nội thành lò to tới ngoại thành lò nhỏ, thức mặn để làm nhân kẹp phong phú và nhất là bánh mì đã hiện diện “trên từng cây số” ở Mỹ Tho chứ đâu chỉ hạn hẹp trong một vài dòng của bài viết này!

Với sự tiện, gọn, với giá cả hợp lý, với “nội hàm” đủ chất (đạm, rau quả, tinh bột…) và nhất là... ngon, thức ăn này vẫn còn đang trên đường phát triển.

Hình như lịch sử hình thành và phát triển của nó cũng tương đồng, giống giống ở nhiều đô thị miền Nam…

Ngọc Hùng
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 75)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 282
  • Khách viếng thăm: 274
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 15684
  • Tháng hiện tại: 1238361
  • Tổng lượt truy cập: 63467329