ĐB Nguyễn Văn Tiên: Góp ý 7 vấn đề dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Đăng lúc: Thứ hai - 04/11/2013 14:01
Ngày 30-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Văn Tiên: Góp ý 7 vấn đề dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

ĐB Nguyễn Văn Tiên: Góp ý 7 vấn đề dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đoàn ĐBQH, của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 và trước kỳ họp thứ 6 để chỉnh lý khá hoàn chỉnh nội dung của dự thảo Luật Đấu thầu, đặc biệt đã xem xét, bổ sung khá đầy đủ các quy định về đấu thầu thuốc chữa bệnh cũng như quy định gắn kết liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, để việc thực thi luật thực sự có hiệu quả, đề nghị xem xét đến các vấn đề có liên quan đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật xem xét, bổ sung nội dung đánh giá tác động của các quy định mới về đấu thầu thuốc đi vào thực tế đời sống xã hội như thế nào? Đây là thách thức rất lớn cần được quan tâm.

Thứ hai, đối với việc thực hiện các quy định về nguyên tắc đàm phán giá và đấu thầu tập trung, đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn, nhất là quy định lộ trình hay quy định số lượng, chủng loại cần phải đấu thầu, đàm phán, tránh tình trạng “thích thì làm, không thích thì đợi”.

Thứ ba, gần 15 năm qua, vấn đề giá thuốc tại các bệnh viện và đặc biệt gần đây giá đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) tại các bệnh viện luôn là “vấn đề nóng” trên nghị trường QH cũng như của dư luận xã hội, vì giá thuốc sau khi được đấu thầu luôn cao hơn giá thị trường và có sự khập khiễng về giá thuốc giữa các tỉnh và giữa các bệnh viện trong cùng một tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định (có thể là Điều 47a) việc mua thuốc từ nguồn ngân sách Nhà nước, quy định rõ giá để mua thuốc từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, được áp dụng theo nguyên tắc đấu thầu tập trung, đàm phán hoặc chỉ định thầu ở cấp quốc gia hoặc trong trường hợp đặc biệt ở cấp tỉnh.

Thứ tư, vấn đề đấu thầu mua thuốc từ nguồn Quỹ BHYT đã được quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong quy định này là cần xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giá và chủng loại thuốc BHYT nhằm khắc phục tình trạng giá thuốc nơi này cao, nơi kia thấp. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Thiết nghĩ, về thuốc BHYT thì Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải chịu trách nhiệm cùng với Bộ Y tế, trong đó cơ quan BHXH  Việt Nam chịu trách nhiệm chính. Để thực hiện điều này, đề nghị cần thể hiện rõ các quy định trong dự án luật:

- Đề nghị bổ sung Điều 48a hoặc một khoản trong điều này quy định về trách nhiệm của BHXH Việt Nam thực hiện việc đề xuất lộ trình, danh mục thuốc BHYT để Bộ Y tế ban hành việc đấu thầu tập trung, đàm phán giá.

- Bổ sung quy định BHXH Việt Nam được tham gia toàn bộ vào các khâu của quá trình đấu thầu thuốc BHYT với tư cách là cơ quan thanh toán; đồng thời gắn với việc tham gia vào toàn bộ các khâu của quá trình đấu thầu thuốc BHYT. Cơ quan này sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát theo quy định của pháp luật việc đấu thầu thuốc BHYT. 

- Bổ sung quy định BHXH Việt Nam có quyền không chi trả tiền thuốc BHYT nếu kết quả giá thuốc cùng chủng loại, cùng chất lượng cao hơn quá mức so với mức giá chung của cả nước. Việc thực hiện này sẽ là một trong những giải pháp tích cực nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại hoặc tiêu cực trong quá trình thực hiện đấu thầu thuốc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh.

Thứ năm, dự thảo luật có quy định về Hội đồng Tư vấn quốc gia về quản lý thuốc. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và hiệu quả hoạt động của hội đồng này, đề nghị nên quy định cụ thể trong luật, giao bộ, ngành chức năng khác (như Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam…) giữ nhiệm vụ Chủ tịch hội đồng.

Thứ sáu, thực tế hiện nay, các loại vật tư y tế, hóa chất, thiết bị điều trị bệnh, kể cả những loại rất đắt tiền đã được sử dụng để điều trị bệnh, không phải là dụng cụ dùng để chẩn đoán (như van tim, chỏm khớp, giá đỡ động mạch vành…)  được quỹ BHYT thanh toán. Tuy nhiên, các loại vật tư y tế, hóa chất, thiết bị này lại thực hiện đấu thầu theo loại thông thường mà không quy định theo đấu thầu thuốc, vì đây cũng là loại được dùng để điều trị bệnh. Do vậy, đề nghị trong Mục 3 này nên ghi: Thuốc và vật tư y tế.

Thứ bảy, thực tế hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới quy định chỉ đấu thầu đối với một số loại thuốc điều trị bệnh hay sử dụng giá có kiểm soát đối với thuốc điều trị mới và đắt tiền. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan chi trả tiền thuốc - là BHXH Việt Nam nghiên cứu việc thực hiện đấu thầu thuốc ở các quốc gia khác, để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vất vả với việc thực hiện đấu thầu thuốc điều trị bệnh ở các bệnh viện trong nước hiện nay, nhưng giá thuốc vẫn đắt hơn giá thị trường.


(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Hôm nay: 8865
  • Tháng hiện tại: 2508251
  • Tổng lượt truy cập: 48882378