Được thành từ năm 1959, trên nửa thế kỷ qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tạo nên một phong cách đặc sắc của Tuồng Bắc- bay bướm, trữ tình, mượt mà, hiện đại nhưng cũng rất sâu lắng, bài bản và truyền thống - từ kịch bản, đạo diễn, đến mỹ thuật, âm nhạc, múa...làm thành một cột mốc lớn, tiêu biểu cho nền nghệ thuật Tuồng, xứng đáng là một Nhà hát quốc gia, khẳng định vị thế nghệ thuật trong lòng công chúng yêu Tuồng trong cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Riêng với đề tài lịch sử và cận đại, Nhà hát đã dàn dựng hàng chục vở diễn như Nguyễn Trãi, An Tư công chúa, Tình sử Loa Thành, Cai Tranh đốt quán, Bà Ba Cai Vàng, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Cô gái Kinh Bắc, Hiệp khách má đào, Lý Thân và công chúa họ Tần, Hồ Quý Ly, Huyền Trân công chúa, Lý Chiêu Hoàng...Đặc biệt nhất là vở Tuồng lịch sử cận đại Đề Thám được ra mắt công chúng từ những năm 70 của thế kỷ XX, vẫn sống mãi trong chương trình kịch mục của Nhà hát trên 40 năm qua và đã kỷ niệm trên 1.500 đêm diễn. Những vở diễn trên, đã tạo nên những hiệu quả tổng thể về nghệ thuật- từ kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, diễn xuất của diễn viên, mà trong đó, có sự đóng góp hết sức thành công của thiết kế mỹ thuật sân khấu...
Đó là một không gian giản dị được cách điệu, tả ý chứ không tả thực của núi rừng Yên Thế mênh mông, mà vẫn đẹp, nền nã trong vở diễn Đề Thám (Họa sĩ Nguyễn Hồng). Đó là trang trí vở An Tư công chúa mà toàn bộ cảnh mềm chạy kín sân khấu là hình ảnh một bàn cờ mà trong đó, công chúa An Tư và Thoát Hoan đấu trí từng giây từng phút với từng đường đi, nước bước của mình (Họa sĩ Hoàng Tuyển). Đó là trang trí vở Thanh gươm cô Đô đốc (Họa sĩ Lê Huy Hòa, Lê Huy Quang), với ngã ba tìm đường cứu nước mà cụ Bảng Trần lựa chọn, để hợp tác với vợ chồng danh tướng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, đi tìm Quang Trung- Nguyễn Huệ, quyết tâm đánh bại quân Thanh xâm lược. Rồi một không gian bề thế trong vở Lý Thân và công chúa họ Tần, Chu Văn An, Lý Chiêu Hoàng (Họa sĩ Lê Huy Quang); Ngô Quyền (Họa sĩ Bùi Huy Hiếu), Hồ Quý Ly (Họa sĩ Hoàng Song Hào)...Chính sự tuân thủ một cách nghiêm ngặt, nhưng vẫn cố gắng sáng tạo trên những nguyên tắc, thủ pháp cách điệu, ước lệ, tượng trưng của sân khấu Tuồng truyền thống, mà những vở diễn đề tài lịch sử đó, đã có những thành công nhất địnhvề thiết kế trang trí sân khấu. Vì thế, chúng tôi luôn bày tỏ lòng biết ơn với nghệ thuật Tuồng truyền thống, viên ngọc quý trong kho tàng nghệ thuật dân tộc Việt Nam; đã tồn tại ngót cả ngàn năm qua, bởi chính từ truyền thống, để ta đi tới cái hiện đại hôm nay; cũng như cảm ơn tất cả các nghệ sĩ của ngành Tuồng từ Trung ương đến các địa phương, hết thế hệ này nối tiếp thế hệ khác; đã gìn giữ, kế thừa, làm cho cây đại thụ Tuồng, vượt qua những thăng trầm, vốn là một quy luật tất yếu của cuộc sống, tồn tại tươi xanh mãi đến hôm nay!
Tuy nhiên, thời gian qua, nhất là trong vài ba năm trở lại đây, trong cơ chế thị trường; cũng giống như các khâu kịch bản, đạo diễn, diễn xuất của diễn viên...trang trí sân khấu cho các vở diễn đề tài lịch sử cũng có vẻ như chững lại với sự đơn điệu và lặp lại chính mình. Một số vở diễn đã chạy theo thị hiếu rẻ tiền, nhằm bắt mắt khán giả, nên trang trí của các triều đại phong kiến từ Ngô Quyền đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã quá lòe loẹt, na ná nhau trong xử lý hoa văn, họa tiết. Có những vở đã tả thực một cách rườm rà, quá chi tiết, không chỉ làm sai lệch về các địa danh lịch sử cách đây cả trăm năm, ngàn năm, mà còn giống như những bức tranh sơn thủy hữu tình rẻ tiền được bày bán trong các phiên chợ quê ngày Tết. Có trích đoạn và cả vở diễn lịch sử trên truyền hình, họa sĩ còn đưa cả cây cối thật, hoặc các cành lá thật cắm đầy cả sân khấu; trong khi người diễn viên đang diễn cách điệu với cây roi ngựa và mái chèo tượng trưng...Không chỉ trong trang trí, mà ngay cả trong trang phục, đạo cụ...cũng còn tùy tiện, từ kiểu dáng, màu mè, họa tiết...đã lẫn lộn các triều đại với nhau, kim sa kim tuyến vô tội vạ. Có họa sĩ đã bỏ qua những nguyên lý cơ bản về tả ý, tả thần, cách điệu, ước lệ, tượng trưng, để bộc lộ tính cách các nhân vật qua trang phục, điều mà các bậc tiền nhân đã sáng tạo rất hiệu quả trong các vở Tuồng truyền thống còn lại đến nay. Thậm chí, có những vở diễn đã thiết kế trang phục cho vua quan, tướng lĩnh đời Lý, Trần, mà cứ như tích Tàu hay La Mã...Ngay cả hóa trang các nhân vật trong các vở diễn lịch sử- từ Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca, đến cả Kịch nói...cũng còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Việc hóa trang còn tùy tiện, không phân biệt các tính cách nhân vật- nhân vật nào là mặt đỏ, mặt trắng, mặt đen; nhân vật nào là trung thần nghĩa khí hay nịnh thần bán nước...nên các nhân vật đều chỉ đẹp chung chung, lẫn lộn giữa kẻ phi nghĩa, người chính nghĩa, giữa chính và tà, giữa thiện và ác, giữa ta và địch...vì không ít diễn viên (nhất là diễn viên trẻ) quan niệm, lên sân khấu chỉ cần phục trang, hóa trang thật đẹp, để khoe với khán giả là chính...
Trở lên trên, chúng tôi đã có một vài suy nghĩ nhỏ về những thành công, cũng như một số hạn chế của Mỹ thuật sân khấu qua các vở diễn đề tài lịch sử, chủ yếu là nghệ thuật Tuồng. Nghĩ cho cùng, hư cấu trong sáng tạo văn học nghệ thuật là quyền, nhưng cũng chính là trách nhiệm của mỗi người cầm bút, mỗi nghệ sĩ trước xã hội. Nhưng hư cấu không có nghĩa là tùy tiện xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, bôi đen hay cả việc tô hồng lịch sử- mà nó phải dựa trên những cứ liệu của lịch sử đã được kiểm chứng, khẳng định- để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật chân thực có sức lay động mạnh mẽ tâm hồn và thuyết phục được đông đảo công chúng. Mặt khác, hư cấu hay không hư cấu, thì cũng phải đạt tới những giá trị nghệ thuật đích thực nhất định để hấp dẫn khán giả. Và như thế, một câu nói nghe có vẻ đã quá quen thuộc, nhưng lúc nào cũng có lý và luôn mới mẻ, đó chính là ba chữ "Tâm, Tài và Tầm"của mỗi Văn nghệ sĩ, trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy vất vả, gian khó và chông gai!
Ý kiến bạn đọc