Chất độc da cam gây bao nỗi đau

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/08/2013 08:21
Hậu quả của chiến tranh, của chất độc hóa học không trừ ai, dù đó là người chiến sĩ cách mạng, dân thường hay những người lính của chế độ cũ. Tôi gặp 2 người phụ nữ của 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam, một chị đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và một chị có chồng là lính của chế độ Sài Gòn, họ đều có những đứa con tật nguyền và chịu nhiều đau khổ.
Chị Võ Thị Vàng trong căn bếp nhà mình.

Chị Võ Thị Vàng trong căn bếp nhà mình.

Ngôi nhà có 3 nạn nhân chất độc da cam

Chị Võ Thị Vàng ở ấp Giáp Nước (Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) tham gia cách mạng từ tuổi 13. Năm 1970, chị làm liên lạc cho Huyện đội Châu Thành Nam, sau đó được đưa đi học y tá, rồi về phục vụ ở Quân y huyện. Trong một trận địch càn vào cuối năm 1973, chị bị thương, đạn xuyên qua hai đùi. Đồng đội khiêng chị từ Bình Trưng về Quân y huyện ở Hữu Đạo; nằm một chỗ cả tháng trời chị mới đi lại được và tiếp tục công tác.

Hòa bình, Quân y huyện chuyển về Vĩnh Kim, chị vẫn là y tá của phòng cấp cứu. Gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Người chị lớn lấy chồng, 3 đứa em còn nhỏ dại, ba mẹ chị thì không đủ sức dọn mảnh vườn sau mấy mươi năm hoang phế. Lúc đó chị đã là đảng viên, chị nghĩ: “Nay hết giặc rồi, mình về phụ cha mẹ nuôi em!”. Vậy là chị quảy ba lô từ biệt đơn vị.

Năm 1979, chị lấy chồng, lúc đó anh là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1980, anh xuất ngũ, vợ chồng chị vui mừng chào đón đứa con đầu lòng ra đời. Đau đớn thay đứa con gái vừa lọt lòng mẹ đã có đôi mắt đầy tròng trắng, cứ nhìn ngược lên. Dần dần chị nhận ra mắt trái của con bị mù, còn mắt phải chỉ thấy lờ mờ; tư duy thì lộn xộn, hỏi một đường nó trả lời một nẻo. Chị đặt tên con là Lê Ngọc Thanh.

Năm 1982, chị sinh đứa con thứ hai. Vợ chồng chị tràn đầy hy vọng khi biết cháu là con trai (đặt tên Lê Thanh Vân). Không ngờ bất hạnh một lần nữa ập xuống gia đình chị, đôi mắt đứa con trai cũng giống y như chị nó. Muốn nhìn ai chúng phải nghiêng đầu, cổ mới thấy.

Muốn có một đứa con lành lặn, vợ chồng chị lại sinh thêm đứa nữa, rồi đứa nữa. Đứa con gái thứ ba (sinh năm 1985) mắt, mũi, tay, chân nguyên vẹn, nhưng trí nhớ rất kém. Chỉ có cô con gái út (sinh năm 1987) là đứa con duy nhất không bị ảnh hưởng của chất độc da cam.

Hiện nay hai người con gái đã lấy chồng, ở riêng; còn Thanh Vân - một trong hai đứa con là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) không chịu nổi cuộc sống thầm lặng, quanh quẩn trong nhà, nên đã lên TP. Hồ Chí Minh ở trọ để đi làm trong một cơ sở mát-sa dành cho người khiếm thị. Đi làm chỉ để khuây khỏa, để được hòa nhập cộng đồng, chứ tiền kiếm được không đủ sống. Mỗi tháng vợ chồng chị Vàng phải dành dụm gởi cho con từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Nói về gia đình mình, chị Vàng rưng rưng nước mắt: “Nhà có một người bệnh đã khổ lắm rồi, đàng này có tới 3 người là NNCĐDC. Nhìn chị mệt mỏi, xanh xao khó ai biết chị mới 56 tuổi. Chị là thương binh, nhưng thương tật dưới 21% nên chỉ lãnh trợ cấp một lần. Bây giờ chị bị bệnh hở van tim hai lá, thoái hóa cột sống, viêm thần kinh tọa, khớp...

Chị nói, sức chị không xách nổi 5 ký gạo. Đi chợ, nấu ăn cũng phải cố gắng lắm mới làm được. Nhà chỉ có 2 công vườn dừa, mỗi tháng bán được vài trăm ngàn đồng. Tiền trợ cấp hàng tháng cho NNCĐDC của chị là 1.840.000 đồng; Ngọc Thanh và Thanh Vân - mỗi em được 620.000 đồng.

Lúc chúng tôi đến nhà thì Ngọc Thanh đi chơi ở nhà dì, còn chồng chị (anh Lê Văn Đực) đi làm bốc vác trong Khu công nghiệp Trung An, mỗi ngày kiếm được từ 50.000 - 100.000 đồng.

Tôi hỏi, sao nhà chị Vàng không có sổ hộ nghèo? Anh Nguyễn Thế Đoan, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Phước Thạnh và anh Nguyễn Văn Hầu, Công an phụ trách ấp Giáp Nước cho biết: Theo chuẩn hộ nghèo thì thu nhập bình quân mỗi người từ 400.000đồng/tháng trở xuống. Gia đình chị Vàng có 4 người, thu nhập ổn định hơn 3 triệu/tháng nên không được công nhận hộ nghèo, mặc dù gia đình chị rất nghèo. Chồng chị đã 58 tuổi, người ốm yếu, hay bị ho nhưng phải đi làm bốc vác. Không làm thì lấy gì sống! Địa phương và cơ sở cũng biết chị khổ, nhưng phải ưu tiên giúp những hộ nghèo có sổ…

Nhìn ngôi nhà cột bê tông, vách ván đã mục; nóc lợp tol không có la phông, nóng hầm hập; đòn tay bằng cây dừa bị mọt ăn gần hết, tôi bất chợt thở dài… Với thu nhập như vậy mà chị Vàng còn phải chi cho Thanh Vân mỗi tháng hơn 1 triệu đồng; rồi tiền thuốc men… thì làm sao có tiền sửa nhà!?

Người mẹ 70 tuổi và đứa con không bao giờ lớn

Tôi mang tâm trạng nặng nề đến khu phố 11, phường 6 (TP. Mỹ Tho) thăm gia đình chị Nguyễn Thị To. Tôi theo chân anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội NNCĐDC phường 6 đi từ đường Trần Hưng Đạo rẽ vào một con đường nhỏ, rồi quẹo vô một con hẻm, lại thêm một hẻm của hẻm nữa mới tới nhà chị To.

Căn nhà thấp bé nằm lọt giữa những ngôi nhà cao rộng khác, bốn mặt bị bao phủ bởi những bức tường, chỉ có lối đi rộng chừng 1 mét để ra vào. Căn nhà chỉ rộng 2,8 mét, dài 12 mét, thấp và tối. Nóc nhà lợp tol, tấm cánh én bên trái làm bằng lá chầm, bên phải phủ bằng nilon, trời mưa nước tạt vào nhà. Căn gác gỗ ọp ẹp chỉ lên được 1 người là nơi chị thờ Phật, đọc kinh mỗi ngày. Chị To nói, nhà này chỉ có cái nóc là của chị, còn vách là của người ta.

Chị Nguyễn Thị To và em Nguyễn Thị Phương.
Chị Nguyễn Thị To và em Nguyễn Thị Phương.

Quê chị To ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Cha chị là cán bộ cách mạng, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Quê nhà chiến tranh ác liệt, mẹ chị dắt đàn con đến Mỹ Tho sinh sống (quê mẹ chị ở Châu Thành - Bến Tre). Rồi chị lấy chồng, một anh cùng nhóm đàn ca tài tử với chị.

Khi đứa con trai đầu lòng ra đời (sinh năm 1961) chồng chị bị bắt quân dịch, đưa lên Bình Dương, năm sau anh trốn về. Vì cuộc sống, chồng chị lấy tên người khác để đăng ký đi lính lần nữa, rồi lần nữa; mỗi sắc lính trụ chẳng bao lâu, lãnh tiền “đầu quân” xong lại trốn về. Chị đâu biết rằng chồng chị đã bị nhiễm chất độc hóa học.

Năm 1966, chị sinh đứa con thứ hai, một bé gái bị dị dạng. Chị đau đớn khi nhìn khuôn mặt xấu xí của con mình với cái miệng không ngậm lại được, mắt gần như không nhìn thấy. Con lớn hơn chút nữa, chị nhận ra trí não con không phát triển. Đó là em Nguyễn Thị Vân, NNCĐDC, hậu quả của những ngày chồng chị đi lính ở Bình Dương.

Năm 1969 chị sinh đứa con thứ ba (Nguyễn Thị Kiều). Thấy con nguyên vẹn chị mừng khôn xiết. Năm 1978, đứa con gái út (Nguyễn Thị Phương) chào đời, chị thảng thốt nhận ra con có khuôn mặt không bình thường, xấu và già trước tuổi. Chị đâu biết rằng đó là đứa con không bao giờ khôn lớn.

Năm nay Phương đã 34 tuổi mà cả thể chất lẫn tinh thần vẫn như đứa bé 5 - 6 tuổi. Khuôn mặt Phương già nua nhưng vóc dáng, chân tay nhỏ bé, cao chỉ khoảng 1 mét, ăn uống phải có người đút, vệ sinh cá nhân phải nhờ người làm giúp. Đã vậy chồng chị còn thay lòng đổi dạ, bỏ chị khi đứa con gái tật nguyền này mới 8 tuổi. Từ đó (năm 1986) một mình chị với gánh tàu hủ trên vai nuôi 3 đứa con nhỏ, trong đó 2 con là NNCĐDC, bệnh triền miên (con trai lớn đã lấy vợ, ở riêng).

Dù sống nghèo khổ nhưng chị To luôn lạc quan, thỉnh thoảng lại đàn, hát. Có lẽ nhờ vậy mà trông chị trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 70. Không gánh tàu hủ bán nổi nữa, chị chuyển qua bán vé số để nuôi thân và nuôi Vân, Phương - hai đứa con bệnh tật (Kiều đã lấy chồng).

Tháng 4-2013, Vân bị bệnh qua đời. Bây giờ trong nhà chỉ còn chị và Phương. Lúc chúng tôi đến đã 10 giờ mà Phương còn trong mùng, chị To phải năn nỉ mới chịu ra. Tôi hơi bất ngờ khi thấy đứa bé nhỏ xíu với khuôn mặt già nua. Em ngồi bẹp xuống nền nhà, thò tay vào bọc nilon lấy bánh ra ăn ngon lành. Một tay cầm bánh đút vào miệng, một tay em cầm miếng giấy gói bánh quẹt rẹt rẹt xuống nền nhà.

Tôi gọi tên, em cười, rồi chỉ tay lên tờ lịch có hình Phật Quan Âm nói: “Mẹ...!”; sau đó em đưa tay lên cổ móc mặt dây chuyền ra khoe: “Má…mua!”. Hỏi em mấy tuổi, em nói: “Hỏng … biết!”. Bàn tay nhỏ bé của em khều tôi để làm quen. Em nói tiếng một như đứa trẻ mới tập nói và cười ngây thơ khiến người tiếp xúc mủi lòng. Trời ơi, cô gái 34 tuổi đây sao!?

Chị To nói, hai người con có gia đình cũng nghèo nên lâu lâu mới cho chị vài trăm ngàn đồng. Chị bán vé số mỗi ngày kiếm được 30.000 - 40.000 đồng. Phương được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 270.000 đồng. Hai mẹ con sống đạm bạc qua ngày. Bây giờ chị còn khỏe nhưng cũng đã 70 tuổi rồi, không biết còn bán vé số được bao lâu nữa…

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Hỡi những tấm lòng nhân ái xin ra tay giúp đỡ chị Vàng, chị To có tiền sửa lại căn nhà và giúp những mảnh đời da cam bất hạnh bớt đi khốn khó.

Ngọc Thủy
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 422
  • Khách viếng thăm: 397
  • Máy chủ tìm kiếm: 25
  • Hôm nay: 96774
  • Tháng hiện tại: 1845674
  • Tổng lượt truy cập: 48219801