Chuyện một người thương binh

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/07/2013 10:55
Tôi chạy xe dọc theo đường Trần Thị Thơm (Phường 9, TP Mỹ Tho) rợp mát dưới hai hàng xà cừ mà lòng cứ nôn nao làm sao khi sắp được gặp một người thương binh biết vượt lên số phận. Cuộc gặp gỡ như không hề hẹn trước, bỗng nhiên thấy một ông ngoài lục tuần đang đạp xe trên đường bằng một chân, một tay thì cầm một cây nạng bằng gỗ. Tôi thầm nghĩ: “Không lẽ ông trời giúp mình gặp người muốn tìm tại đây chăng?”. “Chú cho con hỏi nhà chú Bá thương binh ở đâu ạ?”, “Là tôi đây, chú em gặp tôi có gì không?”. Thế là tôi và ông tấp xe vào một quán cà phê bên đường. Cảm giác đầu tiên khi tiếp xúc với ông Bá là vẻ điềm đạm, lời nói chậm rãi, cẩn trọng nhưng lại hóm hỉnh và gần gũi.
Ông Nguyễn Văn Bá đang chăm sóc cây

Ông Nguyễn Văn Bá đang chăm sóc cây

Ông hướng mắt nhìn ra dòng kênh, cứ để dòng hồi tưởng hiện về như một dòng chảy không ngừng. Và tôi đã đắm hồn trong câu chuyện kể của ông…

*

Quê ông ở Mỹ Trung - Cái Bè,  nơi có những cánh đồng mênh mông, bát ngát, những dòng sông suốt năm không ngủ yên, những bầy trâu đen ngộm, những ruộng lúa ngập nước… Rồi mảnh đất yêu dấu, yên ả ấy đã bị chiến tranh cày nát. Kể cho tôi nghe về trận đánh cuối cùng, tâm trí ông Bá như vẫn còn ghi rõ hình ảnh kinh hoàng của trận chiến đêm ấy. Những ánh sáng chớp rực lửa, tiếng kêu la gào rú của những người trong xóm, từng đám khói ngùn ngụt bốc cao… Trong sự hỗn độn ấy, ông thấy rõ những bóng người mặc quần áo lính ngụy tiến tới lăm le súng ống như những bóng quỷ dữ. Ông Bá toát mồ hôi khi sực nhớ bên người ông chỉ có duy nhất một khẩu AK, một băng đạn. Những bóng người vẫn tiếp tục tới gần và bủa vây mọi hướng. Bằng sự nhạy bén của một người thanh niên tuy còn trẻ tuổi đời nhưng lại rất già giặn trong chiến đấu, ông nhanh trí hét lên: “Ném lựu đạn”. Rồi những tiếng thét xung phong vang dậy trong đêm tối. Bọn lính đánh thuê hoảng hốt lùi dần… Dường như không biết sợ là gì, ông Bá và đồng đội tiếp tục tấn công trong một cuộc chiến không cân sức. Lần lượt bảy thằng lính đánh thuê đã nằm xuống. Bỗng một loạt đạn vang lên… Đất cát xung quanh ông văng tung tóe. Ông Bá không kịp cảm nhận gì ngoài sự tê buốt của đôi chân. Chốc sau, định thần lại ông mới biết mình đã bị thương. Như có một sức mạnh vô hình trợ giúp, ông lấy lại bình tĩnh, buộc những vòng garo vào chỗ bị thương. Lúc ấy, một ý nghĩ từ đâu vụt bay đến thật nhanh: “Tao không chịu thua tụi bây đâu”. Bỗng nơi bụi rậm góc ruộng có tiếng xì xầm của một thằng lính: “Phải bắt sống cho được thằng đó. Nó là đảng viên, chính ủy viên đại đội, chưa được hai mươi tuổi”. Một gã khác lại nói: “Lính cách mạng nổi tiếng không sợ chết, đánh trận lỳ lắm!”, “Bữa nay gặp tụi mình nó phải chuồn thôi!”, tiếng thằng chỉ huy ra lệnh: “Rút!”. Thế là thoát!

Ca mổ định mệnh sau trận chiến đấu dũng cảm ấy đã lấy đi của ông Bá một chân. Ông vĩnh viễn trở thành người thương binh 1/4…

Sau đó, ông Bá được đưa vào trại điều dưỡng thương binh. Con số mười hai năm sống ở trại không phải ngắn và đã cho ông nhiều kỉ niệm đẹp. Cũng chính nơi đây đã vun đắp bao niềm hạnh phúc cho cuộc đời ông. Có một thời gian trong trại, ông bị vết thương hành hạ hàng tháng trời. Nếu không có người phụ nữ điều dưỡng ấy, thì… Giọng ông Bá trầm hẳn xuống, hơi nghẹn lại như cố nén cơn xúc động cứ chực dâng trào dù đã gần 40 năm. Rồi ông quay nhanh ra dòng kênh nói nhanh: “Uống cà phê đi chú!” .

Dù giọng kể của ông Bá rất lạc quan nhưng tôi vẫn cảm nhận được tháng ngày gian truân ông phải đi qua khi rời quân ngũ. Tất cả không dễ dàng đối với một người thương binh trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường bằng một thể xác không còn nguyên vẹn. Biết bao nỗi trăn trở hiện lên dằn vặt tâm hồn ông suốt ngày đêm không ăn ngủ được. Nào là mặc cảm với thương tật, rồi những ám ảnh của tiếng súng, của xác người… Có lúc ông muốn hét lớn, muốn chạy trốn khỏi cái thực tại khốn khổ đang ùa đến bủa vây ông. Nhưng rồi hình ảnh đồng đội ông lại hiện lên, hiện lên hằng đêm. Có người nhìn ông bằng ánh mắt thương yêu an ủi, có người nhìn ông buồn bã trách móc. Nhưng lạ một điều, hình như những ánh mắt không ai muốn bỏ ông hết. Cả những người sống nữa. Đảng, chính quyền, đoàn thể, bà con lối xóm… ai cũng dang rộng vòng tay đón lấy ông, tại sao ông lại thất chí?

Vậy là, ông Bá dần dần biến thành một người khác. Trái tim ông đã hé mở đón nhận tình yêu thương của cuộc sống dành cho mình. Lý trí bừng dậy trong ông một ý chí vươn lên với bao lẽ sống mới mẻ đầy khát vọng tương lai. Ông đã nhiều lần suy nghĩ: “Mình còn may mắn nhiều so với các đồng đội khác”. Tâm hồn vốn đã bị tổn thương ấy, tinh thần bấn loạn ấy còn được xoa dịu bởi một “liều thuốc tiên” kỳ diệu. Đó chính là cô điều dưỡng dịu dàng dễ mến, ngày đêm cận kề chăm sóc cho ông cả vết thương thể xác lẫn vết thương tâm hồn. Suốt đời ông Bá không thể quên ngày đẹp trời ấy! Khi đang giúp ông đưa  những muỗng cơm vào miệng, cô hỏi rất khẽ vừa đủ cho hai người nghe: “Anh có người yêu chưa?”. Câu hỏi làm ông Bá giật mình, cúi mặt đáp: “Người như anh, ai mà thương, ai mà yêu cho khổ vào thân vậy em?”. “Anh nói như vậy chắc những người như anh sống một mình suốt đời sao?”. Cả hai im lặng không nói thêm gì nữa. Nhưng câu nói ấy làm lòng ông xao xuyến, xúc động trào dâng, thao thức suốt đêm không ngủ được. Tôi đã kịp thấy những dòng lệ cứ ứa ra từ đôi mắt đầy vết chân chim dù ông Bá cố giấu khi nhắc lại kỷ niệm ấy. Một lúc sau ông mới lấy lại bình tĩnh kể tiếp: “Từ hai trái tim xa lạ, sau thời gian tìm hiểu đã đồng cảm nhau và cuối cùng hòa quyện thành một. Chúng tôi đã tự nguyện sống bên nhau tới tóc bạc răng long…”. “Thú vị quá hả chú, y như tiểu thuyết vậy?” - Tôi đùa. Ông Bá cười ha hả rồi bưng ly nước uống một hơi cạn…

Ông Bá quả là người có một nghị lực phi thường trong cuộc sống. Tiếp xúc với ông, tôi thấy lúc nào cũng đầy ắp niềm lạc quan, yêu đời. Giờ đây, ông không còn bi quan trước cuộc sống thực tại, luôn cố phấn đấu vùng vẫy để trở thành người có ích cho đời. Có lẽ phẩm chất này đã được rèn luyện từ trong chiến đấu. Và ông đã chứng minh được điều đó…

Năm 1990, bằng số tiền ít ỏi dành dụm được từ tiền lương thương binh, hai vợ chồng ông Bá đã mua được miếng đất nhà ở đường Lộ Ma để cất nhà và mở tiệm tạp hóa. Nhưng thời buổi kinh tế khó khăn thời ấy, hàng bán ra mà không thu vốn lại được bao nhiêu. Vợ chồng ông tiếp tục mua hai công đất vườn ở xã Tân Mỹ Chánh (hiện nay là Phường 9) để chuyển hướng trồng trọt, chăn nuôi. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng tạo bước ngoặt chuyển biến trong cuộc đời của ông. Chính nhờ mảnh vườn mà cuộc sống hai vợ chồng ông vươn lên mỗi lúc thêm khá giả, lo cho con cái ăn học đầy đủ. “Nhưng cũng không dễ dàng đâu! Cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt đó nghe chú!”. Hằng ngày, hai vợ chồng ông phải thức khuya dậy sớm, chăm lo cho những cây nhãn đang lớn từng ngày. Có hôm ông xách hằng trăm xô nước để tưới, rồi phải lặn lội xuống mương để lấy đất bồi gốc nhãn. Cạnh đó, ông Bá còn trồng xen canh hoa màu. Đặc biệt, với mô hình nuôi thỏ của ông rất có hiệu quả, được cả vùng biết đến và đã giúp gia đình ông đổi đời, thoát khỏi tháng ngày nghèo khó. Năm 2000, ông được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tặng bằng khen nông dân sản xuất giỏi. Ông Bá đã biết vượt lên chính mình, một tấm gương: “Tàn nhưng không phế”. Ngày xưa ông đánh giặc giỏi, giờ làm kinh tế cũng không thua ai. Ông đã đem lại những niềm vui, vun đắp cho một tổ ấm đầy đủ như bao con người lành lặn khác. Điều tâm đắc nhất trong cuộc đời ông Bá là nuôi dạy hai đứa con trai ăn học đàng hoàng, có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống bản thân và có hiếu với cha mẹ. Đối với ông, hy sinh cho con cái là niềm vui lớn nhất khi quay về cuộc sống đời thường.

Ngoài những công việc thường ngày như bao người khác, ông Bá còn tham gia đóng góp một phần sức lực của mình cho công tác xã hội. Hiện ông là Bí thư Chi bộ Khu phố 3, Phường 9, TP Mỹ Tho. Ông đã xây dựng chi bộ bảy năm liền đạt danh hiệu: trong sạch, vững mạnh toàn diện tiêu biểu. Uy tín của ông tại Đảng bộ Phường 9 cũng đã được khẳng định. Bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng lại một lần nữa được phát huy tối đa trong thời bình. Dù ở mặt trận nào đi nữa, ông vẫn là người kiên cường, bình tĩnh, biết vượt qua mọi khó khăn, gian nan. Với những đóng góp của Nguyễn Văn Bá, ông được trao tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Hai; Huân chương Giải phóng Nhất, Nhì, Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  tỉnh Tiền Giang.

Tôi từ giã ông Bá ra về. Gió từ dòng kênh vẫn thổi lao xao trên ngọn xà cừ tạo nên một khoảng không gian ngoại thành yên ả giữa buổi chiều nghiêng nắng.

Như có gì quyến luyến trong lòng, tôi dừng xe quay đầu lại nhìn. Ông Bá vẫn đứng đó, bên dòng kênh xanh đầy bóng mát, vẫy vẫy tay với nụ cười đầy lạc quan, nhân hậu…

Thảo Trúc
(Ghi theo lời kể ông Nguyễn Văn Bá, Thương binh ¼, Phường 9, TP Mỹ Tho)
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 58

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 179
  • Hôm nay: 46734
  • Tháng hiện tại: 2279284
  • Tổng lượt truy cập: 46246517