Chuyện về nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên

Đăng lúc: Thứ năm - 28/03/2013 15:59
Năm 2009, ông Huỳnh Văn Sáng (một người dân ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tình cờ phát hiện quyển "Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh" khi một người mua khu đất nhà ông tự ý san phẳng mồ mả của gia tộc và cả phần mộ các liệt sĩ. Sau thời gian tìm kiếm, tác giả quyển nhật ký đã được tìm thấy, đó là một người con của quê hương Cai Lậy: Nhà giáo liệt sĩ Lê Thị Thiên (sinh năm 1945) ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây.
Ông Nguyễn Thanh Văn bên bàn thờ Nữ nhà giáo liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Ông Nguyễn Thanh Văn bên bàn thờ Nữ nhà giáo liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Chúng tôi về ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây một ngày tháng 3 - thời điểm tuổi trẻ đang sôi nổi với những hoạt động xung kích, tình nguyện cho Tháng thanh niên 2013. Cảm xúc đầu tiên mà ông Nguyễn Thanh Văn (cháu gọi liệt sĩ Lê Thị Thiên bằng dì ruột) chia sẻ là ông rất cảm kích tấm lòng của Ban Biên tập và phóng viên báo Bình Dương. Không chỉ cất công tìm kiếm quê nhà nữ liệt sĩ, mang đến vinh dự, tự hào cho gia đình mà đoàn tìm kiếm còn dành những tình cảm đặc biệt cho người con gái quê hương Cai Lậy đã hi sinh ở vùng đất đỏ miền Đông.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Lê Thị Thiên sau khi được báo Bình Dương trích đăng đã đón nhận tình cảm đặc biệt của độc giả, nhất là những cựu chiến binh trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Dương. Xuyên suốt những trang nhật ký gần nửa thế kỷ nằm im trong lòng đất là những bộc bạch chân thành về nỗi nhớ nhà, tình yêu quê hương, tấm lòng hướng về Đảng, Bác Hồ. Đặc biệt hơn cả là lý tưởng sống cao đẹp của lớp thanh niên giàu lòng yêu nước. Ngày 20/11/1964, chị viết: "Thanh niên là lực lượng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhiều nhất và cũng là thế hệ xây dựng xã hội mai sau. M. phải suy nghĩ và thực hiện cho được như vậy. Mọi ý nghĩ riêng tư, vì cá nhân phải gạt bỏ, để xứng đáng là người Cộng sản". Ngày 30/11/1964, những dòng nhật ký lại nhắc nhở bản thân: "Tập trung cao độ, khắc phục những thiếu sót, gạt bỏ tư tưởng không hay, chủ nghĩa cá nhân. Hãy vì tập thể, cùng tương trợ nhau trong học tập và công tác. Thi hành tốt trách nhiệm, bồi dưỡng giúp đỡ đồng chí tiến bộ qua sự phân công của tổ Đoàn. Luôn nhớ đạo đức người Cộng sản "Vì mọi người, vô tư mà học tập, công tác"". Ngày 1/1/1965, nhật ký dứt khoát và mạnh mẽ hơn: "Tuổi còn trẻ, đời còn dài, vì Tổ quốc, nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn, gạt bỏ tư tưởng cá nhân, học tập trau dồi nhiều hơn, tốt hơn, ta nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - vì Tổ quốc". Ngày 20/10/1965, nhật ký ngắn gọn vài dòng, nhưng thể hiện quyết tâm sống, chiến đấu: "Về họp chi đoàn cơ quan, Quyết tâm sống và chiến đấu như anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi".

Ông Nguyễn Thanh Văn cho biết, mấy chục năm trôi qua, ông chỉ hình dung về người dì qua lời kể của mẹ và nỗi nhớ thương quay quắt của bà ngoại - bà Nguyễn Thị Hò, mẹ liệt sĩ Lê Thị Thiên. Vì thế, tấm ảnh liệt sĩ Lê Thị Thiên được phóng to từ ảnh kẹp trong quyển nhật ký được đoàn tìm kiếm trao tặng đã giúp ông hình dung rõ hơn về người dì đã ra đi mãi mãi ở tuổi đôi mươi. Theo giấy báo tử mà gia đình nhận được, liệt sĩ Lê Thị Thiên hi sinh ngày 10/10/1966. Gia đình không biết chị hi sinh ở đâu cho đến khi đoàn tìm kiếm của báo Bình Dương về xã Mỹ Phước Tây tìm chủ nhân quyển nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh.

Là một gia đình giàu truyền thống cách mạng, liệt sĩ Lê Thị Thiên còn có người em ruột Lê Văn Tính, hy sinh năm 1968 ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, đến nay cũng chưa tìm thấy hài cốt. Vì thế những năm cuối đời, bà Nguyễn Thị Hò - mẹ liệt sĩ Lê Thị Thiên luôn đau đáu trong lòng tâm nguyện tìm hài cốt hai người con và cho đến khi mất năm 2002, bà vẫn chưa thể hoàn thành tâm nguyện. Ông Văn kể, tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước, người anh của ông là Nguyễn Văn Công tham gia kháng chiến, là trinh sát Tiểu đoàn 514 và hy sinh năm 1973 ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Sáu, bạn niên thiếu của liệt sĩ Lê Thị Thiên vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người bạn gái hiền lành cùng xóm. Bà xúc động: "Khi nhìn tấm ảnh của Thiên do đoàn tìm kiếm cung cấp, tôi đã không ngăn được nước mắt. Tôi nhận ra bạn từ nụ cười với chiếc răng khểnh bên phải. Cùng chung chí hướng lên đường giết giặc, nhưng vì gia đình đơn chiếc nên tôi là người ở lại. Thiên đi được vài năm thì tôi nhận được tin bạn hy sinh". Bây giờ khi đã bước sang tuổi 67, bà Sáu vẫn hàng ngày cặm cụi với nghề đương đệm, công việc mà bà đã làm từ thời con gái để mưu sinh, bảo bọc đứa cháu côi cút. Bà bồi hồi: "Tôi hơn Thiên một tuổi, nhà chỉ cách nhau một đoạn nên chị em thân nhau lắm. Ngày Thiên còn ở quê nhà, hai chị em thường chia nhau mỗi người một góc để đương cho nhanh tấm đệm. Với bạn bè, Thiên sống tốt và nghĩa tình nhưng với giặc thì luôn tỏ thái độ cương quyết và nuôi chí căm thù, nhất là sau lần tận mắt chứng kiến cảnh cha mẹ bị giặc tra khảo dã man vì nghi ngờ ông bà nuôi giấu cán bộ".

Riêng bà Nguyễn Thị Kịp - vợ ông Nguyễn Thanh Văn cứ nâng niu mãi bản sao những trang Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh cùng những dòng cảm xúc của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: "Tôi thật sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc những dòng nhật kýnày. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu, xả thân vì Tổ quốc, nhân dân".

Bà Kịp chia sẻ, thông qua đoàn tìm kiếm, gia đình mới biết thêm thông tin: Rời quê nhà tháng 2/1962, chị Thiên tham gia chiến đấu tại một đơn vị ở miền Đông. Tháng 5/1964, chị tham gia lớp sư phạm tại Trường Cách mạng Tháng Tám do Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam mở. Đến tháng 2/1965 chị tốt nghiệp, trở lại chiến trường hoạt động và hi sinh. Đó là lý do vì sao khi lên đường tham gia kháng chiến, chị Thiên chỉ học xong chương trình lớp 4, nhưng có thể viết những trang nhật ký thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và có sức lay động lòng người như thế.

Tháng ba, về thăm quê hương nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, tác giả quyển Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, nghe những câu chuyện về chị qua lời kể của người thân, bạn bè để hiểu thêm về một tuổi trẻ đã sống cho lý tưởng, cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Ở lại mãi với tuổi đôi mươi ,nhưng những dòng nhật ký của nhà giáo liệt sĩ Lê Thị Thiên là câu chuyện chân thực và đầy thuyết phục để truyền đi ngọn lửa yêu nước cho các thế hệ sau đang sống, lao động và học tập trên quê hương chị.

Trường Giang
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Lê Thị Thiên

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 232
  • Khách viếng thăm: 231
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 22541
  • Tháng hiện tại: 2521927
  • Tổng lượt truy cập: 48896054