Mẹ ơi, ánh nắng không tắt mà chỉ đi ngủ thôi!

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/06/2023 18:38
(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi bút ký khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022)

- Để mai anh sẽ gọi cho ông ngoại, nhờ ông làm cho hai mẹ con bình rượu gừng nghệ. Có thể bố về không kịp.
- Ừa, em cũng tính vậy, làm bây giờ chứ trễ quá rượu nó không thấm, không hiệu quả.
- Vậy 3 mẹ con ngủ sớm đi nhé, tình hình ổn bố sẽ tranh thủ về!

Tôi mang bầu bé thứ hai đã gần sáu tháng, lúc bố xấp nhỏ về thăm là bốn tháng trước, lúc đó làn sóng dịch chưa gay gắt như bây giờ. Cũng tính dịch bệnh không đến nỗi nào nên anh nói, khi mẹ mang bầu tháng thứ sáu thì bố sẽ tranh thủ về làm cho hai mẹ con hủ gừng nghệ để mẹ sinh xong lau cho ấm người. Hôm qua xem tin tức, thấy dịch hoành hành ở Ấn Độ ghê lắm, ông ngoại tụi nhỏ cứ chắc lưỡi “Dịch này nó lây ghê dị mà mấy ông còn ra cái sông gì gì tắm chi cho khổ dị không biết”. Cũng xem tin tức thấy dân bên ấy có đức tin lắm, nói thần thánh sẽ xua tan đại dịch và thế giới bình yên trở lại. Ừa, nếu được, tôi cũng thầm mong đức tin ấy trở thành hiện thực, dù chỉ một lần này…
Trời chưa sáng hẳn, cha tôi đã gấp rút chạy ra chợ xã gom một ề nào là so đũa, hẹ bông, trứng vịt, bầu bí, dưa leo,… hổm giờ ông cũng hì hục lội dưới vuông giăng lưới kiếm được tầm chục kí cá phi, mẹ tôi bỏ vô ngăn đông tủ lạnh để đóng thùng gửi lên Sài Gòn cho cậu mợ Hai. Trên ấy giờ căng thẳng lắm, mợ Hai nói cấm ra đường gần tháng nay rồi, trên sân thượng nhà cũng trồng lai rai rau mồng tơi các thứ, ra được lá nào đã hái nấu canh cho tụi nhỏ hết. Các đoàn cứu trợ lương thực cũng để trước cổng mỗi nhà nhu yếu phẩm cơ bản để người dân cầm cự qua dịch. Nghe vậy mà xót xa, cha mẹ tôi quyết gom đồ đạc gửi lên, người lớn ăn gì cũng được nhưng mấy đứa nhỏ thì không có đồ ăn đứt ruột lắm…Mẹ tôi nói “Lúc này là lúc cần nhau, nhà mình dưới này đâu đến nỗi chứ ở trển mà cấm ra đường, cấm chợ là chết thiệt. Cũng may là xe tàu, bưu điện các thứ còn nhận hàng nên tranh thủ gửi lỡ mơi mốt nó cấm luôn thì coi như thua.”. Bốn ngày sau, tuyến xe lên Sài Gòn không chạy nữa, bưu điện cũng không nhận gửi hàng…mẹ tôi cứ nói, thấy chưa…thấy chưa…may mà mình tính trước.
 Sáng nay cả nhà tôi ăn cơm gấp rút, bà ngoại tụi nhỏ đã thức sớm xào cơm với trứng gà để ăn xong là đi test Covid - 19 ngoài uỷ ban xã. Nghe nói ở ấp kế bên có chùm ca lây rồi, mà lây trong đám tang thì bao la người nên trạm xá thông báo bà con ở hai ấp kế cận sáng ra  tầm soát dịch. Hai mẹ con được ưu tiên ngoáy mũi trước, ôm con cho mấy cô chú y tế chọc vào mũi mà xót!
Hai mẹ con tôi lót tót về tới nhà tầm nửa tiếng, thằng em trai gọi về:
- Chết rồi, anh ba Dân bị nhiễm rồi Hai! Dị là chế Thuý (chị họ tôi) và thằng Bo chắc chắn dính, mấy hôm nay Bánh bao có chơi với Bo hôn?
Tôi điếng người, quay qua con “Mấy rày đi học về anh Bo có chơi với con hôn Thuỳ?” con bé ngơ ngác trả lời “Có, hồi chiều qua, con và anh Bo còn chơi kéo co”. Hai ngày sau, chế Thuý dương tính và được đưa đi, ba ngày tiếp theo tưới lượt cu Bo. Nhà tôi sát vách nên cán bộ trạm xá vào giăng dây treo bảng “Khu vực cách ly”. Bữa người ta lại rước cu Bo, thằng nhỏ mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh rộng thùng thình nhảy tót lên xe ôm eo chú y tế, bác Năm gái (bà ngoại của cu Bo) khóc hụ hụ với theo “Chú ơi, ráng đưa nó vô ở chung với mẹ nó nghe chú, Bo ơi chừng nào gặp mẹ kêu mẹ điện về cho ngoại hay liền nge con”. Cả nhà tôi đâu có được bước ra, nhìn qua cửa sổ thấy thằng nhỏ mà nước mắt tôi rớt rớt, con bé lắc tay tôi hỏi mẹ ơi anh Bo đi đâu dị mẹ. Tôi sợ lắm, nỗi sợ mấy ngày nay bị ém lại trong sự dằn lòng phải bình tĩnh bỗng dưng bật dậy khi thấy dáng hình cu Bo trong bộ đồ màu xanh đó. Dịch đã ở sát bên vách nhà, nó đang len lỏi trong không khí, trong hơi thở. Tôi quay qua nhìn ánh mắt ngây ngô của con mình, đưa tay sờ lên cái bụng bầu sắp tới này vượt cạn… Những lúc như vầy, tôi thường im lặng, bởi có nếu có nói thì ngôn từ nào cũng không diễn đạt được những cuộn trào lo lắng ngày một dâng lên.
Hổm giờ bố xấp nhỏ căng mình ngoài đơn vị, nên tôi chưa dám cho hay. Anh Trạm trưởng y tế nói tuần sau sẽ vào test lại, mà trong thời gian này ai có sốt, đau họng là phải báo ngay ra trạm. Mẹ chồng tôi ngoài Bắc (tỉnh Thái Bình) gọi vào một ngày mấy cuộc “Cháu sao rồi con? Con bé có đau họng hay sốt không con? Hôm nay em bé trong bụng được bao nhiêu gram rồi con nhỉ? Trong ấy có được tiêm vacxin chưa con, bố mẹ ngoài này sắp được tiêm rồi con ạ, các con yên tâm nhé!”. Ông bà nội ở xa, mỗi năm chúng tôi chỉ về thăm có một lần khi bố xấp nhỏ nghỉ phép. Mấy hôm nay tôi kể cho ông bà hay tình hình trong này và dặn dò ông bà đừng cho bố mấy đứa nhỏ biết, đợi vài ngày sau có kết quả chính xác hả báo cho hay. Bởi tôi biết tính chồng mình, bề ngoài bình tĩnh và miệng cứ nói không việc gì đâu, anh sẽ lo được, chứ bên trong, trái tim anh ấy chia làm mấy phần lo lắng. Một phần gửi về cho mẹ con tôi trong Nam (tỉnh Bạc Liêu), một phần gửi về cho bố mẹ ngoài Bắc, một phần cho nhiệm vụ ngoài đảo nơi anh công tác, mà với tôi, nhiệm vụ ấy là niềm tự hào rất lớn. Ngày tôi gặp anh, cũng cái sự điềm tĩnh ẩn trong đôi mắt nghiêm nghị cùng làn da rám nắng gió của biển trời đó, mà sau gần một năm thư từ, tôi về làm dâu lính đảo - cô dâu của Hải quân vùng 5.
Sau những ngày sống trong lo lắng và căng thẳng, nhà tôi may mắn âm tính. Cán bộ y tế nhắc nhở hạn chế đi lại, giữ khoảng cách và cẩn trọng tối đa, cả nước đã cho các cháu học sinh nghỉ học rồi, nghe đâu đang tìm cách dạy online qua điện thoại gì đó. Nhà nước mình cũng đang cố hết sức để mua vacxin tiêm cho mọi người, nên bà con cứ yên tâm, và nhất là tôi, chị dặn dò mẹ bầu ráng bình tĩnh, bớt lo lắng và ăn uống đều độ. Đêm ấy, tôi mới kể cho chồng tôi nghe mọi chuyện, nghe giọng anh qua điện thoại thấy hơi lạ, anh bảo tiêm vacxin nên bị hành, cộng với việc hổm rày bà con mình bên kia biên giới vượt biên về nhiều, các anh phải tuần ra đêm ngày nên mệt. Trong nỗi niềm lớn mà anh đang gánh trên vai ấy, thiệt sự là tôi thầm cầu khẩn phật trời phù hộ và bảo vệ cho các anh. Chồng tôi là lính hải quân đóng trên đảo nhỏ gần sát biên giới Camphuchia, thuộc quần đảo Hải Tặc tỉnh Kiên Giang. Hổm rày bên kia, dân mình về ồ ạt trên các biên giới đất liền, sông, biển; các lực lượng đóng chốt ở những địa hình đó đang ngày đêm căng mình vận động bà con về an toàn, trật tự và khai báo y tế, nhà nước mình hỗ trợ đầy đủ. Nhưng… mấy ngày nay báo chí đưa tin liên tục, nhiều người dân trốn về trên các ghe tàu, vượt rừng, qua sông mà nhiều người trong số họ dương tính với covid… Lực lượng tuần tra, cắm chốt là những người tiếp xúc với họ đầu tiên. Thú thực là đêm nào cũng vậy, sau khi gọi video cho bố con trò chuyện, bé con ngủ say, tôi lên mạng đọc tin tức nhất là các tin về tình hình biên giới khu vực biển nơi chồng tôi đóng quân; tôi đọc các dự báo của chuyên gia xem dịch bịch bao lâu nữa chấm dứt bởi không bao lâu nữa mẹ con tôi gặp nhau rồi. Lần đầu sinh bé lớn, tôi vỡ ối bất ngờ trước ngày dự sinh hai tuần, nên lúc vượt cạn chồng tôi cũng không về kịp. Tôi vẫn nhớ chị y tá chăm tôi lúc bấy giờ cứ hát vui chọc ghẹo “Chồng mày đâu, đồng đội mày đâu?”. Bởi lúc tôi vào phòng mổ, em trai là người được uỷ quyền kí giấy, bác sĩ và các chị y tá điều biết hoàn cảnh, nên mọi người thương, động viên. Cho nên, lần này anh đã hứa sẽ về cùng tôi vượt cạn, nhưng tự dưng cái con dơi gì đó bên Vũ Hán nó ác ôn quá, lây chi cái bệnh này, làm sao mà dịch bệnh kết thúc để chồng tôi được về đón con với tôi đây?
Xã tôi phát loa thông báo người dân thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, cha mẹ tôi từ sớm đã chạy ra cửa hàng gần nhà mua gạo, mì gói… nhất là mua cả chục kí thịt để dự trữ cho tôi ăn vì ngày sinh sắp tới. Tình hình căng thẳng lên từng ngày, đêm qua thời sự báo tin người dân ồ ạt đổ về quê bởi các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh dịch hoành hành khủng khiếp, các bệnh viện quá tải. Mẹ tôi chặc lưỡi khi bản tin quay cảnh đôi vợ chồng trẻ ôm con chưa đầy một tháng tuổi chạy xe về quê “Thôi về nhà đi. Chứ cực khổ mới xa xứ đi làm ăn, giờ dịch bệnh thất nghiệp, rồi ở trển biết có sống sót đâu, có chết cũng được chết ở nhà”. Tự dưng thấy lòng mình chua chát quá. Cả xóm tôi gần như nhà nào cũng có người thân đi làm xa xứ. Mỗi bận con tôm vặn vẹo kiếm chuyện nhảy lên bờ lăng đùng ra chết, cha tôi hay lắc đầu ngao ngán “ Cái điệu này tụi mày muốn tao đi Bình Dương đây”. Xứ nầy quanh năm nước mặn, chỉ có nuôi tôm chứ không biết nuôi gì. Rồi nguồn nước ngày càng ô nhiễm, con tôm nuôi mười vụ thì trúng tầm ba vụ là đã mừng rồi, cứ như vậy, những người như cha tôi lấy ba vụ trúng để nuôi lại bảy vụ thất. Nhà nào thua lỗ hoài thì một là đi làm công nhân lột tôm, hai là đi Bình Dương, Sài Gòn mưu sinh. Có người đi biền biệt cả năm chỉ về dịp tết để sửa lại cái nhà, mua miếng đất nhỏ và tích luỹ một ít vốn để sau này về dưỡng già. Mà ngày trước, người người đi làm quanh năm nhưng khi về quê thì rộn ràng, vui vẻ. Nhưng lần này… bà con mình về trong lo lắng, kiệt sức, tàn tạ của người về lẫn người đón. Người về thì cố bám víu vào quê nhà, xứ sở bở trong cơn cùng quẩn không biết bao giờ mới kết thúc này, người ta còn nơi nào khác nữa đâu, còn quyền được lựa chọn nào nữa ngoài trở về. Người đón thì cũng phập phòng lo sợ mầm bệnh cũng đeo về theo. Ở cái xứ quanh năm nước mặm hắt lên cái nắng cái gió rát rạt này, đâu mấy nhà được đủ đầy mà tích luỹ vốn liếng nên khi dịch bệnh bùng phát, sự khánh kiệt cũng từ đó làm cho dân tình xứ sở này èo uột thêm. Hôm bữa đọc báo thấy có vài tỉnh thành vận động bà con đừng về, chốt chặn ở các cửa ngõ để ngăn dòng người hồi hương. Nhìn những đứa trẻ còn đỏ hỏn trong vòng tay mẹ ngồi bệch ở vệ đường vật vờ, đói khát… tim tôi thắt lại. Dẫu gì thì gì… biết là bệnh hoành hành, nhưng lòng dạ nào mình cấm không cho người ta về nhà của họ, lòng dạ nào mình lắc đầu trước những ánh mắt trẻ thơ ấy! Mình nỡ lòng nào…!
Trước ngày tôi sinh độ một tháng, em chồng tôi nhắn vào “Chị ơi, e lo lắng quá, thương bố mình quá chị ạ”. Tôi cứ ngỡ bố tôi đã dính dịch rồi nhưng em tôi nói thêm “Bố mình chắc không nhìn thấy mọi người được nữa chị ạ. Mấy hôm trước, hẳn là bố chịu không được nữa nên nói với mẹ và em là bố đã cố lắm rồi nhưng không thể nhìn thấy tách trà nữa chị ạ”. Ngày xưa bố tôi là bộ đội sang Camphuchia làm nhiệm vụ, trong một vụ nổ bố bị thương ở đầu, sau này về mắt bố đã kém hẳn, trời trở lạnh bố cũng đau đầu hơn. Em chồng tôi trình bày bệnh của bố, được cán bộ xã ngoài ấy tạo điều kiện cho lên bệnh viện tỉnh Thái Bình khám, họ nói bố bị thoái hoá dây thần kinh mắt. Giờ một bên đã mù hẳn, một bênh chỉ còn 40 % thị lực. Và bệnh này không chữa trị được, không phẫu thuật thay thế được, khủng khiếp hơn là dần dần số phần trăm ít ỏi kia cũng sẽ trở thành một màu đen. Tôi chưa thể định hình được với cái tin khủng khiếp này, trong sự lo lắng sắp đến ngày sinh khi mà dịch bệnh đang ở đỉnh của làn sóng dịch thứ ba hoành hành khắp cả nước, thì bệnh của bố nặng thêm. Em tôi nói bố cấm cả nhà không được gọi cho vợ chồng tôi nói về bệnh tình, ai mà báo tin là bố sẽ từ mặt. Trong đêm, tôi nhớ cái dáng gầy của bố, mỗi lần về ngoài ấy ăn tết, bố tôi làm món chả xương ngan rất ngon. Những cái xương mềm của con ngan được băm nhuyễn ra, trộn cùng rau lá, nêm nếm gia vị, vắt thành cục tròn tròn chiên lên với lửa… Biết tôi thích món ấy, bố ngồi hàng giờ đồng hồ cố băm thật nhuyễn xương để ăn cho béo, cho thơm và mùi thơm ấy theo tôi vào tận miền Nam. Tôi nhớ nhà, nhớ cái không khí đầm ấm quây quần của mùa đông ngoài Bắc, nhớ dáng của bố mẹ mòn mỏi cả năm để đợi chúng tôi về.  Bây giờ, các chuyến bay đã dừng hẳn, tàu xe liên tỉnh cũng dừng, việc đi lại thăm khám cho bố cũng chỉ ở mức này, vợ chồng tôi cũng không thể bay về với bố. Lúc ấy, tôi thương chồng mình thật nhiều, trong lòng anh đang cố chịu đựng biết bao nỗi lo. Không biết, dịch có chấm dứt sớm để anh chạy ùa về cho bố nhìn thấy dáng hình người con trai duy nhất, để bế cháu nội thứ hai về cho ông xem mặt trước khi bóng đen bao phủ những tháng ngày còn lại. Đang lúc khủng hoảng trong cơn quay cuồng của dịch bệnh, thì cả nhà tôi cứ như bị thêm một tảng đá đè ném lên sự chịu đựng, gánh gồng của mình.
Mở mắt sau cơn phẫu thuật, đầu óc vẫn còn chếch choáng, tôi nghe thằng em trai hỏi “Thấy Kha hôn?”, tôi gật nhẹ đầu.
  • Cháu đâu? Mấy bà cháu gặp nhau chưa?
  • Bé ẵm ra cho bà ngoại rồi, mới cho uống chút sữa. Ba bà cháu đang ở trên phòng riêng rồi, yên tâm.
  • Có gọi cho anh Hiện chưa?
  • Rồi, nãy anh Hiện vừa gọi video về, bố con thấy nhau rồi.
  • Chút nữa qua phòng bển, lấy điện thoại tao gọi cho ông bà nội gặp cháu.
  • Ừa. Yên tâm!
Tôi cố lấy tay sờ lên bầu ngực của mình, vẫn chưa thấy sữa về. Con bé Bánh ú vừa mới chào đời của tôi đang đợi hơi ấm của mẹ, hai chị em chắc đang nhớ mẹ rồi!
Điện thoại nổi chuông liên tục, bà con họ hàng nội ngoại, bạn bè đồng nghiệp gọi video để hỏi thăm hai mẹ con. Do dịch bệnh căng thẳng quá, cả nhà chúng tôi: Tôi, mẹ, em trai và hai đứa nhỏ tất thẩy đều ở yên trong phòng bệnh riêng. Cơm nước đặt sẵn, đến giờ bệnh viện mang đến và gõ cửa cộc…cộc… báo hiệu có thức ăn, chỉ dám hé cửa đủ đưa tay ra lấy rồi lại đóng ngay, không ai dám bước chân ra khỏi phòng bệnh. Bé lớn nhà tôi quấn quýt em, rồi chạy lăng xăng ra dòm ngoài cửa sổ mỗi khi còi báo xe cấp cứu vang lên liên tục. Ngoài kia, các y bác sĩ làm việc cật lực, bệnh viện quá tải người. Sinh nở trong mùa dịch này, nỗi đau da thịt bị mổ xẻ đã không còn quan trọng bằng sự ám ảnh con vi rút Corona. Mẹ con tôi phải vô cùng cẩn trọng, bằng mọi cách phải bảo vệ an toàn nhất cho con gái bé bỏng của tôi.
Em trai đi làm về mang theo đủ thứ: nào là mấy con chim bồ câu làm sẵn, chân giò heo, cá lóc đồng, trái cây tươi,… nghe nói anh chị em đồng nghiệp cơ quan gửi nó mang về cho tôi bồi bổ. Chợ vẫn còn đang bị cấm nên mọi người sợ tôi không có gì để ăn, dặn dò với theo là ăn nhiều cho có sữa, kiếm được món gì bổ sẽ gửi thêm. Hôm qua nghe nói xe tải chạy đường dài cũng bị hạn chế, hàng hoá các thứ trở nên khan hiếm hơn. Đoàn thanh niên của xã nhà cũng có chương trình mua đồ hộ bà con, nhất là ưu tiên cho sữa tã. Nhưng sợ nhiều người gửi quá, đến lượt mình thì hết, tôi vội gọi điện nhờ nhỏ bạn trong cơ quan tức tốc chạy liền ra cửa hàng gom nhanh nhất có thể. Không biết ở các nơi khác thì sao, chứ đoạn đường sữa tã về đến nhà cũng qua năm lần bảy lượt các trạm chốt kiểm soát dịch. Do tình hình đang ở cao trào của làn sóng dịch thứ tư và không biết bao giờ mới hạ nhiệt, các chốt trạm được lặp khắp nơi từ nội ô thành phố ra tới ngoại ô là nhà tôi. Mọi người muốn ra ngoài phải lên uỷ ban xã đăng kí trước ngày mai đi đâu, mua gì và khi xuất hành chỉ đi đúng đoạn đường đã có trên giấy, nếu đi sai, các chốt trạm sẽ từ chối cho qua và mỗi ngày chỉ đi được một lần. Mẹ tôi nói sống từng tuổi này rồi mới lần đầu tiên thấy dịch bệnh ghê gớm, đáng sợ như này.
Bé con đã được ba tháng, may mắn là cháu bú ngoan, ngủ ngoan. Mỗi ngày đều đặn gọi video để gặp bố; gặp bà nội. Mỗi bận như vậy, bà nội lại diễn tả cháu hôm nay như nào, mắt mũi tóc tai ra sao, đang làm gì cho ông nội nghe. Bà cứ tắm tắc “Giống y như bố Hiện lúc nhỏ vậy, giống bố hơn cả chế hai luôn cháu của bà nhỉ. Mau ăn chóng lớn, hết dịch về với ông bà cháu gái nhé.”. Bé lớn nhà tôi đang chăm chú học online với cô giáo, cũng kịp nói với bà “Con về nữa bà nội ơi, bà nội kêu ông nội cõng con đi thả diều ngen nội”. Ba bà cháu cứ tíu tít mỗi buổi sáng! Có lần, sau khi học online xong, con bé sà vào lòng tôi “Mẹ ơi, cô nói bữa nay bài tập của con là vẽ cảnh biển buổi sáng. Con vẽ thêm chú bộ đội là bố vô được hôn mẹ”. Con bé đang học lớp lá, đã biết tự hào về bố mình, lúc chưa dịch, con bé khoe là cô với con song ca bài Cháu thương chú bộ đội cho cả trường nghe. Tôi không biết người khác có hiểu được những cảm xúc này hay không, nhưng mỗi khi con bé khóc thúc thích nói nhớ bố, thèm bố thì lòng tôi không còn đau như lúc đầu nữa… lạ lắm… Những lúc ấy, tôi thấy mình từ trong sâu thẳm vươn vai lớn thêm chút nữa, mạnh mẽ hơn chút nữa. Có những cảm xúc, không hẳn bị mất đi, có những nỗi niềm không hẳn đã thành quen thuộc. Chỉ là theo năm tháng, sự chịu đựng của con người tốt lên hơn, cảm xúc cũng biến chuyển từ đau lòng, xót xa thành ra động lực để mạnh mẽ, cứng rắn và vững vàng hơn. Trên dọc dài đất nước này, có hàng triệu người vợ hậu phương như tôi và có biết bao đứa bé cũng nhớ bố như con tôi. Các chị, các cháu có thể còn khó khăn, còn vất vả nhiều hơn mẹ con tôi. Nhưng tin rằng, tất cả chúng tôi điều có chung một điểm: luôn cảm thấy xứng đáng với lựa chọn của mình - một người hậu phương biển đảo.
Điều lo sợ nhất đã đến, cả nhà tôi đều dương tính với covid. Thương nhất là hai đứa nhỏ, bé lớn sốt cao đến độ chảy máu mũi. Tôi vẫn nhớ cái hình ảnh ấy, khi con gọi mình:
  • Mẹ ơi, con nóng quá.
Tôi quay sang nhìn, máu đỏ tươi từ mũi cháu chảy dài xuống miệng, chỉ kịp đưa bé nhỏ còn sốt nóng hổi trên tay cho bà ngoại, tôi ôm bé lớn và với lấy điện thoại gọi ngay cho bác sĩ. Những đêm nằm chăm con, nhìn hai đứa nhỏ ngủ mà hơi thở còn phập phòng nặng nhọc, môi khô và đỏ tươi, nước mắt tôi nóng hổi chảy trên gối. Tôi không biết con vi rút ấy đang làm gì con mình, nó đã tới đâu trong thân thể bé nhỏ này. Nó là căn bệnh mới, đã có bắt đầu nhưng không ai biết khi nào kết thúc, không biết sẽ có những cơn hành bệnh nào nữa, liệu các cháu có bị biến chứng sau đó,… một ngàn thứ quay quanh đầu tôi lúc ấy. Bé nhỏ nhà tôi ho và hầu như khuya nào cũng ói ướt hết giường chiếu, mấy mẹ con loi ngoi lót ngót. Bà ngoại và cậu ba xấp nhỏ cũng không dám ngủ, cứ chực chờ chạy vô tiếp. Tôi thấy mình như kiệt sức và khóc nấc lên thành tiếng, chồng và cả nhà đều kêu tôi phải giữ bình tĩnh, nhưng thú thật tôi thấy mình như con thú hoang, nếu có thể chỉ muốn bắt ngay con vi rút ấy mà cào xé nó. Đêm trắng, tôi cứ niệm phật trời, và trong đầu hiện ra những nhận định của các chuyên gia báo rằng đối với trẻ nhỏ triệu chứng và mức độ bệnh sẽ nhẹ hơn… đó là thứ tôi bám víu duy nhất trong lúc ấy. Một đứa mới gần bốn tháng, một đứa hơn sáu tuổi mà đã đối diện với mầm bệnh mà thế giới đang vật vã ngoài kia. Những ngày đó thật dài. Cho đến khi ngồi bình tĩnh và viết lại những dòng này lòng tôi vẫn còn thấy nhói. Có thể tình hình bây giờ đã tạm ổn hơn, mọi sinh hoạt đã quay trở lại nếp thường ngày của nó nhưng… đã biết bao người mất vì cơn dịch khủng khiếp ấy. Chúng ta cũng đã mấp mé trước cánh cửa tử thần…!
Ba mẹ con tôi cứ như vậy mà lê lết nhau qua ngày. Ông ngoại tụi nhỏ đi làm vuông về, là tranh thủ chạy kiếm đọt khoai lang nhà hàng xóm cho tôi ăn, nhưng chắc do căng thẳng quá nên bé chưa được năm tháng tôi đã không còn giọt sữa nào. Có lúc bé con rút vào ngực mẹ tìm kiếm, tôi cố hết sức vắt cạn bầu ngực mình trong bất lực. Tôi cào cấu đến bật cả máu, cho đến bây giờ, những vết sẹo vẫn còn trên ngực như nhắc nhở chính tôi rằng mình đã từng khủng hoảng như thế nào.
Tôi đã định viết một bài viết có đầy đủ mở đầu, cao trào kiểu như tạo cảm xúc dồn người đọc lên đến tận đỉnh điểm của nó. Nhưng… khi bé lớn nói với tôi rằng:
  • Mẹ ơi, hôm bữa trước con vẽ cảnh biển buổi sáng rồi. Bữa nay cô nói là vẽ biển buổi chiều hoàng hôn hay buổi tối cũng được. Mẹ chỉ con nge.
  • Ừa, con vẽ đi, buổi tối cũng là cảnh vật đó nhưng ông mặt trời đi ngủ và ánh nắng đã tắt rồi.
Bé con cặm cụi vẽ, chợt quay sang hỏi nữa:
  • Mẹ ơi, ánh nắng đâu có tắt đâu mẹ, mà chỉ là đi ngủ thôi. Ông mặt trời đi ngủ thì nắng cũng chỉ đi ngủ thôi, sáng mai ánh nắng sẽ quay lại á mẹ. Phải hôn mẹ?
Dường như, trong tôi loé lên một điều rất lạ… Đúng rồi, ánh nắng đâu có tắt mà chỉ là tạm thời đi ngủ. Niềm tin vào cuộc sống cũng vậy, sẽ mãi mãi không bao giờ tắt mà chỉ là trong lúc này, khi dịch bệnh ập đến mang quá nhiều đau khổ, mất mát làm chúng ta chới với không kịp trở tay thì niềm tin cuộc sống đôi khi bị thu nhỏ lại, tạm ngủ quên. Nhưng rồi sau giấc ngủ, ánh nắng sẽ quay trở lại, sau những nỗ lực niềm tin sẽ vực dậy con người ra khỏi những khó khăn bủa vây. Cuộc đời này sẽ không bao giờ có cái gọi là cao trào nhất, đỉnh điểm nhất nếu chúng ta còn sống và ngày mai còn đến.
Hôm trước, bố xấp nhỏ nhắn về “Tuần sau bố sẽ về thăm ba mẹ con”. Vậy là hai năm dịch căng thẳng thì chồng tôi đi đúng một năm 28 ngày chưa được về nhà, bé con đã được sáu tháng và mới được nhìn bố qua điện thoại. Tin bố về vui hơn cả tết, đứa con gái lớn cứ lăng xăng hí hửng đếm thời gian bằng những ngón tay. Mặc dù ngay lúc này dịch vẫn còn chưa dứt hẳn nhưng tình hình đã ổn hơn, cả nước cơ bản ai cũng được tiêm vacxin, xấp nhỏ chắc cũng sẽ quay lại trường lớp. Vợ chồng tôi cũng đã tính nếu thuận lợi, tết này cả nhà sẽ về thăm ông bà nội. Biết bao nhiêu đợi mong, dự định đã bắt đầu nhen nhóm lên ánh lửa nhỏ trong gia đình của mình, tôi chậm rãi cảm nhận cuộc sống và thấy mình may mắn đã vượt qua những khúc quanh ấy. Đêm nay, đêm của những ánh nắng đi ngủ để sớm mai tươi mới, ấm áp; tôi với tay cầm điện thoại nhắn cho chồng mình “Bé Thuỳ nói với em còn ba ngón tay nữa là bố về rồi. Cả nhà mình đợi bố!”.
Lương Ngọc Thơ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 96
  • Khách viếng thăm: 93
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 16925
  • Tháng hiện tại: 639862
  • Tổng lượt truy cập: 60990000