Nghề tranh kiếng cù lao Chợ Mới (Kỳ 1): Sản phẩm độc đáo ở Nam Bộ

Đăng lúc: Thứ hai - 01/04/2013 12:44
Ở cù lao Chợ Mới, nghề vẽ tranh trên kiếng đã tồn tại ước chừng 100 năm. Và, việc treo tranh kiếng đã thực sự tạo ra nét văn hóa riêng của người dân nơi đây... Theo tài liệu ghi lại, trong những năm đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ có 3 vùng sản xuất tranh kiếng nổi tiếng, gồm: Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang).
Ba vùng này dần dần phát triển trở thành 3 trung tâm sản xuất tranh kiếng và tạo ra ba dòng tranh kiếng khác nhau, mỗi dòng tranh kiếng lại có những đặc điểm riêng.

 * Hồn người Nam Bộ:

Tại Chợ Mới, theo nhiều người dân, nghề tranh kiếng ra đời khoảng 100 năm. Người đầu tiên có công mang nghề từ Lái Thiêu về là ông hai Luông (đã qua đời). Đến khoảng năm 2000, ở xã Long Giang và Long Điền B, có khoảng vài chục hộ sống sung túc với nghề. Tranh kiếng Chợ Mới có rất nhiều thể loại và khá phong phú, như: Tranh thờ Phật, Trời, tổ tiên ông bà, Cửu Huyền Thất Tổ...; tranh dùng để treo ở cửa buồng, tranh phong cảnh, nhân vật, vật linh... Loại tranh thờ Phật Trời Thánh thần có khổ nhỏ, gồm 2 loại: Tranh vẽ các vị Phật Adi đà, Quan Âm Bồ Tát, Quan Thánh Đế Quân, Mẹ Sanh - Mẹ Độ... các bài vị  thường treo trong các chùa, đình miếu...


 
 Công nhân làm việc tại xưởng tranh.

Tranh thờ ông bà tổ tiên thường được treo ở bàn thờ được thể hiện các đề tài, gồm: Câu đối có chữ "Trần Phủ Đường" (ghi họ tên gia chủ), "Thiện tối lạc" (ca tụng tổ tiên), xung quanh trang trí dây lá, hồi văn hoặc trang trí viền cây trúc cây tùng minh họa. Tranh viết chữ "Phước" "Lộc" "Thọ" trên nền đỏ, xung quanh trang trí dây lá hoặc hồi văn, thỉnh thoảng có thêm con bướm hoặc con dơi ngậm trụ chỉ. Tất cả các chữ vẽ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán. Đặc biệt, tranh treo cửa buồng là loại tranh sáng tác để trang trí theo kiến trúc của ngôi nhà ở Nam Bộ. Thường trong phòng khách, bàn thờ được đặt chính diện với cửa chính, phía trước bàn thờ đặt một cái tủ lớn, một bộ bàn ghế tiếp khách. Hai bên bàn thờ có hai lối đi vào trong gọi là cửa buồng, thường treo tấm rèm hay tấm màn cửa, có hoa văn đẹp để che cửa, phía trên cửa treo tranh trang trí. Tranh kiếng cửa buồng thường có kích thước 0,9m x 0,6m vẽ theo đề tài "Loan phượng hòa minh" (tượng trưng cho sự giàu có sang trọng). Loại tranh tứ bình, phong cảnh, nhân vật và vật linh, ngoài cảnh trời mây, sông núi thường vẽ các đề tài phổ biến như "Mai lan liên cúc" tượng trưng cho 4 mùa trong năm, "Bát Tiên quá hải", "Tứ hùng" ... 

Có thể thấy, sản phẩm tranh kiếng thể hiện giá trị tinh thần phong phú của người dân. Hình ảnh, câu chuyện sinh động trong từng bức tranh dân gian ấy đã phần nào phản ánh những tâm tư khát vọng, lối sống rất đặc trưng của người dân Nam Bộ.

*Nghề thủ công độc đáo:

Trước đây, người ta chỉ sản xuất theo kiểu gia đình chứ không tập hợp theo nhóm hay hợp tác xã, các gia đình tự tổ chức sản xuất và bán lại cho các lái. Trong một xưởng vẽ tranh, thông thường có năm, bảy người, nhưng chỉ có một người phụ trách chỉ huy, phân công công việc và người này phải am tường mọi việc. Những người còn lại làm phần việc của mình theo sự phân công của người thợ cả. Phần lớn, các thành viên trong xưởng đều là người trong gia đình, cũng có những xưởng còn thâu nạp học viên, những học viên này khi đã lành nghề có thể ở lại cùng làm việc hoặc ra mở xưởng riêng. Các loại tranh kiếng xuất xưởng đều được các lái buôn thu mua và bán lại cho người tiêu dùng. Trước kia, tranh được vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy do giao thông khó khăn và cũng để hạn chế hao hụt trên quảng đường vận chuyển. Thương lái bán tranh cũng là người góp phần giúp cho sản phẩm tranh kiếng gần gũi hơn với người dân. Qua chuyến bán hàng ở các nơi, những lời góp ý, tâm sự của người mua thông qua họ sẽ đến "tai" thợ vẽ để cho ra ý tưởng mới, đáp ứng thị hiếu người dân.

     Thời kỳ hưng thịnh, thị trường tranh kiếng Chợ Mới mở rộng ra khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và có mặt ở nước bạn Campuchia. Tranh kiếng phổ biến rộng rãi đến độ, có mặt trong các gia đình từ nhà giàu đến người dân nghèo ở Nam Bộ. Đề tài phong phú nên các tác phẩm tranh trở thành những tác phẩm nghệ thuật, có sức hấp dẫn người dân...

Kỳ 2: Nét tài hoa của nghệ sĩ dân gian

Trọnh Ân - Minh Khôi
(Theo Báo An Giang)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 445
  • Khách viếng thăm: 444
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 16446
  • Tháng hiện tại: 1545781
  • Tổng lượt truy cập: 47919908