Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đã phát sinh nhiều vấn đề mà nhà đầu tư cần phối hợp với các ngành chức năng giải quyết.
Bức xúc giá cao và vị trí đặt trạm.
Trạm thu phí thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy) được đưa vào hoạt động từ ngày 1-8, mức phí dao động từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy loại xe. Mặc dù mức phí của Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đã được liên Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) phê duyệt nhưng hầu hết các tài xế khi qua trạm đều cho rằng mức phí này quá cao và trạm thu phí đặt không đúng vị trí, khi họ không đi vào đường tránh mà vẫn bị thu phí.
Theo phản ánh của nhiều tài xế, tuyến tránh TX. Cai Lậy chỉ có 12km mà bị thu tới 35.000 đồng/vé/lượt, cao gần bằng khoản thu phí của 50km đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương là 40.000 đồng/lượt/50km. Phản ứng việc chủ đầu tư đặt trạm thu phí không hợp lý và bán vé thu phí quá cao, nhiều trường hợp tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng,… bỏ vào chai nhựa hoặc bao nhựa để mua vé qua trạm, nhằm gây khó khăn, mất thời gian cho nhân viên trạm thu phí trong kiểm đếm.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đã ghi nhận có khoảng 15 trường hợp tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng,… bỏ vào chai nhựa hoặc bao nhựa để mua vé qua trạm. “Trước mắt, những trường hợp đưa tiền lẻ để mua vé qua trạm sẽ được giải quyết bằng cách cho xe chạy qua trạm và chờ ở làn dự phòng. Khi nhân viên thu phí đếm đủ tiền sẽ cho phương tiện đi tiếp. Bên cạnh đó, công ty cũng đã làm văn bản gửi đến Công an tỉnh Tiền Giang, Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang và cơ quan chức năng đề nghị xử lý những trường hợp tài xế cố tình dùng tiền lẻ mua vé qua trạm” - ông Hiệp cho biết.
Vị trí đặt Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy trên Quốc lộ 1 hiện nay cũng đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nhà đầu tư thì cho rằng vị trí đặt Trạm thu phí trên Quốc lộ 1 hiện nay là hoàn toàn hợp lý, bởi Dự án BOT tuyến tránh TX. Cai Lậy và bảo trì tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, gồm tuyến tránh được đầu tư mới có chiều dài 12km, xây dựng mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần bảo trì, tăng cường Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy có chiều dài khoảng 26,5km, với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc bảo trì tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện một cách hoàn chỉnh, mặt đường Quốc lộ 1 nhiều nơi vẫn xuống cấp, xuất hiện ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là xe 2 bánh…Trong khi đó, theo các nhà xe, bất cập ở trạm thu phí này là thu phí đường tránh 12 km mà Công ty BOT Tiền Giang đầu tư nhưng trạm thu phí lại đặt trên Quốc lộ 1, nên có trường hợp tài xế không đi trên 12 km đường này vẫn phải bị thu phí.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang cho biết, các trường hợp tài xế đưa tiền lẻ qua Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đều được ghi nhận qua camera và đã được báo về Công an tỉnh Tiền Giang. Nếu trường hợp tài xế nào thực hiên nhiều lần sẽ nhắc nhở và nếu tái phạm sẽ có hướng xử lý cụ thể. Riêng về vấn đề Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy thu phí quá cao, trong thời gian tới, Sở GT-VT sẽ phối hợp với chủ đầu tư sẽ có kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ GT-VT xem xét điều chỉnh giá vé thu phí phù hợp với mặt bằng giá thu phí đường bộ chung ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giảm bớt gánh nặng về phí cho người dân và các phương tiện giao thông.
Né trạm thu phí
Một vấn đề phát sinh khác đang gây “đau đầu” cho chủ đầu tư và các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang. Đó là từ ngày 1-8 đến nay, hằng ngày các phương tiên giao thông cứ nối đuôi nhau đi vào các tuyến huyện lộ 67 và 63 (thuộc huyện Cai Lậy) để né trạm thu phí; không phải mất tiền mua vé qua trạm… làm cho số phương tiện giao thông trên các tuyến đường này tăng đột biến. Một số người dân xã Phú An (huyện Cai Lậy) phản ánh, mấy ngày nay, xe cộ cứ ùn ùn đi qua các tuyến huyện lộ 67 và 63. “Tình trạng này cứ kéo dài sẽ làm cho đường sá sẽ mau xuống cấp và không đảm bảo an toàn giao thông” - anh N.V.H, một người dân ở xã Phú An lo lắng cho biết.
Các phương tiện đi vào các tuyến huyện lộ qua xã Phú An (thuộc huyện Cai Lậy) để né Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy. |
Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện đi vào các tuyến huyện lộ 67 và 63… để né Trạm. “Vấn đề này đã được BOT Tiền Giang gửi văn bản đến chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tuyên truyền vận động các tài xế không đi qua các tuyến huyện lộ 67 và 63 để né trạm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và tình trạng các phương tiện né trạm thu phí này vẫn diễn ra” - ông Hiệp cho biết.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang cho biết, đường huyện 63 và 67 có tải trọng thiết kế đến 10 tấn. Do đó, ngành chức năng chỉ có thể xử phạt nếu xe quá tải trọng đi vào làm hư hỏng đường và xe khách chạy tuyến cố định đi sai tuyến. Còn việc xe lưu thông vào 2 đường này là quyền của người tham gia giao thông và không thể buộc họ phải đi trên Quốc lộ 1 để qua trạm thu phí.
Theo ông Bon, trong thời gian tới, Sở GT-VT sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, của huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè, nhất là Thanh tra giao thông sẽ tăng cường kiểm tra các tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, trường hợp nào vi phạm quá tải sẽ bị xử phạt thật nghiêm. Bên cạnh đó, Sở GT-VT cùng các ngành chức năng cũng đang cân nhắc biện pháp hạ tải đường hoặc đặt biển báo cấm ô tô vào các huyện lộ 67 và 63.
Về vấn đề 4 con đường (thuộc TX. Cai Lậy) mà BOT Tiền Giang mượn lúc thi công để vận chuyển vật tư và cam kết sửa chữa nếu hư hỏng. Cho đến nay, khi thi công xong và tiến hành thu phí Dự án BOT tuyến tránh TX. Cai Lậy và bảo trì tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 nhưng các con đường này bị hư hỏng vẫn chưa được nhà đầu tư dự án sửa chữa trả lại cho địa phương. Mặc dù trước đó, chính quyền địa phương đã có rất nhiều văn bản đề nghị nhà đầu tư sửa chữa các con đường nhưng vẫn không thấy trả lời. Còn đại diện nhà đầu tư là BOT Tiền Giang thì cho biết là đang lập dự toán và làm thủ tục báo cáo xin ý kiến Bộ GT-VT , sau đó sẽ triển khai thi công hoàn trả đường.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang cho biết, là cơ quan quản lý Nhà nước Sở GT-VT cũng đã có nhiều văn bản đề nghị nhà đầu tư sửa chữa trả lại các con đường đã mượn nhưng đến nay… vẫn vậy! Do đó, ông Bon đề nghị nhà đầu tư ứng vốn ngay cho địa phương thi công hoàn trả 4 tuyến đường mà nhà đầu tư đã mượn chở vật tư thi công gây hư hỏng đường trong thời gian chờ đợi chủ đầu tư lập dự toán và xin ý kiến Bộ GT-VT, vì vấn đề hoàn trả đường cho địa phương đã được nhà đầu tư cam kết sẽ thực hiện khi triển khai thi công xong dự án.
Được biết, Dự án BOT tuyến tránh TX. Cai Lậy và bảo trì tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 được khởi công vào tháng 2/-2014 theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), với tổng chiều dài khoảng 38 km, trong đó, chiều dài tuyến tránh TX. Cai Lậy được đầu tư mới là hơn 12 km.Tổng kinh phí của dự án là gần 1.400 tỷ đồng. Thời gian thu phí là 6 năm 4 tháng và sau khi hết hạn, dự án sẽ được bàn giao lại cho Nhà nước tiếp tục khai thác quản lý.
Ý kiến bạn đọc