Nhà văn Nguyên Ngọc bàn về đào tạo, bồi dưỡng tác giả trẻ và xây dựng văn hóa đọc cho lớp trẻ

Đăng lúc: Thứ hai - 29/11/2010 07:51
Nhà văn Nguyên Ngọc trao đổi với các trại viên

Nhà văn Nguyên Ngọc trao đổi với các trại viên

Trại truyện ngắn Tiền Giang năm 2010 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức bắt đầu từ trung tuần tháng 11 và dự kiến kết thúc vào trung tuần tháng 12. Trại đã qui tụ 17 tác giả văn xuôi tham gia, với 22 tác phẩm mới sáng tác. Đến trao đổi, hướng dẫn sáng tác và thẩm định tác phẩm, góp ý với tác giả, nhà văn, nhà dịch thuật Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành), nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ nhận định về trại và trao đổi với phóng viên về văn hóa đọc đối với lớp trẻ hiện nay.

Ông chia sẻ: Khi đọc các bản thảo do Ban tổ chức trại truyện ngắn Tiền Giang gởi đến, tôi rất mừng và ngạc nhiên, bởi vì chất lượng của truyện rất đồng đều, trong đó có những truyện ngắn hay. Cụ thể như truyện ngắn Gió đưa bông sậy của Phạm Thị Ngọc Điệp, đọc rất đời, rất thật, nói về mối quan hệ giữa những con người sống với nhau rất đẹp và rất nhân văn. Lối kể chuyện của chị Điệp rất có duyên và sinh động, dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối truyện. Chồng chị chồng em của Nguyễn Thanh Xuân nghiêng về đề tài chiến tranh, với những câu chuyện éo le, nhưng rất đời và rất người,...

Trong khuôn khổ trại truyện ngắn chỉ có chừng ấy tác giả và tác phẩm, nhưng lại có nhiều truyện ngắn hay như vậy là một dấu hiệu đáng mừng, đáng lạc quan. Điều đó báo hiệu cho thấy mảng văn xuôi của Tiền Giang có nhiều tiềm lực. Cần phát huy tiềm lực này để có thể trở thành thế mạnh trong thời gian tới. Có những cây bút thể hiện tay nghề vững vàng, viết chắc tay, biết làm chủ ngòi bút. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các tác giả đều sử dụng từ ngữ linh hoạt, khéo léo, câu cú chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn còn một vài tác giả chưa khai thác hết tư liệu, vốn sống nên khi đọc có cảm giác truyện chưa trọn vẹn và dừng lại ở cấp độ phản ánh người tốt việc tốt.

* PV: Hiện nay văn hóa đọc đã bị văn hóa nghe nhìn lấn át, vì vậy người đọc đến với văn học ngày càng ít đi, nhất là giới trẻ. Ý kiến của nhà văn về vấn đề này như thế nào?

* Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi đi nhiều nước nhưng không thấy nước nào xem phim nhiều như ở Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át là một thực trạng có thật đang tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù bị lấn át nhưng chúng ta vẫn có một đội ngũ sáng tác hùng hậu, trong đó có nhiều cây bút trẻ đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn. Trong các cuộc thi văn học gần đây, số lượng cây bút trẻ đoạt giải thưởng cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Điều đó rất đáng lạc quan và phấn khởi về văn hóa đọc, cho thấy văn học vẫn còn có chỗ đứng nhất định, không loại hình văn hóa nào có thể thay thế được.

Người xem, người nghe thụ động khi đến với văn hóa nghe nhìn. Chính vì vậy, khi xem hoặc nghe một tác phẩm nghệ thuật thường chỉ để giải trí, vì vậy tiếp nhận lượng thông tin ít. Còn người đọc khi đọc một quyển sách luôn ở tâm thế chủ động tiếp nhận, nên lượng thông tin được bồi bổ lớn, làm phong phú thêm vốn sống vì tiếp nhận được khối lượng lớn kiến thức từ sách. Chính vì vậy, cần giáo dục cho thế hệ trẻ có thói quen đọc sách để việc đọc sách trở thành ý thức của mỗi người.

* PV: Hiện nhiều học sinh chán học môn văn, thậm chí cá biệt có em nói "không" với văn học. Điều này được minh chứng qua các kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi vào các chuyên ngành văn học rất thấp. Nhà văn chia sẻ vấn đề này như thế nào?

* Nhà văn Nguyên Ngọc: Môn Văn trong trường phổ thông có vai trò quan trọng đặc biệt, tác động trực tiếp đến phẩm chất, tư tưởng, tình cảm học sinh. Dạy văn là một hoạt động thuộc phạm trù nghệ thuật, khám phá và chuyển tải cái hay, cái đẹp từ tác phẩm đến học sinh. Một bài thơ hay, một trích đoạn đặc sắc khắc họa sinh động hình tượng nhân vật khi đi vào tâm hồn học sinh, nó sẽ hướng đạo hành vi, thái độ sống của các em. Tuy nhiên, môn Văn dạy trong nhà trường hiện nay được xác định sai cơ bản về mục đích, chính trị hóa văn học, làm cho môn Văn khô cứng, khó cảm. Do xác định mục đích sai, nên người dạy môn Văn sử dụng sai phương pháp. Từ đó, học sinh chán học môn Văn là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, thực trạng hiện nay là nhiều học sinh học môn Văn là một việc bất đắc dĩ. Trách nhiệm trước tiên thuộc về ngành Giáo dục, về người dạy, người thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa.

* PV: Hiện nay, vấn đề đào tạo thế hệ viết văn trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

* Nhà văn Nguyên Ngọc: Trường Viết văn Nguyễn Du sáp nhập vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và trở thành Khoa Phê bình & Lý luận Văn học là một sai lầm cần phải sửa chữa. Bởi vì Khoa Phê bình & Lý luận Văn học chủ yếu tuyển sinh và đào tạo thế hệ học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông. Một bộ phận những người viết văn trẻ hiện nay chưa có văn hóa đọc tốt, vì vậy chưa có "bề dày" về kiến thức và vốn sống. Tài năng trẻ hiện nay không thiếu, điều đáng lo ngại là vấn đề trang bị nền tảng văn hóa để họ có thể tiến xa hơn thì còn đang bỏ ngỏ. Điều đáng quan ngại nữa là hiện nay, nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội đang bị xuống cấp, vì vậy một bộ phận những người viết trẻ bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Cho nên, việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ những người viết trẻ cần phải được quan tâm đúng mức. Không nên để những người viết trẻ tự "bơi", mà cần phải trang bị cho họ một nền tảng văn hóa nhất định. 

* PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyên Võ (thực hiện)
Nguồn: tiengiang.gov.vn

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 203
  • Khách viếng thăm: 200
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 45937
  • Tháng hiện tại: 2490827
  • Tổng lượt truy cập: 48864954