Những chiếc cầu nối bờ vui ở cồn Tân Phong

Đăng lúc: Thứ ba - 05/03/2013 11:01
Ở vùng quê “cách trở đò ngang” như xã Tân Phong (huyện Cai Lậy), việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Cũng từ cái khó đã vun đắp tình đoàn kết, người dân địa phương đã sẵn sàng góp sức để điều kiện giao thông từng ngày khởi sắc. Con số 1,5 tỷ đồng tự nguyện đóng góp của bà con thể hiện điều đó.
Người dân ấp Tân Bường A góp sức thi công cầu cồn Bầu. Ảnh: Nguyễn Bảy

Người dân ấp Tân Bường A góp sức thi công cầu cồn Bầu. Ảnh: Nguyễn Bảy

Sinh sống tại cồn Bầu (ấp Tân Bường A) đã 30 năm, ông Trần Văn Thiết hiểu những nhọc nhằn của người dân miệt sông nước khi giao thông bị chia cắt. Ngày ông về lập nghiệp, cồn Bầu chỉ có chục căn nhà vách lá đơn sơ, nhà nối nhà bằng những con đường đất nhỏ hẹp men theo vườn cây ăn trái.

Theo thời gian, người dân đến sinh sống đông hơn, cồn Bầu có điện thắp sáng, nước máy sinh hoạt nhưng điều kiện giao thông vẫn chưa được cải thiện. Không có điểm trường, con em cồn Bầu nuôi ước mơ có được con chữ phải vượt sông bằng chiếc trẹt nhỏ. Một chiếc cầu nối gần đôi bờ sông nhiều năm qua không chỉ là ước mơ riêng của ông Thiết mà còn của hầu hết người dân cồn Bầu.

Hiện thực hóa ước mơ, ông Thiết là người đầu tiên khởi xướng việc xây cầu và đóng góp 70 triệu đồng làm chân quỹ. Nhiệt tình của ông có sức thuyết phục rất lớn với người dân nơi đây và các nhà hảo tâm. Cuối tháng 2 vừa qua, chiếc cầu nối hai bờ sông đã được khánh thành trong niềm hân hoan của 70 hộ dân. Cầu có chiều dài 150m, ngang 3m, kinh phí trên 800 triệu đồng.

Có được kinh phí lớn như vậy, ngoài hỗ trợ của các nhà hảo tâm, người dân cồn Bầu đã thống nhất mức đóng góp theo đầu công 700.000 đồng/người, với số tiền huy động gần 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Kim Đổng, người dân cồn Bầu lạc quan: “Có cây cầu cao ráo, vững chắc, bà con đi lại thuận tiện, thương lái thu mua, vận chuyển trái cây dễ hơn nên đời sống người dân cồn Bầu rồi đây sẽ thay đổi”.

Trước đó, người dân ấp Tân Thái đã đưa vào sử dụng cầu 19-5 nối cồn Đại Diện với trung tâm xã, kết thúc những ngày qua sông lệ thuộc đò ngang. Cầu dài 120m, kinh phí trên 700 triệu đồng, khánh thành nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhận thành quả “đại đoàn kết” của người dân địa phương.

Với diện tích trên 139 ha, cồn Đại Diện có 136 hộ dân sinh sống bằng nghề làm vườn và chăn nuôi. Từ ngày chiếc cầu nối đôi bờ sông, những chiếc áo trắng tung tăng cắp sách đến trường, những chuyến hàng được chở bằng xe máy bon bon trên mặt cầu làm không khí đôi bờ nhộn nhịp, tấp nập hẳn lên.

Ông Phạm Văn Phấn, một thành viên trong Ban vận động xây dựng cầu 19-5 cho biết: “Sống ở miệt sông nước mới hiểu hết những khó khăn của cảnh “qua sông lụy đò”, nhất là những gia đình có người thân đau ốm lúc đêm khuya. Chính điều đó khiến chúng tôi cả đời gắn bó với cồn Đại Diện chỉ mong có một chiếc cầu.

Cầu hoàn thành có sự góp sức của rất nhiều người với cái tâm không ngại khó. Thông qua sự vận động của ông Trương Văn Nghiệp và chính quyền xã, nhà hảo tâm hỗ trợ một phần kinh phí, bản thân chúng tôi thấy đây là công trình phục vụ chính mình nên hưởng ứng ngay. Đã quyết làm thì phải làm cho tốt”.

Trong 5 tháng thi công, người dân đã bầu Ban giám sát để trực tiếp giám sát tiến độ, chất lượng công trình, kinh phí xây dựng được công khai nên tạo sự đồng thuận cao.

Là một cù lao trên sông Tiền, xã Tân Phong có hệ thống kinh rạch chằng chịt; ngoài ra còn có 4 cồn nhỏ nằm tách rời, gồm: cồn Đại Diện, cồn Tre, cồn Ngậm và cồn Bầu. Để đến được trung tâm xã, người dân phải phụ thuộc vào đò dọc, đò ngang.

Từ năm 2000, khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển, xuồng ghe không còn là phương tiện lựa chọn của đa số người dân thì nhiều công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở xã Tân Phong đã được đưa vào sử dụng. Những cây cầu tạm bợ, những khu vực cách trở được nối gần hơn bằng cầu bê tông kiên cố, đường dal, đường nhựa khang trang. Trong đó có nhiều công trình do nhân dân trực tiếp đóng góp tiền, công sức thi công hoặc vận động tài trợ.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong nhận xét: “Nhiều năm nay, những công trình được đóng góp từ sức dân như cầu cồn Bầu, cầu 19-5 đã trở nên phổ biến ở xã Tân Phong. Xác định đây là những công trình phục vụ cho quê hương mình nên phần đông đều tham gia góp tiền, góp công nhiệt tình, với trách nhiệm cao. Nhờ vậy mà những công trình luôn hoàn thành trước thời gian, tiết kiệm được công sức, tiền của, chất lượng công trình cũng được đảm bảo”.

Quế Ngân
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

cồn Tân Phong

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 191
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 29763
  • Tháng hiện tại: 2262313
  • Tổng lượt truy cập: 46229546