Sân khấu được mùa giải thưởng mất mùa vai diễn

Đăng lúc: Thứ ba - 22/01/2013 14:12
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, đòi hỏi bất kỳ sự đột phá nghệ thuật nào cũng đều mang tính khắt khe và cực đoan. Tuy nhiên, với Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra hai tuần tại Huế, thì sàn diễn nước nhà năm 2012 được xem như có một cơ hội để trở mình. Tuy nhiên, được mùa giải thưởng lại càng băn khoăn về chất lượng vai diễn!
Bây giờ đề cập đến khó khăn của sân khấu chắc chắn lại phải nghe câu cửa miệng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Khi người dân đô thị giữ chặt túi tiền, thì sân khấu dẫu trăm hồng ngàn tía cũng không thể sáng đèn mỗi tối. Mọi năm, các đơn vị sân khấu phía Bắc như Nhà hát kịch Hà Nội hay Nhà hát Tuổi Trẻ luôn tổ chức những chuyến lưu diễn phương Nam đầy háo hức, nhưng hiện tại niềm hưng phấn ấy gần như đã hạ nhiệt. Bởi lẽ, ai cũng dễ dàng nhận ra chính các nghệ sĩ kịch nói tại TPHCM cũng loay hoay để tồn tại một cách vất vả, thì làm gì có miếng bánh thị trường nào để chia phần cho nhau!


Nếu làm một phép ví von, thì sân khấu Việt Nam năm 2012 vẫn nằm trong tình trạng hoan hỉ nửa vời đối với giới mộ điệu. Sân khấu chỉ nhỉnh hơn văn chương và mỹ thuật chút xíu, nhưng không thể so sánh sự rộn ràng với ca nhạc, điện ảnh và thời trang. Ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21, dù muốn dù không vẫn phải thừa nhận mức độ phủ sóng của văn hóa đại chúng, nghĩa là loại hình nghệ thuật nào chi phối đám đông nhanh nhất sẽ chiếm thế thượng phong. Nghệ sĩ sân khấu muốn bám nghề hẳn nhiên chịu thiệt thòi so với ca sĩ, người mẫu hay diễn viên điện ảnh. Thực trạng đó không đáng bi quan nhưng không thể lạc quan khi hình dung tương lai xa hơn cho sân khấu nước nhà.


Với 26 vở diễn của 20 đơn vị nghệ thuật, Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 đã trao 34 huy chương vàng và 64 huy chương bạc cho các diễn viên tham dự. Không ai dám dựa vào cơn mưa huy chương kia để mạnh dạn tuyên bố về sự khởi sắc mơ hồ của sân khấu. Chỉ có thể thong thả giải bày với nhau rằng, số lượng huy chương giống như sự khích lệ dành cho những người còn biết hồi hộp khi tấm màn nhung được kéo lên. Hơn nữa, cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân vẫn lấy huy chương hội diễn làm thước đo hiệu quả cống hiến nên Ban tổ chức tiếc gì chút quà mọn để nghệ sĩ sân khấu gom góp thêm hành trang cá nhân trên bước đường danh vọng gập ghềnh thử thách và trĩu nặng âu lo. Vì vậy, huy chương trao cho ai thì người nấy biết để ghi vào hồ sơ cá nhân, chứ công chúng hoàn toàn ngơ ngác. Ngay cả tài năng của ban giám khảo cũng còn là ẩn số gây tranh cãi, thì kết quả cầm cân nảy mực một kỳ Liên hoan chẳng khiến mấy kẻ bận tâm! Khi sàn diễn chỉ còn lác đác tri âm ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, thì chuyện săn huy chương ở mỗi kỳ hội diễn cũng là một thú vui thanh lịch của nghệ sĩ sân khấu!


Dẫu thờ ơ và dửng dưng với Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, thì vẫn phải căn cứ vào cuộc gặp gỡ nghề nghiệp này để làm cơ sở đánh giá khả tín cho hoạt động năm 2012 của sân khấu Việt Nam. Nếu so với hai vở diễn cùng đoạt huy chương vàng là “Lũ quét” của Nhà hát kịch Quân Đội và “Những mặt người thấp thoáng” của Nhà hát kịch Hà Nội”, thì vở diễn “Tộc ác quyền lực” của Công ty cổ phần Phước Sang. Vốn ưu tiên hài kịch cho Sân khấu kịch Sài Gòn, vở diễn “Tội ác quyền lực” đậm chất chính luận được Công ty cổ phần Phước Sàng dàn dựng dường như chỉ nhằm tham dự hội diễn mà thôi. Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương đưa vào nhiều vấn đề thời sự, đạo diễn Trần Ngọc Giàu dày dạn kinh nghiệm, diễn viên như Tấn Hoàng, Việt Hà, Mạnh Trành cũng làm chủ được vai diễn, nhưng vở kịch “Tội ác quyền lực” vẫn chưa đủ sức khái quát căn bệnh giả dối và tha hóa đang gây nhức nhối xã hội. Sau niềm vui gặt hái được ở Liên hoan tại Huế, “Tội ác quyền lực” chơi vơi và lạc lõng trong kịch mục của Sân khấu kịch Sài Gòn như một tiếng thở dài ngao ngán!


Trong sáu vở diễn đoạt huy chương bạc, bên cạnh vài thương hiệu sân khấu như Nhà hát kịch Quân Đội với “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, Nhà hát kịch Việt Nam với “Chia tay hoàng hôn”, Đoàn kịch nói Công An Nhân Dân với “Tôi là người Việt Nam” bỗng xuất hiện ba đơn vị mới toanh mà sản phẩm của họ mang tính “đến hẹn Liên hoan lại lên đường ứng thí”. Cùng khao khát phản ánh sự khốc liệt của cuộc sống, nhưng đặt trong tương quan giữa những vở diễn cùng được vinh danh như nhau, thì “Biển và bờ” của Trung tâm bảo tồn & phát triển Nghệ thuật sân khấu VN nhờ dàn diễn viên gạo cội như Trần Nhượng, Thu Hà, Lệ Ngọc… nên vượt trội hơn “Âm binh” của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM và “Mùa hạ cay đắng” của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.


Được đánh giá là một hình mẫu thành công của quá trình xã hội hóa sân khấu, kịch IDECAF vẫn liên tục sáng đèn trong năm 2012. Thế nhưng, kịch IDECAF nhiều năm qua gầy dựng trên dàn diễn viên nổi tiếng Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy… Những gương mặt ưu tú này đang ngày càng già đi, mà lớp trẻ kế cận chưa đủ sức thay thế. Mặt khác, khâu khai thác kịch bản của IDECAF không đầu tư thích đáng nên dăm vở diễn mới như “Tía ơi, má dìa”, “Cưới vợ cho ai” hoặc “Tình yêu chạy trốn” chỉ quẩn quanh chuyện sinh hoạt thường nhật.


Tuy mở rộng biên độ thẩm mỹ hơn kịch IDECAF, nhưng sau món “đặc sản” kịch ma và kịch kinh dị thì Sân khấu kịch Phú Nhuận của Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân hơi chật vật trên con đường khẳng định phong cách trong lòng khán giả. Ngoài vở kịch “Cúc cù cúc cu” được chú ý vì vai trò đạo diễn do Á hậu Trịnh Kim Chi đảm trách, ấn tượng lớn nhất mà Sân khấu kịch Phú Nhuận có được trong năm 2012 đều do vở kịch “Làm…” mang lại. Phỏng theo tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng, vở kịch “Làm..” ồn ào bởi tranh cãi quanh cái tên và những cảnh nóng bỏng.


Năm 2012 đã khép lại, sàn diễn được mùa giải thưởng nhờ có Liên hoan sâu khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức vào tháng 7, nhưng thật khó để chọn ra một vở diễn xuất sắc hoặc một vai diễn xuất sắc. Tuy nhiên, khi sức hấp dẫn của màn bạc và sàn thời trang vẫn không ngừng thu hút nhan sắc, thì vài mỹ nhân trẻ tỏ ra gắn bó với sân khấu như Thanh Vân, Cát Tường, Lan Phương…ít nhiều cho công chúng hy vọng rằng mối ưu tư của người Việt hôm nay vẫn lấp ló sau tấm màn nhung!

Lê Thiếu Nhơn
(Theo vannghequandoi.com.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 228
  • Khách viếng thăm: 225
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 75038
  • Tháng hiện tại: 2443463
  • Tổng lượt truy cập: 48817590