Sự đổi tên của hai vị tướng

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 10:00
Thời kháng chiến, để giữ bí mật mà nhiều cán bộ cách mạng phải thay tên đổi họ. Đó là chuyện thường. Nhưng việc đổi tên của hai vị tướng ở Tiền Giang: cố Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Tỉnh đội trưởng Mỹ Tho trong những năm chống Mỹ; Phó Tư lệnh Mặt trận 979 - Quân khu 9 thời kỳ bảo vệ Tổ quốc và cố Thiếu tướng Phan Lương Trực, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang thì gắn liền với những tình cảm hết sức thiêng liêng, cao đẹp.

Cố Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (chú Tám Thành) tên thật là Nguyễn Văn Tàu, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Cha mất lúc chú chưa đầy 5 tuổi, đời tá điền nghèo khổ, mẹ chú vẫn cố gắng nuôi anh em chú ăn học. Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, anh chú cùng mọi người rầm rộ xuống đường. Sau đó ông bị bắt, phải trốn lên Sài Gòn, còn gia đình thì bị Hương Cả lấy ruộng lại, vì tội có liên quan đến cộng sản.

Nông dân mà không có ruộng, gia đình chú lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Chú phải nghỉ học khi mới 15 tuổi.

Giữa lúc sóng gió tối tăm thì ông Nguyễn Tấn Thành xuất hiện. Ông ấy đã làm thay đổi cuộc đời của chú, đã đưa chú từ bóng đêm ra ánh sáng. Với chú, ông Nguyễn Tấn Thành vừa là người anh, người thầy truyền thụ lý tưởng cách mạng, vừa là người chỉ huy đầu tiên trong đời. Ông cùng quê với chú (xã Long Hưng, huyện Châu Thành), lớn hơn chú 6 - 7 tuổi, nhưng phong thái rất chững chạc; thông minh, sắc sảo một cách kỳ lạ. 16 tuổi ông đã giác ngộ cách mạng và nuôi chí lớn. Mẹ mất, anh chị của ông cũng đều tham gia khởi nghĩa Nam kỳ và bị địch bắt tra tấn dã man. Không chịu được sự o ép của bọn cường hào ác bá, ông rời quê lên Sài Gòn vừa lao động kiếm sống, vừa tìm cách liên hệ với những người đảng viên cộng sản, rồi tham gia vào phong trào Đông Dương Đại hội. 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Với những kiến thức khá vững về lý tưởng của Đảng, về thời cuộc, ông được tổ chức phân công trở về Mỹ Tho hoạt động cùng bà Mười Thập, ông Bảy Quới, Bảy Ghè, Năm Giác...

Ngày 23/11/1940, ông chỉ huy Đội Tự vệ công nông đầu tiên của huyện Châu Thành bảo vệ cuộc mít tinh tuần hành của hàng ngàn quần chúng. Là người chỉ huy tài năng, thao lược, ông Nguyễn Tấn Thành nổi tiếng với những chiến công xuất sắc thời bấy giờ. Ông đã tổ chức chỉ huy nhiều trận đánh, thắng lớn, như trận Giồng Dứa ngày 25/4/1947; trận diệt đồn Cầu Đúc, ở xã Long Định ngày 07/8/1947. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông giữ chức Ủy viên Quân sự tỉnh, sau đó trở thành người Tỉnh đội trưởng đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho.

Thiếu tướng Phan Lương Trực Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành

 

Cuối năm 1949, trong trận đánh đồn cầu Rượu, xã Phước Thạnh, Châu Thành ông bị thương và đã hy sinh khi mới 27 tuổi. Mất người chỉ huy tài năng thao lược, lực lượng vũ trang Mỹ Tho hết sức đau buồn, thề “Quyết chiến đấu” để trả thù cho ông. Để ghi nhớ công ông, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ quyết định lấy tên ông đặt cho con kênh lớn, nối từ sông Cửu Long qua quê hương ông, rồi vào Đồng Tháp Mười. Đó là kênh Nguyễn Tấn Thành ngày nay.

Đối với chú Tám Tàu thì ông Nguyễn Tấn Thành không chỉ là người chỉ huy tài năng thao lược, mà còn là người anh rất mực thương yêu. Chính ông đã đưa chú từ cậu bé mồ côi nghèo phải bỏ học giữa chừng, trở thành một chiến sĩ cách mạng. Ông đã đưa chú từ chỗ tối tăm cùng khổ ra ánh sáng, biết đấu tranh chống lại áp bức bóc lột, giành tự do hạnh phúc cho gia đình mình và cho dân tộc. Ông Nguyễn Tấn Thành mất nhưng lời nói, việc làm của ông vẫn còn bên chú; nhắc nhở, động viên mỗi khi chú gặp khó khăn. Để nhớ mãi người anh, người chỉ huy đầu tiên của mình, năm 1954, khi bước chân lên tàu tập kết ra miền Bắc, chú quyết định đổi tên từ Nguyễn Văn Tàu, thành Nguyễn Văn Thành. Và cái tên đó đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của chú cho đến ngày cuối đời. Ngày nay, nhiều người chỉ biết có một vị tướng tên Nguyễn Văn Thành, chứ ít ai biết cái tên cha mẹ đặt cho chú.

Việc đổi tên của chú Bảy Trực - Cố Thiếu tướng Phan Lương Trực, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang cũng làm cho người ta xúc động bùi ngùi. Cha mẹ đặt tên chú là Đỗ Hữu Công, nhưng nhiều người chỉ biết chú qua cái tên Phan Lương Trực. Chú đổi cả họ lẫn tên không phải vì yêu cầu hoạt động cách mạng, mà vì quá yêu thương, tôn kính người thầy của mình.

Ông Phan Lương Trực là một nhà giáo yêu nước, có vóc dáng khỏe mạnh, lịch lãm; có giọng nói trầm ấm và đôi mắt đen cương nghị. Cái đẹp của ông là cái đẹp của đức bao dung, lòng cao thượng, nó luôn ngời lên trên khuôn mặt, ánh mắt... Ông làm cho người đối diện luôn yên tâm, tin tưởng dù mới gặp lần đầu. Quê ông ở xã Trường Thành, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ; nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của ông thì gắn liền với đất Mỹ Tho.

Năm 1943, ông về dạy học ở xã Quới Sơn, huyện An Hóa (hồi đó An Hóa thuộc tỉnh Mỹ Tho), rồi tham gia vào Hội Khuyến học của tỉnh. Đây là một tổ chức của tầng lớp trí thức yêu nước, làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật. Ông đi khắp các trường trong tỉnh để vạch tội thực dân Pháp, phát xít Nhật, kêu gọi giáo chức tham gia cách mạng. Vốn là người thầy mẫu mực, được học trò kính phục, thương yêu; bạn bè, đồng nghiệp nể trọng, lại có tài hùng biện, ông trở thành cán bộ tuyên truyền giỏi của Đảng lúc bấy giờ. Không chỉ giới giáo chức, mà các thành phần khác cũng được ông giác ngộ, đi làm cách mạng. Một số học sinh được ông dạy, hoặc nghe ông diễn thuyết đã trốn nhà, bỏ lớp theo thầy. Tổ chức không thu nhận thì họ tự nguyện làm liên lạc, hoặc xách cặp theo thầy đi vận động cách mạng. Chú Đỗ Hữu Công là một trong số đó. 14 tuổi chú trốn nhà, xách cặp theo thầy.

Khi phong trào thanh niên tiền phong (một tổ chức hợp pháp của người Nhật) lan từ Sài Gòn xuống, theo chủ trương của trên, thầy giáo Trực và Hội Khuyến học gia nhập vào để lái hoạt động của tổ chức này phục vụ cho cách mạng. Chỉ một thời gian ngắn, lợi dụng tổ chức này, nhóm khuyến học do thầy lãnh đạo đã mở Trường Võ bị Quân sự Mỹ Tho. Trường đóng tại cầu Bến Chùa, xã Long An, Châu Thành; làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ chuẩn bị cướp chính quyền. Đây là tiền thân của Trường Quân sự tỉnh Tiền Giang ngày nay.

Đêm 17 rạng 18/8/1945, lực lượng học viên Trường Võ bị Quân sự Mỹ Tho được chia thành 3 phân đội (do thầy giáo Trực chỉ huy) bất ngờ tỏa ra cướp súng Nhật ở cầu Bến Chùa, rồi tiến vào thị xã Mỹ Tho đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, như bót Mật thám, bót Cảnh sát, trại lính Mã tà, Tòa bố, Tòa án, Kho bạc... Lực lượng của thầy từ ngoài đánh vào, quần chúng bên trong nổi dậy, lực lượng nội ứng hỗ trợ; 7 giờ sáng ta làm chủ các mục tiêu quan trọng, 9 giờ làm chủ toàn bộ tình hình. Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Mỹ Tho đã thắng lợi.

Sau Cách mạng Tháng Tám tình hình rất phức tạp, ta phải phát triển lực lượng võ trang để đối phó. Thầy Trực được điều về làm Chính trị viên Bộ đội Lê Lợi - Một đơn vị mới hình thành.

Sau khi chiếm được Gò Công, đêm 24/10 Pháp đổ bộ lên cầu Tàu lục tỉnh (Bến Chương Dương) đánh vào thị xã Mỹ Tho, rồi bung ra các vùng lân cận. Thầy Trực chỉ huy lực lượng chặn đánh ở cầu Quay, Chợ Cũ, Bến Tranh... gây cho chúng nhiều thiệt hại. Sau đó thầy đưa lực lượng sang An Hóa chặn đánh, không cho chúng tiến chiếm Bến Tre. Thầy đã chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt, giữ vững tuyến ngăn chặn được một năm. Ngày 18/8/1946, trong trận chiến quyết tử ở xã Tường Đa, huyện Châu Thành, Bến Tre, thầy đã hy sinh.

Từ Cái Bè, nghe tin thầy hy sinh, Đỗ Hữu Công - người học trò được thầy thương yêu nhất đã dồn hết đau đớn, tiếc thương vào lời nguyện “Quyết chiến đấu đến cùng để thực hiện ước mơ còn dang dở của thầy”. Và từ lúc đó, lúc mới 16 tuổi, người học trò ấy đã lấy tên thầy làm tên mình. Từ đó, thầy giáo Trực không còn, nhưng có một chiến sĩ Phan Lương Trực trẻ tuổi xông xáo trên các chiến trường. Đó chính là Thiếu tướng Phan Lương Trực ngày nay.

Tôi vô cùng xúc động và ngưỡng mộ cái tình thầy trò, cái nghĩa anh em thiêng liêng, cao đẹp của người xưa. Trong cuộc đời của mình, có một tình thầy trò, một tình anh em, bè bạn như vậy là hạnh phúc lắm rồi.

Ngọc Thủy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 71
  • Khách viếng thăm: 69
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 7737
  • Tháng hiện tại: 288851
  • Tổng lượt truy cập: 67263342