Mùa sen tháng năm - Những trang viết xúc động về Bác Hồ

Đăng lúc: Thứ năm - 12/02/2009 08:45
Mùa sen tháng năm - Những trang viết xúc động về Bác Hồ

Mùa sen tháng năm - Những trang viết xúc động về Bác Hồ

Bác ơi sao thế, nỗi lòng?
Biết bao giờ nhỉ? Vẫn trông từng giờ!
Miền Nam hẹn đón Bác vô
Đời chưa vui trọn - hãy chờ Bác đây!


Đó là những câu thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Bảo Định Giang trong bài “Vui giải phóng nhớ Bác Hồ” được chọn mở đầu cho tập sách “Mùa sen tháng năm” vừa được Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang ấn hành để hưởng ứng đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nghe đọc toàn bộ bài viết


Quyển sách tập hợp 37 tác phẩm văn - thơ - tân nhạc - cổ nhạc viết về Bác Hồ của 31 tác giả là người Tiền Giang. Đó là những tình cảm chân thành, là tấm lòng kính yêu của những văn nghệ sĩ Tiền Giang dành cho vị cha già của dân tộc. Hình tượng Bác Hồ được khắc họa trong các tác phẩm in trong tập sách hết sức giản dị, gần gũi và thân thương nhưng lại mang một sức sống vĩnh cửu, vừa có giá trị thẩm mỹ sâu sắc vừa mang tính giáo dục truyền thống cao. Các tác giả không hề dùng những từ ngữ kiểu “đao to búa lớn” trong tác phẩm của mình nhưng độc giả ai cũng có thể cảm nhận được tầm vóc của một vĩ nhân qua những điều tưởng chừng hết sức bình thường, nhỏ nhặt. Đó có thể là những cảm xúc, những kỷ niệm rất riêng tư của anh lính trẻ Thái Anh Đạt ở xã Trung An trong lần đầu tiên được gặp Bác, được kể lại qua câu chuyện “Giọt nước mắt đầu tiên”: “Tôi dụi mắt, bàng hoàng tu hỏi: Người mà ta ao ước được gặp từ lúc bước chân theo cách mạng đây sao? Người mà bấy lâu nay ta vẫn tôn sùng, thương mến qua hình ảnh? Đây rồi! Ta, chính ta được gặp Bác Hồ bằng xương, bằng thịt… Tôi không dám thở mạnh, cứ chú ý theo dõi từng bước chân Người…”.

Đối với tác giả Lê Văn Sáu - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Mỹ Tho thì hai tiếng gọi Bác Hồ chính là sức mạnh để những người chiến sĩ cách mạng vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, gian khổ đặc biệt là trong những năm tháng đọa đày, không được sống kiếp người nơi nhà tù Phú Quốc. Trong bài thơ “Mảnh da chuồng cọp”, tác giả Lê Văn Sáu viết:

“Đồng chí ơi! Hãy gắng lên đi
Vết thương chảy máu nuôi ý chí
Chuồng cọp đọa đày hãy kiên gan
Cùng nhau chia “lửa”, chia gian khổ
Có Bác dẫn đường sẽ vượt qua
Hồ Chí Minh là thắng lợi của ta
Của sức mạnh bắt nguồn từ nơi Bác…”.


Trong khi đó, nhà thơ Lê Hà lại viết về một vật dụng hết sức bình thường, gắn bó cùng những sinh hoạt hằng ngày của Bác. Đó chính là đôi dép cao su mòn gót đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc:

“Bác đứng dọc Tuyên ngôn
Bác đi tát nước
Bác múa theo măng non
Hát vui cho kíp thợ
Bác hành quân đến tận tiền duyên
Bác ra thăm bầu bạn anh em…
Bác mang dép cao su đen mòn gót.
Bác nằm, đôi dép trực bên chân”.
(Đôi dép)


Tác giả Trần Công Tùng thì phát hiện có một vầng trăng riêng của Bác, từng gắn bó bầu bạn cùng Bác trong những đêm “giữa dòng bàn bạc việc quân” hay lúc “trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Trong bài “Trăng của Bác Hồ”, tác giả Trần Công Tùng viết:

“Không lưu giữ thứ gì cho bản thân
Bác đã sống cuộc đời liêm khiết nhất
Nhưng điều này lại là có thật:
Có một vừng trăng riêng của Bác Hồ!”


Trong quyển sách này, chúng ta còn bắt gặp những giai điệu trẻ trung, rộn ràng thúc giục của cố nhạc sĩ Văn Lưu trong bài “Tiền Giang hành quân theo Bác”: “Đi Tiền Giang đã đi, theo Bác hành quân bền bỉ. Đi là ta đã đi, ta mang sức trẻ tuổi thanh xuân này. Ta đi trên cánh đồng lúa mới thẳng tắp. Chim hót mừng lúa sai bông cùng tiếng nhịp búa đe đang xây đời vươn cao hạnh phúc sẽ về bên ta…”.

Xúc động nhất là những trang viết về nỗi đau xót, tiếc thương của những người dân Tiền Giang từ những chiến sĩ cách mạng, trí thức đến những người nông dân, những người buôn bán ngoài chợ, những vị sư và trong đội ngũ binh lính giặc. Những câu chuyện kể về việc: “Tổ chức lễ truy điệu Bác tại am Ngọc Định” hay ngôi miễu thờ Bác Hồ trên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp… được miêu tả chân thực như mới vừa diễn ra và chúng ta nhận ra sâu kín trong đó là tấm lòng yêu kính của người dân Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung dành cho Hồ Chủ tịch. Thế nên, khi hay tin Bác mất “không ai bảo ai, nhà nhà đều tự lập một bàn thờ để tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc. Vì đây là vùng địch tạm kiểm soát, để che mắt và đề phòng gây khó dễ, bàn thờ không có hình ảnh Bác, nhưng bọn địch không phải là không biết. Nhiều tên lính “bỏ nhỏ”: “Tụi này thừa biết mấy người đốt nhang thờ ông Hồ Chí Minh. Liệu hồn. Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản nghen”. Nhưng rồi chúng cũng làm ngơ như không hề hay biết gì. Dường như chính trong hàng ngũ địch cũng đã phát sinh ý thức cảm phục trọng vọng uy tín và phẩm chất con người của Bác”.

Điều đáng trân trọng ở tập sách này là dù nhiều người vẫn chưa từng gặp Bác nhưng những trang viết vẫn tràn đầy cảm xúc, hình ảnh Bác được khắc họa trong từng tác phẩm vẫn hết sức sống động và chân thực. Đó là tiếng lòng thủ thỉ, mộc mạc, chân thành như hương sen tháng năm tỏa ngát trên đồng của hàng triệu triệu trái tim dành cho Bác Hồ yêu kính.
Bùi Trần Lê Văn
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 405
  • Khách viếng thăm: 399
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 51253
  • Tháng hiện tại: 2215913
  • Tổng lượt truy cập: 46183146