Bảo tàng Pháp tôn vinh nghệ thuật cải lương Việt Nam

Đăng lúc: Chủ nhật - 10/03/2013 23:02

Sân khấu của Bảo tàng Guimet không đủ chỗ cho tất cả người đến xem cải lương Việt Nam.Trong hai ngày 8 và 9.3, lần đầu tiên trên sân khấu bảo tàng quốc gia các nghệ thuật châu Á Guimet tại Paris, nghệ thuật cải lương Việt Nam được giới thiệu đến công chúng Pháp với sự có mặt đặc biệt của nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu. Ngoài ra còn có sự tham gia của ca sĩ Hương Thanh, nhóm trống Trống Đồng và nhóm biểu diễn Võ Sơn Đông tại Pháp.

Nhân sự kiện này, phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn ông Hubert Laot, giám đốc nghệ thuật của Bảo tàng Guimet về các buổi diễn đặc biệt này.

Thưa ông, đây là lần đầu tiên nghệ thuật cải lương Việt Nam xuất hiện trên sân khấu bảo tàng Guimet. Xin ông cho biết vì sao bảo tàng quyết định tổ chức các buổi biểu diễn cải lương của Việt nam ?

Đây là lần đầu tiên bảo tàng Guimet trình diễn cải lương Việt Nam. Lý do rất đơn giản, chúng tôi là bảo tàng về nghệ thuật châu Á, cả năm chúng tôi tổ chức trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật của nhiều quốc gia châu Á, từ Afganistan đến Nhật Bản. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước giàu có về nghệ thuật.

Chúng tôi chọn trình diễn cải lương bởi đó là một nghệ thuật tiêu biểu trong lịch sử của Việt Nam, sinh ra vào đầu thế kỷ 20, nhưng đáng tiếc là đang bị mai một. Do đó, chúng tôi mong muốn tổ chức biểu diễn, giới thiệu và trưng bày về loại hình nghệ thuật quý giá này khi mà nó vẫn còn tồn tại.

 

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu (phải) trong một vai diễn.

Ông nhận thấy sự đón nhận của công chúng Pháp đối với nghệ thuật cải lương của Việt Nam ra sao, thưa ông?

Công chúng Pháp hào hứng đón xem cải lương. Sân khấu của chúng tôi không đủ chỗ cho tất cả người đến xem. Hai đêm diễn đều nhanh chóng bán hết vé và tôi tin là cũng sẽ như thế nếu chúng tôi tổ chức một buổi diễn thứ 3. Người dân có niềm say mê và tò mò rất lớn đối với châu Á nói chung, với Việt Nam nói riêng, đặc biệt với một loại hình nghệ thuật quý giá và hiếm có như cải lương.

Cải lương là một loại hình nghệ thuật thú vị, sinh ra từ làng xã Việt Nam, phản ánh nền văn minh lịch sử của Việt Nam qua nhiều giai đoạn, một đất nước có nhiều dân tộc, cũng như bị ảnh hưởng bởi những du nhập văn hóa do lịch sử. Đặc biệt, qua giai đoạn Pháp đô hộ Việt Nam, nghệ thuật cải lương chịu ảnh hưởng bởi nhạc kịch của Pháp, cách bài trí sân khấu và cả văn học Pháp. Trong khi đó, tại Pháp, nghệ thuật cải lương gần như không được biết đến. Đó cũng là lý do mà chúng tôi muốn tổ chức biểu diễn cải lương, trong bối cảnh nghệ thuật này đang bị đe dọa.

Buổi biểu diễn có sự tham gia đặc biệt của nghệ si nhân dân Ngọc Giàu- người mà bảo tàng Guimet gọi là "báu vật sống quốc gia" của Việt Nam. Ông có thể cho biết việc tổ chức các buổi biểu diễn có khó khăn lắm không?

Vâng, chúng tôi gọi nghệ sĩ Ngọc Giàu là "báu vật sống quốc gia", không biết có đúng như cách gọi ở Việt Nam hay không, tôi thấy các bạn gọi bà là nghệ sĩ nhân dân. Nghệ sĩ Ngọc Giàu đã từng đóng hàng trăm vai, cả nữ, cả nam, cả vai rất cá tính, kể cả vai trẻ con. Chúng tôi thấy rất may mắn và vui mừng khi bà có mặt biểu diễn trên sân khấu bảo tàng chúng tôi.

Trong công tác tổ chức, trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp giúp đỡ hỗ trợ chúng tôi nhiều trong việc tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sang Pháp, có nơi ăn ở tốt tại Pháp. Có thể nói rằng, một phần cộng đồng người Việt tại Pháp tích cực tham gia cùng chúng tôi để có được những buổi biểu diễn này.

Với kinh nghiệm tổ chức trình diễn, giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của các quốc gia châu Á, theo ông, cần làm gì để giữ gìn các giá trị quý báu của kho tàng nghệ thuật dân gian giàu có nhưng đang bị mai một nhiều tại châu Á ?

Đúng là công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân gian là rất khó. Quan trọng nhất là trong các nước phải có nhận thức rõ ràng về giá trị của các nghệ thuật truyền thống hiếm có của đất nước mình.

Vai trò của Chính phủ cũng rất quan trọng, không chỉ trong việc bảo tồn trên lãnh thổ quốc gia mình mà phải đưa ra ngoài thế giới. Như tại bảo tàng Guimet chúng tôi, có nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ đã đưa nghệ thuật của họ sang biểu diễn. Các đoàn nghệ thuật này có sự hỗ trợ của Chính phủ để đi biểu diễn ở Pháp và để công chúng Pháp được khám phá, biết đến. Chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan, tổ chức ở Việt Nam và hy vọng sẽ có thêm nhiều nghệ thuật truyền thống của Việt Nam để biểu diễn, nhất là trong đầu năm 2014 là "Năm Việt Nam tại Pháp".

Tôi đã có các dự án cụ thể như triển lãm chung với một số bảo tàng khác của Việt Nam tại Pháp và tại Việt Nam, đưa một số nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như ca trù sang Pháp biểu diễn...

Sự hợp tác giữa các quốc gia, các cơ quan chuyên trách giữa các nước rất quan trọng để gìn giữ những nghệ thuật quý giá trong kho tài sản văn hóa của các dân tộc.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Thùy Vân (VOV-Paris)
(Theo Sài Gòn tiếp thị)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 434
  • Khách viếng thăm: 429
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 45857
  • Tháng hiện tại: 2210517
  • Tổng lượt truy cập: 46177750