Danh cầm Đức Huệ: Đờn guitar tay trái có một không hai ở ĐBSCL

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/05/2015 14:21
“Ngón đờn của danh cầm Đức Huệ rất tài hoa, độc đáo, đờn đúng chất tài tử. Anh là tay đờn guitar số 1 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi rất vui mừng vì anh đã mạnh khỏe, trở lại với nghiệp đờn ca sau 4 năm tịnh dưỡng vì tai nạn giao thông….” - ông Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL đã nói một cách chân tình như vậy.

Danh cầm Đức Huệ nhắm mắt, cố tập trung tư tưởng để nhớ về thời thơ ấu ngồi há hốc nhìn từng ngón tay uyển chuyển lướt trên dây đờn của cha, tai lắng nghe như nuốt từng tiếng đờn mùi mẩn. Hồi đó, nói tới Mười Trạch (cha anh Huệ) là giới tài tử ở Gò Công phải kiêng nể. Ông chơi đờn cò, đờn kìm có tiếng. Vậy mà ông nhứt định không dạy cho con trai, bởi ông không muốn con theo cái nghiệp mà đời bạc bẽo phán rằng “xướng ca vô loại!”.

“Ba không dạy thì mình tự học vậy!”. Mới 6 tuổi đầu mà Huệ đã nghĩ và làm. Huệ chê đờn cò, đờn kìm của cha “hình thù” gì mà xấu hoắc, nên đã lén lấy cây guitar của anh Ba mà vọc. Hình như Huệ sinh ra để đờn, nên chỉ nhìn và nghe là tự đờn được, nhưng khổ nỗi anh thuận tay trái nên cứ cầm cây đờn ngược với người ta, bấm tay phải và khảy tay trái (sau này nghe anh đờn hay, cha để ý thì thấy con trai cầm đờn ngược nhưng không thể sửa lại được).

Huệ ham đờn vô cùng, nhưng cây đờn của anh Ba đâu phải lúc nào cũng lấy chơi được. Lúc ấy có một sĩ quan của sư đoàn 7 (lính chế độ cũ) về đóng quân gần nhà, đờn tân nhạc rất hay. Huệ còn nhỏ không tiền mua đờn, thấy đờn là mê lắm nên lân la đến mượn đờn nhạc đánh đờn cổ. Ông ấy ngưỡng mộ Huệ nên tặng luôn cây đàn guitar.

Chưa đầy 15 tuổi, Huệ đã đờn khá giỏi, cha anh không còn cấm cản con trai, mà còn dạy thêm bài bản và kỹ thuật đờn như thế nào cho “chín”, cho hay như đờn kìm và cả đờn cò. Anh nói: “Sau này anh không còn chê mấy cây đờn của cha, bởi hiểu được cái độc đáo của nhạc cụ dân tộc”.

Năm 1977, Đức Huệ lên Trường Sân khấu điện ảnh học đờn. Thầy hiệu trưởng bảo anh đờn thử, nghe xong ông ấy bảo: “Đờn giỏi như vầy còn chỗ nào để học nữa!”. Rồi ông bảo anh ca thử, diễn thử một tình huống. Sau đó anh đậu vào khoa Đạo diễn, học chung với Thành Lộc.

Học đạo diễn nhưng khi thuận tiện là anh qua giao lưu với khoa Đàn. Có lẽ không có duyên với nghề đạo diễn nên anh không vượt qua những thiếu thốn của thời bao cấp, học được 2 năm rồi về quê giúp đỡ gia đình. Thời gian này, anh tham gia các cuộc hội diễn huyện, tỉnh, sáng tác khá nhiều bài bản tài tử.

Năm 1983, Đức Huệ đoạt giải Nhất cuộc thi độc tấu guitar do Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Sự kiện này gây xôn xao giới văn nghệ sĩ. Liên tiếp những năm sau anh đoạt giải Nhất ngón đờn hay của tỉnh Tiền Giang, 2 Huy chương Vàng độc tấu guitar ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cùng đồng đội đoạt nhiều Huy chương Vàng trong các tiết mục hòa tấu ở các cuộc hội thi lớn.

Các tay đờn có nghề nhắc đến danh cầm Đức Huệ bằng cả sự ngưỡng mộ: “Ngón đờn của Đức Huệ hơn người bởi sự nhấn nhá, rung, ngân sâu lắng và rất có hồn!”.

Tuy đã được Bộ VH-TT&DL phong là danh cầm, nhưng danh cầm Đức Huệ vẫn luôn rèn luyện ngón đờn và không ngừng học hỏi, anh nói: “Khi gặp được thầy đờn Ba Tu, tôi đã ngưỡng mộ tài năng và không ngừng học hỏi ở ông ấy. Thầy Ba Tu nói học thầy là một lẽ, nhưng phải tạo cho mình một phong cách riêng để khi nghe, thính giả phân biệt được ngón đờn đó là của ai.

Phong trào đờn ca tài tử hiện nay cũng rất thịnh hành, người đi học đờn, học ca cũng nhiều, nhưng xem ra người đờn giỏi, hát hay còn hiếm hoi quá. Tôi may mắn có được một số học trò giỏi như: Đức Hòa, Ngọc Đặng (đã hát bài ngũ đối hạ tựa đề “Sắc xuân”, do Đức Huệ sáng tác trong đêm vinh danh Đờn ca tài tử ở TP. Hồ Chí Minh), Kiều My…”.

Danh cầm Đức Huệ giỏi nghề và đầy nhiệt huyết, được nhiều thầy đờn ở TP. Hồ Chí Minh mời cộng tác giảng dạy và đờn cho các sự kiện lớn. Năm 2010, vào một buổi tối đi dạy về đến cầu Nổi, anh bị tai nạn giao thông rất nặng, phải đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy lấy hộp sọ ra, tưởng đã không còn trở lại với nghề được.

Anh nói: “4 năm tịnh dưỡng, nhớ anh em đồng nghiệp, nhớ tiếng đờn, giọng hát vô cùng. Năm ngoái được mời tham gia một hội diễn lớn “Festival đờn ca tài tử toàn quốc ở Bạc Liêu”, tôi mừng lắm vì biết anh em còn nhớ mình, cần mình nên tôi đã hết sức cố gắng và rất vui vì đoàn Tiền Giang đã có những tấm Huy chương Vàng mang về cho tỉnh nhà”.

Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 213
  • Khách viếng thăm: 210
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 6495
  • Tháng hiện tại: 2505881
  • Tổng lượt truy cập: 48880008