Dạ cổ hoài lang: sức sống 90 năm. Kỳ 2: Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu

Đăng lúc: Thứ bảy - 02/02/2013 06:19

Những năm đầu thế kỷ 20 là lúc phong trào âm nhạc tài tử bắt đầu phát triển mạnh ở Nam bộ. Các hình thức sơ khai của cải lương cũng bắt đầu hình thành. Người dân Việt Nam ai cũng có nhiều tâm sự trong thời buổi đất nước bị đô hộ. Họ đang trông chờ một bài ca, bản nhạc có thể chở những tâm tư, nguyện vọng của mình. Cho đến khi Dạ cổ hoài lang ra đời.

Lớp học nhạc của thầy giáo mù

Trong phòng làm việc của hiệu phó Trường cao đẳng Phật học, với vẻ nhanh nhẹn và hồ hởi, nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận như gặp cơ hội bày tỏ khi chúng tôi hỏi về Dạ cổ hoài lang. Ông là một trong những người am hiểu khá rộng về cổ nhạc Bạc Liêu, đồng thời cũng là con rể của nhạc sĩ Trần Tấn Hưng - người đã có công phát triển Dạ cổ hoài lang thành bản vọng cổ 32 nhịp mà ngày nay đã trở thành bài ca vua không thể thay thế.


 

Đường Cao Văn Lầu dẫn từ trung tâm Bạc Liêu ra đến biển -Ảnh: T.T.D.

Theo lời kể của ông Thuận, sinh thời cha vợ ông từng là sư đệ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu trong một lớp học nhạc đặc biệt. Những người tham gia lớp học này vì tình đồng môn bằng hữu hiếm có mà về sau đều có những đóng góp lớn cho sự phát triển của bản Dạ cổ hoài lang.

Lớp học ấy nằm ở xóm Rạch Ông Bổn (nay thuộc phường 5, thị xã Bạc Liêu) do thầy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khí, mọi người thường gọi là Hai Khị hoặc Nhạc Khị, mở. Thuở nhỏ ông Nhạc Khị bị bệnh nặng nên mù cả hai mắt và bị tật ở chân, đi lại rất khó khăn. Nhưng ẩn trong cơ thể tàn tật ấy là một tài năng trời phú. Ông quyết chí học đàn và trở thành một danh cầm cổ nhạc bậc nhất của xứ Bạc Liêu, có thể sử dụng nhiều loại nhạc khí cùng lúc: đẩu, bạc, kèn, phách rất điêu luyện. Ông là người có công đầu trong việc tập hợp, hiệu đính, chỉnh lý và phổ biến rộng rãi hệ thống 20 bản tổ của nhạc tài tử Nam bộ.

"Nghe đờn ca tài tử phải đợi lúc khuya mới mùi, phải có tình yêu đằm thắm với nó mới thấy hay. Bản vọng cổ cũng giống như cục nhân bánh miền Nam. Nếu móc cái nhân ăn trước thì bánh không còn ngon nữa"

Từ lò luyện của thầy Nhạc Khị, những sáng tác "nghệ thuật vị nhân sinh" của những học trò thầy Nhạc Khị liên tiếp ra đời: Liêu giang, Tam quan nguyệt của ông Ba Chột, lời ca Ðưa chồng ra mặt trận, Chinh phụ than, Sầu chinh phụ của Trịnh Thiên Tư... Lớp học này cũng có công đào tạo những nhạc sĩ xuất chúng về sau: soạn giả Mộng Vân, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng, nhạc sĩ Lý Khị... Chính từ đây cũng hình thành nên cả một phong trào sáng tác cổ nhạc lan rộng khắp miền Nam.

Và sau này khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời rồi trở nên nổi tiếng khắp vùng đồng bằng, người ta thường nhắc tới tài năng xuất thần của nhạc sĩ Cao Văn Lầu trong giây phút chia ly mà quên rằng trước đó có một người thầy mù lòa, tật nguyền đã cần mẫn gieo vào lòng học trò của mình lối nghĩ nhân văn, tràn đầy khát vọng yên bình và tình thương yêu con người trong đặt lời ca, cũng như tư duy nghiêm cẩn trong ghép chữ nhạc. Ông Nhạc Khị mất vào cuối năm Mậu Tý 1948 và sau này được giới cải lương xa gần tôn là nghệ nhân - hậu tổ cổ nhạc.

Sáu câu vọng cổ

Dạ cổ hoài lang khi mới ra đời là bản nhịp đôi. Sau này theo thời gian được các nghệ nhân, nhạc sĩ phát triển thành bản vọng cổ thịnh hành như bây giờ. Ðiều đặc biệt là những người giúp mở nhịp Dạ cổ hoài lang đều là đồng hương Bạc Liêu hoặc là đồng môn với ông Sáu Lầu trong lớp học của thầy Nhạc Khị. Họ đã xem Dạ cổ hoài lang - đứa con tinh thần riêng tư của Sáu Lầu - như đứa con chung của mình rồi hết lòng nuôi dưỡng, chăm sóc nó. Ông Trịnh Thiên Tư phát triển thành nhịp tư, nghệ sĩ Lư Hoài Nghĩa (cha nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc) mở nhịp 8, rồi nhịp 16 và đỉnh điểm là nhịp 32 do nhạc sĩ Trần Tấn Hưng sáng tạo. Từ 20 câu, bản nhạc cũng được giảm còn sáu câu của bản vọng cổ phổ biến mà ngày nay nói theo kiểu của người đồng bằng là "phải rành sáu câu".

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của Dạ cổ hoài lang và vọng cổ, theo lời kể của ông Cao Văn Bỉnh - con trai thứ sáu của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ngày trước cha ông đã phải hai lần đến Sở Mật thám tỉnh Bạc Liêu để chịu thẩm vấn về sự ra đời của bản Dạ cổ hoài lang. Chúng kết tội Dạ cổ hoài lang là bài ca quốc sự nhắm kích động quần chúng chống bắt lính, chống chính quyền với câu "Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phán lên đàng".

Sau này khi bản vọng cổ ra đời cũng đã có lúc bị nhà nước cấm hát, bị xem là bài ca vong quốc vì nghe quá não nề, ủy mị. Ông Bỉnh trầm ngâm: "Khi bản vọng cổ bị cấm, ba tôi cũng bắt đầu ít chơi đờn. Từ đó ba tôi ít ngủ hơn trước. Thỉnh thoảng những đêm khuya thanh vắng không người qua lại, ba tôi mới lấy cây đờn cò rao lên nho nhỏ những âm điệu của bản vọng cổ".

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bản vọng cổ đã khẳng định được cái thế của một bài ca yêu nước. Lịch sử ghi lại trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát trước đây, dòng nhạc chiến tranh tâm lý đã không lợi dụng được bản vọng cổ để tố cộng, chống cộng. Chiến sĩ quân đoàn 4 đêm nào cũng vặn đài nghe ca vọng cổ trong những ngày áp sát giải phóng Sài Gòn để thêm yêu dải đất đồng bằng miền Nam, thêm động lực vào trận chiến.

Theo tìm hiểu của nhạc sĩ Lưu Hữu Ðức, Dạ cổ hoài lang vốn có rất nhiều dị bản về lời ca vẫn còn đang tranh luận, nhưng có một dị bản mà khi xuất hiện một cách "cố tình" đã góp phần động viên tinh thần người nghe. Ðó là dị bản do ban nhạc tài tử quận lỵ đặt lời mới trong phong trào Mặt trận bình dân Ðông Dương năm 1938. Rằng: "Từ là từ đêm tối. Phủ kín bóng đen lên xóm làng. Nhà xiêu, xóm thôn hoang tàn. Ðau xé gan vàng...".

Có thể nói sau buổi khởi đầu với Từ là từ phu tướng..., bản Dạ cổ hoài lang đã vượt khỏi tầm tay ông Sáu Lầu, trở thành bản vọng cổ trữ tình, chiếm lĩnh độc quyền trong văn nghệ quần chúng, thu hút từ anh kéo xe, thợ hớt tóc, lơ xe đò đến thương gia, kỹ sư, bác sĩ, hay cả chàng công tử Bạc Liêu ngồi trên chiếc xe hơi bóng loáng. Ðể rồi từ xứ sở Bạc Liêu, câu vọng cổ đã đi khắp muôn nơi, trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn người dân phương Nam, như lời hát: "Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu như nhắc lại hồn Cao Văn Lầu" (Thanh Sơn).

Hoàng Oanh
(Theo tuoitre.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 211
  • Khách viếng thăm: 209
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 29601
  • Tháng hiện tại: 2474491
  • Tổng lượt truy cập: 48848618