Đồng Tháp Mười qua vài dấu ấn

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/06/2023 18:48
(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi bút ký khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022)

1. Mùa hè năm 1985, tôi đi đắp lộ 49 cùng với hàng ngàn người đủ các giới ở tỉnh Long An, và đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt Đồng Tháp Mười. Lộ 49 là lối đi duy nhất về Đồng Tháp Mười mà chưa tới Mộc Hóa- trung tâm của Đồng Tháp Mười- đã dừng lại. Đạn bom và lũ lụt triền miên tàn phá con lộ ngày càng dày vết sẹo chiến tranh.
Đi xe 2 bánh nhảy qua các mô đất,một ông lãnh đạo huyện làm thơ“Đường về Mộc Hóa bao xa/đàn ông dập đít…” Trước giải phóng, duy nhất có đường sông Vàm Cỏ Tây đi Đồng Tháp Mười với chiếc ghe đò già nua chừng chục chỗ ngồi chạy cà rịch cà tang cả ngày trời, ai cũng ngán đi. Lộ 49 phục sinh giữa lúc chiến tranh biên giới Tây Nam đang bùng nổ. Sau một ngày xắn đất đắp lộ, mọi người nghỉ lại đêm trên lưng bờ đất mấp mô, mai làm tiếp. Tôi nằm nghe tiếng súng giao tranh từ biên giới vọng lại, cảm giác chiến trận đang diễn ra gần lắm. Tôi nhớ câu chuyện ông Nguyễn Thành Đồng (Hai Đồng), Phó Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa. 19 tuổi, ông làm Xã đội trưởng xã Tân Lập- chỗ chúng tôi đang đắp lộ 49 đây. Từ đây đến Tân Thạnh chỉ mấy cây số ngắn ngủi mà có tới 9 cây cầu, mỗi cầu địch đóng một đồn lính, xây một lô cốt trí súng đại liên ra các lỗ châu mai để khống chế hành lang Giải phóng chuyển quân và vũ khí từ miền Đông xuống miền Tây. Xã đội Hai Đồng đánh nhau với địch như cơm bữa, tính hết không dưới 200 trận lớn, nhỏ chỉ chưa đầy 3 năm. Năm 1966, địch kéo cả đại đội tới đánh Hai Đồng ở Bình Hòa chỉ có 6 chiến sĩ, 2 trung liên và 1 garant Mỹ (chiến lợi phẩm). Địch đông, súng đạn nhiều, bắn không tiếc. Hai Đồng phất cờ Mặt trận, hô“xung phong!”, tức thì chúng quay mũi tàu tháo chạy. Tôi hỏi lý do, ông nói tại quân giải phóng chủ lực (cấp tiểu đoàn trở lên) mới giương cờ Mặt trận để xung phong. Mình làm động tác giả để đánh lừa, bọn nó sợ chết, bỏ chạy. Khà khà…Ông kể tiếp:
   -Cuối năm 1966, lũ dâng tràn Đồng bằng sông Cửu Long, phủ nước trắng Đồng Tháp Mười. Dân lùa trâu bò, chở lúa gạo lên gò Tân Mai nửa bên mình, nửa bên Campuchia. Địch bất ngờ đi thuyền bay(mui thuyền gắn động cơ như trực thăng để bay qua chướng ngại vật) ào tới nã đạn xối xả. Dân đang bơi xuồng đánh bắt cá dưới gò, trúng đạn chết chìm hơn 30 người. Trên gò, trâu bò trúng đạn nằm la liệt. Dân tự vác bao lúa cho Hai Đồng xây pháo đài cấp tốc trên gò, dùng sào dài gài trái nổ xóc ngang mặt nước quanh gò. Đám thuyền bay hung hăng lao tới như muốn nuốt trững cái gò, đụng trái nổ trên đầu sào lật nhào cùng lúc đạn trung liên, tiểu liên từ pháo đài Hai Đồng bắn ra phát nào trúng phát nấy khiến địch hoảng loạn níu nhau chết chìm cả lũ. Lúc đó, Hai Đồng chỉ có 3 chiến sĩ đặc công với ông xông ra đánh địch mà lại thắng lớn; chỉ thương dân chạy lũ chết oan…
     Khi Hai Đồng đã thành ông già hưu trí làm sếp Chi hội Sinh vật cảnh thị xã Kiến Tường. Tại một hội thi sinh vật cảnh tỉnh Long An, ông thuê xe tải chở cái bể thủy tinh to kềnh có cặp cá trê khổng lồ, đen mun đến trưng bày, người xem bu lại rất đông. Ông cao hứng nói “đây là cặp vợ chồng nhà Trê từ sông Mekong trôi xuống hố bom Mỹ trên đất tui, đã mấy chục năm rồi, nghe bà con. Tới khi tui bơm nước cạn, lôi vợ chồng nó lên khỏi hố bom, mỗi con dài hơn sải tay, cân cả cặp nặng 50 ký. Đây là di sản Đồng Tháp Mười, cần bảo tồn nghen bà con!”.
2.    Di sản Đồng Tháp Mười? Tôi nhớ trận lũ lịch sử năm 2000 ở gò chùa Cổ Sơn Tự, tục gọi chùa Nổi, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, huyện Vĩnh Hưng. Dân chạy lũ lên gò, chen chúc dưới những tán Sao cổ thụ. Gò Nổi, chùa Nổi là tên dân gian, vì lũ lớn mấy cũng không ngập.“Nổi”là do chùa ở trên đỉnh gò cao 6-7 thước làm sao ngập được. Sư già trụ trì chùa, cho hay: Đây là chỗ tránh trú lũ xưa nay của dân khắp vùng. Lên chùa Nổi ăn cơm chùa, ngủ đất chùa an toàn. Sư chỉ cổ thụ trên gò, nói nhà chùa có lúc phải canh giữ ngày đêm mới còn. Trước đây, vùng này có tới 10 cái gò nguyên sinh là di sản Đồng Tháp Mười đều phủ bóng cổ thụ. Qua các đợt di dân lập nghiệp, dân tự phá gò lấy đất, lấy cây làm nhà, san gò thành ruộng hết. Nay chỉ còn gò chùa Nổi đây thôi. Nghe sư nói“di sản Đồng Tháp Mười”, tôi ngắm gò, ngắm từng cổ thụ cao vút, rồi về làm hồ sơ gởi Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ở Hà Nội. Chỉ 3 tháng sau,hội này đã cấp bằng Cây di sản Việt Nam cho cổ thụ chùa Nổi. Chùa Nổi cũng là di tích lịch sử cách mạng đã được Nhà nước cấp bằng công nhận, vì suốt cuộc chống Pháp, chống Mỹ, chùa là cơ sở cách mạng, có kho vũ khí và hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội cách mạng.
    Ông Lê Văn Thích(Út Thích)sau nhiều năm làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng, rồi Tân Hưng, cũng vì “di sản Đồng Tháp Mười”mà đấu tranh quyết liệt để giữ lâm trường Vĩnh Đại và Láng Sen không bị xóa đi trong quá trình khai hoang, phục hóa. Nhiều lần ông bị phê bình, chỉ trích“bỏ đất hoang”. Ông bảo, đất Đồng Tháp Mười còn trống bề bề mấy vạn mẫu kia…Ngay cả Dự thảo nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện ghi “Khai thác đất hoang khu Láng Sen”…, ông cũng gạch bỏ, Ông từng nằm vùng suốt thời chống Mỹ ở đây. Nhiều lần ông đi xuồng, bị trực thăng Mỹ dí theo bắn bể nát mũi xuồng, ông phải lặn xuống kinh trốn. Rất nhiều lần ông bị trực thăng Mỹ rà rát da đầu, ông nâng lá sen che mà thoát chết.“Vậy nên tui rất nhớ ơn Láng Sen”, ông tâm sự. Sau này, khi Láng Sen đã được Tổ chức Công ước Ramsar trao quyết định công nhận “Khu bảo tồn đất ngập nước thế giới”- Láng Sen chính thức trở thành khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2227 thế giới. Có lần vào Láng Sen, tôi gặp ông, ông thao thiết về những năm tháng đấu tranh bảo vệ Láng Sen. Đây như một Đồng Tháp Mười nguyên thủy thu nhỏ. Hơn năm ngàn mẫu rừng tràm nguyên sinh, hàng trăm loài thực vật ngập nước, hàng trăm loài động vật có xương sống…Nhân viên Láng Sen từng câu cá biểu diễn cho khách tham quan xem: dùng dây dù và lưỡi câu to móc con ếch bự, kéo cây tre trong lùm xuống làm cần. Chỉ nhắp vài cái đã nghe đánh rầm một tiếng, cây tre cao bị cá kéo ghịt xuống nước quặt qua quặt lại, 2-3 anh ra sức lôi con“thủy quái”vằn vện dài cả sải tay lên gò. Một anh nói“đây là cá lóc bông  sông Mekong”. Anh khác bảo, Láng Sen có rất nhiều giống cá đặc hữu sông Mekong. Cá tra dầu có con to tày chiếc xuồng. Cá hô có con to tày cái bàn học trò. Tôi đã được xem các phim tài liệu Láng Sen và đi thực địa bằng xuồng; được ăn cá lóc nướng trui cuốn lá sen non với rau sống đủ loại mọc tự nhiên trên láng ngập nước quanh năm. Ốc bươu ở láng to tày chén ăn cơm, nướng rất giòn. Nhân viên Ramsar -Láng Sen hầu hết là nam, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp mà lại nấu nướng quá giỏi trong lúc phải canh giữ 149 loài động vật có xương sống thuộc 46 họ hót, gáy, hợp xướng với gió dạo nhạc rừng suốt ngày suốt đêm. Bình minh vừa ló dạng, không gian đã lấp lánh muôn ngàn cánh cò, già đẫy, diệc lửa, diệc xám, le le, vịt  trời, giang sen…Chúng không bay lẻ tẻ mà kết từng đám cùng loài-như những đám mây từ trong ruột rừng tràm vụt lên, sà xuống xao động cả biển lá rập rờn. Có lẽ chúng muốn trình diễn những màn khiêu vũ ngoạn mục trên không trung để làm mãn nhãn người xem hay là bày tỏ sự lưu luyến chưa muốn rời đi dù chỉ sau một ngày kiếm ăn tứ tán, chúng lại về với cái vương quốc ấm êm của mình. Chim nhiều đến độ đẻ rớt trên những dề rau dừa, lá sen và lục bình từng chùm, nhặt lên hết phải đầy xuồng.
3.   Đồng Tháp Mười-phần thuộc tỉnh Long An- gần 300 ngàn hecra. Cho tới sau chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nơi đây vẫn còn nguyên“cánh đồng hoang…mùa nắng đất khô cỏ cháy, mùa khô nước ngập lan tràn”. Trong bạt ngàn hoang sơ “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”ấy, trận lũ 1978, các loài trăn, rắn tranh nhau treo mình trên những ngọn cây chưa bị ngập; họ hàng nhà chuột hết đất sống cũng chen lên đó để nộp mình cho loài bò sát kia! Sau lũ, dân Long An đều phải ăn bo bo, khoai mì thay gạo; vẫn tính chuyện“lấp kín Đồng Tháp Mười”. Nông trường Lúa Vàng với hơn 3.000ha và hình ảnh chiếc trực thăng gieo giống khiến ai cũng ngỡ ngàng trước cách trồng lúa hiện đại ấy! Thế mà khi gặt, cỏ vẫn hoàn cỏ! Tỉnh mời chuyên gia trị phèn Ba Lan đến nghiên cứu nhiều lần, rồi kết luận: Đất này đầu tư ít nhứt là một triệu USD mới cải tạo được một hecta! Cả Đảng bộ ngày đêm đau đáu, trăn trở tư duy…
     Rồi Chương trình khai thác tiềm năng tổng hợp (gọi nôm na:“Lấp kín Đồng Tháp Mười”) ra đời. Long An táo bạo“đẻ”ra 6 binh đoàn bộ đội kinh tế với mấy chục ngàn quân mà vũ khí là máy cày, máy ủi, cuốc xẻng, dao rựa xông vào“cánh đồng hoang”. Huyện Mộc Hóa tách ra làm 4 huyện mới: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, và Mộc Hóa cũ nữa là 5 huyện Đồng Tháp Mười, cùng đón hàng vạn hộ dân trên mọi tỉnh, thành cả nước về lập làng kinh tế mới!
    Ngày ấy, tôi đi trấp Rùng Rình sâu và xa khuất nhất, là một phần chiến khu Đồng Tháp Mười trong kháng chiến, nay là 2 xã kinh tế mới Thuận Bình và Tân Hiệp có kinh Ma-reng chảy qua. Câu ca dao xưa:“Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”là đây. Lính Pháp, lính Mỹ đều rất sợ trấp; chỉ ở xa nã đại bác vào. Có lần dân chạy giặc về, thấy từng đống rơm lạ. Đến gần, mới hay đó là xác trâu bò bị trúng đạn đại bác chết sình, kên kên, bồ cắc, quạ…bu vào rỉa...Ấy thế mà nhiều lão cựu chiến binh về hưu lại bỏ phố lên căn cứ cũ trấp Rùng Rình mở đất! Anh bộ đội kinh tế Hai Hiền ám ảnh buổi đầu mở đất vùng này, vừa lái máy cày húc vô lùm cỏ mồm đã cán phải trái nổ làm banh bánh xích. Sau mỗi đường cày là xác rắn, rùa, cá đồng đủ loại nằm la liệt, anh đem bao tải nhặt lấy, đốt lửa nướng trui cho cả đội cày chấm muối tiêu chanh đưa cay giữa đất trời hoang vắng. Đây là cách“ăn hoang dã”thời khẩn hoang. Anh Thái Tùng Quân 16 tuổi là du kích, có bằng“Dũng sĩ diệt Mỹ”. 20 tuổi là bộ đội đánh trận, bị thương mất một bàn chân. Năm 1985, anh chèo xuồng đưa vợ mua hàng trôi nổi trên đồng nước lũ để bán kiếm lời mua sữa cho con thời bao cấp, bị bắt“lên lớp”đến tê tái cả người mà phẫn chí đưa cả nhà đi trấp Rùng Rình nhập làng kinh tế mới. Dấu chân tròn của anh in khắp đất trấp. 5 năm sau anh đã có 36 ha đất khai phá từ một máy cày tay; rồi làm chủ chục máy cày, máy ủi- một đội dịch vụ cơ giới hùng hậu trên đồng ruộng- trở thành“thương binh triệu phú”đầu tiên  trên vùng trấp Rùng Rình.
   Ở kinh Bắc Chang chảy qua ấp Bình Tây, xã Thạnh Hưng, Kiến Tường, có cô gái đeo huân chương kháng chiến chống Mỹ lái máy cày ra vỡ đất cỏ ngập đồng sâu, dù cô đang làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Khai khẩn đến hơn 30ha đất, ngày đêm cô trăn trở: chọn giống lúa gì để giúp chị em phụ nữ làm ruộng khá lên. Tập quán bao đời nay: làm lúa mùa nổi mỗi năm một vụ bấp bênh theo âm lịch: Tháng Tám- mùa nước nổi, xuống giống. Nước dâng tới đâu lúa vượt lên tới đó. Tháng Giêng- mùa khô, cây lúa cao 6-7 mét ngã rạp trên mặt ruộng, gặt rất khó mà năng suất lúa chưa tới 2 tấn/ha. Cô quyết định đi tìm giống lúa ngắn ngày ở miền Tây. Chỉ làm qua vụ đầu, cô đã thu kết quả 3,5 tấn/ha. Cô đi vận động chị em phụ nữ và cung cấp lúa giống, hướng dẫn cho họ làm lúa mỗi năm 2 vụ: đông xuân và hè thu. Ấy thế mà phải 3-4 năm sau khi cô sản xuất thành công giống lúa ngắn ngày, năng suất 4- 4,5 tấn/ha/vụ, vẫn có những đầu óc bảo thủ cự cãi…Tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt, dân cố cựu mới chịu làm lúa ngắn ngày theo mô hình Nguyễn Thị Hồng.
    Nông dân Nguyễn Thị Hồng đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Giả thử bây giờ có ép dân vùng này làm lúa mùa nổi, không ai dại gì làm. Lúa ngắn ngày luôn được lai tạo giống mới, năng suất có nơi đạt 8 tấn/ha/vụ.
       Đồng Tháp Mười từ“cánh đồng hoang bất tận”đến vựa lúa lớn nhất của tỉnh Long An là hơn cả một kỳ tích, mà không phải tốn cả triệu USD/ha như nhà khoa học nước ngoài đánh giá. Phương pháp“ém phèn”của nông dân sở tại đã làm nhiều nhà khoa học phải trố mắt ngạc nhiên.
4. Đời thường của người nữ Anh hùng lao động sao mà dung dị quá. Chị đã để lại thời thanh xuân cho bưng biền kháng chiến và bưng biền khai hoang phục hóa. Tuổi cao, mất sức lao động đến quá nhanh. Mới đây, tôi gặp Anh hùng lao động Nguyễn Thị Hồng từ nhà máy xay lúa của gia đình để lại. Chị cho biết nhà máy chủ yếu chế biến lúa gạo cho chị đem đi cứu trợ dân nghèo thiếu ăn. Bên những gốc đa, đề, sanh, si cổ thụ đẹp như tác phẩm bonsai nghệ thuật soi bóng xuống dòng kinh Bắc Chang trước nhà chị, chị kể, hồi chống Mỹ, Bộ tư lịnh Khu 8 của tướng Trần Văn Trà đã biến kinh này thành chiến hào lợi hại. Tướng Trà đóng bản doanh ở ấp Bình Tây nhau rún của chị. Sau ngày giải phóng, là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, tướng Trà về thăm ấp Bình Tây, bà con đưa tắc ráng ra bờ kinh Bắc Chang đón, thấy tướng quân quảy đôi giày lính lên vai, xắn quần lội bờ ruộng sình vừa đi vừa vẫy tay chào bà con. Tướng quân nhớ đúng cái nhà đóng Bộ tư lệnh Khu 8 của ông năm xưa. Bà con kéo tới chật nhà chào hỏi vị tướng quân khả kính của mình. Tướng quân trò chuyện và hỏi thăm từng người. Khi biết mọi người chuẩn bị bữa cơm đãi ông, ông bảo, hồi chiến tranh ở bưng ăn sao thì bây giờ xin bà con cho tôi ăn y như vậy. Tôi rất thích món rau tập tàng hái ngoài bưng và cá rô kho lấy nước chấm rau. Đừng có làm gà làm vịt, tôi không ăn đâu…
     Đồng Tháp Mười mệnh danh“Căn cứ lòng dân”và “Bưng biền kháng chiến”là vậy. Dẫu không núi thẳm rừng sâu, nhưng lòng dân là căn cứ vững chắc tạo điểm tựa cho các lực lượng cách mạng trong chống Pháp, chống Mỹ ở nơi đây.
      Bây giờ, mời bạn về thăm Đồng Tháp Mười qua di tích Xứ ủy Nam Kỳ và Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ bên bờ kinh Dương Văn Dương(Nhơn Hòa Lập,Tân Thạnh, Long An). Di tích phục dựng như thuở ban đầu nguyên nét hoang sơ. Và lộ 49 cũ, nay là quốc lộ 62- đường nhựa thênh thang, xe các loại chạy về miền Tây qua ngả này. Dọc tuyến đường phòng thủ biên giới- từ khu đền thờ Anh hùng-liệt sĩ Long Khốt chạy qua các xã kinh tế mới vùng biên- bạn sẽ thấy bát ngát những vườn và trang trại của dân, cảm giác như ở miệt vườn miền Tây đủ loại cây trái nhiệt đới. Cái hay của dân nhập cư là tính cộng đồng. Dù từ đâu đến, họ vẫn vừa giữ bản sắc vừa hòa đồng trong cuộc sống tinh thần và vật chất. Như dân xã kinh tế mới trù phú Hưng Hà (Hải Hưng, Hà Bắc) ghép lại là để nhớ cội nguồn. Có khi cùng một ấp mà giọng nói đủ cả Bắc-Trung-Nam; cái hay, cái tốt trong phong tục, tập quán- cùng sẻ chia trong cuộc sống dài lâu và vững bền…
Quang Hảo
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 133
  • Khách viếng thăm: 128
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 36124
  • Tháng hiện tại: 346294
  • Tổng lượt truy cập: 67320785