Chiếc đỉnh được đúc bằng đồng đỏ rất công phu và tinh xảo vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có chiều cao 1,38 m, ngang 0,8 m.
Trên đỉnh đồng là tượng La Hán cưỡi lân (cao 20 cm, ngang 22 cm), phần thân trên của đỉnh là “lưỡng long tranh châu”, hai bên là 2 con rồng - biểu tượng âm dương cân bằng đang ôm trái châu - biểu tượng của thái cực vũ trụ (cao 35 cm, ngang 43,5 cm, vòng tròn trái châu 149,5 cm).
Ở giữa trái châu có hình 4 con dơi bao quanh chữ Thọ. Phần thân dưới là một con rồng uốn lượn đội trái châu (cao 63,5 cm, ngang 13 cm), dưới cùng là đế cao 22 cm, có vòng tròn là 123 cm được lộng vân mây.
Ông Phạm Văn Châu (Ba Tựu), Trưởng ban Khánh tiết đình An Thái Trung cho biết: Bộ đỉnh này do gia đình Hương cả Phùng Tấn Kiệt tại xã tặng cho đình vào tháng 11-1971 (hiện còn giấy biên nhận hiến tặng).
Còn theo các nhà chuyên môn của bảo tàng - bảo tồn và những nhà sưu tập cổ vật cho đây là bộ lư có giá trị lịch sử, văn hóa - nghệ thuật “độc nhất vô nhị” tại Tiền Giang và có thể ở cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, đình An Thái Trung được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX (khoảng năm 1820) trên phần đất của 2 gia đình ông Phạm Văn Hiên và bà Nguyễn Thị Hương (ấp 1, xã An Thái Trung). Sau này, để thuận tiện cho nhân dân đi lại thờ cúng, khoảng năm 1916 đình được di dời về xây dựng tại địa điểm hiện nay, bên cạnh bờ sông rạch Chanh (ấp 2, xã An Thái Trung) theo dạng chữ “Tam” gồm:
Vỏ ca, vỏ quy và chánh địện, với diện tích 338 m2, nằm trong khuôn viên 1.038,6 m2. Đình là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các vị thần linh và bà Huỳnh Thị Ban - người hiến đất để xây dựng đình. Hàng năm đình có 2 lệ cúng: Hạ điền vào ngày 16, 17-2 âm lịch và Thượng điền vào ngày 16, 17-11 âm lịch.
Cũng tại nơi đây, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đình là cơ sở cách mạng, là nơi phong trào thanh niên Tiền Phong của xã ra đời và là nơi phong trào Mặt trận Việt Minh của xã hoạt động; là địa điểm liên lạc của lực lượng cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến.
Ý kiến bạn đọc