Người mang Di chúc Bác Hồ ra đảo

Đăng lúc: Thứ ba - 21/05/2013 14:31
Đêm miền Trung vào giữa tháng 3 còn lạnh. Nơi tạm giam của phòng nhì Đà Nẵng chỉ rộng chừng 4m2, nền xi măng lạnh ngắt, hôi hám. Trong đó còn một người nữa, trạc tuổi tôi (21-22) dáng hình, cao to. Từ ngày về đơn vị chiến đấu, tôi chưa hề gặp anh. Nhìn lên cái cửa thông gió chỉ to bằng bàn tay đặt trên bức tường cao vút thỉnh thoảng lại lóe lên những vệt sáng ma quái, tôi cố nhớ lại những gì xảy ra.
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Ngôi làng nhỏ sau dải cát ven biển miền Trung bị băm nát bởi bom đạn địch. Tiểu đội tôi bị bật khỏi chiến hào khi trận đánh đã chuyển về chiều. Chưa kịp đối phó với những chiếc trực thăng quần đảo, bắn rát trên đầu thì một tốp xe tăng địch lao đến trước mặt. Phía sau xe tăng lố nhố sắc áo rằn ri. Cả nhóm dùng AK bắn thẳng vào đội hình địch tạo thế áp đảo. Những chiếc xe tăng khựng lại, lũ bộ binh dạt ra hai bên. Đạn AK nổ đanh, buộc chúng co lại. Giữa mịt mù khói bụi, có hai người: một cao, một thấp cặp B41 từ phía trái băng tới. Họ chiếm một gò mối, nơi một con trâu vừa trúng đạn nằm giãy giụa rồi đưa súng lên. Chúng tôi nín thở chờ ngọn lửa bùng lên từ chiếc xe tăng gần nhất để tạt sườn lũ bộ binh. Nhưng không, nhiều tiếng nổ tới tấp làm tất cả trở nên tối om, quay cuồng.

Mãi đến chập tối, tôi mới lờ mờ nhận ra đang ở trong một căn cứ địch. Xung quanh có vài người nữa, họ đều bị thương. Mình bị bắt rồi! Lát sau có hai tên Mỹ tới, chúng chỉ vào tôi và một người nữa ra hiệu cần được chăm sóc vết thương. Vừa ngồi lên xe, người cùng đi nắm chặt tay tôi và chính lúc đó tôi nhận ra anh, chiến sĩ B41 lúc chiều. Nhìn nét mặt, tôi đoán đồng đội của anh đã hy sinh. Chiếc xe tải nhẹ xuôi xuống dốc đến  một trạm quân y dã chiến. Chúng đẩy tôi và anh vào góc nhà. Những tên Mỹ ngực đầy lông thi nhau đá vào mặt, vào ngực chúng tôi. Im lặng, ngẩng mặt lên, ta là chiến sĩ quân giải phóng! Chúng tôi đã hành động như vậy. Chẳng ngó gì đến vết thương, những tên Mỹ lại quăng chúng tôi vào xe chở đi. Sáng hôm sau, mũi, miệng sưng vù, áo quần đầy máu, tên cán bộ chiêu hồi đến nhận mặt từng người cũng lắc đầu.

Càng về khuya càng lạnh, lạnh từ trong ra. Không có vết thương nào hành hạ tôi bằng nỗi đau bị địch bắt. Sao tôi không lãnh nguyên trái đạn để hy sinh như những đồng chí khác? Sao lúc bị đánh bật khỏi công sự, rút qua bàu nước đặc nghẹt lục bình, tôi không ém mình dưới đó chờ cơ hội thoát thân trở lại đơn vị… Bỗng trong góc tối, tiếng anh vừa đủ nghe: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là điều chắc chắn”.  Tôi bừng tỉnh lắng nghe, đoạn mở đầu chính xác “… Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”; “Mỗi đảng viên và cán bộ”, tôi buột miệng ngắt lời: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải…” Anh nhắc lại và tiếp tục “… Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có…” “kế hoạch thật tốt”, tôi nhắc: “ừ đúng rồi”, “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân…”. Cứ như vậy, trí nhớ của hai người bổ sung cho nhau hoàn thiện tác phẩm Di chúc của Bác đến câu cuối cùng. Giọng anh trầm hẳn xuống. Tôi phấn chấn bò đến chỗ anh: “Hướng điều tra của chúng là nơi đóng quân của các tiểu đoàn ĐKB 575, 577, ranh An Bằng”. “Mình biết, nhớ không để một sơ xuất nhỏ. Đến nay địch vẫn thất bại trong việc tìm diệt 575, 577. Rồi anh lý giải “Tất cả những bí mật của ĐKB nằm trong hệ thống phía sau quả đạn. Nó tự cháy trên đường đưa đầu đạn đến mục tiêu”. Thấy tôi vẫn yên lặng, anh nói tiếp về nguyên lý cấu tạo của ĐKB và sức công phá hủy diệt của nó; những cải tiến để bắn ứng dụng của bộ đội ta trên chiến trường. Loại hỏa tiễn này từng là niềm tự hào của quân giải phóng, làm sao kẻ thù của chúng ta biết được. Rồi tự tin: “Mình từng là tiểu đội trưởng ĐKB”.

Đầu tháng 5 năm 1970, địch đưa tất cả tù binh ở trại tạm giam dưới chân hòn Non Nước ra đảo bằng chiếc C130 kềnh càng, cửa mở phía sau đuôi. Tù nhân ngồi bệt xuống sàn máy bay, xung quanh là những tên quân cảnh với M16 lăm lăm trong tay. Cửa vào khoang buồng lái máy bay đóng kín. Việc cướp máy bay như phi công Men-đê-ep của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ II là không thể. Tôi bất lực vì không kìm được cơn say, nôn thốc ra, gan ruột cứ dồn lên ngực. Máy bay hạ cánh với những cú sốc dựng ngược rồi dừng hẳn. Cánh cửa mở ra, những chiếc GMC đã chờ sẵn với lũ quân cảnh mặt bặm trợn. Chúng la hét dồn mọi người lên xe. Trên con đường đất từ sân bay về trại giam chừng 5 cây số, chúng thả sức phang dùi cui tới tấp, luôn miệng la hét: “Đây là Phú Quốc, mồ chôn của lũ cộng sản chúng bây”; “cúi đầu xuống”; “đây không phải là đất liền, chúng mày sẽ chết không toàn thây…”. Máu người tù văng lên thành xe nhưng chẳng ai chịu cúi đầu. Đây là cơ hội duy nhất để nhận diện hòn đảo, biết bao giờ gặp lại.

Phú Quốc có 12 khu. Mỗi khu có 5 phân khu. Chúng tôi ở khu 5, có A5, B5, C5, D5, Đ5. Các phân khu được ngăn cách bởi 12 lớp hàng rào kẽm gai đủ loại, được gài sẵn các loại mìn phát sáng, mìn sát thương. Hàng rào vây bọc dày đặc đến nỗi một con chó lạc vào cũng không có đường ra. Đèn pha chiếu sáng suốt đêm. Bốn góc có tháp canh cao vút, lính quân cảnh thay nhau canh gác; vòng ngoài, xe tuần tiễu gắn đại liên rú còi chạy suốt ngày đêm.

Tù cũ đón tù mới bằng việc dìu những người đi đứng khó khăn vào trại, lau chùi máu trên vết thương do bọn quân cảnh mới gây ra; ân cần nhưng không vồn vã như những cuộc gặp gỡ ngoài đời. Cẩn thận, cảnh giác là bản năng tự vệ của con người khi phải sống trong nanh vuốt kẻ thù. Và rồi từ quan hệ đồng hương, bạn cùng đơn vị, các mối liên hệ từng bước được hình thành. Trong lúc tôi còn mải quan sát thì anh tìm cách liên hệ với tổ chức Đảng hoạt động bí mật. Tin tức ngoài mặt trận như luồng gió mới thổi vào nhà lao, đến với những người từ lâu không liên lạc được với bên ngoài. Riêng chuyện Bác Hồ mất được nói đến nhiều nhất. Trước đó, nghe tụi quân cảnh nói chuyện với nhau; một người nghe trực tiếp từ người lính áp tải khi làm “tạp dịch” bên ngoài: “Cụ Hồ mất rồi, các ông sẽ thất bại thôi”. Chẳng ai tin, bọn giặc thâm hiểm lắm! Chỉ đến khi Di chúc của Bác được truyền miệng nhau trong đường dây tổ chức, chính xác đến từng chữ (theo trí nhớ của chúng tôi) thì mọi người mới tin Bác Hồ kính yêu không còn nữa. Kẻ thù tưởng rằng việc ra đi của Bác sẽ dẫn đến việc tranh giành quyền binh trong giới lãnh đạo Đảng ta, nội bộ xào xáo, cách mạng thay đổi đường lối… Chúng đâu biết rằng mọi quyết định của Đảng đều trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Những chiến sĩ của đội quân cách mạng hiểu rất rõ nguyên tắc này. Cả nước đang “biến đau thương thành hành động cách mạng”(*) đoàn kết tiến lên. Thắng lợi cuối cùng chắc chắn sẽ đến.

Vậy là sau ngày 2 tháng 9 năm 1969, chúng tôi là lớp đầu tiên và chính anh chứ không phải ai khác là người đưa Di chúc của Bác Hồ ra đảo. Anh không nói nhưng tôi chắc chắn là vậy.

Năm trước, tại khu C5, tù binh bí mật đào đường hầm dài gần 100m đưa 42 người vượt ngục ra ngoài làm kẻ địch kinh ngạc. Sau vụ đó, chúng áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt hơn: không được tụ tập nói chuyện; không đứng sát bờ rào; không được giữ vật dụng bằng kim loại; thường xuyên bất ngờ chuyển trại, thay đổi nơi giam giữ. Ai bị nghi ngờ hoạt động chính trị thì bị đưa đi tra tấn cho đến chết, nhẹ thì bị lấy 10 móng tay, móng chân hay vài cái răng. Trò lấy móng, bẻ răng được nhiều viên cai ngục thực hiện rất điêu luyện. Bầu không khí căng thẳng tràn ngập nhà lao. Một số nhóm học văn hóa phải giải tán. Mọi người khép mình lại bởi trong nhà lao còn có kẻ phản bội khoác áo tù do địch cài cắm, chờ cơ hội bắn tin ra ngoài. Nhiều tổ chức bị bể, hàng loạt đồng chí trung kiên bị đưa đi biệt tích. Trong trại đã có biểu hiện cầu an ở một số người.

Cần phải thay đổi tình hình, nhưng bằng cách nào? Chưa ai nghĩ ra. Hơn ngàn người trong phân khu, mọi hoạt động phải giữ bí mật tuyệt đối. Các tổ chức đảng, đoàn hoạt động kín đáo, chặt chẽ để bảo vệ nội bộ và che mắt kẻ thù. Về mặt hợp pháp, trại có 12 trưởng phòng, một tổng đại diện. Qua anh, tôi biết trưởng phòng và tổng đại diện mặc dù do chúng cử ra nhưng hầu hết là người tốt, đa số trong tổ chức. Ta cần hỗ trợ, giúp đỡ họ.

Rồi một bất ngờ xảy ra: Sáng hôm đó trời mưa rất to. Như mọi khi, người bị thương nặng cũng phải khiêng ra sân để chúng điểm danh. Nhưng hôm nay, số đông đứng trước cửa các phòng yêu cầu mọi người không ra, mặc cho ngoài cổng giám thị gõ kẻng liên tục. Trong trường hợp như vậy phải bảo vệ lẫn nhau và không ai có thể dùng quyền chỉ huy mà ra lệnh được. Tôi chưa biết tính sao thì anh đến: “Đây là việc làm bộc phát, nhắc anh Chín bình tĩnh chờ phản ứng của địch, tùy theo tình hình đối phó” rồi lẫn vào đám đông. Xin nói thêm, trong gần 2 tháng bị giam ở Đà Nẵng, chúng tôi đã tổ chức được một chi đoàn mang biệt danh là Anh Chín và người có vai trò chính trong việc này là anh. Một ngày căng thẳng chờ đón hành động trả đũa từ phía bên kia. Nhưng lạ thay, địch không có phản ứng gì. Giờ điểm danh buổi chiều, viên giám thị tên Lợi có khuôn mặt choắt tỏ ra rất hằn học. Hắn lượn một vòng ngó nghiêng các hàng rồi cúi đầu ra cổng. Mọi người nhìn nhau: địch có vẻ xuống thang, phải chăng chúng chịu nhượng bộ? Rồi những ngày mưa tiếp sau, việc không ra sân điểm danh được xem như hợp pháp. Nhưng theo anh, ta không nên manh động, rất nguy hiểm; mọi việc phải có sự thống nhất mới tạo ra sức mạnh thực sự.

Vào một ngày biển êm, mọi người nghe thấy tiếng bom đạn ì đùng từ hướng đất liền. Từ đây về Hà Tiên gần lắm, đồng đội và nhân dân đang chiến đấu sinh tử. Ta bó gối bất lực ngồi đây. Người bạn tù nằm bên trong một đêm dông gió đọc “Nhớ rừng” của Thế Lữ nghe nhức nhối quá. Bầy dơi quạ chiều nào cũng sải cánh bay qua bầu trời. Ngoài kia, qua lớp rào kẽm gai, con đường đỏ bụi chạy ngang rồi khuất vào sườn núi phía đông. Nó còn đi tới đâu? Ôi! Tự do.

Cuộc đời bên ngoài cổng trại giam, nơi đặt hai cửa ra vào: Cửa lớn dành cho xe lớn chở củi, nước, thực phẩm; cửa nhỏ đủ cho một người đi qua đặt ngay chỗ viên giám thị. Tất cả được làm bằng rào kẽm gai có trụ sắt to. Ở cánh cửa nhỏ, sáng chiều có hai lần tù nhân khiêng rác ra ngoài và cũng chừng ấy trở vào. Khi ra, tên giám thị dùng cây sắt nhọn xăm tận đáy thùng. Khi quay về chúng cũng coi kỹ, có gì mang vào không. Ai để lộ mang bất cứ vật gì vào trại cũng bị đánh cho đến chết. Chiều hôm đó, chỗ viên giám thị còn có hai sĩ quan an ninh mang hàm đen, chúng trao đổi với nhau có vẻ gay gắt. Anh đến: “Ta đi đổ rác” rồi bước thẳng xuống bếp. Tôi đứng dậy theo anh. Thùng rác được chất đầy, nhanh chóng đưa ra ngoài cổng. Dừng lại, giám thị kiểm tra. Rác vừa đổ, anh nhào xuống hố, gom hết những mảnh bìa carton cuốn chặt lại. Tôi nhảy xuống làm theo anh. Phút chốc chúng tôi quay lại cổng. Viên giám thị ngẩng lên, quét cặp mắt vào chúng tôi rồi phất tay ra hiệu cho vào. Chiếc thùng nhanh chóng được đưa xuống bếp. Những tấm bìa carton sau đó được ngâm nước, lột mỏng ra, hong khô, dùng cà mèn hơ nóng ủi vài lượt cho phẳng làm giấy viết. Mực, bút thì tự sản xuất được. Những viên sỏi đỏ được mài thành mực; tôn lá được cắt thành ngòi bút, viết bao nhiêu cũng được. Không chỉ “xuất bản” những cuốn sách toán lý mà cả Di chúc của Bác Hồ cùng những bài thơ hừng hực khí thế cách mạng của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên… cũng được viết ra và bay qua nhiều lớp hàng rào đến với anh em phân khu B5 cạnh đó.

Thế rồi tôi và anh, trong góc nhà, một thầy, một trò lặng lẽ học môn toán lớp 5 theo yêu cầu của anh. Trên ván gỗ chỗ nằm, anh chăm chú nhìn vào tấm bảng tự chế. Nó có kích thước 25cm x 25cm được làm bằng khung kẽm gai bọc bên ngoài là lớp vải áo tù phết một hỗn hợp gồm dầu mỡ bò và xà bông cục; phủ lên tấm bảng là mảnh nylon. Người viết dùng bút bằng gỗ mài như cây dùi viết lên tấm nylon. Càng dùng lâu, chữ viết trên bảng càng đẹp. Tấm bảng thực sự là một phát minh của những người đi trước. Lính tuần tra đến, anh làm như không thấy rồi nói vừa đủ chúng nghe: “… hai kẻ cùng chiều muốn gặp nhau, vận tốc hai bên tìm hiệu số, đường dài chia nó khó chi đâu”; “tổng hay hiệu, ông thầy?”. Lính có đứa ngó coi, vẻ xem thường. Riết rồi quen, một vài người đến học; một số lớp hình thành. Anh mở lớp 6 và giảng bài một cách chững chạc. Tôi càng cảm phục con người này. Dường như anh chủ động và tính toán kỹ mọi việc. Các lớp học văn hóa nhanh chóng hình thành, lan ra khắp trại gần như công khai. Bấy giờ kẻ địch muốn cấm cũng không được nữa. Lệnh cấm tụ tập mất hẳn tác dụng. Từ học văn hóa chuyển sang sinh hoạt chính trị trong phút chốc.

Để đối phó tình hình, trong những năm 1971, 1972 chúng thực hiện nhiều cuộc chuyển trại qua C5, D5, Đ5 rồi ngược lại. Mỗi lần như vậy, những cuốn sách “giáo khoa” phải bỏ lại. Không ai được mang theo bất cứ thứ gì ngoài bộ quần áo trên người. Lần đó, tổ chức của chúng tôi bị xé lẻ nhưng phần lớn qua khu C4. Khu này nằm kẹt giữa hai phân khu: D4 tập trung bọn “chiêu hồi” không còn giá trị sử dụng; B4 có tên là trại “Tân sinh hoạt”. Ở khu này, mọi người phải chịu sự cai quản trực tiếp của bọn “trật tự”. Bọn này cũng là tù nhưng phản bội anh em. Chúng vừa làm chỉ điểm vừa công khai đánh đập những người làm ngứa mắt chúng. Bao giờ cũng vậy, điểm danh xong, anh em bên B4 phải đồng thanh hô “cố gắng” đến 3 lần. Đau quá.

Như dự tính trước, vài bữa sau ngày chuyển trại, giám thị yêu cầu chúng tôi “cố gắng” sau lúc điểm danh. Không thèm để ý lời nói của hắn, cả trại rùng rùng giải tán. Ngay đêm đó, một trung đội quân cảnh trang bị dụng cụ hỗ trợ vào lục soát từng phòng. Mọi người ngồi dậy. Chúng đạp lên đầu một anh đang ngủ. Anh này nổi đóa lao thẳng vào tên lính. Có người la to “đập chết chúng đi”. Cả phòng giam ầm ầm náo động. Bọn lính hốt hoảng đạp vách tôn bung ra sân. Bên ngoài, tháp canh, xe tuần tra xả súng vào trại. Hai người chết tại chỗ, nhiều người bị thương. Sáng hôm sau giờ điểm danh biến thành lễ truy điệu hai đồng chí. Quân cảnh lục đục kéo đến. Cuộc đấu tranh cũng nổ ra sau đó. Nội dung đấu tranh được anh triển khai trong đêm: Yêu cầu chúng phải đối xử theo quy định trong Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1949 đối với tù binh chiến tranh; không được bắn giết, lăng mạ; bãi bỏ việc hô “cố gắng”. Chuyện phải bàn kỹ là chọn ai lên tiếng đầu tiên và ai cuối cùng. Người “nổ súng” trước có nhiệm vụ hướng mọi người vào mục tiêu đấu tranh; người sau cũng có khả năng “nắm” được diễn biến cuộc đấu tranh, chọn thời điểm kết thúc; nhấn mạnh những điểm chính buộc đối phương thực hiện những điều cam kết đồng thời ra tín hiệu “rút quân”. Có nhiều bài học từ những cuộc đấu tranh trước, một khi những cái đầu nóng không chịu ra về, cuộc đấu tranh bị chuyển hướng bất lợi. Suốt buổi sáng đấu lý quyết liệt, kẻ thù phải nhượng bộ những yêu sách ta đặt ra. Phải thú nhận rằng, cho đến giờ tôi vẫn chưa biết cái Hiệp định của các bên tham gia Thế chiến thứ II ký năm 1949 quy định những gì trong việc đối xử với tù binh chiến tranh nhưng lúc đó, nó là vũ khí đấu tranh rất hiệu quả. Buổi chiều, gặp chúng tôi, anh trầm tĩnh: “Cần tránh những đụng độ không cần thiết; phải bảo toàn lực lượng. Lần này giành được thắng lợi nhưng tổn thất quá lớn”. Tôi đồng cảm với anh.

Như một phản ứng dây chuyền: vài ngày sau, bên B4, những người nấu bếp, bổ củi sẵn dao búa trong tay bất ngờ bổ tới tấp vào bọn trật tự đang ở ngoài sân. Những tên lảng vảng trong nhà bị túm đầu đánh nhừ tử. Đứa nằm giãy giụa, đứa ôm đầu máu chạy ra cổng kêu cứu. Khung cảnh thật hỗn loạn: “Giết hết chúng đi, đồ phản bội”; “đả đảo đế quốc Mỹ và tay sai”; “không hô cố gắng”… Lính từ chòi canh xả súng vào; máu tù lại đổ. Nhưng cũng từ đó các anh B4 đã đuổi lũ phản bội ra khỏi trại, làm sạch nội bộ, tự quyết định mọi việc trong hàng rào.

Kẻ thù đâu để chúng tôi yên. Điểm danh buổi sáng, viên giám thị gọi 9 người ra ngoài cổng trong đó có anh đánh quân cảnh đêm trước. Lính áp tải đi theo. Các anh bước tự tin. Một tuần sau, chúng trả các anh về thì không nhận ra ai nữa. Người nào áo quần cũng rách tươm, dúm dó, chân tay dập nát. Không ai tự đứng lên được. Mọi người xô ra khiêng các anh vào phòng. Sau mới biết, chúng yêu cầu làm cỏ trong hàng rào và dĩ nhiên các anh chống lại. Bọn lính chờ sẵn ở phòng tra tấn. Chúng dùng gậy đập nát những bàn tay rồi túm cổ áo từng người giật mạnh cho té sấp xuống đất, kéo bàn chân lên, dộng từ trên xuống cho đầu gối bung ra khỏi khớp. Chưa thỏa mãn, chúng đẩy mọi người vào trong cái công-ten-nơ nhỏ xíu, chật cứng phơi dưới nắng ngày. Thỉnh thoảng cho lính bên ngoài ném đá, âm thanh buốt lên tận óc. Đêm chúng tạt nước cống rãnh hôi thối vào rồi té cát lên. Ngứa, càng cọ vào nhau càng rát. Suốt 7 ngày điệp khúc những trò như vậy, các anh vẫn chịu đựng. Bất lực chúng nói với nhau: “Bọn này phải nhúng vào nước sôi trung úy ạ”.

Trả các anh về trại, địch muốn lung lạc ý chí của mọi người. Chúng lầm, không khí nhà lao càng sôi sục. Mọi người càng siết chặt đội ngũ, chờ cơ hội đấu tranh vạch mặt kẻ thù. Nhưng tập thể chưa có dịp thể hiện sức mạnh thì Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/01/1973. Trong đó có việc hai bên trao trả tù binh. Ngày 15/3/1973, chúng tôi được trở về đất liền. Chỉ lúc đó tôi mới biết tên thật của anh. Rồi sau đó mỗi người đến một nơi, cùng đồng đội đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Tôi viết những dòng này dưới bầu trời phương Nam đầy nắng. Tháng 3, sông Tiền chảy bình yên, đôi bờ đang vào mùa trái chín. Du khách qua cù lao Thới Sơn tươi tắn trên những con đò. Tôi lại nhớ đến anh. Giá như chúng tôi nhận được hỏa lực chi viện kịp thời của anh thì đồng đội tôi: Phi, Riêm, Tộ đã không hy sinh. Rồi suốt thời gian bị giam giữ, anh có thể “nằm yên” giấu mình đến ngày trở về. Nhưng anh đã tự dấn thân vào nguy hiểm khôn lường. Bằng những suy nghĩ chín chắn, việc làm quyết đoán, anh tạo được lòng tin cho mọi người. Chúng tôi làm theo anh, tôn anh vào vị trí lãnh đạo. Anh đón nhận và xứng đáng với vai trò này. Đối với tôi, những trận đòn tơi tả khi thẩm vấn, phơi nắng trong “chuồng cọp” bốn mặt kẽm gai, máu chảy ướt người hay ngột ngạt trong toa-let, hứng đủ trò đê tiện của kẻ thù vẫn nhận ra phía sau còn có anh và đồng đội tiếp thêm nghị lực sống và ý chí đấu tranh. Để đến hôm nay thanh thản nhìn dòng nước trôi về Cửa Đại, mở ra biển trời bao la của

Tổ quốc thiêng liêng. Vào thời điểm này, cả nước đang sôi nổi đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sao đến bây giờ còn có ý kiến trái chiều với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Điều 4 của Hiến pháp. Những người đó có đổ máu cho đất nước này không? Có như chúng tôi, đêm nín thở chờ ngọn đèn của người dân bên kia Thu Bồn thắp lên làm tín hiệu cho bộ đội vượt sông vào vùng địch chiếm đóng. Tôi làm sao quên được: dù phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ được dân. Họ phải biết: trước lúc lâm chung, điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”(**). Một Đảng lấy hạnh phúc, no ấm của dân làm mục đích tối thượng, do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo, có những đảng viên ưu tú như anh xứng đáng được nhân dân tin cậy trong vai trò lãnh đạo đất nước và xã hội.

Tháng 3/2013

____________
* Trích Điếu văn của Ban Chấp hành TW do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
** Di chúc của Bác Hồ.

Hải Uyên
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 57)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Di chúc, Phú Quốc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 389
  • Khách viếng thăm: 381
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 41654
  • Tháng hiện tại: 1790554
  • Tổng lượt truy cập: 48164681