Ký ức Trường Sa: Chuyện về những người lính đảo

Đăng lúc: Thứ tư - 27/02/2013 10:12
Tôi mang về đất liền cho mình rất nhiều những kỷ vật từ Trường Sa. Một chiếc mũ và một chiếc áo Hải quân. Những hòn đá san hô nhặt từ các đảo. Một quả bàng vuông còn tươi xanh dù phải mất mấy ngày lênh đênh trên sóng biển. Những vật dụng cá nhân mà tàu HQ.996 cấp phát mỗi thành viên trong đoàn công tác. Mỗi thứ với tôi đều đầy ắp những kỷ niệm. Nhưng quý hơn hết, với tôi là quyển sổ ghi chi chít những cái tên, những chữ ký, những số điện thoại của những người lính Trường Sa mà tôi có dịp gặp gỡ mà có thể chỉ một lần trong đời.
Nhà thơ Hữu Nhân với trung úy Nguyễn Đức Lũy (trái) trung úy Nguyễn Duy Chinh trên đào Trường Sa
Mỗi cái tên người lính hiện ra trong ký ức tôi là một câu chuyện có khi chỉ là vài câu ngắn ngủi thôi mà ăm ắp tình người. Câu chuyện ám ảnh tôi trong suốt chuyến ra Trường Sa lần này là chuyện về Điểm trưởng điểm Tốc Tan C – Thượng úy Phạm Văn Phương.
Đảo đá Tốc Tan là là một bãi đá có chiều dài 29Km, rộng 7km. Khi thủy triều xuống có một số đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Những khi biển động, cụm bãi đá này có thể phát hiện từ xa nhờ sóng biển tung bọt vào bờ san hô trắng xóa. Công binh Hải quân Việt Nam đã xây dựng trên nền san hô của cụm bãi đá này ba tòa nhà lâu bền cách nhau từ 4 – 6 hải lý: một ở thềm san hô phía Tây Bắc (nhà B), một ở thềm san hô phía Bắc (nhà C), một ở thềm san hô phía Đông Nam (nhà A) tạo thành một trong những vị trí vững chắc phía nam quần đảo Trường Sa. Hôm ghé thăm Tốc Tan C, nhìn Thượng úy Phạm Văn Phương lúc nào cũng tươi cười đón tiếp, trò chuyện, ký tên vào sổ lưu niệm của nhiều thành viên trong đoàn thoạt đầu không ai nghĩ rằng người sĩ quan hải quân này giữa trải qua một mất mát lớn trong cuộc đời mình. Một tuần trước, ở trong đất liền đứa con gái đầu lòng của anh mới được ba tuổi vừa qua đời vì một căn bệnh ung thư. Trong giọng nói ấm và trầm của một người từng quen chịu đựng, anh kể: Khi biết con mình mắc bệnh, vợ chồng mình đã đưa cháu đi chữa trị nhiều nơi mà không khỏi. Mình đoán biết trước sau cũng có ngày ấy nhưng mà sao nó lại đến nhanh quá. Tháng 8/2012 này là mình hết hạn công tác ngoài này. Được về với đất liền gần con rồi. Vậy mà cũng không kịp. Bữa trả phép trở lại đảo, phải lén con mới đi được vì đứa bé đã biết hờn giận bố mình.
Thỉnh thoảng, tôi lại nhìn thấy anh cắn chặt đôi môi như cố nén lại tiếng nấc đang ầm ầm như sóng biển trong lồng ngực mình. "Nghe tin con gái, đau lòng lắm. Nhưng anh em, đồng đội ở đây xúm xít động viên, chia sẻ, an ủi nên mình cũng nguôi ngoai. Hơn nữa, ngoài đảo thì ai chẳng có những hoàn cảnh nghiệt ngã riêng. Nào phải đâu mình. Điện thoại về động viên gia đình thôi. Rồi tất cả sẽ đi qua". Chuyện riêng là vậy nhưng khi bước vào hội trường báo cáo tình hình với các đồng chí lãnh đạo trong đoàn công tác thì giọng anh sang sảng, mạch lạc. Phần đề xuất hỗ trợ thêm anh chỉ yêu cầu ấp trên tăng cường thêm cho đảo các phương tiện, thiết bị tối tân hơn nữa, để Tốc Tan C điều kiện kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vùng biển…
Chuyện của Thượng úy Phạm Văn Phương khiến tôi chợt nhớ một chuyện khác tương tự khi cách đó mấy bữa, đoàn chúng tôi được ghé thăm Trường Sa Đông. Đảo này cách cảng Cam Ranh khoảng 260 hải lý, có chiều dài khoảng 200 mét, nơi rộng nhất khoảng 60 mét, nơi hẹp nhất khoảng 15 mét. Đặc biệt hơn, Trường Sa Đông lại nằm trên một bãi san hô có bề mặt không bằng phẳng nên khó xác định được chỗ nông sâu gây nguy hiểm cho tàu, xuồng vào bờ khi thủy triều cạn. Đoàn chúng tôi lên đảo đúng lúc thủy triều xuống nên các thành viên phải nhanh chóng rời đảo về tàu. Trong số những chiến sĩ, sĩ quan trên Trường Sa Đông ra cầu cảng tiễn chúng tôi xuống xuồng về tàu, tôi bắt gặp một sĩ quan đang còn cài băng tang trên ngực áo. Đó là thượng úy Nguyễn Thế Nghiệp. Hỏi ra mới biết, ở trong đất liền mẹ anh vừa mất hơn tháng nhưng không về được. " Nhiệm vụ mà anh. Đã xác định Đảo là chiến trường thì những người lính chúng tôi không thể vì bất kỳ lý do nào để bỏ chiến trường cả".
Trung úy Hoàng Văn Sinh, chính trị viên đảo Đá Tây là một trong số ít những sĩ quan sẵn sàng chia sẻ cùng chúng tôi nhiều câu chuyện về đời sống của người lính trên đảo. Qua anh, tôi càng hiểu thêm những khó khăn, gian khổ của người lính Trường Sa. Nói chuyện khó khăn thì ở Trường Sa trước hết phải nói đến chuyện thiếu thốn nước ngọt. Khí hậu ở đây khắc nghiệt vô cùng. Có năm lên đến 130 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên. Mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Nước ngọt dùng cho sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa. Vì vậy, vào mùa khô thường kéo dài từ tháng 02 đến tháng 05 thì nước ngọt phải hết sức tiết kiệm. Từ chuyện tắm rửa, giặt giũ đến tưới rau phải tính toán từng chút một. Ngồi chung xuồng với Thiếu tướng Chuẩn đô đốc Hải quân Đinh Gia Thật từ đảo Đá Tây ra thăm khu nuôi trồng thủy sản trên biển, nói chuyện về nước ngọt ở Trường Sa, ông chia sẻ: "Có khi thiếu nước, hai ba ngày mới được tắm. Tắm nắng bằng cách chơi thể thao cho ra mồ hôi. Xuống biển tắm lại. Rồi mới lên bờ xối nước ngọt cho sạch. Nước đó tận dụng tưới rau xanh. Giặt giũ cũng vậy. Nước ngọt chỉ dùng xả lần sau cùng. Sau đó cũng dùng tưới rau".
Một cái thiếu khác với người lính Trường Sa là rau xanh. Theo Thiếu úy hậu cần Đặng Hùng Dũng của đảo Phan Vinh là một trong những đảo có cây xanh ở Trường Sa thì mỗi tháng anh em chiến sĩ tự túc được khoảng 200kg rau tươi. Cũng như các đảo khác, chủ yếu vẫn là các loại rau như rau muống, rau lang, bầu, mướp, bí đao, mồng tơi… Nhưng cũng chỉ vài ba tháng trong năm. Còn lại thì "chuyên trị" đồ hộp. Gần 2 năm công tác tại Phan Vinh, anh nhận ra một điều rằng tình cảm đồng đội và tình cảm của những người từ đất liền chính là những điều thiêng nhất khiến cho "những người lính trẻ măng tơ – nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi" như anh vượt lên tất cả mọi khó khăn, gian khổ.
"Người lính đảo không có thời gian nhiều khi về đất liền nên chuyện 30 tuổi chưa có người yêu với chúng em là chuyện bình thường". Thiếu úy Nguyễn Doãn Thọ, công tác trên đảo An Bang tâm sự. Mười lăm ngày hay một tháng về phép chưa kịp làm quen với cô gái nào thì lại tiếp tục nhận nhiệm vụ. Hôm chúng tôi ghé qua đảo, thì cũng là lúc còn 2 ngày nữa anh được vào đất liền học khóa huấn luyện về Rada hàng hải cho sĩ quan thông tin. "Được về đất liền thì cũng vui nhưng không nôn nao lắm đâu. Đi vài hôm thôi lại nhớ đảo liền hà". Đó cũng chính là tâm trạng của thiếu úy thông tin Trần Văn Công trên đảo Đá Tây. Ra đảo được 1,5 năm. Hết thời gian công tác theo quy định anh tình nguyện ở lại tiếp tục phục vụ. "Quen với đảo rồi. Về nhà nhớ lắm. Mỗi năm về Hải Phòng thăm vợ con mươi ngày, một tháng rồi lại đi. Được cái là bà xã cũng thông cảm, chia sẻ"
Nhưng chuyện thiếu nước, thiếu rau đó cũng chỉ là chuyện xảy ra ở các đảo chìm, những nơi không có điều kiện trồng trọt. Còn ngay bữa đầu tiên đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, "thủ đô của huyện đảo Trường Sa" sau khoảng 60 giờ lênh đênh trên sóng biển, tôi lại cảm nhận một điều khác. Đó là tình cảm của người ở đảo xa với người từ đất liền ra. Chỉ vài phút ngỡ ngàng ban đầu thì khách chủ tự dưng thân thiết như cùng chung một gia đình, một đơn vị. Trên đảo có mạch nước lợ nằm sâu 2 mét dưới lòng đất nên thuận lợi cho việc tưới cây, tắm rửa, giặt giũ. Thiên nhiên quả thật ưu đãi cho con người trên Trường Sa lớn. Thực vật ở đảo Trường Sa lớn rất phong phú. Ngoài "đặc sản" cây bàng trái vuông, ở đây còn có cây phong ba, xương rồng, phi lao, muống biển và nhiều loại cây cỏ thân mềm, cỏ lá kim khác. Đi khắp đảo Trường Sa lớn, đâu đâu tôi cũng nhìn thấy màu xanh bất tận của các vườn rau đủ loại. Có cả màu xanh của chuối, xoài, đủ đủ và một vài loại cây ăn trái khác. Sức sống mãnh liệt của Trường Sa dường như luôn tiềm ẩn đâu đó trong từng khuôn mặt từ Đảo trưởng – Thượng tá Đinh Quang Hải, Thiếu tá Chính trị viên phó Lương Xuân Giáp đến những người còn trẻ tuổi đời, tuổi quân như trung úy Nguyễn Đức Lũy, trung úy Phạm Văn Tâm… Tất cả đều sống chết với một mệnh lệnh thiêng liêng, là tình cảm thật xuất phát từ thẳm sâu trong cõi lòng mình. Đó là "Đảo là nhà, biển cả là quê hương".
Hữu Nhân
(Theo vannghesongcuulong.org.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 210
  • Khách viếng thăm: 203
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 26708
  • Tháng hiện tại: 2471598
  • Tổng lượt truy cập: 48845725