Vì đâu Huỳnh Kỳ rã gánh?

Đăng lúc: Thứ ba - 12/05/2015 09:09
Khi nghệ thuật cải lương mới được hình thành, tại Mỹ Tho đã có 3 gánh hát, góp phần rất lớn vào việc phát triển bộ môn nghệ thuật này, đó là các gánh: Thầy Năm Tú, Phước Cương và Huỳnh Kỳ.

Theo nhiều tài liệu, Huỳnh Kỳ là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam kỳ và không thua gì gánh thầy Năm Tú đang nổi danh lúc bấy giờ. Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng hoạt động gánh Huỳnh Kỳ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người mộ điệu.


Gánh cải lương Huỳnh Kỳ do ông Lê Công Phước, còn gọi George Phước, dân gian gọi là Bạch Công tử lập ra.

Tuồng Khúc oan vô lượng (ảnh tư liệu).
Tuồng Khúc oan vô lượng (ảnh tư liệu).

George Phước người làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3, TP. Mỹ Tho). Vốn rất mê cải lương, trong thời gian ở Pháp ông đã từng học về ngành Sân khấu. Về nước, ngày 25-1-1926, George Phước cùng ông Nguyễn Ngọc Cương cho ra mắt gánh hát Phước Cương, quy tụ nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ.

Đến giữa năm 1928, sau khi lấy nghệ sĩ Phùng Há làm vợ, Bạch Công tử tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của các nghệ sĩ: Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Danh tiếng của Huỳnh Kỳ nhờ vào cô đào nổi danh Phùng Há và là bầu gánh. Báo chí thời bấy giờ vinh danh George Phước và Phùng Há là cặp trai tài gái sắc.

Ông chủ gánh hào phóng

Vở cải lương nổi tiếng của gánh hát Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh dàn dựng. Trong vở này, Phùng Há đóng vai Bạch Thu Hà, Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ.

Báo Trung Lập ra ngày 16 Septembre 1929 viết “Bạn hát Huỳnh Kỳ là một bạn hát không cần tô điểm ai cũng biết là một gánh hát vừa hay vừa đẹp từ đào kép cho tới mũ mão, từ cô Bảy Phùng Há tới chị đào quèn, từ anh Võ Đông Sơ đến vai hề diễn… đều tận lực thủ bổn cho nên xem thật xuất sắc thần tình”… Ngoài Giọt máu chung tình, gánh hát Huỳnh Kỳ còn diễn nhiều vở gây tiếng vang là: Anh hùng liệt nữ nước Nam, Mẫu tử tình thâm, Khúc oan vô lượng…

Ngoài việc lưu diễn khắp nơi, Bạch Công tử còn xây dựng rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho (ngôi nhà được cất khoảng năm 1920, theo mô típ kiến trúc Tây) để làm nơi gánh hát biểu diễn thường xuyên.

Báo Trung Lập số ra ngày 27 Avril 1932 đăng tường thuật về gánh Huỳnh Kỳ.
Báo Trung Lập số ra ngày 27 Avril 1932 đăng tường thuật về gánh Huỳnh Kỳ.

Ghe của đoàn hát Huỳnh Kỳ đi các tỉnh miền Tây chọn các rạp hát ở địa phương hoặc sân đình để dựng sân khấu, bán vé, biểu diễn. Mỗi nơi như vậy gánh hát thường ở lại hát liên tục một tuần lễ, có khi đến 10 ngày mới dời đi nơi khác. Đặc biệt, do tính khí chịu chơi của Bạch Công tử, gánh Huỳnh Kỳ còn là một mạnh thường quân làm từ thiện hoặc hát để đóng góp cho phong trào thể thao các địa phương.

Nghe Hội Thể thao Sóc Trăng gặp khó khăn trong việc đi thi đấu, George Phước liền cho gánh về Sóc Trăng. Đêm 20-12-1929, Huỳnh Kỳ hát tuồng San hà Xã tắc giúp cho Hội Thể thao Sóc Trăng lấy tiền làm lộ phí đi tranh chức vô địch. Trước đó, Huỳnh Kỳ liên tục hát gây quỹ cho hoạt động thể thao như: Đêm 21-8-1929, tại rạp Đại Võ đài (Chợ Lớn), Huỳnh Kỳ hát giúp Tổng cục Thể thao Chợ Lớn.

Đêm 13-9-1929, Huỳnh Kỳ diễn tuồng Anh hùng liệt nữ nước Nam, Bạch Công tử đem toàn bộ tiền bán vé tặng cho Hội Cerlce S.A Sài Gòn để làm sân tennis. Mười đêm liên tục từ ngày 18-11-1930, Huỳnh Kỳ diễn tại nhà hát Tây để gây quỹ xây sân tennis.

Huỳnh Kỳ còn hát giúp học trò nghèo, như từ ngày 10-10-1930 hát tại rạp A Sam - Đa Kao mấy đêm liền để hỗ trợ học bổng của Trường Đông Pháp thương học của ông Tô Ngọc Thăng; ngày 12-11-1930 hát giúp cho Hội Gò Công tương tế…

Đem gánh hát cho không người khác

Khoảng năm 1932, do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhiều gánh hát cải lương ở Nam bộ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo Báo Trung Lập ra ngày 27 Avril 1932, lý do gánh Huỳnh Kỳ tan rã là do ghen tuông. Cô bảy Phùng Há bị bệnh, liên tục vắng bóng trên sàn diễn. Còn cậu Tư Phước cặp bồ với một cô tình nhân người Pháp lai, con của một vị trưởng tòa ở miền Hậu Giang.

Nghệ sĩ Phùng Há sau thời gian tạm nghỉ để dưỡng bệnh, trở về gánh Huỳnh Kỳ hát ở Sài Gòn. Dư luận báo chí lúc này nhận định cô đào này đã “xuống sắc” và “cái nghĩa vợ chồng đã phai nhạt hơn trước, một phần của do Bạch Công tử phóng túng chơi bời, xài tiền như nước, đến nổi tiền công của cô Phùng Há ca cho người ta thâu vô dĩa mà cậu cũng lấy xài cho nên cô buồn và đã cặp bồ với người khác. Đêm hát ấy, cậu Tư phát hiện thấy có bạn trai của cô đi xem, toan rút súng bắn, may có một người bạn ngồi bên cạnh can ngăn.

Sau sự cố ấy, Phùng Há mỗi lần hát xong đều tìm cách lánh mặt đi nơi khác. Đồ đạc tư trang dưới ghe đều được chuyển lên bờ, đem gởi nhà người quen.

Báo Trung Lập tường thuật vào đêm 5-4-1932, gánh Huỳnh Kỳ diễn tuồng Trái đạo tam cang. Đây là hát đêm chót ở Phú Nhuận, Bạch Công tử dự tính qua ngày 7 sẽ dời qua rạp Thành Xương, nhưng vợ chồng lại gây lộn một trận kịch liệt, sáng hôm sau cô Bảy Phùng Há dọn đồ rời gánh.

Qua hôm sau, Bạch Công tử kêu một người quen tên là Lương Văn Muồi ở Cái Bè lên Sài Gòn và tuyên bố “cho không” gánh hát cho người này. Ông Muồi gom đồ đạc của gánh Huỳnh Kỳ xuống ghe chở về Cái Bè, bỏ lại hơn 80 người (gồm diễn viên, thầy đờn, nhân viên phục vụ, bạn theo ghe…) của gánh, rồi sau đó mỗi người một ngả. Cô Bảy Phùng Há thì về mướn một căn phố trệt ở Mỹ Tho sống tạm.

Chưa biết nghệ sĩ Phùng Há chính thức chuyển sang gánh Trần Đắc (của ông Trần Đắc Nghĩa) lúc nào, nhưng vào ngày 28-7-1932 Phùng Há cùng Năm Châu, Tư Chơi diễn tuồng Khúc oan vô lượng cho gánh này giúp Hội Thể thao MyTho Sport, trong đó cô thủ vai Hoàng Bích Vân.

Đêm 4-9-1932, Phùng Há tiếp tục tham gia vai diễn trong vở tuồng Tội của ai, cũng của gánh Trần Đắc tại rạp hát Modern Sài Gòn, cũng là cuộc hát làm nghĩa giúp anh em thất nghiệp ở Sài Gòn. Theo Báo Trung Lập, cô Bảy Phùng Há hứa sẽ vì anh em thất nghiệp ở Sài Gòn mà “trổ hết tài nghệ một đêm chót rồi cô sẽ đi hát nơi khác”.

Tháng 9-1932, tại rạp hát Hội đồng Ninh, người ta phát hiện nhiều đào kép như: Năm Thiên, Hai Nhuận, Long, hề Chín Móm… của gánh Huỳnh Kỳ đang hát tuồng Trái đạo tam cang cho gánh Bạch Nhựt của ông Lâm Văn Chơn lập.

Tháng 8-1933, có một số ghe hát Huỳnh Kỳ kéo nhau về đậu ở Mỹ Tho. Thiên hạ đồn rằng Huỳnh Kỳ sắp tái lập. Song lúc này Bạch Công tử đã sạt nghiệp, đồ đạc bán sạch; cả ngôi nhà và rạp hát Huỳnh Kỳ đều bán lại cho ông Lê Ngọc Chiếu, một người giàu có ở vùng Chợ Gạo, rồi được đổi tên thành rạp Lê Ngọc.

NGUYỄN NGỌC PHAN
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 209
  • Khách viếng thăm: 208
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 9317
  • Tháng hiện tại: 2454207
  • Tổng lượt truy cập: 48828334