Bầu gánh xưa và nay Kỳ cuối: Người làm nghệ thuật không thể cơ hội

Đăng lúc: Thứ hai - 14/01/2013 09:25
Việc ký giao kèo giữa nghệ sĩ tên tuổi và bầu gánh âm thầm diễn ra suốt gần hai thập niên trong thế kỷ trước đã thật sự chấm dứt từ tháng 9.1971, sau khi bà Tiêu Thị Mai, chủ rạp Quốc Thanh, bầu gánh đoàn Thái Dương qua đời.
Cơ ngơi cải lương đã mất
 
 
Rạp hát Hưng Đạo dù nhiều lần được đầu tư sửa chữa nhưng kiến trúc quá cũ, nội thất xuống cấp, công năng phục vụ khán giả tuồng cổ, cải lương chỉ có thể phát huy khi được đầu tư xây mới. Ảnh: Lê Quang Nhật

Cải lương bây giờ thuộc về quản lý của nhà nước, tập thể. Tư nhân đầu tư cho cải lương chỉ được gọi là bầu sô, tuỳ thời điểm, tuỳ vở mới chọn diễn viên đi “đánh lẻ”, chứ không lo cho sự sống chết của một đoàn hát như bầu gánh. Ngay cách gọi này cũng nói lên sự chụp giật, ăn xổi ở thì của nó. Cải lương xuống dốc, phim Tàu và phim Hàn tràn ngập trên truyền hình. Số đông đào kép chính chuyển nghề, hoạt động cầm chừng. Cải lương suy còn do những nghệ sĩ cải lương sau này chỉ sống dưới bóng của các tiền nhân tài hoa để lại. Nhu cầu của xã hội càng ngày càng cao, còn cải lương lại giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi.

Ở Sài Gòn, các nhà hát cải lương ở mỗi quận giờ trở thành… cơ sở kinh doanh. Ngoài rạp Quốc Thanh chuyên tổ chức đám cưới, một số rạp khác biến thành trung tâm thương mại, nhà sách, quán càphê. Rạp Thủ Đô sơn phết bên ngoài, bên trong bệ rạc vô cùng, nếu có hoả hoạn khán giả không biết chạy đâu! Ngay cả nhà hát duy nhất được gọi “thủ phủ của cải lương” là Hưng Đạo cũng quá xuống cấp phải ngưng diễn để sửa chữa. Không thể trụ lại ở những rạp hát lớn khi mỗi suất diễn chỉ lèo tèo vài trăm khán giả, các đoàn cải lương tìm đường đến với bà con vùng sâu nông thôn. Nhưng kịch bản không có cái mới, nên không thoả mãn được khán giả, hơn nữa, tinh thần thực dụng kiểu “mì ăn liền” của các bầu sô càng làm cho khán giả quay lưng với cải lương. Bầu sô bây giờ chẳng còn gan lì, liều mạng nữa, họ… sợ tất cả, từ khán giả, ca sĩ ngôi sao, giang hồ ruộng cho đến ông nhà đèn: chỉ cần ai trong số đó mất lòng thì bể sô là cái chắc! Đi diễn tỉnh, sân khấu là các nhà văn hoá bị bỏ hoang lâu ngày, vài ba cái đèn sơ sài, tạm bợ, diễn viên đi trên sân khấu sụp lên sụp xuống, khán giả thì ngồi bệt dưới đất. Vì kế sinh nhai, có khi nghệ sĩ phải hát trong tiếng “dzô, dzô” của đám tiệc, rất đau lòng.

Nỗi đau người trong cuộc

Nghệ sĩ Bạch Tuyết ngậm ngùi: “Đã có lần tôi bị một quan chức đề nghị hát giữa bàn tiệc, tôi nghiêm mặt nói các anh ăn uống xong xuôi đi, rồi qua phòng bên tôi sẽ hát. Ông ấy xám mặt. Người làm nghệ thuật không thể cơ hội được. Phải có cái tâm sáng mới có thể làm giàu bằng nghiệp cải lương. Cải lương xuống dốc không phanh, bởi ngày nay không còn những gánh hát như xưa nữa. Các đoàn hát, nhà hát của nhà nước tính hợp lý ít đi, quản lý cũng không khoa học. Ngày xưa các bầu gánh phản ứng rất nhanh nhờ tổ chức quy củ từ trên xuống dưới, lợi nhuận cao mà ít tốn tiền, từ nghệ sĩ, khán giả, bầu gánh… không ai mất lòng nhau. Nghệ thuật phải dựa trên một cơ sở có thật. Là nghệ sĩ cải lương, trước tiên phải hát hay, diễn giỏi, được báo chí khen, được lên lương. Là đào chánh, một hợp đồng hai năm đủ cho họ mua căn nhà đàng hoàng, ngoài ra, mỗi đêm còn được lãnh lương trị giá nửa cây vàng, nên nghệ sĩ được sống đàng hoàng, được tôn trọng. Nhờ có cuộc sống vững vàng, nên nghệ sĩ chỉ lo đi tập tuồng đúng giờ, hát cho hay, lên sân khấu cho đẹp, và sự nổi tiếng sẽ đi đôi với giàu có. Đó là con đường làm giàu chánh pháp. Còn bây giờ, gánh hát tan rã, anh em nghệ sĩ còn yêu nghề đành phải kiếm sống bằng cách đi hát phục vụ trong những quán nhậu hàng đêm, ban ngày đi làm công việc khác. Nghệ sĩ trẻ bây giờ cũng rất bơ vơ, những cây viết về cải lương thì hời hợt, khiến họ không biết soi rọi vào đâu để tự đánh giá về mình, “chùi rửa” mình sau mỗi đêm diễn, nên cứ mờ dần. Đời sống cải lương đang uể oải thế, làm sao có vở diễn chinh phục lòng người. Người chuyên nghiệp cũng chẳng có chỗ nào để diễn. Chúng ta chỉ ca vọng cổ thôi, chứ không còn cải lương; chỉ còn hội trường thôi, chứ không còn nhà hát. Nghe ca mà âm thanh bể hết, cứ hét rần rần thế khiến lỗ tai của người nghe bị bịnh luôn. Nhà hát ngày xưa các bầu gánh chăm chút kỹ lưỡng về âm thanh, kiến trúc như một nhà hát Tây. Còn ngày nay, rạp hát xuống cấp, văn hoá xem hát cũng xuống cấp theo, ở đó, người ta tha hồ gác chân lên ghế để ăn hạt me như cái chợ… như thế thì trên sân khấu làm sao mà diễn nghiêm túc được”.

Nghệ sĩ trẻ cải lương bây giờ rất bơ vơ. Các cây viết cho cải lương thì hời hợt khiến họ không biết soi rọi vào đâu để tự đánh giá mình, “chùi rửa” mình sau mỗi đêm diễn.

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Minh, người gắn bó cả đời với nghiệp chụp hình cho các vở diễn cải lương, tỏ ra đau lòng: “Hồi xưa, Sài Gòn có hơn 30 rạp hát cải lương ở nội và ngoại thành. Cải lương bây giờ đã chết vì không còn rạp nữa. Các soạn giả kể từ khi “bị” vô trại sáng tác cũng “tắt” luôn cảm hứng. Tuồng lịch sử, tuồng xã hội bây giờ hầu hết đều diễn lại vở cũ, không tiếp thu sáng tạo cho thời đại mới, cải lương mất luôn lớp khán giả kế thừa. Vầng trăng cổ nhạc mỗi tháng một lần chỉ là những trích đoạn, mà hát vọng cổ chứ không phải cải lương”. Nghệ sĩ Bảo Quốc thì than thở: “Bầu sô bây giờ không quản lý nghệ sĩ, mà chỉ huy động theo từng vở diễn, nên khi tập cứ có người này lại thiếu người kia. Anh em nghệ sĩ cũng không gắn bó với nhau nhiều, vì rày đây mai đó, nên tình cảm cũng nhạt nhoà”.

Do thiếu kịch bản, đoàn này lấy kịch bản của đoàn kia cũng chẳng ai lên tiếng bảo vệ, các vở diễn cứ na ná, lền lền nhau, chẳng ai nhớ nổi. Nghệ sĩ Bạch Tuyết khẳng định: “Cải lương muốn sống đàng hoàng, trước tiên phải trở lại với văn hoá thưởng thức của chính nó. Cải lương ngộ lắm, như gió đưa bụi chuối sau hè, ngày nào cũng phải “lên đường”. Có thể là một Kim Vân Kiều hoành tráng, cũng có thể chỉ với chiếc đàn bầu trên chiếc xuồng ba lá, bà con vẫn xúm lại rần rần. Ai yêu quý cải lương hãy làm đi, đừng đao to búa lớn càng không hiểu cải lương. Khi không hiểu, thì không thương. Khi không thương, không nuôi dưỡng thì làm sao phát triển. Nghệ thuật là phải thanh xuân. Cải lương không còn nhà hát, mất nền tảng, làm sao những người trẻ có năng lực muốn bước vào cải lương? Nếu có một ước mơ, tôi chỉ ước mỗi quận có vài ba nhà hát cho nhiều loại hình khác nhau. Nếu văn hoá dân tộc bị mai một, xã hội sẽ bị tật nguyền, thiếu không khí trong lành để tâm hồn được thở. Trách sao được khi trẻ em hôm nay cứ lao vào game online sống với thế giới ảo”.

Kim Yến
(Theo baomoi.com.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 223
  • Khách viếng thăm: 221
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 72780
  • Tháng hiện tại: 2441205
  • Tổng lượt truy cập: 48815332