Tiểu đoàn 261 - Giron 3 lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân

Đăng lúc: Thứ tư - 18/12/2013 09:39
Năm 1960, ngay sau khi nổ ra phong trào Đồng khởi đồng loạt ở nông thôn miền Nam, giành chính quyền ở cơ sở, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (GPMN) được thành lập, phản ánh thắng lợi của phong trào Đồng khởi; đồng thời đảm đương sứ mệnh thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Mặt trận Dân tộc GPMN lấy tinh thần dân tộc làm cơ sở đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước. Mặt trận Dân tộc GPMN ra đời như một tất yếu, phản ánh đòi hỏi của thực tế đấu tranh cách mạng ở miền Nam và kế thừa thành quả các Mặt trận trước đây.

Liền sau đó, tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Long An, ngày 2-1-1961, Tiểu đoàn 261 chính thức được thành lập. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu 8, gồm 7 tỉnh: Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong và An Giang.

Biên chế ban đầu của đơn vị gồm 2 đại đội bộ binh, 1 trung đội trợ chiến là những chiến sĩ bộ đội địa phương và du kích của các tỉnh đã từng tham gia chiến đấu trong Quân khu 8. Về sau, đơn vị được tăng cường lực lượng từ phong trào “3 sẵn sàng” của hậu phương lớn miền Bắc.

Với khẩu hiệu “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”, từ năm 1962, Tiểu đoàn 261 đã cùng bộ đội địa phương tham gia nhiều trận đánh ở các tỉnh Gò Công, Long An, Bến Tre, Mỹ Tho và Đồng Tháp, gây cho địch nhiều thiệt hại, tạo thế có lợi cho ta, tiêu biểu nhất là trận thắng lịch sử Ấp Bắc năm 1963, không những gây tiếng vang trong nước mà còn chấn động thế giới.

Trao phần thưởng Giron cho Tiểu đoàn 261.
Trao phần thưởng Giron cho Tiểu đoàn 261.

Trung úy Bảy Đen tên thật là Đặng Minh Nhuận được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 vào tháng 9-1962, đã chỉ huy nhiều trận đánh, trong đó có trận đánh Ấp Bắc lịch sử, diễn ra vào ngày 2-1-1963, tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về người Anh hùng LLVT Bảy Đen vẫn còn in đậm trong tâm khảm của đồng đội.

Sau trận Ấp Bắc, anh Bảy Đen còn chỉ huy nhiều trận đánh khác như Xám Diệc ở Tân Hội; đánh chống càn Cống Quế ở Mỹ Hạnh Đông; đánh chống càn ở ấp Tân Thới, xã Tân Phú (Cai Lậy); đánh chiếm đồn Vĩnh Kim và đồn Phú Phong ở Châu Thành...

Trận đánh chiếm đồn Thạnh Nhựt ở Chợ Gạo (cuối tháng 8-1963), anh Bảy hy sinh, đúng với tinh thần “Có chết hãy ngoảnh mặt về hướng quân thù mà chết”. Đồng đội đầy khâm phục về người chỉ huy quả cảm của mình: “Ở vai trò chỉ huy, trận đánh nào anh Bảy cũng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Khi xảy ra tình huống đòi hỏi người chỉ huy phải giải quyết, anh Bảy rất bình tĩnh và quyết đoán”.

Đó cũng là yếu tố giúp cho “thủ lĩnh” Bảy Đen đã chỉ huy làm nên chiến thắng Ấp Bắc lịch sử ngày 2-1-1963. Chiến thắng đã làm nức lòng quân - dân cả nước và bè bạn khắp năm châu. Mặt trận Dân tộc GPMN đã phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn miền Nam.

Theo tài liệu và các nhân chứng kể lại, Chủ tịch nước Cuba Fidel Castro đã lấy tên Ấp Bắc để đặt cho một làng quê ở đất nước mình và trao tặng lá cờ chiến thắng trên bãi biển Giron cho Tiểu đoàn. Từ đó Tiểu đoàn 261 còn có tên gọi thân thương, thắm tình hữu nghị Việt Nam - Cuba là Tiểu đoàn
261 - Giron.

Khu trù mật Thiên Hộ nằm ở xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè. Chính nơi đây, đầu năm 1964, Tiểu đoàn
261 - Giron đã ghi vào lịch sử chống Mỹ trên vùng đất Khu 8 xưa một chiến công rất tự hào là xóa sổ hoàn toàn khu trù mật với quy mô lớn, có tính điển hình của Mỹ - ngụy trong khu vực.

Trong trận đánh này, ông Nguyễn Minh Tua, chỉ huy tiểu đội xung kích là người đã băng mình qua lửa đạn, đánh chiếm sở chỉ huy để cắm lá cờ Quyết thắng được Cuba trao tặng lên nóc lô-cốt của 3 tên cố vấn Mỹ. Với thành tích xuất sắc, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, vinh dự được ra thăm Thủ đô Hà Nội trong những năm chiến tranh ác liệt.

Sau đó, ông đã đại diện cho Đoàn Dũng sĩ miền Nam sang thăm Cuba. Điều làm ông xúc động và khắc sâu trong lòng là ông đã được đặt chân lên bãi biển Giron xinh đẹp, nơi vào năm 1962 nhân dân Cuba đã đánh tan quân viễn chinh xâm lược Mỹ.

Tại Bến Tre, Tiểu đoàn 261 - Giron phối hợp cùng bộ đội địa phương đã có nhiều trận đánh ghi dấu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Quân khu và của toàn miền Nam. Trong Chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965, Tiểu đoàn 261 - Giron đã ghi dấu với nhiều trận đánh lớn như:

Trận tập kích Tiểu đoàn 41 biệt động quân địch vào tháng 12-1964 tại ngã ba Tân Thành (TP. Bến Tre ngày nay); trận đánh diệt đồn Cây Điệp giải phóng hoàn toàn xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm vào ngày 15-1-1965, cùng nhiều trận đánh tại huyện Bình Đại trong tháng 1 và tháng 2-1965 đã diệt hàng loạt đồn như: Thới Lai, Hai Hổ, Nhà việc Giữa, Cầu Nò, Lộc Thuận, góp phần cùng quân - dân miền Nam mở thông tuyến đường từ miền Tây sang miền Đông Nam bộ.

Trong Chiến dịch Đông Xuân 1966 -1967, Tiểu đoàn 261- Giron tiếp tục có nhiều trận thắng vang dội như: Trận diệt đồn Kinh Ngang, huyện Mỏ Cày; trận diệt tiểu đoàn 32 của địch vào ngày 8-1-1967; trận tấn công chi khu Hương Mỹ vào tháng 3-1967.

Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Tiểu đoàn 261 - Giron có nhiều trận đánh lẫy lừng tại huyện Châu Thành Tây và Châu Thành Đông. Tại huyện Châu Thành Tây, Tiểu đoàn 261 - Giron đã có các trận đánh lớn như: Trận đánh tiêu hao 2 đại đội bảo an tại xã Quới Thành; trận đánh tiểu đoàn 413 bảo an địch tại xã Sơn Hòa.

Tại huyện Châu Thành Đông, vào tháng 9-1972, Tiểu đoàn 261 - Giron cùng Tiểu đoàn 261C chặn đánh tiểu đoàn bảo an 117 của địch, diệt gọn 2 đại đội. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, Tiểu đoàn 261 - Giron thực hiện việc tiếp quản dinh tỉnh trưởng Định Tường và khu vực vườn hoa Lạc Hồng.

Sau khi thống nhất đất nước, Tiểu đoàn 261 - Giron đổi thành D4 E2 F330 Quân khu 9. Phiên hiệu Tiểu đoàn 261 - Giron không còn từ đó, nhưng những cựu chiến binh Tiểu đoàn 261 - Giron vẫn mang trong lòng phiên hiệu thắm tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc anh em Việt Nam - Cuba.

Biết bao người con trên các vùng, miền của đất nước đã góp tên mình cho Tiểu đoàn 261 - Giron, chiến đấu anh dũng, cùng viết lên trang sử vẻ vang cho lịch sử dân tộc và truyền thống quý báu của đơn vị 3 lần được vinh dự tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Nguyễn Thanh Liêm
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 212
  • Khách viếng thăm: 211
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 6672
  • Tháng hiện tại: 2506058
  • Tổng lượt truy cập: 48880185