Nhạc sĩ Trần Linh Người lính già vui vẻ luôn cất cao tiếng hát yêu đời

Đăng lúc: Thứ ba - 15/11/2016 14:19
Nhạc sĩ Trần Linh, một trong những nhạc sĩ gạo cội của Tiền Giang đã từ trần lúc 17h ngày 21/02/2016, thọ 78 tuổi. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 
Bìa tập ca khúc Trần Linh

Bìa tập ca khúc Trần Linh

Trong số những văn nghệ sĩ Tiền Giang, nhạc sĩ Trần Linh được biết đến với vai trò ba trong một. Ông không chỉ là nhạc sĩ sáng tác, mà còn là một ca sĩ với giọng hát khỏe khoắn, trong trẻo được nhiều người mến mộ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà con ở vùng giải phóng hầu như ai cũng từng một đôi lần được nghe ông hát. Cho đến bây giờ, trong những buổi họp mặt bạn bè, mọi người lại yêu cầu được thưởng thức ca khúc “Người lính già vui vẻ” (của cố nhạc sĩ Thanh Trúc), vốn là “bài hát ruột” của ông. Ngoài ra, Trần Linh còn được biết đến trong vai trò của một cán bộ lãnh đạo văn nghệ được rất nhiều anh em văn nghệ sĩ quý trọng.

Nhạc sĩ Trần Linh, tên thật là Phạm Trần Linh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông sinh năm 1938 tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Sinh ra trong thời lửa loạn, chàng trai trẻ Phạm Trần Linh đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Lên 15 - 16 tuổi, ông đã bắt đầu tham gia lực lượng đoàn viên bí mật của địa phương. Đến năm 1961, Trần Linh thoát ly gia đình làm cán bộ văn nghệ Ban Tuyên huấn Huyện ủy Cái Bè. Thời gian này, do đặc thù của lĩnh vực công tác cộng với niềm đam mê nghệ thuật sẵn có nên Trần Linh bắt đầu tập tành sáng tác nhạc. Những sáng tác đầu tay của ông mặc dù còn nhiều hạn chế về kỹ thuật nhưng đã tạo được sự chú ý và đã bộc lộ được tố chất của một nghệ sĩ đa tài.

Tháng 6 - 1964, Tiểu ban Văn nghệ R và Phòng Văn nghệ Cục Chính trị Quân Giải phóng Miền phối hợp tổ chức lớp tập huấn ca múa nhạc đầu tiên cũng là duy nhất tại căn cứ Trung ương Cục với thời gian kéo dài hơn 3 tháng. Lớp học tập hợp gần 300 cán bộ, diễn viên của các đoàn Văn công Giải phóng, Quân Giải phóng từ Tây Nguyên, Sài Gòn, Gia Định, khu 6 đến hầu hết các tỉnh Nam bộ về dự. Trần Linh là một trong số những học viên được cử tham gia khóa học này để trau dồi thêm kiến thức âm nhạc cũng như kỹ năng sáng tác. Kết thúc lớp học, ông cùng các thành viên trong đoàn nhanh chóng về địa phương triển khai xây dựng chương trình biểu diễn vào dịp Tết đầu tiên ta đơn phương tuyên bố ngừng bắn để cho đồng bào ăn Tết năm 1964 - 1965.

Từ năm 1965 đến 1973, ông giữ các chức vụ Phó đoàn rồi Trưởng đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho, Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp khu Trung Nam bộ (Khu VIII). Cho đến tận bây giờ khi tuổi đã ngoài bảy mươi, trong lời kể nhạc sĩ Trần Linh vẫn còn nhớ như in những đêm biểu diễn trên sân khấu dã chiến dưới ánh đèn măng-sông phục vụ chiến sĩ và nhân dân ở khắp vùng Tây Nam bộ, có khi sang tận biên giới Campuchia. Những chiến sĩ tay ôm đàn, tay cầm súng thời ấy chỉ mới vừa mười mấy đôi mươi đã không tiếc máu xương ngày đêm băng rừng, vượt đồng hát dưới bom đạn và sự truy lùng khốc liệt của giặc.

Ông kể, có khi đoàn phải đi bộ hàng trăm cây số để đến được điểm diễn. Thành viên trong đoàn phải chia nhau mang vác từ âm thanh, đèn đuốc, phông màn, đạo cụ cho đến những vật dụng cá nhân, vá đào đất, bình nước và thậm chí xoong nồi để nấu ăn. Giữa lúc chiến trận

diễn ra rất ác liệt, đoàn văn công phải biểu diễn ngay trên những sân khấu dã chiến, buổi chiều dựng lên và đến tối diễn ngay. Thế mà đêm diễn nào cũng đông đảo khán giả theo dõi và cổ vũ. Mùa nước nổi, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều ngồi trên những chiếc xuồng ba lá xem biểu diễn, “sân khấu” được dựng tạm bợ trên mặt nước. Có những lúc đang diễn thì địch đi càn, mọi người phải sơ tán khẩn cấp. Lại có những khi vừa lên câu vọng cổ thì có máy bay địch, lúc ấy sân khấu nhanh chóng được dỡ chôn xuống hầm, tắt hết đèn để trốn địch, xong đâu vào đấy mọi người lại dựng lên diễn tiếp. Vất vả và nguy hiểm như thế nhưng đoàn văn công do ông phụ trách vẫn bám chiến trường, bom pháo cỡ nào cũng quyết đi biểu diễn phục vụ bộ đội và bà con.

Những năm 1972-1973 chiến sự diễn ra ác liệt, rất nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi ra đi trước sự truy quét của kẻ thù. Đoàn có mười mấy người nhưng bị bắt và hy sinh gần hết, có khi chỉ còn lại vỏn vẹn 4 người. Cứ người này nằm xuống, ông lại tìm người thay thế, cả đoàn cứ thế bám trụ, tập dượt các tiết mục văn nghệ và vẫn cất vang tiếng hát suốt những năm bom đạn. Có những buổi biểu diễn phục vụ cho hàng ngàn đồng bào ở vùng nông thôn giải phóng, vùng ven đô thị, chia nhỏ thọc sâu vào vùng tạm chiếm, vùng xôi đậu làm công tác vũ trang tuyên truyền, không những mang sức mạnh tinh thần cho chiến sĩ, đồng bào ta mà còn góp phần tích cực vào công tác địch vận.

Có thể nói, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhạc sĩ Trần Linh là cán bộ văn nghệ trực tiếp lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng ông luôn lạc quan, tin vào sự nghiệp giải phóng đất nước sẽ giành thắng lợi, đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhạc sĩ Trần Linh không chỉ đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn văn công “đứng mũi chịu sào” mà ông còn kiêm cả vai trò ca sĩ, nhạc công (ông chơi được rất nhiều loại đàn) và sáng tác ca khúc cho đoàn biểu diễn.

Phần lớn những ca khúc của nhạc sĩ Trần Linh được sáng tác trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, phục vụ tích cực cho phong trào kháng chiến như: Dân tao không sờn bom pháo (1967), Ngợi ca Lê Thị Hồng Gấm (1966), Phất cao cờ Ấp Bắc (1967), Xông lên cướp chính quyền (1968)… Sau hòa bình, ông có thêm nhiều sáng tác mới để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Hò đào kinh (1976), Có làm mới có ăn (1977), Hương lúa tình quê (1988), Tiếp bước cha ông (1994)... Tác phẩm của nhạc sĩ Trần Linh tuy khá khiêm tốn về số lượng (chỉ trên dưới 40 bài) nhưng hầu hết những ca khúc của ông đều đã có phần đóng góp nhất định trong việc động viên, tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau hòa bình. Ghi nhận những thành quả trong chặng đường âm nhạc của nhạc sĩ Trần Linh, Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang đã xuất bản tuyển tập giới thiệu 20 ca khúc tiêu biểu của ông đến công chúng.

Ca khúc của nhạc sĩ Trần Linh hầu hết đều mang mục đích chính trị rõ ràng nhưng lời nhạc không chỉ là những câu khẩu hiệu khô khan. Sáng tác của ông ít nhiều đều mang âm hưởng dân ca với phần giai điệu vui tươi, dí dỏm, lời ca mộc mạc và gần gũi nên dễ dàng đi vào lòng người. Nhạc của ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại với âm hưởng hào hùng, lạc quan yêu đời pha lẫn chất trữ tình, lắng đọng.

Trong bài “Hò đào kinh” ông viết:

Ngàn đôi tay lao động đào kinh

Sức ta là sức muôn ngàn người

Vắt đất ra nước thay trời làm mưa

Ý ta là ý của toàn dân

Nghiêng sông trút nước lên đồng ruộng ta…

Những lời ca như lời tâm tình thủ thỉ và cũng là lời quyết tâm có sức hiệu triệu vô cùng to lớn:

Vì ngày mai vai kề vai ta tiếp bước

Quyết dựng xây đất nước đẹp giàu

Vượt trùng dương qua rừng sâu núi thẳm

Giữ lấy quê mẹ xanh ngút ngàn bầu trời Việt Nam…

(Tiếp bước cha ông)

Ông cũng có nhiều ca khúc ca ngợi truyền thống anh hùng, cũng như vẻ đẹp của quê hương Tiền Giang đã được nhiều người biết đến:

Tiền Giang ơi theo bước đường ông cha

Có Long Hưng bất khuất, Ấp Bắc lừng vang

Đường thênh thang là đường

cách mạng thắng lợi huy hoàng.

Tiền Giang ơi, ôi đẹp Tiền Giang...

(Tiền Giang quê mẹ đẹp giàu)

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhạc sĩ Trần Linh được Tỉnh ủy phân công đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè, rồi tiếp tục giữ các chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang cho tới ngày nghỉ hưu. Có thể nói, nhạc sĩ Trần Linh là người có công lớn trong việc củng cố và xây dựng đội ngũ sáng tác cho phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Ông là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhiệm kỳ đầu tiên, được bầu từ Đại hội lần thứ I năm 1988. Trong những ngày mới thành lập với rất nhiều khó khăn, chính nhạc sĩ Trần Linh là người đã đặt nền móng, củng cố lực lượng, xây dựng mối đoàn kết và đi sâu vào hoạt động chuyên môn cho hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Những năm cuối đời, nhạc sĩ Trần Linh phải chống chọi với căn bệnh nan y, đau đớn về thể xác nhưng tinh thần ông vẫn rất lạc quan. Ông tâm sự, cuộc đời ông đã nguyện cống hiến hết cho cách mạng, cho nghệ thuật. Thật may khi mình vẫn còn sống cho đến hôm nay để nhìn thấy quê hương đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt, trong khi nhiều đồng đội khác đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Và như nhân vật trong “bài hát ruột” của mình, người lính già vui vẻ Trần Linh vẫn nguyện luôn cất cao tiếng hát yêu đời…

Lê Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 73)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 210
  • Khách viếng thăm: 203
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 15756
  • Tháng hiện tại: 537036
  • Tổng lượt truy cập: 60887174