Hội thảo "Liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm"

Đăng lúc: Thứ tư - 19/11/2014 14:47
Ngày 14-11, tại TP. Mỹ Tho, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo "Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gia cầm" nhằm tháo gỡ khó khăn cho nghề chăn nuôi gia cầm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng tăng giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.

Theo Tiến sĩ Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn bởi sản xuất tự phát, theo phong trào, không có kế hoạch; khi cung cao hơn cầu, giá rớt mạnh dẫn đến đua nhau giảm qui mô chăn nuôi, thì cung thấp hơn cầu, giá tăng mạnh, lại đua nhau tái đàn... Nếu không chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm, chưa liên kết với nhau thành chuỗi khép kín từ sản xuất, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thì không thể phát triển bền vững được.

Tiến sĩ Trần Công Xuân đề xuất, để khắc phục tình trạng trên, cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung qui mô trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ ứng dụng công nghệ cao, nâng chất lượng con giống...; đồng thời với tăng cường vai trò điều tiết sản xuất và thị trường của nhà Nước và cơ quan chức năng các cấp, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển hiệu quả và bền vững.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đề cao vai trò liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa xã viên với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm tăng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm gia cầm.

Trong thực tế, một số mô hình mẫu đã cho thấy hiệu quả liên kết chuỗi tại các đơn vị: Hợp tác xã chăn nuôi - thủy sản Gò Công trong việc liên kết với doanh nghiệp San Hà (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm thịt gà ta Gò Công, Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông - Sơn Tây trong liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp thức ăn chăn nuôi, cung cấp con giống chất lượng tốt và bao tiêu sản phẩm; Công ty Ba Huân (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức hợp lý hóa dây chuyền sản xuất trong công ty vừa liên kết với các hộ chăn nuôi để tạo nguồn cung nông sản hàng hóa bền vững, hai bên cùng có lợi...

Qua đó, khẳng định hiệu quả từ mối liên kết trong chăn nuôi gia cầm đến giết mổ, tiêu thụ sẽ tạo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững, cân đối được nhu cầu đầu vào và đầu ra cho chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định trong tương lai.

Tán đồng ý kiến trên, kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và thủy sản Gò Công cho biết, nhiều năm nay, đơn vị đã liên kết với Công ty San Hà (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm thịt gà ta Gò Công - sản phẩm của HTX đã được cấp chứng nhận sở hữu độc quyền với giá ổn định trong năm 2014: 60.000 đ/kg đối với gà trống, 75.000 đ/kg đối với gà mái giống gà ta Gò Công.

Với giá trên, hộ xã viên nuôi quy mô 1.000 con sau 4 tháng thu lãi 20 triệu đồng. Lợi nhuận của HTX và xã viên năm 2012 là 1,1 tỉ đồng, năm 2013 đạt 2,5 tỉ đồng và năm 2014 dự kiến đạt 4 tỉ đồng. Kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, trong quá trình sản xuất - kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm thịt gà ta Gò Công, Hợp tác xã đúc kết được rằng cốt lõi của những thành công trên từ chính mối liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà sản xuất và nhà doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng đàn gia cầm trong cả nước thời gian qua đã tăng từ mức 248,3 triệu con vào năm 2008 lên mức 314,8 triệu con vào năm 2013, đạt mức tăng trưởng bình quân 4,9%/ năm. Sản lượng thịt tăng từ 448,2 ngàn tấn vào năm 2008, tăng lên 747 ngàn tấn vào năm 2013, mức tăng bình quân 10,8% năm.

Qua theo dõi của Cục Chăn nuôi, các hình thức liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ gia cầm chủ yếu ở nước ta thời gian qua gồm 2 hình thức chính: chuỗi khép kín và chuỗi từng phần. Ngoài ra, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng các chương trình, dự án và có các chính sách khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gia cầm phù hợp với tình hình thực tế.

Đó là những kinh nghiệm quý giúp Cục Chăn nuôi đúc kết, nhân rộng; đồng thời xây dựng đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, dựa trên những ý kiến, kiến nghị của đại biểu trong hội thảo và lộ trình đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020, Cục Chăn nuôi định hướng quy hoạch từng vùng cụ thể để phát triển đối tượng vật nuôi hàng hóa phù hợp như: Chăn nuôi gà ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; chăn nuôi vịt ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long,... gắn với tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng và phát huy vai trò các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm...

Bên cạnh sẽ có những cơ chế hỗ trợ về chính sách, công tác khuyến nông, công tác kiểm tra giám sát chất lượng con giống và chất lượng thức ăn chăn nuôi, chuyển giao qui trình sản xuất theo hướng GAP,...

Quan điểm của Cục Chăn nuôi trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi phải dựa trên quan điểm tái cơ cấu tổng thể ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020; chú trọng phát triển những sản phẩm có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua liên kết sản xuất, đảm bảo mục tiêu có lợi cho cả đối tượng người chăn nuôi và người tiêu dùng.


(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 444
  • Khách viếng thăm: 436
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 74860
  • Tháng hiện tại: 1940639
  • Tổng lượt truy cập: 48314766