Hội viên cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam: Giúp nhau vượt khó, thoát nghèo

Đăng lúc: Thứ tư - 14/04/2010 05:16
Mô hình nuôi heo sinh sản của cựu chiến binh Phan Minh Diệu.

Mô hình nuôi heo sinh sản của cựu chiến binh Phan Minh Diệu.

Là cơ sở Hội điển hình trong công tác hỗ trợ hội viên thoát nghèo bền vững tại huyện Cai Lậy, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam đã tổ chức những mô hình phát triển kinh tế khá bài bản và hiệu quả.

Những "điểm sáng" thoát nghèo

Trước đây, cuộc sống gia đình ông Phan Minh Diệu ở ấp 6, xã Mỹ Thành Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ruộng vườn sản xuất không mấy hiệu quả do thiếu vốn đầu tư, vợ chồng ông chọn cách chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Năm 1993, một "bước ngoặt đáng nhớ" đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống gia đình ông. Dịch bệnh và giá cả biến động, ông Diệu phải bán tháo bán đổ đàn heo thịt với giá rẻ. Thanh toán xong tiền thức ăn cho các đại lý, vợ chồng ông gần như trắng tay. Biết được hoàn cảnh của ông, Hội Cựu chiến binh xã cho ông mượn hai triệu đồng từ quỹ góp vốn xoay vòng. Vốn không nhiều nhưng với ông Diệu lại là một sự trợ giúp kịp thời và ý nghĩa. Ông đầu tư mua con giống và chuyển sang mô hình nuôi heo sinh sản. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ nên từ hai con heo mẹ, lúc hoàn vốn ông đã nhân đàn lên gần chục con và đầu tư mở rộng chuồng trại. Hiện tại, dãy chuồng của ông Diệu duy trì thường xuyên từ 20 - 30 heo sinh sản, mỗi năm cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cần cù, khéo tính toán, người cựu chiến binh Phan Minh Diệu đã làm giàu trên mảnh đất quê hương. trở thành một trong những điển hình vượt khó tại địa phương.  

Khác với ông Diệu, mặc dù ở nông thôn nhưng gia đình ông Trương Minh Đằng lại không có nhiều đất sản xuất. Phục viên năm 1983, ông Đằng trở về địa phương cần mẫn với nghề nông. Gia đình 6 nhân khẩu mà chỉ có hai công ruộng canh tác vụ được vụ mất, cảnh nhà ông cứ thiếu trước hụt sau. Các con càng lớn, chi phí sinh hoạt càng tăng, ông phải đi làm thuê để cải thiện thu nhập. Năm 2008, sau một thời gian làm công nhân tại TP.HCM, con gái ông Đằng nhận hàng may, thêu, đính cườm về gia công tại nhà. Lớn tuổi và sức khỏe sa sút, ông Đằng cũng quyết định về quê để giao hàng gia công cho con. Ban đầu, công việc này chủ yếu để gia đình ông trang trải chi phí sinh hoạt. Thấy công việc đơn giản nên một số phụ nữ địa phương đến nhờ nhận hàng để kiếm thêm tiền chợ. Qui mô cứ thế mở rộng dần. Tuy nhiên do kinh tế gia đình còn khó khăn nên ông Đằng không thể nhận nhiều hàng do bị động chi phí trả nhân công, không có điều kiện đầu tư máy móc. Năm 2009, được Hội Cựu chiến binh xã đã bảo lãnh cho vay tín chấp 20 triệu đồng, ông Đằng đã có điều kiện trang bị thêm máy móc, dụng cụ thêu, trả chi phí cho nhân công và sửa chữa lại cơ sở. Hiện tại, có khoảng 150 lao động nữ nhận hàng gia công tại cơ sở của ông Đằng, thu nhập trung bình từ 20.000đ - 30.000đ/ngày. Mô hình này không chỉ giúp gia đình ông thoát nghèo mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động nông nhàn ở địa phương.

Giúp nhau vượt khó thoát nghèo

Xác định khó khăn lớn nhất của hầu hết hội viên khi về địa phương là thiếu vốn và tư liệu sản xuất, trong hoạt động, Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề giúp hội viên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Điển hình trong năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay sản xuất, chăn nuôi, phát triển các mô hình tiểu thủ công nghiệp trên 1 tỷ đồng thông qua các Tổ vay vốn. Các chi hội còn đa dạng hóa hình thức góp vốn làm ăn không tính lãi như xây dựng Quỹ đồng đội, Quỹ nghĩa tình gần 180 triệu đồng. Một hình thức khác là hội viên tự nguyện góp xi măng xóa nhà dột nát, xây dựng sân phơi. Xi măng được qui ra tiền theo giá thị trường theo ba vụ lúa trong năm. Đến nay, với tổng vốn huy động trên 142 triệu đồng, hàng trăm hội viên đã có điều kiện sửa chữa, xây dựng nhà kiên cố, có sân phơi, hố xí hợp vệ sinh.

Điều đáng ghi nhận là không chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của tổ chức Hội, hội viên cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam còn chủ động tổ chức những mô hình làm ăn hiệu quả. Tại địa phương này đã xây dựng Tổ hợp tác thùng phóng lúa với 60 hội viên tham gia, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Nhiều hội viên là xã viên tiêu biểu của hợp tác xã Mỹ Thành. Phát huy nghĩa tình đồng đội, hội viên còn chủ động trợ giúp những đồng đội khó khăn, động viên nhau về tinh thần, giúp nhau vượt khó, xây dựng cuộc sống tiến bộ hơn. Chính vì thế, Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam là một trong những cơ sở hội điển hình trong xóa đói giảm nghèo, mỗi năm luôn có từ 4 - 5 hội viên thoát nghèo. Năm 2009, tỷ lệ hội viên nghèo giảm còn 7,3%.

Những mô hình giúp nhau làm kinh tế của Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam không những phát huy vai trò của Hội trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn "thắp lửa" cho tinh thần tự lực, không ngại khó và thể hiện nghĩa tình đồng đội của những người lính cụ Hồ năm xưa. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, họ đã đóng góp công sức giành độc lập, tự do cho dân tộc, giờ đây họ lại tiếp tục chiến đấu không mệt mỏi trên một trận tuyến mới: góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Quế Ngân
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 446
  • Khách viếng thăm: 440
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 71787
  • Tháng hiện tại: 1937566
  • Tổng lượt truy cập: 48311693