Xóm đìa

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/02/2013 10:34
Vùng bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá… là vùng đất khai mở muộn màng nhất nước. Đặc điểm đó đã tạo ra những tập quán sinh hoạt lạ lẫm hơn nhiều vùng miền khác. Ví như mùa gió chướng mà dân vùng này gọi là mùa vui, mùa no ấm. Nó cũng kéo dài như mùa gặt, cũng vui như mùa gặt và lợi ích kinh tế, ở nhiều làng xóm, cũng không thua mùa gặt.

Hồi tôi còn nhỏ, nhà nghèo, mùa gió chướng nào cũng qua bên xóm Công Điền, thuộc xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu ngày nay để giữ trâu cho cô tôi. Hồi đó Công Điền là một cái xóm khỉ ho cò gáy, với những ngôi nhà lá thưa thớt nằm chụm đầu lên một con lung trời sinh ngoằn ngoèo và đầy lá dừa nước. Và cũng vì nó nằm ngay cái rún trũng nhất của một vạt đồng rộng có đến vài chục ngàn hecta, nên hàng năm, vào tháng 8 âm lịch, mưa già, sụt sùi suốt ngày đêm là xảy ra cơn lụt thường niên ở xóm Công Điền. Nước dâng cao đến ngập bụng trâu, lé đé nền nhà. Chính vì thế mà trồng lúa rất khó khăn, đồng đất quanh năm xanh rì cỏ năn xen kẽ từng chòm rừng lá, rừng mắm… Đất chỉ để cầm trâu và chim cò trú ngụ. Mùa sa mưa là chim cò về làm tổ rợp trời, nhặt một chút đã đầy một nón trứng chim.

Thế nhưng ông trời lại đối xử rất công bằng với người Công Điền. Khi gió chướng thổi, nước trên đồng bắt đầu cạn là cơ man cá đồng của cả vạt đồng mênh mông lũ lượt rút về xóm Công Điền. Đó là cá lóc, cá rô, cá trê, cá thát lát, cá sặt bổi rồi lươn, rùa, rắn… Tại các kênh rạch, biền trảng của xóm Công Điền, cá ăn móng như cơm sôi. Chính vì thế mà không biết tự bao giờ, đã hình thành một nghề làm ăn truyền thống của xóm là nghề đào đìa bắt cá. Mọi gia đình ở đây đều có đìa, nhà ít nhất thì hai, ba cái, nhà nhiều nhất có đến hơn mười cái. Nghề trồng lúa ở đây chỉ là nghề phụ, nghề đào đìa bắt cá mới là nghề chính. Chính vì thế mà dân quanh vùng gọi xóm Công Điền là xóm đìa, gọi riết rồi cái tên Công Điền chỉ còn trên giấy tờ.

Trong hơn mười cái đìa của cô tôi, có một cái đìa nổi tiếng nhất vùng gọi là khẩu đìa đôi. Nếu xóm đìa khét tiếng nhiều cá nhất xứ Bạc Liêu, thì khẩu đìa đôi nổi danh nhiều cá nhất xóm đìa. Khẩu đìa đôi đã làm rạng danh nghề đìa và đẻ ra sản sự nghiệp của cô tôi.

Chồng của cô tôi là dượng Tư Đại. Dượng chết già đã mấy chục năm rồi, vậy mà bây giờ về Vĩnh Trạch hỏi người lớn tuổi ai cũng có thể nói vanh vách về dượng. Đó là một ông già có đặc điểm gây ấn tượng khó phai đối với cư dân vùng này, do tánh khí thất thường và giỏi nghề đìa cá. Con cháu hay láng giềng đến nhà, có món ngon ông cho ăn hết. Nhà dượng nuôi cơm mẻ, trồng sả, ớt… rất nhiều, ai xin cũng cho. Đã thế dượng còn cho thêm cơm mẻ, hoặc cho một cây ớt con, mấy tép sả rồi dặn “cái này là để ăn liền, cái kia là để nuôi, để trồng”… Vài năm sau người đó đến xin tiếp thì dượng vào nhà lấy hũ cơm mẻ to ra để trên bàn rồi bảo: “Cơm mẻ tao nhiều lắm, ăn không hết, nhưng tao không cho, lần trước đã dặn tụi bây phải nuôi cơm mẻ để dành ăn rồi, giờ sao còn xin nữa?” Người đến xin mắc cỡ rồi về, chứ không thể giận dượng. Và người ta nhìn nhận dượng như một ông già Nam bộ đặc sản của một vùng đất tự sản tự tiêu.

Dượng Tư tôi từ miệt Vĩnh Long về vùng này gặt mướn rồi cặm ranh khai khẩu (đìa) như bao người khác. Thuở ấy đất ở xã Vĩnh Trạch là đồng hoang không cấy lúa được, toàn bọn trộm trâu và bối sông (cướp) trú ngụ. Dượng Tư tôi sức vóc hơn người, ông cặm ranh làm chủ 200 công đất hoang rồi che chòi ở để làm ăn. Lúc đó là nửa đầu thế kỷ 20, khi mà người Pháp đã đào xong hệ thống thuỷ lợi cơ bản ở vùng bán đảo Cà Mau, đã thông thương với Sài Gòn. Dân ở Tiền Giang và nhiều nơi về vùng này khai hoang rất đông. Nhà văn Sơn Nam nói rằng dạo ấy Huê kiều về nhiều làm cho chợ Bạc Liêu thêm phồn thịnh. Và cái phồn thịnh ấy được nhà báo Tạ Như Khuê viết trên tờ Thanh Nghị năm 1923 như sau: “Mấy ngày tết trên bến sông chợ Bạc Liêu ghe lườn, ghe bầu mua bán tấp nập, náo nhiệt…” Lúc này trên thương trường Nam kỳ lục tỉnh, vùng Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng là tỉnh lúa, tỉnh muối mà cá đồng, khô cá lóc, khô cá kèo, khô cá sặt bổi… đã vang danh. Ghe đục đáy chở cá đồng của Bạc Liêu đi bán tận Sài Gòn và còn xuất khô cá qua Mã Lai, Hương Cảng…

Dượng Tư tôi chẳng những sức vóc hơn người mà còn tháo vát, không biết có phải nắm bắt được nhu cầu thị trường lúc đó hay không, mà dượng đã đào nhiều cái đìa bắt cá đồng. Lúc đầu vì dân cư thưa thớt, sức vóc có hạn, dượng đào ít, rồi vần đổi công tát đìa bằng gàu dai. Đến khi nền công nghiệp cơ khí xuất hiện, dượng tôi mua máy bơm nước về để tát đìa thay cho tát gàu, rồi đào thêm những cái đìa để bắt cá. Trong những khẩu đìa mới đó có khẩu đìa đôi mà tôi đã kể. Đó là một khẩu đìa đặc biệt, chiều ngang nửa công (18m), chiều dài một công (36m). Vì nó rộng quá nên khi đào không thể dùng vá liệng đất lên như những cái đìa bình thường, mà dượng Tư tôi phải huy động mấy chục trai đinh trong xóm chuyền từng cục đất lên bờ, suốt từ tháng giêng đến mùa sa mưa mới xong. Năm đó khi dứt mưa, gió chướng về là khẩu đìa đôi rùng mình chuyển động. Không biết bao nhiêu cá đồng của vạt đồng mênh mông cứ kéo về ào ạt. Những nhà ở gần khẩu đìa đôi không sao ngủ được vì cá lóc táp bùm bụp suốt đêm. Năm đó tát khẩu đìa đôi, cô dượng tôi phải huy động cả xóm đến làm khô, làm mắm. Cá lớn thì chở đầy ba chiếc ghe lườn đục đáy đi lên Sài Gòn bán, tiền mang về đủ để dượng mua một bộ cột cam xe cất được ngôi nhà ba căn hai chái, to nhất xóm. Kể từ đó dượng Tư tôi được dân khắp vùng trọng thị, xem như một ông thầy đìa thượng thặng. Dượng đi tới đâu cũng có kẻ têm trầu mời dùng, cơm rượu ngày ba buổi.

Khẩu đìa đôi đã làm cả xóm ùn ùn đào đìa nuôi cá. Họ đào đìa to thế nhưng 100 cái đìa thì chỉ có thể đạt năng suất cá giống như một khẩu đìa đôi. Cùng kích cỡ như nhau, cũng hướng miệng đìa ra đồng… nhưng khẩu đìa đôi thu vài tấn thì khẩu đìa khác chỉ vài trăm ký cá. Vì thế mà khắp vùng bán đảo Cà Mau xuất hiện một nghề đặc biệt gọi là nghề thầy đìa. Đó là những con người mà chỉ cần lặn một hơi là biết khẩu đìa đó có bao nhiêu ký cá, xê xích chừng vài ký. Những ông thầy này được giới đìa cá đặc biệt kính trọng. Họ mời ông ta đến nhà, lập hương án giữa trời để thầy đìa tế trời tế đất, sau đó chỉ cho gia chủ hướng miệng đìa ra phía nào để thu được nhiều cá. Họ giống như nhà ngoại cảm nhìn trời, nhìn đất, nhìn gió thổi… mà biết được hướng cá sẽ đi vào mùa nước rút.

Đất giàu tôm cá đã sinh ra đời sống của mùa đìa. Đó vừa là bản sắc của vùng đất, vừa là tâm hồn của đồng ruộng làng quê sưởi ấm hồn người.

Khi thương thuyền Hải Nam của Trung Quốc cập bến Gành Hào, Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá… để bán đồ gốm, vôi ăn trầu, chai trét ghe… vào đầu thế kỷ 20 rồi mua lại bong bóng cá đường, sáp ong, khô bổi, khô lóc… một hướng đi mới được mở ra cho nghề đìa cá ở bán đảo Cà Mau. Gần như xóm làng nào cũng đào đìa bắt cá. Tất nhiên mỗi vùng có cách bắt cá khác nhau. Như ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, thì tát đìa cho cạn nước mới bắt cá, còn vùng Cà Mau, Rạch Giá thì chụp đìa. Nghĩa là họ dùng lưới hoặc đăng tre bao ví bắt cá trong đìa, và không chỉ đào đìa bắt cá mà người ta bắt cá ở những cái “đìa” tự nhiên. Đó là dân U Minh Hạ của Cà Mau, U Minh Thượng của Rạch Giá đấu thầu những con kênh giữa rừng rồi dùng lưới bao ví bắt cá. Hay mùa hạn họ vào giữa ruột rừng U Minh tìm những cái lung trời sinh mà tát bắt cá. Còn vùng Bạc Liêu thì đồng chó ngáp mênh mông, vào mùa hạn đồng khô cỏ cháy, đường xa lại giữa đồng hoang, dân bắt cá phải cho trâu kéo cộ chở theo gạo muối rồi dựng lều giữa đồng mà làm cá hàng tháng trời. Họ tìm những cái lung giữa đồng rồi dùng chân dậm, chỗ nào mà cá quẫy ột ệt dưới lòng đất là họ moi lên. Có những cái hầm cá đào để trú qua mùa hạn dài cả công đất, khi khui đất lên ở dưới không biết bao nhiêu là cá. Dân bắt cá che chòi rồi bắt cá làm mắm, làm khô, cho đến khi trâu kéo hết nổi mới hồi cố thổ. Trong lúc họ nấu ăn hay nướng cá thường làm cháy những đám cỏ khô rất dày ở cánh đồng chó ngáp, gây ra những vụ cháy lớn vài ngày, cháy từ sau tết đến mùa sa mưa mới tắt. Sáng thức dậy họ cứ đi sau mồi lửa cháy mà nhặt rùa rắn. Mà họ chỉ ăn đùm trứng rắn vừa bị lửa cháy lòi ra nóng hổi, còn thân rắn bỏ đó, đến khi cần thì nhặt nướng lại mà ăn. Đó là một loại khô rắn ngon cực kỳ.

Niềm vui ngày mùa đìa ở Bạc Liêu.

Niềm vui ngày mùa đìa ở Bạc Liêu.

Tôi qua xóm đìa giữ trâu cho cô tôi, nhưng hễ tới mùa đìa là cũng phải giúp. Khi gió chướng thổi, mưa dứt hạt, đồng bắt đầu khô là con cái trong nhà được giao ôm nóp lên đầu đất ngủ giữ đìa. Đó là mùa vui không thể tả của bọn trai tơ gái lứa chúng tôi. Đầu hôm một điệu hò, một câu vọng cổ cất lên, lan dài theo đồng ruộng là biết hôm nay có nàng bên ấy lên ngủ giữ đìa, thế là lân la sang chơi, nói lời trăng gió suốt đêm. Đói thì bắt cá lóc dưới đìa chất rạ nướng chấm muối cục và tập nhậu. Buồn nữa thì cả chục đứa xúm lại đàn ca. Một tháng giữ đìa đồng đất đã ghi biết bao nhiêu kỷ niệm ngọt mát tuổi thanh xuân.

Đến gần tết thì tát đìa, và chỉ còn cách là luân phiên vần đổi công chứ một gia đình không thể làm xuể. Hồi đầu thì cả chục thanh niên tát gàu sòng suốt ngày đêm mới cạn. Sau này có máy móc thì đỡ hơn nhưng cũng rất nhiều việc phải làm. Mỗi cái đìa cả tấn cá, có khi ở trên đầu đất, xa cả cây số phải gánh, phải lòi cá, thậm chí phải dùng trâu kéo cộ về nhà, sau đó thì lựa cho vào thùng rồi chở ra chợ Bạc Liêu bán. Bắt cá đìa cần phải có một đội quân hàng chục người. Đêm tát đìa đèn măng xông thắp sáng rực để cánh phụ nữ lựa cá, làm mắm, xẻ khô, đêm đó chủ đìa nấu món ăn thật ngon, có khi là rùa rắn, lươn, có khi là cá lóc nấu cháo dừa để cho cánh đàn ông phụ giúp nhậu rồi đàn ca suốt đêm. Những người đến giúp không nhận được tiền công mà chỉ nhận cá do chủ đìa tặng.

Mùa đìa ở những làng quê vùng bán đảo Cà Mau kéo dài bốn, năm tháng. Trong những tháng ấy làng xóm chộn rộn, sôi động suốt ngày đêm tiếng máy tát đìa, tiếng đàn ca ở những tiệc nhậu, tiếng í ới gọi nhau… Mùa tát đìa thật sự là mùa vui, nhà nào cũng tiền bạc rủng rỉnh. Xóm đìa giàu lên rất nhanh, trước giải phóng có hơn nửa xóm là nhà tường.

Những người khai mở vùng bán đảo Cà Mau là người tha phương cầu thực. Họ phải đối diện với hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội cực kỳ khó khăn. Thiên nhiên là muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh, còn xã hội thì loạn lạc cướp bóc, chiến tranh máu lệ. May mà đất đai ở đây giàu sản vật, đã giúp họ trụ vững để thực hiện sứ mệnh làm cho đất nước thêm rộng dài. Đất giàu tôm cá đã sinh ra đời sống của mùa đìa. Đó vừa là bản sắc của vùng đất, vừa là tâm hồn của đồng ruộng làng quê sưởi ấm hồn người. Người nông dân nhìn ra đồng thấy đồng xanh và trời xanh, thấy đất quê hương như vòng tay ân tình sinh cá, sinh lúa nuôi mình lớn lên, sinh ra mùa đìa cá cho mình an cư. Thế rồi một tình yêu đồng ruộng đằm thắm mà chứa chan đến với ta hồi nào không nhớ nữa, chỉ biết rằng nó đến trước khi ta học bài vỡ lòng về tình yêu quê hương đất nước.

Phan Trung Nghĩa
(Theo baocamau.com.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 438
  • Khách viếng thăm: 434
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 94864
  • Tháng hiện tại: 1960643
  • Tổng lượt truy cập: 48334770