Đi tìm điều không mất - vở kịch cũ nhưng giá trị

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/02/2013 14:48
Nằm trong chương trình biểu diễn đầu năm, tối 21/2, sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam sáng đèn cho vở diễn “Đi tìm điều không mất” của đạo diễn Đỗ Kỷ.

Được dựng từ 10 năm trước, với đề tài hậu chiến, bối cảnh cũ, song câu chuyện về tình người, về đời sống xã hội vẫn còn nguyên giá trị trong “Đi tìm điều không mất”. Chuyển thể từ kịch bản của Lê Quý Hiền, NSƯT Đỗ Kỷ mang tới một vở kịch tâm lý mà trong đó các vấn đề của xã hội đan xen với những diễn biến nội tâm của nhân vật.

canh1-jpg-1361517586_500x0.jpg
Đề tài hậu chiến, song câu chuyện vẫn còn nguyên giá trị với cuộc sống ngày nay.

Ông Khang (nghệ sĩ Đình Chiến) - vị chủ tịch huyện liêm khiết, mẫn cán - trong một lần đi công tác, tình cờ phát hiện tên và giấy tờ tùy thân của mình trên bàn thờ của một gia đình. Bà Minh (nghệ sĩ Thúy Phương), một nữ thanh niên xung phong trở về từ chiến tranh, có 20 năm nuôi con bằng niềm tin bố nó là dũng sĩ diệt Mỹ. Đứa bé ấy luôn tự hào về người cha anh dũng của mình song lại có tâm lý không bình thường khi ai đó nói nó không có bố. Thì ra bà Minh đã nhặt được giấy tờ làm rơi của ông Khang và đưa lên bàn thờ để thằng Phóng con bà tin rằng nó có bố và bố nó đã hy sinh.

Chuyện trở nên rắc rối khi những kẻ cơ hội lợi dụng câu chuyện đó nhằm hạ bệ ông Khang hòng chiếm chức chủ tịch huyện. Ông Khang đứng trước nguy cơ bị cách chức, bị kỷ luật vì tội có con riêng, lý lịch không trong sạch… nhưng với ông địa vị không quá quan trọng. Điều khiến ông khổ tâm, giằng xé, đó là việc nếu nói thật thằng Phóng không phải con ông thì đứa trẻ sẽ có nguy cơ mắc sang chấn tâm thần, còn nếu giữ im lặng, nhận Phóng làm con để vỗ về an ủi một đứa trẻ, thì dân trong huyện sẽ mất đi một người chính trực, thay vào đó là những kẻ trục lợi, luồn cúi, xấu xa.

canh3-jpg-1361517586_500x0.jpg
Một cảnh xúc động giữa hai người phụ nữ.

Trong suốt 2 tiếng diễn ra vở kịch, cánh màn nhung sân khấu không một lần khép vào, mở ra giữa chừng. Là bởi đạo diễn Đỗ Kỷ chỉ dùng ánh sáng để đổi màn, chuyển cảnh cho vở diễn. Từ đầu đến cuối vở, sân khấu chỉ có ngần ấy đạo cụ và khung cảnh được bố trí, sắp xếp hết sức hợp lý: một chiếc ôtô nằm trên đường được đặt ở giữa sân khấu, một bên là văn phòng ủy ban nhân dân huyện, nơi lãnh đạo tốt làm những việc vì dân, còn lãnh đạo xấu làm việc hại dân; còn một bên là ngôi nhà lá của bà Minh cùng đứa con trai mình.

Cứ thế, cảnh hết chuyển từ con đường đi gập ghềnh trên chiếc ôtô cũ kỹ lại tới xóm Đồi nhà bà Minh, rồi chuyển sang ủy ban huyện. Sự sắp xếp các lớp diễn, cộng với việc xử lý không gian hợp lý ấy giúp sân khấu không có điểm chết và cũng là điểm khiến khán giả phục tài đạo diễn của NSƯT Đỗ Kỷ. Không có những tình huống cao trào thắt nút, mở nút kịch tính nhưng những diễn biến tâm lý của từng nhân vật là điểm nhấn của vở diễn. Đó là một bà Minh đau khổ khi ra khỏi chiến tranh với tuổi thanh xuân bị mất, phải cố để sinh con với một người qua đường, rồi lại tột cùng đau khổ khi nó có tâm lý không bình thường. Là tâm trạng bà Thúy - vợ ông Khang khi đứng trước tin đồn chồng có con riêng và đã thật nhân từ khi kiên quyết nhận đứa bé làm con nuôi. Là sự giằng xé của ông Khang khi phải lựa chọn làm điều tốt cho thằng Phóng hay tiếp tục làm chủ tịch huyện để làm điều tốt cho nhân dân.

canh2-jpg-1361517586_500x0.jpg
Xuân Bắc (phải) vào vai lái xe của chủ tịch huyện.

Diễn xuất xuất sắc của các diễn viên đã tạo nên thành công cho “Đi tìm điều không mất”. Vào vai lái xe Trần Tài, Xuân Bắc luôn nhận được những tràng pháo tay và tiếng cổ vũ rộn rã mỗi lần anh xuất hiện. Từ giọng nói, điệu cười, hay cái nhăn mặt, vuốt tóc của Xuân Bắc, dù là trong lúc diễn tâm trạng vui hay buồn, đều khiến khán giả bớt nặng nề do một vở kịch tâm lý mang lại. Các diễn viên cũng dốc sức để tạo nên thành công cho những cảnh như cảnh độc thoại nội tâm của bà Minh, cảnh tâm sự của hai người phụ nữ (bà Minh và bà Thúy). Tuy nhiên, diễn khéo nhất phải là vai ông phó chủ tịch Hoàng (diễn viên Minh Hiếu). Từng cử chỉ, nét mặt, cái cười, giọng nói hay điệu bộ của Hoàng đều khiến khán giả ghét cay ghét đắng và hình dung về chân dung một tên cán bộ cơ hội, xấu xa, đê tiện.

Quá hay, quá tốt và là một vở kịch tâm lý mẫu mực cho kịch Việt Nam hiện nay, tuy nhiên “Đi tìm điều không mất” lại có bối cảnh quá cũ kỹ. Được dựng từ những năm 2003, cách đây đã 10 năm vì thế đời sống hiện nay đã quá khác so với những gì vở diễn vẫn giữ lại. Thời nay chẳng còn cái văn phòng ủy ban huyện nào lại sơ sài với đống hồ sơ tài liệu cũ kỹ, ấm trà và bàn ghế đơn sơ như thế. Thời nay cũng chẳng ai đút lót nhau bằng một cái máy ghi âm to uỵch như thế nữa… Câu chuyện của “Đi tìm điều không mất” vẫn đầy tính nhân văn, vẫn còn nguyên giá trị, song giá như đội ngũ thực hiện thay đổi bối cảnh cho hiện đại, hợp thời hơn thì chắc chắn vở diễn sẽ còn được yêu thích hơn nữa.

Lam Thu
(Theo VnExpress)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 366
  • Khách viếng thăm: 360
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 62484
  • Tháng hiện tại: 1484142
  • Tổng lượt truy cập: 47858269