Ông Dương Quốc Thanh: Thương lắm những mảnh đời bất hạnh

Đăng lúc: Thứ hai - 11/08/2014 08:33
Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 10-8-2014, chúng tôi có dịp gặp ông Dương Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã An Hữu, huyện Cái Bè, để tìm hiểu về quá trình tham gia hội và công tác vận động giúp đỡ cho các nạn nhân của ông.

Tất bật với những phần quà vừa vận động được nhưng vừa làm, ông Thanh vừa vui vẻ trò chuyện: Sau hơn 40 năm tham gia cách mạng, năm 2005 tôi được nghỉ hưu, những tưởng từ đây trở đi sẽ được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Nào ngờ, các anh trong Đảng ủy, UBND xã vận động tôi tiếp tục tham gia công tác xã hội. Là một đảng viên, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, tôi không thể từ chối nên đồng ý tham gia vào Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã.

Sinh năm 1949, năm 1964, mới 15 tuổi ông Thanh làm giao liên rồi tham gia vào du kích xã. Kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều chiến công, năm 1968 ông được đề bạt lên làm Xã đội trưởng xã An Hữu. Sau đó, ông được điều về công tác tại đơn vị Y4, thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Năm 1973, ông chuyển về công tác tại Ban Nông nghiệp thuộc Trung ương cục miền Nam.

Sau giải phóng, ông về làm giáo viên tại trường Trung cấp Nông nghiệp Long Định. Từ năm 1986 cho đến năm 2005, trước khi nghỉ hưu, ông đã giữ nhiều chức vụ như ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cái Bè, ủy viên Thường vụ Hội Nông dân huyện Cái Bè…

Từng trải qua chiến tranh, trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù và giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau, nên ông Thanh có một bề dày thành tích và kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, tổ chức và vận động quần chúng.

Giọng ông Thanh vẫn đều đều: Từng chứng kiến cảnh chết chóc do bom, đạn của kẻ thù gây ra trong chiến tranh, nay lại phải chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền do hậu quả của chất độc da cam để lại, lòng tôi vô cùng thương cảm, xót xa.

Vì vậy, khi được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã, tôi đã cùng với anh em trong Ban chấp hành không ngừng củng cố tổ chức hội vững mạnh. Trên cơ sở đó, một mặt chúng tôi tiến hành rà soát, thẩm tra xác định những trường hợp bị nhiễm chất độc da cam để lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho nạn nhân.

Mặt khác, thường xuyên thăm hỏi những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có kế hoạch vận động giúp đỡ. Có đến tận từng gia đình nạn nhân, mới thấy được nỗi đau không chỉ về thể xác mà cả tinh thần của họ. Thú thật, chứng kiến nhiều trường hợp bị tật nguyền, dị dạng thậm chí bán thân bất toại của nạn nhân, tôi đã không cầm được lòng mình.

Mặc dù chưa được công nhận là hội đặc thù nên chưa được hưởng chế độ trợ cấp, nhưng ông Dương Quốc Thanh vẫn “cơm nhà, việc xã”, tận tâm, tận tụy với nhiệm vụ được giao. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã An Hữu hiện có 109 hội viên, trong đó có 88 nạn nhân, sinh hoạt tại 5 chi hội trên địa bàn 5 ấp. Trong số 88 nạn nhân, hội đã làm hồ sơ đề nghị cho 12 nạn nhân được hưởng chế độ người có công và 70 nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp xã hội.

Hàng năm hội đều tổ chức thăm hỏi, vận động các cá nhân, tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân nhân dịp các ngày lễ tết nhằm khuyến khích, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, hội đã vận động được 185 suất quà tặng nạn nhân, trị giá gần 40 triệu đồng và thành lập được quỹ hội gần 5 triệu đồng để làm kinh phí hoạt động.

Anh Đậu
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 196
  • Khách viếng thăm: 194
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 53491
  • Tháng hiện tại: 2552877
  • Tổng lượt truy cập: 48927004