Cán bộ khuyến nông Tân Phước: Vì cuộc sống tốt đẹp hơn của nông dân

Đăng lúc: Thứ hai - 18/03/2013 21:34
Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Tân Phước được thành lập ngay từ những ngày đầu mới thành lập huyện. 20 năm đã trôi qua, hình ảnh vùng đất rốn lũ, rốn phèn, với “bàng, năn chắn lối, lác phủ đầu người” đã được thay bằng màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng khóm, lúa, khoai mỡ… Thành quả hôm nay có những giọt mồ hôi âm thầm của cán bộ làm công tác khuyến nông của huyện.
Cán bộ Khuyến nông tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con nông dân.

Cán bộ Khuyến nông tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con nông dân.

THAO THỨC VÌ LÚA, KHOAI, KHÓM

Những năm đầu khi mới khai hoang Đồng Tháp Mười, mùa nước nổi thường kéo dài do chưa có hệ thống kinh thoát lũ. Nhiều người dân đã bỏ đi vì liên tục thất mùa, không đảm bảo được cuộc sống. Làm thế nào để giúp nông dân bám trụ? Câu hỏi ấy luôn khiến anh em làm công tác Khuyến nông đau đáu đi tìm lời giải. Từ đó, anh em khuyến nông nỗ lực nghiên cứu để giúp cây lúa bén rễ trên vùng đất “rốn lũ rốn phèn”.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đậm, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư nhớ lại: Đợi nước rút sạ thì trễ thời vụ, hơn nữa đất sẽ xì phèn nên khi sạ xuống lúa không sống nổi. Chính vì vậy, anh em khuyến nông đã có sáng kiến cho lúa giống “lặn” xuống nước. Đến khi lúa sắp thu hoạch, mặt đất nứt nẻ vì thiếu nước tưới, anh em khuyến nông vận động bà con không được bơm nước lên ruộng. Đúng như vậy, những thửa ruộng nào không bơm nước thì dù đất khô, thiếu nước nhưng cây lúa vẫn phát triển và cho hạt tốt. Từ đó, bà con mới tin và làm theo anh em khuyến nông.

Khi cây khoai mỡ và khóm được trồng phổ biến trên đất phèn chua Tân Phước, anh em khuyến nông lại “mất ăn mất ngủ” cùng nông dân khi cây khoai cháy lá, thối rễ; cây khóm bị khô đầu lá, thối thân, thối gốc, thối trái. Vậy là cán bộ khuyến nông phải mày mò nghiên cứu để khuyến cáo nông dân trị bệnh cho cây.

Cái khó là tài liệu khoa học nói về các loại cây này chưa nhiều, vì vậy anh em cán bộ khuyến nông gần như tự mày mò nghiên cứu lại từ đầu. Nói thì nghe đơn giản, nhưng để tìm ra tác nhân gây bệnh, chứng minh cho nông dân thấy là một việc làm rất phức tạp, đòi hỏi phải công phu và chính xác, bởi vì nhà khoa học không cho phép mình sai, nếu khuyến cáo cho nông dân không đúng sẽ gây mất lòng tin đối với nhân dân.

Cả quá trình dài “ăn ngủ” cùng cây khóm, anh em khuyến nông mới phát hiện ra cây khóm Tân Phước có năng suất cao, nhưng chất lượng còn kém, do nông dân bón nhiều đạm và lân, trong khi đó lại bón kali ít. Lại phải thực nghiệm để tìm giải pháp nâng cao chất lượng cho trái khóm Tân Phước. Sau nhiều lần trồng thực nghiệm, đối chứng, cán bộ khuyến nông đã tìm ra công thức bón phân, theo đó tăng lượng phân kali, giảm lượng đạm và lân. Cần ngưng bón đạm ít nhất 1,5 tháng trước khi thu hoạch để không lưu tồn dư lượng nitrat trong trái.

Sau đó, anh em khuyến nông chọn điểm trồng trình diễn, rồi tổ chức hội thảo đầu bờ, mời nông dân đến nghe, nhưng vẫn không ăn thua gì. Họ viện lý do “bón phân theo công thức của cán bộ khuyến nông, năng suất không thay đổi, nhưng giá thành đầu tư tăng, làm giảm lợi nhuận”. Anh em khuyến nông lại trăn trở, làm thế nào để nông dân nghe và làm theo mình? Vậy là phải tổ chức một cuộc hội ngộ “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) để trao đổi.

Nghe “4 nhà” phân tích thấu tình, đạt lý, nông dân bắt đầu chịu nghe cán bộ Khuyến nông. Kỹ sư Nguyễn Văn Đậm đúc kết kinh nghiệm: Muốn nông dân nghe mình, không thể áp đặt họ được, mà phải thuyết phục bằng chứng cứ khoa học, đồng thời chứng minh cho họ thấy thì họ mới làm theo.

CHUYỂN GIAO KHOA HỌC KỸ THUẬT

Trong 20 năm, cán bộ khuyến nông của huyện Tân Phước đã tổ chức 2.893 cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân; trong đó có 866 cuộc về cây lúa, 332 cuộc về cây màu (khoai mỡ, khoai môn, dưa hấu, cà chua, khổ qua), 560 cuộc về khóm queen…

Kỹ sư Nguyễn Văn Đậm phấn khởi: Trong 20 năm qua, lãnh đạo trung tâm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đi dự các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, thông tin kỹ thuật mới và kỹ năng khuyến nông. Do đó, nội dung chuyển giao KHKT phong phú, thiết thực, dễ hiểu, dễ ứng dụng và có hiệu quả hơn. Chính vì vậy, công tác tổ chức thực hiện tập huấn, hội thảo chuyển giao KHKT cho nông dân từng bước chuyên sâu, thiết thực, số lượng bà con nông dân tham dự đông hơn.

Bên cạnh đó, trong 20 năm qua, trung tâm đã tổ chức gần 100 cuộc hội thảo chuyên đề lớn, với hàng ngàn lượt nông dân tham dự, gồm các chuyên đề: Kỹ thuật sạ ngầm cải tiến trên vùng đất phèn; kỹ thuật sạ lúa theo hàng, sạ thưa; kỹ thuật  trồng khóm Cayen; kỹ thuật trồng tràm trên liếp lai; kỹ thuật  trồng khóm, chăm sóc, phục tráng giống khóm; sản xuất khóm an toàn - hiệu quả, hạn chế khóm ra hoa tự nhiên; kỹ thuật trồng khoai mỡ, khoai môn; hội thảo công nghệ sau thu hoạch; trình diễn, hội thảo đầu bờ máy gặt đập liên hợp; trồng và sản xuất khóm theo hướng Viet GAP; điểm hạnh ngộ giữa bốn nhà: “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp”…

Qua các cuộc hội thảo chuyên đề đã giúp nông dân cập nhật thông tin về kỹ thuật, chủ trương, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp hết sức bổ ích và hiệu quả, góp phần cho phong trào sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Ngoài ra, trong 20 năm qua, trạm đã tổ chức thực hiện 135 điểm trình diễn kỹ thuật (TDKT) tập trung, áp dụng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ năm 2005 đến nay, khi xây dựng các mô hình TDKT, các hộ dân tham gia được hỗ trợ 100% giống, hoặc 20% vật tư và hộ tham gia đối ứng 50-70% vốn để xây dựng mô hình.

Cụ thể gồm các chương trình trình diễn như: Mô hình lúa sạ ngầm cải tiến, sạ lúa theo hàng, lúa chất lượng cao áp dụng phương pháp sạ hàng, trồng khóm Cayen, sử dụng phân hữu cơ, nâng cao chất lượng giống và trái khóm, hạn chế ra hoa tự nhiên cho cây khóm, trồng khoai mỡ an toàn, trồng khoai mỡ leo chà, trồng lúa theo hướng GAP, lúa chất lượng cao, máy gặt đập liên hợp…Các mô hình TDKT đã giúp nông dân có cái nhìn mới về sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đậm chia sẻ: Các mô hình TDKT trong thời gian qua tương đối thành công và đạt hiệu quả cao, được nông dân đồng tình tham gia và nhân ra diện rộng. Cụ thể như kỹ thuật sạ thưa, sạ hàng đã làm thay đổi tập quán sạ dày, sạ lan trong dân, hướng đến trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đó góp phần đưa nhanh những tiến bộ KHKT vào trong sản xuất, giúp nông dân làm ăn có hiệu quả.

Đi đôi với TDKT, Trạm đã tổ chức đưa nông dân đi tham quan mô hình kinh tế nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Trong 20 năm qua, Trạm đã tổ chức được 58 chuyến tham quan trong và ngoài tỉnh, giúp cho hàng ngàn lượt nông dân tham quan các mô hình trồng cỏ ở Đồng Nai, các mô hình trồng khóm hiệu quả, các mô hình VAC, mô hình trồng rau mồng tơi lấy hạt ở An Giang, mô hình trồng tiêu trên cây tràm ở Kiên Giang, hội chợ giống nông nghiệp các tỉnh bạn tổ chức, góp phần làm tăng hiệu quả và thúc đẩy được phong trào khuyến nông cơ sở.

20 năm qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư đã đồng hành cùng nông dân Tân Phước chinh phục vùng đất được mệnh danh là  “con hổ ngủ”, giúp họ ổn định cuộc sống, trong đó nhiều người đã vươn lên khá giàu.

Ng. Chương
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 306
  • Khách viếng thăm: 305
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 66785
  • Tháng hiện tại: 2435210
  • Tổng lượt truy cập: 48809337