Anh Hồ Bé (thứ 2 từ trái qua) đi thăm gia đình nạn nhân.
Thoạt đầu tôi cứ tưởng anh Hồ Bé họ Hồ, nhưng không phải. Tên thật của anh là Võ Văn Y, sinh năm 1942, tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo. Ngay từ những ngày miền Nam vùng lên Đồng Khởi năm 1960, anh đã ước nguyện được cầm súng chiến đấu để trở thành "Anh bộ đội Cụ Hồ". Với niềm kính yêu và ngưỡng mộ Bác vô hạn, hồi đầu tham gia hoạt động cách mạng, anh lấy tên là Hồ Hồng Hải. Sau khi vào bộ đội, anh lấy tên là Hồ Bé từ ý tưởng ngây thơ, trong trắng, mong ước được làm đứa con, cháu bé nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Không hổ thẹn với lòng mình khi thầm hứa sẽ xứng đáng là đứa con ngoan của Bác, anh quyết tâm phấn đấu và đã trưởng thành trong chiến đấu. Với tinh thần không ngừng vươn lên, không ngại gian khổ, hy sinh, linh hoạt và sáng tạo, anh dũng và kiên cường, anh đã lập được nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Xuất thân từ nông dân, sau gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, anh lại trở về làm một người nông dân. Trong bộ quân phục bạc màu, anh lên liếp trồng cả trăm gốc xoài, rồi đào cả ngàn mét vuông ao nuôi cá. Phụ với vợ, anh cũng xắn quần vào chuồng tắm rửa cho heo, mắc võng nằm canh heo đẻ. Trong chuồng của gia đình anh lúc cao điểm, có khoảng 20 con heo nái và cả trăm con heo thịt. Nhìn anh nhọc nhằn, lam lũ, mấy ai biết đó là một Anh hùng!
Ổn định cuộc sống gia đình, anh lại say mê làm công tác xã hội. Hết làm Phó Bí thư chi bộ ấp, anh lại trúng cử vào Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành (BCH) Hội CCB tỉnh. Nghỉ hưu, nhưng nhiệt huyết của anh vẫn còn hừng hực lắm. Anh bảo: "Đã không làm thì thôi, làm phải đến nơi, đến chốn, làm hết sức mình, làm đúng theo lời Bác Hồ đã dạy". Anh là người may mắn, từng ba lần vinh dự được gặp Bác Hồ; từng được nắm lấy bàn tay của Bác; từng được kể chuyện cho Bác nghe và được Bác căn dặn, dạy bảo nhiều điều.
Anh kể: "Bác căn dặn làm người cách mệnh phải chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Làm người cán bộ phải giữ gìn tư cách, đạo đức, gương mẫu công tác, phục tùng cấp trên, thương yêu cấp dưới...". Ghi nhớ lời Bác dạy, anh thường xuyên cùng với các đồng chí trong BCH Hội đi thăm hỏi những CCB nghèo khó, bệnh tật, ốm đau; khuyến khích, động viên những người lính năm xưa chăm lo sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Phong trào Hội CCB phát triển mạnh mẽ, trong có có một phần trí tuệ, công sức đóng góp của anh.
Tháng 4/2005, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành lập, anh được bầu làm Chủ tịch Hội. Việc mới, người mới, anh lại cùng các thành viên trong BCH lặn lội đi tuyên truyền, vận động phát triển hội viên và thành lập các tổ chức Hội. Hiện nay, Hội thành lập được 10/10 Hội huyện, thành, thị và các cơ sở Hội phường, xã phủ kín địa bàn.
Đến với những nạn nhân chất độc da cam và gia đình nạn nhân, anh Hồ Bé nhiều lúc không cầm đặng lòng mình. Thăm 3 anh em mù bẩm sinh ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, anh cẩn thận vạch mắt ra xem còn có thể chữa trị được không. Khi thấy đó chỉ là những hốc mắt sâu hoắm, đỏ hoét, không có tròng con ngươi, không thể chữa trị được, nước mắt anh lại ứa ra. Trên cương vị Chủ tịch Hội, hễ phát hiện được trường hợp nạn nhân chất độc da cam nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là anh tổ chức đi thăm hỏi và tìm mọi cách tuyên truyền, vận động mọi người, mọi giới, mọi ngành giúp đỡ. Bất kể đó là vùng sâu, vùng xa hay vùng căn cứ kháng chiến cũ. Hình ảnh trời mưa, lũ, anh xắn quần lội vào từng nhà nạn nhân thăm hỏi, động viên, tặng quà làm cho tôi vô cùng cảm phục.
Con người của anh là vậy, tính cách của anh là vậy, cái chất "anh hùng" trong con người anh luôn thể hiện ra trong từng công việc nhỏ nhất. Thăm gia đình em Âu Thị Diễm Lan, một nạn nhân nghèo hiếu học, học giỏi ở Cái Bè, không có nơi để ngồi học, anh đã bàn bạc với Hội vận động xây tặng cho gia đình em một căn nhà tình thương. Thăm gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, người chiến sĩ Tiểu đoàn 261 Anh hùng, người từng trực tiếp tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, đánh vào thành phố Mỹ Tho, hiện là một nạn nhân chất độc da cam, có người con tàn tật, sống cuộc đời thực vật, anh không cầm đặng lòng mình, khi căn nhà của gia đình ông được ví như "khách sạn ngàn sao". Sau chuyến đi thăm và khảo sát thực tế của anh, gia đình ông Dũng đã được tặng một căn nhà tình thương.
Cái cần, cái kiệm, liêm chính, chí công, vô tư trong con người anh Hồ Bé cũng có cái "khác người". Việc không nhất thiết phải dùng đến xe công thì anh gương mẫu, động viên anh em dùng xe Honda riêng. Đi thăm hỏi, tặng quà, thậm chí đi trao tặng nhà tình thương cho nạn nhân, chi phí dọc đường như ăn uống trong ngày, anh động viên mọi người trích tiền công tác phí ra thanh toán. Chuyện nhỏ! Nhưng công quỹ thì nhất thiết không được "rò rỉ" một xu. Anh là vậy, lời nói luôn đi đôi với việc làm, hành động luôn làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, anh không ngần ngại ngỏ lời với các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm "hãy dang rộng vòng tay và lòng nhân ái" giúp đỡ cho các gia đình nạn nhân. "Đi xin", không phải cho mình, anh được mọi người trìu mến gọi là "bang chủ Cái bang" thời hiện đại. Xin tiết lộ thêm một chút, bốn người con của anh đều mang họ Hồ, mặc dù ai cũng biết rằng, tên thật của anh là Võ Văn Y.
Ý kiến bạn đọc