Nghị lực vượt khó của một sinh viên

Đăng lúc: Thứ năm - 20/03/2014 09:29
Nhà nghèo, lại mang trong mình căn bệnh u xương, phải cắt bỏ chân trái, nhưng cô sinh viên Trần Thị Phúc Trân (Hòa Quới, Hiệp Đức, Cai Lậy) đã vượt qua bao khó khăn để theo đuổi ước mơ trở thành kế toán giỏi và mở công ty kế toán tư nhân.

TUỔI THƠ BẤT HẠNH

Tìm gặp Phúc Trân trong 1 căn nhà nhỏ nằm khuất trong vườn nhãn đã già cỗi, trong nhà không thấy vật dụng gì đáng giá. Gia đình Phúc Trân có 4 thành viên, ít đất sản xuất, là hộ nghèo. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên Phúc Trân rất chăm chỉ học hành, nhiều năm liền là học sinh giỏi.

Cuối năm 2008, Phúc Trân đang học lớp 8, bỗng nhiên chân trái thường bị đau nhức. Gia đình đưa đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chân trái của em bị SARCOM xương chày, cần phải cắt bỏ, nếu không thì ít lâu sau phải tháo bỏ khớp háng. Lúc đó gia đình sợ Trân buồn, ảnh hưởng đến việc học nên giấu em. Mãi đến ngày em lên bàn mổ gia đình mới cho em biết.

Ngày lên bàn phẫu thuật, Trân khóc ròng. Trân kể lại với đôi mắt rưng rưng, nghẹn ngào: “Khi biết được sự thật về căn bệnh của mình, em cảm thấy tất cả như sụp đổ. Đó là một cú sốc quá lớn với em. Có lúc em đã nghĩ quẫn…”.

Ngày xuất viện về nhà, em không đủ can đảm để soi gương vì thân hình tiều tụy và mái tóc dài thướt tha đã rụng gần hết. Sau khi bị cắt chân, việc đi đứng của em hết sức khó khăn. Trân phải nghỉ học 6 tháng để điều trị bệnh (xạ trị, vô hóa chất) và tập đi trên đôi nạng gỗ. Lúc đầu em mặc cảm với bạn bè về khuyết tật của mình và có ý định nghỉ học.

May mắn thay, thầy Lê Văn Tư, giáo viên Trường THCS Hiệp Đức, nhà cạnh bên thường xuyên sang an ủi, động viên em trở lại trường. Sợ em mặc cảm với bạn bè, chính thầy đã làm công tác tư tưởng đối với học sinh của trường và thường xuyên đưa rước Trân đi học.

“Mấy ngày nằm ở nhà, bạn bè thường xuyên đến thăm. Trở lại trường, được các bạn vui mừng chào đón, giúp đỡ làm em vô cùng xúc động. Cũng có lúc em ngồi một mình bên cửa sổ lớp nhìn ra sân, thấy các bạn chạy nhảy tung tăng vui đùa, nước mắt em chực trào ra. Nghĩ đến lời của thầy Tư: Bệnh tật là điều không ai muốn, em tự an ủi mình và sẵn sàng chiến đấu với bệnh tật, sống lạc quan, cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng tin của mọi người” - Trân tâm sự.

VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

Dẫu nghỉ học khá lâu nhưng khi trở lại trường, Phúc Trân vẫn học tập tốt, luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Trước giờ sách vở em học đều do người chị bà con học ở lớp trên cho mượn. Cảm thông trước hoàn cảnh gia đình khó khăn và đức tính ham học của Trân, các thầy cô ở Trường THCS Hiệp Đức đã miễn hoàn toàn học phí cho em và cử thầy cô trực tiếp phụ giúp việc đưa đón Trân đến trường khi gia đình em bận việc.

Thầy Nguyễn Văn Tư (Trường THCS Hiệp Đức) cho biết, nhà trường rất tự hào về em Trân, luôn lấy tấm gương của em để giáo dục học sinh của trường về tinh thần vượt khó và hiếu học.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, em thi đỗ vào Trường THPT Cái Bè. Đi liền với niềm vui là sự thử thách mới không nhỏ đối với em, đó là hàng ngày em phải đi - về trên đoạn đường khoảng 16km và chịu cảnh “đò ngang cách trở”. Phúc Trân sợ nhất là những lúc xuống phà, vì chân yếu nên em rất khó xoay chuyển.

Biết được hoàn cảnh của Phúc Trân, Hội Chữ thập đỏ huyện Cai Lậy đã tặng em chiếc chân giả để đến lớp thuận lợi hơn. Trân hóm hỉnh cho biết: “Các bạn em đến trường bằng 2 chân, còn em đến trường bằng 4 chân (2 chân gỗ, 1 cái chân nhân tạo và 1 cái chân còn lại của Trân). Em cố gắng vượt qua khó khăn để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô đã luôn sát cánh giúp đỡ em trong thời gian qua”.

KHÁT KHAO TRỞ THÀNH KẾ TOÁN GIỎI...

Từ những năm học bậc THCS, Phúc Trân đã có ước mơ trở thành giáo viên. Lên THPT, em nhận ra rằng mình không hợp với nghề Sư phạm, bởi việc đi lại khó khăn. “Em nghĩ đến một ước mơ thiết thực hơn, là trở thành một kế toán giỏi. Vì lẽ đó em quyết định thi vào khoa Kinh tế - Xã hội của của Trường Đại học Tiền Giang” - Phúc Trân bộc bạch.

Năm 2013, Phúc Trân thi đỗ vào ngành Kế toán (bậc đại học) của Trường Đại học Tiền Giang với số điểm khá cao. Hàng ngày em phải đi bộ hơn cây số và có những lúc học ở giảng đường trên tầng cao, em đã phải rất vất vả để lên học.

Với nghị lực vượt khó của bản thân và sự giúp đỡ nhiệt tình của giảng viên, của các bạn, Phúc Trân đã vinh dự được xét tặng học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Báo Ấp Bắc và học bổng “Thắp sáng niềm tin” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long.

Hỏi về ước mơ, Phúc Trân nở nụ cười tươi chia sẻ chân thành: “Ước mơ lớn nhất của em là sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm ổn định và sau 10 năm nữa em dự định mở một công ty kế toán tư nhân, thu nhận đa phần người khuyết tật. Em muốn mọi người nhìn thấy được khả năng của họ…”.

Tiễn tôi ra đầu ngõ, Phúc Trân chia sẻ về phương châm sống của mình: “Không có con đường cùng. Chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” - “Mùa lạc” của Nguyễn Khải.

Vẫn biết con đường vượt qua hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật để đến với ánh sáng tri thức sẽ còn lắm vất vả, nhưng với niềm tin và nghị lực phi thường của Phúc Trân, tôi tin rằng ước mơ của em sẽ thành hiện thực.

Vĩnh Sơn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 289
  • Khách viếng thăm: 287
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 39669
  • Tháng hiện tại: 2321326
  • Tổng lượt truy cập: 48695453