Chuyện về người còn lại của Tổ Thương binh Anh hùng

Đăng lúc: Thứ tư - 06/03/2013 13:46
Tôi về thăm anh vào một buổi trưa giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Vượt cầu Đình bắc ngang kinh 5, men theo con đường bê tông về ấp Lợi Tường (Mỹ Lợi A, Cái Bè) rợp mát bóng cây, lòng tôi trào dâng một nỗi niềm bâng khuâng khó tả.
Ông Ngô Văn Hồng, người còn lại của Tổ Thương binh Anh hùng.

Ông Ngô Văn Hồng, người còn lại của Tổ Thương binh Anh hùng.

Khung cảnh quê hương Mỹ Lợi thanh bình quá. Những mái nhà thấp thoáng giữa những vườn cây trĩu quả. Giọng ru con của một bà mẹ dìu dặt hòa cùng tiếng kẽo kẹt võng đưa. Dòng nước kinh 5 lững lờ trôi xuôi về Mỹ Tây, Cái Thia…, đưa những đám lục bình đủng đỉnh ra sông Cửu Long.

Những cụ ông, cụ bà ngồi hóng mát dưới những bờ trải, bờ tầm vông sát mé sông nở nụ cười móm mém hiền từ khi tôi gật đầu chào. Thả hồn trong không gian yên ả ở một miền quê thanh bình, có ai nghĩ cách đây gần nửa thế kỷ, nơi đây bị bom đạn chiến tranh tàn phá dữ dội. Từng con rạch, bờ mương, liếp đất ở xứ sở này là địa hình thuận lợi trong chiến đấu, nhuộm máu quân thù.

Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Mỹ Lợi được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Tổ thương binh 3 người của xã được phong là Tổ Thương binh Anh hùng, trong đó 2 cá nhân được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Liệt sĩ Ngô Văn Nhạc (Ba Nhạc) và Liệt sĩ Nguyễn Văn Mười (Mười Đẩu).

Người còn lại của tổ thương binh anh hùng ấy đang sống một cuộc sống thầm lặng tại nơi mà ngày trước là địa bàn chiến đấu của tổ mình và cũng chính là nơi đồng đội của anh - chú Mười Đẩu và cha ruột của anh là Anh hùng Ngô Văn Nhạc đã hy sinh. Anh tên là Ngô Văn Hồng, người con trai đầu lòng của Anh hùng Ngô Văn Nhạc.

Không phải người dân Mỹ Lợi nào sinh trưởng sau năm 1975 đều biết anh Ngô Văn Hồng, chú Mười Đẩu. Họ chỉ quen thuộc tên Anh hùng Ngô Văn Nhạc, bởi tên ông trước đây được đặt cho một nông trường quốc doanh: Nông trường Ngô Văn Nhạc. Rồi trường tiểu học, THCS của xã Mỹ Tân và gần đây là trường THCS- THPT ở xã Mỹ Lợi B cũng mang tên Ngô Văn Nhạc.

Tôi gọi điện cho người bạn học cùng lớp thời THPT, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lợi A, hỏi thăm nhà người con trai đầu lòng của Liệt sĩ Ngô Văn Nhạc trong Tổ thương binh Anh hùng. Bạn nói: “Anh Hai Hồng vẫn còn sống, nhưng bệnh nặng lắm, nằm một chỗ rồi! Đường vô nhà hơi khó tìm. Hôm nào bạn muốn vào nhà thì mình cử cán bộ xã dẫn vào…”. Tôi bảo tôi đi một mình được. Anh Hai còn sống là tôi mừng lắm rồi, dù đường đi khó thế nào tôi cũng đi được.

Qua hai lần hỏi thăm đường, tôi cũng vào được nhà anh. Nhà anh ở trong con rạch nhỏ mà bà con thường gọi là rạch Ngô Văn Nhạc, vì nhà ba má anh trước nay cũng ở trong con rạch ấy. Nghe giới thiệu đó là ngôi nhà do các bạn Trường Học sinh miền Nam số 8 xây tặng. Thì ra, trong kháng chiến chống Mỹ, chủ ngôi nhà này hồi niên thiếu từng ra Bắc học.

“Chú kiếm ai?” - một ông già cao, gầy, tóc hoa râm, mặc quần đùi, vẻ lam lũ hỏi tôi. “Dạ, con tìm nhà anh Hai Hồng”. “Tui là Hai Hồng đây!”. Ôi, người còn lại của Tổ Thương binh Anh hùng đây sao? Một con người ở tuổi 16 - 17 từng chiến đấu dũng cảm trong đội hình của Tiểu đoàn 514, rồi bị thương, về xã Mỹ Lợi, gia nhập Tổ thương binh chiến đấu do ba mình chỉ huy, với khẩu carbin, cùng ba và chú Mười Đẩu bẻ gãy hàng chục trận càn của địch, tiêu diệt ngót trăm tên.

Tôi theo anh vào nhà. Nhà trống trước trống sau. Đồ đạc không có gì, ngoài chiếc bàn thờ cũ kỹ, hai chiếc giường ọp ẹp. Khi biết tôi đến từ  trường mang tên ba anh, anh lẳng lặng vào trong đem ra chai rượu đế nhỏ, rót vừa đủ hai ly. “Em nghe nói anh bị bệnh, sao còn uống rượu?”. “Bệnh sơ sơ mà. Vết thương sọ não ngày trước hành. Với lại tui bị tiểu đường mấy năm nay. Gặp chú, uống một ly cho ấm bụng. Không sao đâu!”.

Và vẫn kiệm lời, anh nói về những điều tôi muốn biết. Anh chậm rãi kể:

“…Tui vô Tiểu đoàn 514 đầu năm 1967, vừa tròn 16 tuổi. Tui hơi lớn con nên khai 17 tuổi mới được đi. Đánh gần một năm, tui bị thương đầu, về xã. Lúc ấy ba tui đang làm Xã đội chánh. Vùng Mỹ Lợi những năm ấy chiến tranh rất ác liệt,  bom pháo dữ dội, Mỹ - ngụy càn quét liên tục.

Lực lượng du kích mình mỏng lắm, tránh địch là chủ yếu chứ không chủ động đánh chúng.... Chú Mười Đẩu làm ở Công trường Chế tạo vũ khí. Trong một trận chiến đấu, chú bị thương, cụt cả hai chân. Tình hình căng thế này, chống càn liên miên mà có thương binh như chú trong đơn vị quả là bất tiện, chứ không nói là một gánh nặng.

Đơn vị chú lúc ấy có chủ trương đưa chú ra ngoài chợ, giả làm chiêu hồi để sống “hợp pháp”. Chú cương quyết không đi. Chú khóc, bảo: “Tôi sống chết với Đảng, với đồng chí mình. Các anh khỏi phải lo cho tôi. Tôi tự lo, tự chiến đấu. Địch vào, tôi đánh bằng lựu đạn. Tôi thà hy sinh chứ không ra sống với giặc, dù là giả chiêu hồi!”.

Ba tui nhận chú về xã, thành lập Tổ Thương binh chiến đấu. Như vậy, tổ thương binh của xã có 3 người nhưng chỉ có … 3 chân. Ba tui có 1 chân, tui có 2 chân. Chúng tôi bày trận địa chống địch.…Tui đánh bằng súng trường, cách vị trí trung tâm, chỗ chú Mười Đẩu 400m. Ba tui đánh bằng súng trường và lựu đạn, cách 200m. Chú Mười Đẩu đánh bằng lựu đạn, chủ yếu là lựu đạn gài.

Trước trận địa, tụi tui gài đầy lựu đạn. Vừa đánh vừa nhử địch cho chúng lọt vào bãi lựu đạn gài. Chưa bao giờ địch chiếm được trận địa tụi tui. Có trận, cả tiểu đoàn Mỹ suốt tuần đánh mà không vào được, đành rút lui.…Có trận, địch vào rất gần sau khi chúng phi pháo túi bụi vào tổ tui. Chiến đấu hàng tiếng đồng hồ mới đẩy lùi được chúng.

Khi địch rút, tui quay vào để xem chú Mười như thế nào. Tìm mãi không thấy chú đâu. Chợt thấy dưới mé mương có tiếng bì bõm. Thì ra chú Mười đang ở dưới đó. Cổ đeo túi lựu đạn, hai tay túm những bụi cỏ ven bờ mương để leo lên bờ, nhưng tất cả các bụi cỏ ven mương đã tróc sạch gốc mà chú vẫn chưa leo lên được. Tui kéo chú lên bờ, chú hổn hển cười: “Tao tính lội sang bên kia gài lựu đạn để đón tụi nó. Mương hẳm quá, lên không được”.

Tôi hỏi anh về trận địa năm nào. Anh nhìn tôi, cười độ lượng, thông cảm về lớp hậu sinh rồi nói tiếp: “Trận địa là đây chứ còn đâu nữa. Con rạch trước mặt mình là trận địa. Nền nhà mình đang ngồi, ngày xưa là công sự. Bên kia rạch, cách đây chưa đầy 100 mét là chỗ ba tui và chú Mười Đẩu hy sinh!”.

Anh chùn giọng xuống, mắt hướng sang bên kia rạch, châm điếu thuốc. “Bọn chúng có dám càn vào đâu. Chúng dùng hàng đàn trực thăng bắn như trút đạn. Tổ tụi tui triển khai đội hình chiến đấu, vì nghĩ là bắn xong thì địch sẽ đổ bộ hoặc lính chủ lực từ lộ 4 tràn vào. Tui ra vòng ngoài, ba tui và chú Mười ở vòng trong, như thường lệ. Không biết hai ông suy tính như thế nào mà lại cùng nhau bè xuống mương, di chuyển về hướng lộ 4.

Có lẽ hai ổng đoán địch sắp tiến vào từ hướng ấy nên triển khai hướng chặn địch. Trực thăng phát hiện, vãi đạn xuống. Ba tui và chú Mười chết, khi chưa kịp lên bờ. Địch bắn xong, không đổ bộ. Tui trở vào tuyến trong, không thấy ba tui và chú Mười trong công sự. Sau đó mới tìm thấy hai người ở dưới mương, nước đỏ màu máu…”.

Giọng anh vẫn nhỏ nhẹ, đều đều: “Chết như vậy mới tức chứ! Đánh không biết bao nhiêu trận, có những trận đụng trực tiếp với địch, cách chỉ một tầm quăng lựu đạn, địch kinh hoàng tháo chạy. Vậy mà bị máy bay trên trời bắn trúng…

Khi tổ thương binh, chú Mười Đẩu và ba tui được phong Anh hùng xong, cấp trên không cho tui cầm súng chiến đấu nữa mà bắt tui ra Bắc học. Tui không chịu. Tui muốn được tiếp tục chiến đấu để trả thù cho ba, cho chú nhưng mệnh lệnh thì phải chấp hành. Ra Bắc, tui học chẳng tiếp thu được gì vì vết thương sọ não hay tái phát, làm tui hay mất trí nhớ. Khi trái gió trở trời lại lên những cơn kích động thần kinh.

Tui nằng nặc đòi về quê chiến đấu tiếp tục. Khi cấp trên cho về thì vừa lúc sắp giải phóng miền Nam. Về tới quê thì không còn giặc để đánh nữa. Tui trả súng, về làm ruộng. Các chú, các bác lãnh đạo kêu tui ra làm cán bộ chính quyền, tui từ chối. Tui nghĩ, đất nước có giặc thì đi đánh giặc, giờ hết giặc rồi thì về làm ruộng thôi! Với lại, làm sao biết trước được cái vết thương trên sọ lúc nào lại giở chứng…”.

Tôi hỏi anh về những huân chương, danh hiệu anh được tặng, anh lắc đầu: “Cũng có mấy cái, cả danh hiệu dũng sĩ nhưng mất hết rồi. Mối ăn. Rách, mục vì thời gian”. Quả thật, nếu những ai không biết về quá khứ của anh thì chẳng bao giờ nghĩ anh là người còn lại của Tổ Thương binh Anh hùng, người từng được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến, Chiến sĩ thi đua Quân Giải phóng… Trong nhà anh bây giờ hoàn toàn không có một tấm giấy chứng nhận, một tờ giấy khen…

Từ biệt anh, tôi về trường của mình - trường THCS và THPT Ngô Văn Nhạc. Tâm trí tôi cứ ám ảnh hoàn cảnh của anh: một ngôi nhà không có đồ đạc gì có giá trị; một gia đình với người chồng là một thương binh 4/4, bị bệnh tiểu đường, thị lực đã giảm; một người vợ bị tai biến mạch máu não, nằm một chỗ; một đứa con gái bị bệnh tâm thần, suốt ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Sự sống của gia đình ấy chỉ trông cậy vào suất trợ cấp thương binh 4/4 với hơn tám trăm ngàn đồng mỗi tháng. Và hình ảnh rõ nét nhất là người đàn ông đầy nghị lực: “Ngày xưa gian khổ gấp trăm lần mà vẫn vượt qua được, chẳng lẽ bây giờ lại đầu hàng à!?”. Với tôi, anh quả là Anh hùng!                      

NGỌC THANH
(Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Ngô Văn Nhạc)


(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 432
  • Khách viếng thăm: 414
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 102713
  • Tháng hiện tại: 1968492
  • Tổng lượt truy cập: 48342619