Đoàn ĐBQH TG:Thảo luận và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đăng lúc: Thứ tư - 05/06/2013 10:26
Ngày 27-5-2013, Quốc hội họp ở Tổ để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp diễn ra từ ngày 2-1-2013, các đại biểu Quốc hội Đoàn Tiền Giang cho rằng hoạt động này vừa qua đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, được tiến hành đồng bộ, rộng khắp và đúng tiến độ trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị, thu được kết quả tốt đẹp.

Trên cơ sở tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách nghiêm túc, chất lượng để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cũng đã bày tỏ sự thống nhất cơ bản với ý kiến đóng góp của nhân dân cả nước (với hơn 26.091.000 lượt) về nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là những ý kiến thể hiện tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo.

Đóng góp cụ thể những vấn đề chung về nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Trần Quốc Vượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần phải thể hiện rõ quan điểm là tập trung sửa đổi những nội dung đã rõ về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và phải đảm bảo tính kế thừa của những Hiến pháp trước đây.

Thống nhất với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét hoàn chỉnh về cấu trúc và một số nội dung của Dự thảo Hiến pháp cho phù hợp với sự phát triển của nước ta trong giai đoạn hội nhập và phát triển và đạt được mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về những vấn đề cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Lời nói đầu những nội dung cụ thể, rõ ràng nhằm khẳng định mạnh mẽ về diện tích, lãnh thổ - kể cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhằm đảm bảo vị trí pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Có ý kiến về tên nước, đại biểu Trần Quốc Vượng, đại biểu Trần Văn Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) thống nhất với ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó là: Giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản giấy tờ. Hơn nữa, tên gọi này đã được nhân dân Việt Nam lựa chọn và trải qua 37 năm, đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Về nền kinh tế của Việt Nam, theo ý kiến của đại biểu Trần Quốc Vượng thì cần phải khẳng định rõ tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả, khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta.

Do đó, nội dung Dự thảo Hiến pháp nêu “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” là phù hợp vì một mặt, vừa khẳng định được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mặt khác, bảo đảm sự hài hòa và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tức là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ý kiến của đại biểu Trần Quốc Vượng và đại biểu Trần Văn Tấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang), nội dung tại Khoản 2, Điều 58 về thu hồi đất quy định “…Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” là chưa phù hợp với thực tế, sẽ làm cho việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, nhất là liên quan đến việc thu hồi đất để phục vụ cho quốc phòng - an ninh, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Do vậy, đề nghị xem xét bổ sung quy định cho phù hợp, cụ thể nội dung này được thể hiện lại như sau: “…Giá trị quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”.  

Về vị trí, chức năng của Quốc hội (Điều 74), nội dung quy định của Dự thảo Hiến pháp “…Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp…”, theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội Tiền Giang là không phù hợp với tính chất và nguyên tắc tổ chức của Nhà nước ta, bởi lẽ, theo đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang), ở nước ta Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.

Biết rằng trong quy trình lập hiến, lập pháp ở nước ta có nhiều chủ thể cùng tham gia; hơn nữa, khi thực hiện các quyền này, Quốc hội cũng tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân hoặc trưng cầu dân ý, nhưng việc lập hiến, lập pháp vẫn phải do Quốc hội quyết định (được quy định tại Khoản 1, Điều 90 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tấn đề nghị Quốc hội xem xét giữ nguyên quy định “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp” như Hiến pháp hiện hành.

Về thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với hoạt động hành pháp, Điều 95 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “…Khi cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”, theo đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang), quy định như thế là không phù hợp, bởi lẽ, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại thì trong một số trường hợp cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ báo cáo về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm. Do vậy, đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét sửa đổi quy định nội dung này để Chủ tịch nước thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Về Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đều thống nhất cho rằng, cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành cơ bản phù hợp với tính chất và đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy của Nhà nước ta. Hiến pháp hiện hành đã xác định cơ chế bảo vệ Hiến pháp thông qua các quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, cơ chế này chưa thực sự hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Do đó, ý kiến các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thống nhất Phương án 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và kiến nghị Quốc hội xem xét “Không tổ chức Hội đồng Hiến pháp”.

Đăng Hiếu
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 198
  • Khách viếng thăm: 197
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 769
  • Tháng hiện tại: 2557212
  • Tổng lượt truy cập: 48931339