Cơ hội khẳng định thương hiệu trái cây Việt Nam

Đăng lúc: Thứ tư - 14/04/2010 05:19
Cơ hội khẳng định thương hiệu trái cây Việt Nam

Cơ hội khẳng định thương hiệu trái cây Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam là một nhà khoa học rất tâm huyết với sự phát triển của Viện cũng như ngành trồng cây ăn quả nước ta - đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Kiên trì định hướng chuyển đổi nhận thức và tập quán trồng cây ăn quả trong nông dân, hướng bà con đến trình độ thâm canh tiên tiến, tuyển chọn nhân rộng những giống cây ăn quả chất lượng tốt nhằm xây dựng ngành trồng cây ăn quả hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao, phù hợp xu thế hội nhập, ông đã góp phần nâng tầm những giống cây ăn quả "tuyệt vời": xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ri6, sầu riêng Chín Hóa, bưởi Da xanh...khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước. Đến với Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam có nhiều hoạt động quan trọng góp phần vào sự thành công chung. Trước thềm Festival Trái cây, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu đã vui vẻ dành cho báo giới một cuộc trao đổi thân tình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

-Tiến sĩ đánh giá thế nào về tiềm năng cây ăn quả các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu: Cả nước hiện có trên 776.000 ha cây ăn trái , trong đó riêng các tỉnh phía Nam trên 460.000 ha và Đồng bằng sông Cửu Long trên 282.000 ha. Hàng năm, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 438 triệu USD rau quả các loại nhưng chỉ nhập khẩu có 280 triệu USD mà thôi - nghĩa là về rau quả nước ta xuất siêu trên 150 triệu USD. Trong khi các nước lân cận có tiềm năng lớn về rau quả như Thái Lan xuất khẩu đạt 800 triệu USD, Ma-lai-xi-a đạt khoảng 60 - 70 triệu USD...Nói điều đó để khẳng định tiềm năng cây ăn quả nước ta, đặc biệt các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn.

Việt Nam có nhiều loại trái cây ngon, có lợi thế cạnh tranh rất lớn như: cam Canh, bưởi Phúc Trạch, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng (miền Bắc); bơ, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, thanh long (các tỉnh Tây nguyên, Trung Trung bộ và Đông Nam bộ); cây có múi, khóm, đu đủ, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, bưởi Da xanh...(Đồng bằng sông Cửu Long). Bên cạnh sự đa dạng về chủng loại trái cây nhiệt đới, chất lượng ngon, được ưa chuộng trên thị trường quốc tế với lợi thế cạnh tranh cao, nước ta còn có ưu thế về con người, về cán bộ kỹ thuật chuyên sâu lĩnh vực trồng cây ăn quả nói riêng và rau hoa quả nói chung. Nhà vườn nước ta có trình độ thâm canh cao, nhạy bén tiếp thu và nắm vững khoa học kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng những kỹ thuật công nghệ mới được chuyển giao...Rất tiếc, với tiềm năng trên, mặc dù nước ta đã có nhiều nỗ lực khai thác ,nhưng nhìn chung chưa nhiều, chưa tương xứng. Nhiều cây trồng đặc sản chưa được chú ý khai thác xuất khẩu,  đơn cử như cây bơ - đặc sản các tỉnh Tây nguyên chẳng hạn.

- Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã có những động thái gì để giúp nhà vườn khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế vườn có lợi thể cạnh tranh kể trên ,phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu: Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đi vào hoạt động đến nay đã 16 năm. Trong suốt 16 năm qua, Viện đồng hành cùng các tỉnh phía Nam và bà con trong việc nghiên cứu khai thác tiềm năng cây ăn quả thế nào cho hữu hiệu. Đó là một chương trình dài hơi, có hệ thống, có sự tiếp nối kế thừa kể cả nghiên cứu dự báo...

Cụ thể, giai đoạn 1994 - 2000, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đi sâu vào nghiên cứu tuyển chọn giống để định hướng nhà vườn chuyển đổi sang một tư duy mới trong phát triển vườn cây ăn quả. Đó là chọn giống tốt, giống sạch bệnh để trồng nhằm tạo tiên đề cho những vụ mùa bội thu. Trước tiên, chúng tôi chọn khâu đột phá là giống cây có múi sạch bệnh, tiếp theo là các giống cây ăn quả sạch bệnh khác đáp ứng nhu cầu nhà vườn các tỉnh phía Nam. Giai đoạn 2001 - 2005, chúng tôi tiếp tục tập trung cho hướng nghiên cứu về kỹ thuật cây trồng và bảo vệ thực vật gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiên cứu và phổ cập trong nhà vườn kỹ thuật trồng thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản, các kỹ thuật và công nghệ sau thu hoạch...Chúng tôi đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cũng như tổ chức các hội thi qui tụ sự tham gia của đông đảo nhà vườn. Từ đó, giúp bà con định hướng đúng trong việc qui hoạch vườn cây, chọn cây giống, ứng dụng kỹ thuật để thâm canh hiệu quả...

Giai đoạn 2006 - 2010 là giai đoạn Viện nghiên cứu chuyển giao qui trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn thế giới Global GAP. Nghĩa là đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm - một trong những giấy thông hành quan trọng cho nông sản hàng hóa Việt Nam nói chung đến được các thị trường lớn trên thế giới giai đoạn hội nhập hiện nay. Thời gian qua, Viện đã thực hiện từng bước đi phù hợp. Năm 2002 tổ chức Hội thi trái ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2006 triển khai đề tài xây dựng mô hình Global GAP đầu tiên trên thanh long Bình Thuận (được cấp giấy chứng nhận vào năm 2007). Năm 2008 ,triển khai tiếp dự án trồng theo tiêu chí Global GAP trên xoài cát Hòa Lộc tại Nông trường sông Hậu (thành phố Cần Thơ). Nhận thấy hiệu quả thiết thực, nhiều tỉnh như: Tiền Giang, Vĩnh Long cũng bắt đầu thâm canh cây trồng theo hướng GAP. Sau năm 2010, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng kỹ thuật canh tác theo phương pháp hữu cơ - lộ trình tiên tiến nhất mà các nhà vườn không thể không hướng tới nếu muốn làm giàu bền vững.

- Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại Tiền Giang  từ ngày 19/4 đến 24/4//2010. Theo Tiến sĩ, Festival đóng vai trò như thế nào trong việc khuếch trương thương hiệu trái cây Việt Nam nói chung và trái cây Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu:  chúng ta thấy rõ nhất là Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I với nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn, phong phú sẽ khẳng định vị thế và thương hiệu trái cây Việt Nam với nhiều chủng loại chất lượng tốt, hương vị thơm ngon và được thị trường trong nước lẫn quốc tế hết sức ưa chuộng. Ví dụ như xoài cát Hòa Lộc được công nhận ngon hơn hẳn xoài xuất xứ từ Phi-lip-pin hoặc Thái Lan là những nước nhiệt đới có tiềm lực lớn về trái cây. Bưởi Da xanh cũng vậy. Ngoài ra còn có chuối cau, đu đủ, khóm, sapôchê, sầu riêng Ri 6, sầu riêng 9 Hóa...

Festival là dịp để các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước, các doanh nghiệp trong ngoài nước hiểu biết về trái cây Việt Nam, mở ra những cơ hội giao thương mới nhằm thiết thực giải quyết đầu ra, tiêu thụ nông sản phẩm, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu - những điều mà ngành trồng cây ăn quả nước ta cũng như nhà vườn khát khao mong đợi hơn bao giờ hết. Bản thân tôi đã quan hệ và đặt vấn đề quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam với ông John Hey, Tổng Biên tập Tạp chí Asia Fruit (Trái cây Châu Á) - một tạp chí chuyên về trái cây rất nổi tiếng trên thế giới có trụ sở tại Australia. Ông Tổng biên tập đã vui vẻ nhận lời mời của tôi đến dự Hội thảo trong khuôn khổ Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I. Tại Hội thảo, ông sẽ giới thiệu về nhu cầu trái cây nhiệt đới của thị trường thế giới,  đưa ra các khuyến cáo về sự cần thiết nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng vùng nguyên liệu, có chiến lược phù hợp hỗ trợ nhà vườn mở rộng những vùng trồng cây ăn quả đặc sản theo ngưỡng an toàn và đạt tiêu chí Global GAP...

- Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam tham gia vào Lễ hội trái cây Việt Nam lần này trên những lĩnh vực và công việc cụ thể gì, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu: Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I là một cơ hội lớn cho ngành trái cây cũng như nhà vườn nước ta. Chúng tôi đã xác định phải có trách nhiệm trong việc đồng hành cùng bà con, đồng hành cùng Festival, góp sức cho Lễ hội thành công mỹ mãn. Cụ thể có 3 công việc chính mà Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đó là tổ chức Hội thảo quốc tế về Cơ hội và thách thức của trái cây Việt Nam trong thời đại mở cửa hội nhập, tham gia gian hàng triển lãm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, Viện Rau quả và Viện Cơ điện công nghệ sau thu hoạch, đồng thời tổ chức Hội thi trái cây ngon và an toàn qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động thiết thực khác như: tham gia cùng Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia, Hội Làm vườn Trung ương bình chọn những nông dân xuất sắc trên các lĩnh vực thâm canh cây ăn quả và những địa chỉ xanh vườn ươm cây giống chất lượng tốt...Tôi xin khẳng định, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng đóng góp cho sự thành công của Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ I. Đó cũng là vinh dự và trách nhiệm của chúng tôi. Nhân đây, xin chúc tỉnh Tiền Giang tổ chức Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I thành công mỹ mãn như kỳ vọng của các cấp lãnh đạo, các ngành và quần chúng nhân dân, xin chúc ngành trồng cây ăn quả nước ta sau Festival có thêm bước thăng hoa ngoạn mục.

Minh Trí
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 234
  • Khách viếng thăm: 231
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 78848
  • Tháng hiện tại: 2279137
  • Tổng lượt truy cập: 48653264