Vĩnh biệt người khổng lồ của văn học châu Phi

Đăng lúc: Thứ hai - 25/03/2013 08:42
Chinua Achebe, nhà văn xuất chúng Nigeria, đã qua đời hôm 21/3 ở Boston (Mỹ), thọ 82 tuổi. Các tiểu thuyết gây tiếng vang quốc tế của ông đã góp phần khôi phục nền văn học châu Phi và viết lại lịch sử của lục địa đen.
Người đại diện của ông ở London cho biết, Achebe qua đời sau một thời gian ngắn bị bệnh. Từ năm 1990, ông đã phải ngồi xe lăn do bị liệt đôi chân từ sau vụ tai nạn ô tô ở Nigeria.

* “Shakespeare của châu Phi”

Achebe gây tiếng vang thế giới với tiểu thuyết đầu tay Quê hương tan rã. Được xuất bản vào năm 1958, khi ông mới 28 tuổi, cuốn sách này đã trở thành tác phẩm kinh điển của nền văn học thế giới và là cuốn cần đọc của các sinh viên. Tác phẩm này đã được dịch sang 45 thứ tiếng và tiêu thụ được hơn 10 triệu cuốn.

Cuốn truyện dày 215 trang, được lấy cảm hứng từ chính lịch sử gia đình ông ở Ibo, Nigeria. Người dân vùng này là nạn nhân trong nạn phân biệt chủng tộc của các nhà cai trị người Anh và sau đó phải hứng chịu những hành động tàn bạo của các nhà độc tài quân đội nổi lên từ nhiều tộc người Nigeria thiểu số.
 

 
Truyện có bối cảnh vào cuối thế kỷ 19, kể về Okonkwo, từ một người nghèo khó trở thành một nông dân giàu có và là trưởng làng Ibo. Tuy nhiên, các nhà thống trị người Anh đã làm cho cuộc đời ông xáo trộn và cuối cùng không thể chịu đựng được nữa, ông giết chết một người Phi làm việc cho người Anh, trước khi tự vẫn.

Quê hương tan rã thể hiện những cảm nghĩ đầu tiên của Achebe về chống chủ nghĩa thực dân và niềm khát khao dùng văn học làm vũ khí chống lại những thành kiến của phương Tây.

Mặc dù trong những thập kỷ sau này, Achebe giảng dạy tại nhiều trường đại học Mỹ, song các tác phẩm của ông, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tiểu luận và hồi ký, đều gắn bó với quê hương Nigeria của ông.

Học giả Kwame Anthony Appiah từng nhận định: “Cuốn Quê hương tan rã đã ảnh hưởng tới văn học châu Phi cũng giống như cách Shakespeare tạo ảnh hưởng tới các nhà văn Anh và Pushkin tạo ảnh hưởng tới người Nga”.

Nadine Gordimer, nhà văn Nam Phi từng đoạt giải Nobel Văn học, đã ca ngợi Achebe trong một bài viết cho tờThe New York Times hồi năm 1988, cho rằng Achebe là “nhà văn làm cho bạn cười và sau đó khiến bạn phải nín thở trong khiếp sợ”.

Còn nhà thơ Jackie Kay ca ngợi Achebe là “người ông của văn học châu Phi, người đã soi sáng đường cho nhiều người khác” và cho biết bà đã đọc tiểu thuyết Quê hương tan rã “vô số lần”.

Trái tim luôn thuộc về Nigeria

Albert Chinualumogu Achebe sinh ngày 16/11/1930 tại ngôi làng Ogidi ở Ibo. Cha ông là một người Công giáo và từng đi truyền giáo ở nhiều vùng của Nigeria trước khi trở lại ngôi làng này. Khi còn là sinh viên trường đại học Ibadan, Achebe đã “ngâm” mình trong văn học phương Tây.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1953, Achebe đã tới London và làm việc tại Tập đoàn Truyền thông Anh quốc. Thời gian này ông bắt đầu viết cuốn Quê hương tan rã.

Sau khi trở về Nigeria, ông đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết này tới một cửa hàng đánh máy thuê ở London song họ đã để thất lạc và vài tháng sau mới tìm thấy.

Ban đầu, các nhà xuất bản không để mắt tới bản thảo này vì nghi ngờ tác phẩm văn học châu Phi khó bán. Song “số phận” của cuốn tiểu thuyết này thay đổi hẳn sau khi một nhà cố vấn tại Nhà xuất bản Heinemann đánh giá đây là một tác phẩm xuất chúng.

Trong cuốn tiểu thuyết thứ 2 của mình - No Longer at Ease (1960), Achebe kể câu chuyện về cháu trai của Okonkwo, Obi, người luôn cố gắng bắt nhịp được với xã hội thuộc địa Anh. Là một người Công giáo và từng học tập tại Anh, Obi đã từ bỏ vùng quê nông thôn để trở thành một công chức ở Lagos, lúc đó là thủ đô của Nigeria. Phá bỏ mọi giá trị truyền thống, không cưỡng lại được tính tham lam, cuối cùng Obi bị truy tố vì tội nhận hối lộ.

Trong tiểu thuyết thứ 3 - Arrow of God (1964), Achebe trở lại với bối cảnh của một ngôi làng Ibo trong đầu thế kỷ 20. Vị linh mục của ngôi làng này, Ezeulu, đã gửi con trai của mình cho các nhà truyền giáo Công giáo dạy dỗ với hy vọng con mình sẽ học được cách của người Anh, góp phần bảo vệ cộng đồng của mình. Nhưng rồi Oduche đã đi theo chủ nghĩa thực dân, tấn công tôn giáo và văn hóa Ibo.

Cuộc nội chiến Nigeria đã làm tiêu tan hy vọng của Achebe: có một tương lai hậu thuộc địa hứa hẹn hơn và gây ảnh hưởng sâu tới khả năng sáng tác văn chương của ông.

Cuộc nội chiến là chủ đề trong nhiều tác phẩm của ông, trong đó nổi bật nhất là cuốn thơ Beware Soul Brother(1971), tác phẩm đã đoạt giải Thơ của Khối thịnh vượng chung, và tuyển tập truyện ngắn Girls at War (1972).

Sau khi tung ra cuốn tiểu thuyết thứ 4 - A Man of the People vào năm 1966, hơn 20 năm sau ông mới tung ra cuốn tiểu thuyết thứ 5 - Anthills of the Savannah (1988). Tiểu thuyết này là câu chuyện về 3 người bạn thân học cùng trường ở một đất nước hư cấu giống Nigeria. Một người sau này trở thành nhà độc tài quân đội, người thứ 2 được bổ nhiệm là Bộ trưởng Thông tin và người thứ 3 là Tổng biên tập của một tờ báo hàng đầu. Nhưng cuối cùng cả 3 người đều phải chịu những kết cục hết sức tàn bạo.

Cuốn tiểu thuyết này nhận được nhiều lời ca ngợi. Song Achebe hiếm khi có thời gian để thưởng thức những lời ca ngợi đó trước khi ông bị tai nạn ô tô ở ngoại ô Lagos. Ông được điều trị ở London và sau đó tới Mỹ giảng dạy tại trường Đại học Bard ở thung lũng sông Hudson. Ông ở đây cho đến năm 2009.

Achebe đoạt giải Booker Quốc tế hồi năm 2007. Năm 2011, Achebe đã từ chối lời đề nghị của Chính phủ Nigeria – trao tặng ông một trong những giải thưởng cao quý nhất của đất nước. Đây là lần thứ 2 ông làm như vậy.

Mùa Thu năm 2012, ông phát hành cuốn hồi ký được mong đợi từ lâu - There Was a Country: A Personal History of Biafra.
Việt Lâm
(Theo thethaovanhoa.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Chinua Achebe

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 182
  • Hôm nay: 49735
  • Tháng hiện tại: 2549121
  • Tổng lượt truy cập: 48923248