Trồng nhãn Ido "né" bệnh "chổi rồng"

Đăng lúc: Thứ tư - 19/11/2014 14:41
Thời gian gần đây, bệnh “chổi rồng” đã bùng phát mạnh mẽ trên một số giống nhãn, nhiều nhất là nhãn tiêu da bò, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. Trong khi đó, những vườn nhãn Ido gần như không bị nhiễm, hay nhiễm với tỷ lệ rất thấp. Từ đây, một giải pháp trước mắt để phòng, chống bệnh “chổi rồng” đã được đưa ra bằng cách trồng nhãn Ido hoặc ghép bo nhãn Ido vào cây nhãn bị nhiễm bệnh “chổi rồng”.
Vườn nhãn Ido của chú Trần Văn Kháng, ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè) đang chuẩn bị thu hoạch.
Vườn nhãn Ido của chú Trần Văn Kháng, ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè) đang chuẩn bị thu hoạch.

Trong khi nhãn tiêu da bò phải “vật lộn” với bệnh “chổi rồng” đang bùng phát ở nhiều nơi trong 2 năm qua thì vườn nhãn Ido của anh Nguyễn Kiến Văn, ấp 16, xã Long Trung (huyện Cai Lậy) gần như không bị nhiễm.

Cây nhãn trong vườn vẫn phát triển bình thường, lá xanh mướt. Anh Kiến Văn cho biết, 35 cây nhãn Ido của gia đình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5 tấn trái. Với giá nhãn Ido từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, anh thu được khoảng 100 triệu đồng.

Anh Kiến Văn cho biết thêm, 35 cây nhãn Ido của anh đến nay đã 15 năm tuổi và gần như không bị nhiễm bệnh “chổi rồng” lần nào. Ưu thế nổi trội của giống nhãn này so với một số giống nhãn khác là ít bị bệnh, năng suất cho trái cao. Nhưng điều làm anh phấn khởi nhất là đặc tính kháng được bệnh “chổi rồng”.

“Trong khi nhiều nhà vườn khác đang lao đao vì bệnh “chổi rồng” thì vườn nhãn Ido của tôi vẫn cho trái đều đặn. Đơn cử, vườn nhãn tiêu da bò của cha tôi đối diện nhà bị bệnh “chổi rồng” mấy năm nay với tỷ lệ lên đến 70 - 80%. Hơn 1 năm qua, ông bỏ nhiều tiền và công sức để phòng trị bệnh nhưng vẫn không hiệu quả, cuối cùng phải đốn bỏ vườn nhãn của mình để trồng sầu riêng. Trong lúc đó, vườn nhãn Ido của nhà tôi vẫn không bị nhiễm bệnh “chổi rồng” hoặc chỉ nhiễm vài đọt không đáng kể” - anh Kiến Văn cho biết.

Chú Trần Văn Kháng, ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè) cũng cho biết, từ khi trồng nhãn Ido đến nay 9 năm nhưng vẫn không thấy bị nhiễm “chổi rồng”. Thỉnh thoảng, trên cây xuất hiện 1 - 2 đọt nhãn bị quắn như “chổi rồng” nhưng sau đó khô quéo lại rồi mất luôn.

Chú Kháng hiện có 30 cây nhãn Ido từ 8 - 9 năm tuổi và 40 cây từ 3 - 4 năm tuổi. Trong đó, lứa cây nhãn Ido từ 8 - 9 năm tuổi các năm qua chú xử lý cho trái không đạt như mong muốn, còn những cây nhãn Ido lứa từ 3 - 4 năm tuổi xử lý cho trái đạt tỷ lệ từ 80 - 90%. Với tỷ lệ cho trái trên, chú ước tính vụ này thu hoạch khoảng 2 tấn nhãn. Hiện nay, giá nhãn Ido khoảng 22.000 đồng/kg, chú nhẩm tính thu được 44 triệu đồng.

Theo chú Kháng, bên cạnh lợi thế chi phí chăm sóc thấp, năng suất cao, ít bệnh, nhãn Ido cho trái cơm dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng, thịt ngọt dịu nên được thị trường ưa chuộng. Vấn đề khó khăn hiện nay là việc xử lý những cây nhãn lâu năm sao cho đậu nhiều trái. Nếu khó khăn trên được khắc phục, trồng nhãn Ido sẽ cho hiệu quả rất tốt.

Theo các nhà chuyên môn, giống nhãn Ido được du nhập và trồng trên địa bàn tỉnh đã khá lâu. Tuy nhiên, do việc xử lý cho trái đạt năng suất gặp một số khó khăn nên thời gian qua giống nhãn này không phát triển mạnh.

Từ khi bệnh “chổi rồng” bùng phát trên một số giống nhãn, với đặc tính kháng rất tốt bệnh “chổi rồng”, nhà vườn bắt đầu quan tâm nhiều hơn đối với giống nhãn này. Từ đó, phong trào chuyển đổi từ vườn nhãn bị nhiễm “chổi rồng” sang nhãn Ido bắt đầu phát triển mạnh ở Cái Bè (địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh).

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, thời gian gần đây, nhà vườn có nhãn bị nhiễm “chổi rồng” bắt đầu chuyển đổi sang trồng nhãn Ido bằng 2 hình thức trồng mới hoặc ghép bo nhãn Ido vào cây nhãn bị nhiễm “chổi rồng”. Trong đó, phần lớn người dân chọn hình thức trồng mới, bởi việc ghép bo nhãn Ido trên cây nhãn bị bệnh “chổi rồng” chỉ đạt hiệu quả đối với những cây nhãn khỏe.

Theo ông Thanh, đây là giống nhãn phát triển tốt trên vùng đất Cái Bè, cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Vấn đề quan tâm còn lại của nhà vườn là khâu xử lý làm sao để cây cho trái đạt năng suất. Một vấn đề khác nữa là mức độ kháng bệnh “chổi rồng” của nhãn Ido như thế nào vẫn chưa được các nhà chuyên môn khẳng định.

Song, theo ông Thanh, trước mắt đây là giải pháp hữu hiệu và dễ được nông dân chấp nhận. Vì thế, nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi sang nhãn Ido, ngành Nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và xử lý nhãn Ido cho trái.

Ngành còn xây dựng mô hình điểm ghép nhãn Ido vào cây nhãn bị bệnh “chổi rồng” ở Hòa Khánh để cho người dân tham quan, học tập. Đến nay, có thể nói, việc xử lý cho trái đối với nhãn Ido đã không còn là vấn đề trở ngại lớn của nhà vườn. Do đó, huyện đang khuyến khích nhà vườn có nhãn bị nhiễm bệnh “chổi rồng” mạnh dạn chuyển sang trồng nhãn Ido.

“Vấn đề trở ngại hiện nay là trong thời gian dài, nhà vườn trồng nhãn bị bệnh “chổi rồng” gặp nhiều khó khăn do thất thu; nếu chuyển đổi, họ sẽ gặp khó khăn về vốn, không có thu nhập thêm một thời gian nữa. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để nhà vườn có điều kiện chuyển đổi vườn nhãn bị bệnh “chổi rồng” sang nhãn Ido hay cây trồng khác” - ông Thanh kiến nghị.


(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 218
  • Khách viếng thăm: 216
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 16049
  • Tháng hiện tại: 2460939
  • Tổng lượt truy cập: 48835066