Cả sơn nguyên trong một chiếc gùi

Đăng lúc: Thứ tư - 20/02/2013 09:36
Tôi luôn bị ám ảnh bởi chiếc gùi trên vai của người phụ nữ vùng cao. Nhiều khi tôi sững người, tự hỏi họ gùi chi mà trầm mặc đến vậy...
 
Người phụ nữ M’nông ở hồ Lăk, Dăk Lăk, đi hái ngó sen dưới hồ lên.

Chiếc gùi là hình ảnh có thể thấy hàng ngày ngay trên đường phố Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Pleiku, An Khê, Buôn Hồ, Bảo Lộc, Đà Lạt. Động cơ xe cộ xuôi ngược chảy theo dòng dưới lòng đường, thì họ xuôi ngược theo dòng của họ trên vỉa hè. Đi "phố" mà vẫn cứ an nhiên với chiếc gùi. Chẳng hiểu có sẵn một ý thức về luật giao thông từ trong máu hay một khả năng nhận thức trời cho về trật tự đi đứng mà bao giờ họ cũng đi thẳng hàng. Không bao giờ thấy họ giăng hàng ngang, đi năm ba hàng, hay đổ xuống lòng đường. Trên chiếc gùi đó, chuyến ra là đầy cả một gùi bắp, phong lan, hay quả bí, nhánh chuối, mớ sắp ong, hay đôi trái bầu hồ lô; còn chuyến về là một gùi quần áo, bột giặt, thực phẩm công nghiệp… Cũng không bao giờ thấy họ vừa đi vừa đùa giỡn. Họ không bao giờ vứt rác ra đường. Không bao giờ họ muốn gây chú ý. Cũng hiếm thấy nụ cười. Họ lặng thinh mà đi, bước thật êm, khoảng cách thật đều. Họ đi theo dòng tự nhiên của sinh hoạt và sinh tồn, đời sống bình dị lặng trôi. Họ đàng hoàng và tử tế đến mức làm chúng ta hổ thẹn về ý thức nơi công cộng, văn hoá ở đô thị. Ăn mặc của họ không bóng láng, môi má họ không son phấn, nhưng sự nhỏ nhẹ của họ khi bán hàng và mua hàng thì muốn học theo cũng khó. Sự ngắn gọn và giản dị trong thông tin họ đưa ra cho phía tiếp nhận khá nhanh, nên thường không cần trao đi đổi lại nhiều, và cũng không phải đối phó trong chuyện bán mua.

Một khả năng đi bộ siêu phàm. Chỉ toàn là phụ nữ.

Họ bền bỉ hơn khi ngược xuôi trên những con đèo. Họ bước ra từ cửa rừng, bước lên từ mảnh ruộng. Bóng họ đổ xuống thảo mộc, còn chân thì giẫm nát cần lao. Những người đàn bà Mạ trên đèo Quảng Khê (Dăk Nông); K’ho trên đèo Đinh Trang Thượng, Bảo Lộc, đèo Chuối; M’nông trên đèo Nam Ka; Ê Đê trên đèo Ea H’leo; Chu Ru trên đèo Dran… Những gùi bắp, gùi lá môn, gùi củ rừng, gùi trái cây, gùi con heo, gùi con gà, gùi củi, gùi măng lồ ô, gùi lá bép, gùi cây chổi đót, gùi những chai nước... cứ hiện lên theo tiết trời, hay từng mùa mưa nắng.

Chẳng riêng trên những con đèo kia đâu. Khắp nơi nơi, chỗ nào còn làng, bon chỗ đó còn chiếc gùi. Chỗ nào có phụ nữ chỗ đó có chiếc gùi. Nó hiện ra mỗi ngày ở những rẻo cao nguyên M’nông, Di Linh, M’Drak, Ayun Ba, hay Nhân Cơ, Tân Rai, Đạ Tẻh, Dăk Rlap, Lăk, Romen, Sa Thầy, Ngọc Hồi, vào tận xa tít Đinh Trang Thượng, Tu Tra, Pró, Lộc Lâm, Sơn Điền, Gia Bắc, Kon Rẫy, Kon Plong, Chư Prong, Chư Pảh... Mà cớ sao gùi cái gì trên lưng họ cũng lặng lẽ thế nhỉ. Đi lặng thinh, nhưng có khi trong đó là cả một gùi vui. Và làm sao không có lúc là cả một gùi buồn. Họ gùi cả nương đồi, núi cao, rừng thẳm, thung sâu. Họ gùi mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây. Họ mệt nhoài nhưng mãnh liệt. Họ gùi từ quá khứ cho đến hiện tại, tương lai. Nhìn đôi mắt mênh mang, vô cùng, trong vắt thiên nhiên của họ kìa. Ngắm đôi chân mòn chai vì lội bộ của họ đi.

 

 
Đàn bà K’ho ở Di Linh (Lâm Đồng) đi lấy củi về.

Đời mỗi người phụ nữ không biết phải qua bao nhiêu cái gùi như vậy nhỉ. Bốn năm tuổi đã thấy chiếc gùi be bé trên lưng; đến 60, 70, 80 tuổi mà vẫn thấy gùi lang thang trên đường. Gùi cho đến khi nằm một chỗ trên giường thì mới tạm rời chiếc gùi. Và cho đến khi chết đi thì mới vĩnh biệt chiếc gùi. Họ gùi niềm kiêu hãnh của họ, sự vĩ đại của họ, và cả số phận của họ. Họ gùi từ xã hội công xã bộ lạc vào xã hội bán khai, từ bán khai vào xã hội cộng hoà, từ xã hội cộng hoà vào thời đại toàn cầu hoá. Có một sự cứng rắn huyền ảo trên đôi lưng kia. Chẳng có tượng đài nào hay ho nhất về Tây Nguyên bằng tượng người phụ nữ gùi cả. Hình ảnh họ hiện ra trên sườn núi, dưới thung sâu, ven sông, ven suối. Và đường về làng đẹp như một bản hoan ca. Chiếc gùi làm sống động đời sống người sơn cước, làm lung linh nền kinh tế rẫy nương, nó vận vào nhà sàn, nó vận hơi thở, tâm hồn của người làng, bon. Chiếc gùi ám ảnh hình ảnh xã hội và văn hoá người miền thượng, đến độ các điểm du lịch dùng ngay nó để kiếm tiền: cho du khách mang vào để chụp ảnh lấy tiền. Nó có ý nghĩa và giá trị văn hoá đến độ giờ đây người ta lùng sục vào các làng buôn để sưu tập gùi. Những bảo tàng tư nhân do người đến từ đồng bằng lập ra về vật dụng người miền cao ngày càng nhiều, nhưng sẽ vô nghĩa nếu thiếu chiếc gùi.

Mọi thứ đã quét qua đất nước Việt Nam, thì cũng quét qua Tây Nguyên này, từ công nghệ và cơ khí, khoa học và giáo dục, thay cây lúa rẫy bằng cây công nghiệp càphê, cao su, tiêu, điều, hoa, rau… Nền nông nghiệp hàng hoá thế chỗ nền nông nghiệp tự cung tự cấp, trao đổi cũ xưa. Mà chiếc gùi vẫn "sừng sững" trên vai của người đàn bà miền thượng. Sự hiện hữu của chiếc gùi kia cứ như thách thức kỹ thuật, văn hoá, và nhất là lịch sử. Như Y Phôn, bạn tôi, nhạc sĩ viết về Tây Nguyên, rải ra từng lời: "Chị gùi tiếng gió. Chị gùi tiếng mưa. Chị gùi tiếng trống. Chị gùi tiếng chiêng. Chị gùi nhà sàn đơn sơ…" Bài hát có câu thâm hậu vô cùng: "Chị gùi bến nước ngày xưa". Dù lễ cúng bến nước không còn, hay lễ cúng mưa, cúng lúa mới cũng thế (vì nay đã trồng cây công nghiệp cả rồi!) thì tôi vẫn đoan chắc: cả sơn nguyên nằm trong… chiếc gùi đấy!

Nguyễn Hàng Tình
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 126
  • Khách viếng thăm: 118
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 16486
  • Tháng hiện tại: 258391
  • Tổng lượt truy cập: 67232882