Ông Tư Bốn với chiến thắng 30.4

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/05/2010 19:03
Trung tướng Nguyễn Việt Thành - biệt danh Tư Bốn.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành - biệt danh Tư Bốn.

Nhắc đến Trung tướng Nguyễn Việt Thành (biệt danh Tư Bốn), hẳn nhiều người nghĩ ngay tới chiến công thanh toán băng xã hội đen do Năm Cam cầm đầu cách đây gần 10 năm.

Ít người biết rằng ông đã từng là người hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hàng trăm trận đánh vang dội, lập nhiều chiến công hiển hách.

Nổi tiếng không chỉ cái tên 

Cuối năm 1966, Tiểu đoàn 514 của Tỉnh đội Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay) đón nhận thêm một số chiến sĩ mới. Trong số đó có 1 chiến sĩ trẻ, mới 19 tuổi mà đã nhanh chóng nổi tiếng trong toàn tiểu đoàn. Nổi tiếng bởi sự chiến đấu gan lỳ và bởi cái tên khá đặc biệt: Tư Bốn.  

Để được rút về tiểu đoàn chủ lực của tỉnh, chiến sĩ Nguyễn Văn Huy (tên khai sinh của Trung tướng Nguyễn Việt Thành) đã có 5 năm trời chiến đấu tại xã nhà Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Mới 14 tuổi, ông đã tham gia du kích xã, sau là phó, rồi trưởng công an xã, cái cơ duyên cho nghiệp công an sau này. Nhờ từng là công an, chiến đấu gan lỳ, Tư Bốn được Tiểu đoàn 514 chọn đi “thử thách” để bổ sung vào Đại đội vệ binh của Tỉnh ủy (còn gọi Đội An ninh bảo vệ Tỉnh ủy).
 
Cách thử thách thời chiến thật lạ: Đưa về Đồng Tháp Mười hoang vu, giao mỗi người 6 mẫu ruộng cùng 2 con trâu, vừa chiến đấu vừa sản xuất. Sau 18 tháng “thử thách”, nhiều lúc một mình chống lại cả bầy trực thăng, bảo vệ ruộng lúa tới mùa thu hoạch, Tư Bốn là 2 trong 3 người vượt qua được thử thách khắc nghiệt để được nhận vào Đại đội vệ binh của Tỉnh ủy, một đơn vị khá “oai” trong thời chiến. 

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Mỹ Tho luôn bám địa bàn, kể cả khi đối phương đã “bình định trắng”. Vì vậy mà nguy hiểm luôn rình rập cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của tỉnh. Đại đội vệ binh phải tổ chức 3 trung đội, bảo vệ Tỉnh ủy thành 3 vòng. Trung đội của Tư Bốn bảo vệ vòng ngoài cùng, luôn chạm trán với đối phương đầu tiên mỗi khi có chống càn. 

Chỉ sau vài trận “thử tài”, Tư Bốn đã được đề bạt trung đội phó, trung đội trưởng, đại đội phó, rồi đại đội trưởng. Giai đoạn từ Tết Mậu Thân - 1968 trở đi, khi đối phương phản công quyết liệt, nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy càng nặng nề, nguy hiểm. Có lúc ngày nào Đại đội vệ binh của Tư Bốn cũng “so găng” với đối phương. 

Có lần Tỉnh ủy bị bao vây ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, Tư Bốn cùng đồng đội vừa mở đường máu đưa Tỉnh ủy về nơi an toàn, vừa đánh lạc hướng đối phương bằng cách “khiêu chiến”, trận đánh kéo dài suốt 22 ngày đêm... Theo thống kê của bộ phận tổng kết chiến tranh tỉnh Tiền Giang, Đại đội vệ binh của Tư Bốn đã đánh trên 100 trận, tiêu diệt hơn 200 tên địch, làm bị thương 230 tên... 

Anh hùng “lựu đạn giàn thun”

Tháng 8.1980, anh Tư Bốn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là sự ghi nhận cho việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho trong những năm gian khổ nhất (không có đồng chí nào trong Tỉnh ủy bị bắt hoặc thương vong) và thành tích đánh địch bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân. Có một chiến công khác của Tư Bốn đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là sáng kiến “lựu đạn giàn thun”.

Nay đã ở tuổi 63, nhưng khi nhắc lại chuyện “lựu đàn giàn thun”, Trung tướng Nguyễn Việt Thành như trẻ lại, hào hứng hẳn lên, sẵn sàng ngồi bệt ra đất thực hiện thao tác bắn lựu đạn bằng giàn thun, thứ vũ khí đã từng làm cho đối phương mất ăn mất ngủ suốt thời gian dài. 

Thời bé đã từng “thiện xạ” với ná thun trong bắn chim, bắn cá, khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi họp trên R về kể chuyện du kích Tây Nguyên đánh địch bằng lựu đạn giàn thun, Trung đội trưởng Tư Bốn lao vào nghiên cứu. Anh chọn 2 thân cây vững chãi đứng kề nhau, mua 1 ký thun khoanh làm giàn thun, rồi phân công 3-4 người phối hợp thực hiện thao tác bắn.
 
Lựu đạn bay đi được hơn 100 mét. Tư Bốn nâng dần lượng thun lên 2, rồi 3 ký. Cự ly bắn cũng kéo dài ra 200, rồi 300 mét. “Biên chế” cho đội bắn cũng lên đến 9-10 người. Tư Bốn là “xạ trưởng”, ôm trái lựu đạn đã được lắp vào ná, canh cự ly, rút chốt và ra lệnh “bắn”. Lúc ấy, các chiến sĩ đồng loạt buông dây thun được kéo căng khoảng 15 mét, trái lựu đạn lao vút vào không trung. 

Có 1 chiến sĩ ngồi trên cây cao để ước lượng tọa độ, dựa vào đó Tư Bốn triển khai cú bắn dưới đất cho chính xác. Cự ly tối đa để bắn lựu đạn bằng giàn thun là 300 mét, mặc dù giàn thun của Tư Bốn có thể bắn xa hơn. Nguyên nhân do thời gian “cháy chậm” của lựu đạn chỉ khoảng 7 giây, nếu bắn xa hơn, đạn chưa tới đích đã nổ. 

Hoàn toàn thô sơ, thủ công, nhưng “đại bác giàn thun” của Tư Bốn đạt độ chính xác rất cao, thường là bắn trúng đích, đối phương rất hoang mang, không biết mục tiêu để đánh trả. Cú bắn của các anh điêu luyện tới mức có thể điều khiển cho lựu đạn nổ trước khi chạm đất chừng vài mét, nhằm làm tăng độ sát thương. 

Giải phóng Sài Gòn

Tháng 1.1974, anh Tư Bốn được Tỉnh ủy Tiền Giang gửi đi học Trường Quân chính Trung ương trên R như là cách bồi dưỡng thế hệ cách mạng sau này. Trước đó, cha và 2 anh của anh đã ngã xuống đáp đền nợ nước. Chuẩn bị vào chiến dịch mùa xuân năm 1975, Trường Quân chính thành lập Tiểu đoàn 3 - Công an võ trang và Tư Bốn được cử là tiểu đoàn phó, tham mưu trưởng. Sáng 28.4.1975, Tiểu đoàn 3 cùng với quân chủ lực từ Sông Bé hướng về Sài Gòn. 

Một cuộc đụng độ lớn đã xảy ra ở Bến Cát, khi lực lượng mạnh của đối phương quyết “tử thủ” ở cửa ngõ Sài Gòn. Xe tăng 2 bên quần nhau dữ dội, cùng với cuộc đấu súng của lính bộ binh. Cuối cùng, “cửa ải” Bến Cát cũng đã thông, sau khi quân giải phóng “giáo dục, tha cho về nhà” hàng ngàn tù binh bại trận. Nhiều đồng đội của Tư Bốn cũng đã nằm lại đó, không kịp về giải phóng Sài Gòn. 

Sáng sớm 30.4.1975, Tư Bốn cùng đồng đội tràn vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Song, hành quân ra đánh chiếm Trường Huấn luyện Quang Trung, đến chiều tiến vào chiếm giữ Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Anh Tư Bốn kể: “Ấn tượng khó quên lúc tiến vào chiếm tổng nha là cả trăm nữ nhân viên trong trang phục áo dài tập trung lại chờ cách mạng vào để bàn giao. Tụi tui thấy có khoảng 100 xe Jeep đang nổ máy ở sân kho (có lẽ là chạy bảo trì), nhưng không ai dám đụng vào, cũng không biết tắt. Xe chạy tới khi hết xăng rồi tự tắt”. 

Đánh trận thời bình

Tháng 10.1975, ông xin trở về quê hương Tiền Giang, làm phó phòng, rồi trưởng phòng CSGT. Năm 1993, ông được giao làm Giám đốc Công an tỉnh. Trong 7 năm ông làm giám đốc, Công an Tiền Giang 7 lần nhận cờ luân lưu của Chính phủ với những chiến công mà vì quy định của ngành ông không thể kể. Năm 1999, ông được rút về Bộ Công an, làm Tổng Cục phó Tổng cục Cảnh sát phụ trách phía nam, một trận đánh lớn đang chờ ông ở phía trước.

Ông kể, khi còn ở tỉnh, ông có nghe nói về băng nhóm Năm Cam, nhưng chưa hình dung hết mức độ nguy hiểm. Khi về bộ (văn phòng ở TPHCM), một lần cán bộ cấp dưới đi dự tiệc về kể với ông: Tiệc sinh  nhật của một cán bộ được tổ chức trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Khi tiệc đang diễn ra, bất ngờ Năm Cam đến, cả phòng tiệc đứng dậy vỗ tay. Năm Cam vừa đi vào vừa khoát tay cho mọi người ngồi xuống... 

Qua câu chuyện ấy, ông quả quyết băng nhóm Năm Cam không chỉ dừng lại ở “xã hội đen” bình thường và ông quyết tâm “đánh”. Khi đến gặp ông, tôi những tưởng ông sẽ kể say sưa về chuyên án Năm Cam, vì qua nó mà ông được cả nước biết và nể phục. Thế nhưng, ông kể rất vắn tắt về chiến công trong thời bình này, rồi kết luận: “Cũng áp dụng lời dạy của Bác Hồ “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Cũng là dựa vào dân, vì mục tiêu tối thượng là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, tấn công không khoan nhượng...”. 

Nhắc về Đại thắng mùa xuân 1975, ông cho rằng, đó là thành quả vĩ đại của cả dân tộc, thể hiện sức mạnh thống nhất của ý Đảng lòng dân, kiên định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Vui mừng kỷ niệm chiến thắng, nhưng không bao giờ được quên những đồng đội đã hy sinh anh dũng và công lao của nhân dân” - ông Tư Bốn nói.

Nguyễn Phấn Đấu
(Theo Lao Động)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 279
  • Khách viếng thăm: 278
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 48243
  • Tháng hiện tại: 2280793
  • Tổng lượt truy cập: 46248026