Giới hạn rất giới hạn của Phan Quang

Đăng lúc: Thứ hai - 04/03/2013 14:07
Thoạt nghe chủ đề triển lãm Không gian/giới hạn của Phan Quang, không hiểu sao tôi lại nghĩ tưởng một cách chông chênh đến cặp phạm trù hư vô và hữu thể.
Giới hạn rất giới hạn của Phan Quang

Giới hạn rất giới hạn của Phan Quang

Một bên là mênh mang một bên là bó rọ. Lôgíc của triết học cho rằng hư vô không hiện hữu. Nhưng tự thân ý niệm hư vô vẫn tồn tại. Cũng vậy khi ta bị bó rọ, bị giới hạn thì mới cảm nhận được không gian bên ngoài giới hạn đó.

Bước vào trong cái không gian triển lãm của Phan Quang hôm khai mạc tại Sàn Art, cảm giác bó rọ đó như một sinh cơ truyền vào người. Nó dội lên khác hẳn với cảm giác mỗi ngày trở về ngôi nhà mình đều đặn và vô giác vì đã chai.

Cảm giác ấy làm tôi nhớ lại những ngày chạy ba gác máy đi bắt heo thuê cho các bà chủ lò thịt. Sau khi dụng thế lùa được con heo chui đầu vào rọ, thì có quyền ngồi hút thuốc nghỉ xả hơi và lúc đó tôi lại cố hình dung ra cái khí vị của rọ như thế nào khi nằm trong đó.

Phan Quang đã chọn biểu đạt ý niệm “giới hạn” bằng nhiều tư liệu cung cấp cho thị giác lẫn thính giác. Tư liệu anh chọn làm nền cho triển lãm này là cây mum có nhiều ở Madagui, Bảo Lộc.

Giúp anh hoàn thành triển lãm này có sự đóng góp của những nông dân vô danh – những người vốn rất giới hạn trước những đòi hỏi về độ lớn của những chiếc giỏ – biểu tượng của giới hạn. Họ phải mất nhiều thời gian để hoàn thành những chiếc giỏ đó. Họ, có thể nói, là đồng tác giả của triển lãm hôm nay.

Để có được những hình nộm, những con “khôi lỗi” (kuei lei), Quang phải tìm ra tận một làng ở Hải Hưng chuyên làm người giấy, ngựa giấy để đặt mẫu, đưa về Madagui sản xuất và điều chỉnh theo những yêu cầu của anh. Những người nông dân bắt đầu tập sản xuất khôi lỗi.

Những con khôi lỗi trong triển lãm không phải là hữu thể. Giới hạn của chúng đạt tới cực đỉnh. Nhưng chúng không cảm nhận được giới hạn. Chúng là không gian?

Có một vài lần đi với Quang trong hành trình xây dựng tư liệu cho triển lãm, tôi thấy anh va đầu vào rất nhiều giới hạn, nếu không có sức chịu đựng thì không có cái không gian giới hạn mà giờ này tôi đang đứng, cảm nhận và hiện sinh cùng với giới hạn đầy cảm xúc ấy.

Phan Quang nói: “Ý tưởng của tôi về “giới hạn” là câu chuyện cá nhân, tìm hiểu những giới hạn mà tôi đã định ra cho bản thân từ thói quen và hành vi hàng ngày của mình. Làm sao tôi có thể cải biến giới hạn đó để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn? Với triển lãm này, tôi làm những cái chuồng tre trông giống như chuồng chim hay chuồng gia cầm. Những vật thể đấy ẩn dụ những thử thách thị giác đối với cách hiểu của tôi về không gian cá nhân, mái nhà, nơi tôi thuộc về và cảm thấy tự tin nhất. Kiểu cấu trúc này gợi đến cá thể xã hội của tôi, cá thể bị ảnh hưởng và tác động bởi truyền thông đại chúng, lòng tham vật chất, bởi truyền thuyết, hình ảnh mơ mộng và giấc mơ trong đầu tôi, kháng cự lại cộng đồng tôi đang sống và làm việc trong đó, nơi chốn tôi tới và những tập quán xã hội tôi lặp đi lặp lại. Nơi khát khao và thực tế giao nhau có thể tác động tới nhân sinh quan và ý thức của bất kỳ ai. Nó có thể hữu dụng nhưng cũng có thể khiến cho người ta cảm thấy bị tách biệt chủ quan. Tôi muốn khơi dậy ý thức của bản thân và cách tôi giao tiếp với thế giới, có khi những chiếc lồng chung quanh tôi sẽ bị dỡ bỏ và trở thành đám vật chất rỗng xốp có thể vượt qua dễ dàng”.

So với triển lãm lần trước ở phòng tranh Quỳnh, lần này nội hàm của chủ đề không rộng bằng, nhưng ý niệm giới hạn được biểu đạt bằng một loạt biến tấu đầy công phu và gian truân.

Gian truân đến giờ chót. Nghệ sĩ làm nghệ thuật trả giá bằng mồ hôi và nước mắt (những giới hạn mà có lẽ sau triển lãm này Phan Quang có thể ngẫu hứng thêm nhiều chất liệu, tác phẩm) để đem lại một kết quả “máu thịt” rờ rỡ mà tôi cảm nhận được chiều nay.

Triển lãm Không gian/giới hạn khai mạc vào thứ năm ngày 28.2, lúc 6 giờ chiều tại Sàn Art (số 3 Mê Linh, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 26.4.2013.

Công Khanh
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 116
  • Khách viếng thăm: 111
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 15984
  • Tháng hiện tại: 257889
  • Tổng lượt truy cập: 67232380